Không áp dụng tình tiết định khung “có tính chất côn đồ” theo quy định tại Điều 134 BLHS đối với Nguyễn Thanh T
Sau khi nghiên cứu bài viết “Áp dụng tình tiết định khung hình phạt quy định tại Điều 134 BLHS” của tác giả Nguyễn Tất Duẩn, đăng vào ngày 5/4/2023, tôi cho rằng, Nguyễn Thanh T không phải chịu tình tiết định khung “có tính chất côn đồ” quy định tại Điều 134 BLHS.
Thứ nhất, nguyên nhân T có hành vi phạm tội gây thương tích cho anh N là do được B thuê với mục đích để nhận lợi ích vật chất từ anh B khi thực hiện hành vi phạm tội với số tiền 1.000.000 đồng.
Thứ hai, theo Án lệ số 17/2018/AL của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, yếu tố được đánh giá là có tính chất “côn đồ” phải có nguyên nhân từ mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt. Trong khi đó giữa T và anh N không có mâu thuẫn, xung đột từ trước. Ngoài nguyên nhân được thuê, không còn nguyên nhân nào khác khi T thực hiện hành vi phạm tội gây thương tích cho anh N.
Tại Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 và Hội nghị tổng kết công tác ngành TAND năm 1995 có hướng dẫn về tình tiết côn đồ :“Khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người.
Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự người khác, gây gổ hành hung người khác một cách rất vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt, ví dụ như đi xe đạp, xe máy va quệt vào người khác, có khi chính mình có lỗi nhưng đã kiếm cớ để đánh hoặc giết người ta, mặc dù có thể người kia cũng có lỗi nhỏ. Những kẻ đâm thuê chém mướn phải coi là biểu hiện tính côn đồ”.
Theo Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 và Hội nghị tổng kết công tác ngành TAND năm 1995 thì trường hợp “Gây thương tích cho người khác do được thuê” đương nhiên được áp dụng tình tiết có tính chất côn đồ. Tuy nhiên, Công văn số 38/NCPL và Hướng dẫn tại Hội nghị tổng kết công tác ngành TAND năm 1995 trước khi BLHS năm 1999 được ban hành. BLHS năm 2015 quy định tình tiết tình tiết định khung “Gây thương tích cho người khác do được thuê” và “có tính chất côn đồ” tại Điều 134 BLHS là hai tình tiết độc lập với nhau. Như vậy từ những phân tích trên, xác định một hành vi xuất phát từ một nguyên nhân, một mục đích “do được thuê” không thể lấy nguyên nhân, mục đích đó để áp dụng đồng thời cho hai tình tiết định khung “Gây thương tích cho người khác do được thuê” và “có tính chất côn đồ”. Áp dụng như vậy sẽ gây bất lợi cho người phạm tội.
Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được sự phản hồi và trao đổi cùng với quý bạn đọc./.
Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, An Giang xét xử vụ án Cố ý gây thương tích- Ảnh: Hoàng Vũ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Xác định mức tiền phạt vi phạm hành chính - Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị
-
Kiến nghị hoàn thiện quy định “đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu”
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Kiến trúc Hà Nội thời bao cấp: Một di sản bị quên lãng
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận