Xử lý số tiền bị chiếm đoạt nhưng chủ sở hữu, bị hại không yêu cầu trả lại tài sản
Tại phiên tòa, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án không yêu cầu các bị cáo phải hoàn trả lại số tiền 12.280.000 đồng (số tiền mua 18 bình ắc quy mà các bị cáo đã bán). Giải quyết số tiền này như thế nào?
Trong khoảng thời gian từ ngày 22/02/2020, bị cáo Trần Quốc Đ đã một mình thực hiện 5 vụ trộm cắp tài sản của các trạm phát sóng thuộc Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel trên địa bàn các tỉnh Miền tây, chiếm đoạt 12 bình ắc quy nhãn hiệu NARADA AG 12V 155Ah và 05 bình ắc quy nhãn hiệu Coslight GYFB4850T 48V 50Ah Lithium, có tổng giá trị là 88.843.287 đồng.
Ngoài ra, Đ cùng với Nguyễn Minh T thực hiện 2 vụ trộm cắp tài sản của các trạm phát sóng thuộc Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel trên địa bàn tỉnh VL, TV, chiếm đoạt 06 bình ắc quy nhãn hiệu NARADA AG 12V 155Ah, có tổng giá trị 15.156.000 đồng. Các bị cáo đã bán 18 bình ắc quy trong số 23 bình ắc quy đã lấy và thu được tổng số tiền là 12.280.000 đồng (bị cáo T được 1.800.000 đồng và bị cáo Đ được 10.480.000 đồng), 18 bình ắc mà các bị cáo đã bán cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đã được thu hồi và trả lại cho Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel.
Tại phiên tòa, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án không yêu cầu các bị cáo phải hoàn trả lại số tiền 12.280.000 đồng (số tiền mua 18 bình ắc quy mà các bị cáo đã bán).
Từ thực tiễn xét xử nêu trên, việc xử lý tài sản bị chiếm đoạt trong trường hợp này còn có các quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất: Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án áp dụng điểm b khoản 1 Điều 47 BLHS tuyên tịch thu sung vào ngân sách nhà nước số tiền số tiền 12.280.000 đồng (bị cáo T phải nộp 1.800.000 đồng và bị cáo Đ nộp 10.480.000 đồng). Mặc dù, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án không yêu cầu các bị cáo phải hoàn trả lại số tiền mà họ đã bỏ ra để mua 18 bình ắc quy nhưng số tiền này được xác định là tiền do phạm tội mà có nên tịch thu sung vào ngân sách nhà nước là phù hợp.
Quan điểm thứ hai: Đối với số tiền 1.800.000 đồng của bị cáo T và 10.480.000 đồng của bị cáo Đ có được do bán 18 bình ắc quy nhưng những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án không yêu cầu các bị cáo phải hoàn trả lại nên căn cứ quy định tại Điều 194 BLDS về quyền định đoạt của chủ sở hữu thì không được tịch thu số tiền trên, không buộc các bị cáo phải nộp lại số tiền 12.280.000 đồng mà phải ghi nhận ý kiến của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Tác giả đồng tình quan điểm thứ 2, dựa trên căn cứ: Ngày 01/10/2019 TANDTC có Công văn số 233/TANDTC-PC về việc trao đổi nghiệp vụ (gọi tắt là Công văn 233). Theo đó, tại Mục 3 Công văn số 233 đã nêu như sau: “Về việc xử lý tài sản bị chiếm đoạt trong trường hợp tại phiên tòa dù đã được Hội đồng xét xử giải thích quyền được đòi lại tài sản bị chiếm đoạt, yêu cầu bồi thường nhưng bị hại có ý kiến không yêu cầu bị cáo trả lại tài sản đó và cũng không yêu cầu bị cáo phải bồi thường
Theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 47 của Bộ luật Hình sự về tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm thì:
“1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:
a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;
b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;
c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành.
2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.”
Theo quy định trên thì vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép thì không thuộc trường hợp tịch thu sung vào ngân sách nhà nước mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 194 của BLDS thì: “Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản”.
Như vậy, trong trường hợp tại phiên tòa dù đã được Hội đồng xét xử giải thích quyền được đòi lại tài sản bị chiếm đoạt, yêu cầu bồi thường nhưng bị hại có ý kiến không yêu cầu bị cáo phải trả lại tài sản đó và cũng không yêu cầu bị cáo phải bồi thường thì Tòa án không tuyên tịch thu tài sản đó mà ghi nhận ý kiến của bị hại trong bản án.”
Mặt khác, xem xét các quy định của BLDS về quyền của chủ sở hữu, cụ thể tại khoản 2 Điều 2 BLDS quy định: “…Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Tại Điều 3. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định: “1. Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
3. Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
4. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
5. Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.” và Điều 194 của BLDS thì quy định: “Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản”.
Vì vậy, trong tình huống trên, căn cứ vào các quy định đã phân tích, thì việc không nhận lại tài sản là quyền dân sự của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, Toà án cũng đã giải thích cho những người này được rõ nhưng họ vẫn không nhận, không yêu cầu các bị cáo hoàn trả lại số tiền mà họ đã dùng để mua 18 bình ắc quy. Do đó, không tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước đối với số tiền 12.280.000 triệu đồng mà bị cáo Đ, T có được do bán tài sản trộm cắp mà mà ghi nhận ý kiến của họ trong bản án là phù hợp với các nguyên tắc và quy định của BLDS về quyền tự do định đoạt tài sản của chủ sở hữu.
Trên đây là quan điểm của tác giả về vấn đề này, mong nhận được sự trao đổi của đồng nghiệp và quý bạn đọc./.
Tòa án nhân dân huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh xét xử vụ án trộm cắp tài sản - Ảnh: Hoàng Long
Bài liên quan
-
Bàn luận về chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra
-
Công ty khởi kiện yêu cầu giám đốc hoàn trả tiền và bồi thường thiệt hại, thẩm quyền giải quyết?
-
Chính phủ hoàn thiện các dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, tái định cư, giá đất và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất
-
Hành vi của Tr, Đ, H phạm tội Trộm cắp tài sản
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Chánh án TANDTC Lê Minh Trí gặp mặt các đồng chí lãnh đạo TANDTC qua các thời kỳ
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Phạm vi trách nhiệm hình sự của hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm an toàn giao thông gây ra
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận