Không áp dụng tính tiết phạm tội 2 lần trở lên đối với Vũ Công T
Qua nghiên cứu bài viết “Vũ Công T có bị áp dụng tình tiết “Phạm tội 02 lần trở lên”?” của tác giả Thanh Thịnh, tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất khi xác định không áp dụng tính tiết “Phạm tội 02 lần trở lên” đối với Vũ Công T.
Thứ nhất, về tội danh đối với Vũ Công T
Căn cứ dữ liệu tình huống đưa ra, tôi cho rằng Vũ Công T không phạm vào tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” theo quy định tại Điều 256 BLHS mà phạm vào tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo quy định tại Điều 255 BLHS vì:
Theo mục 1 Phần I Công văn giải đáp số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của TANDTC thì “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không đồng nhất với khái niệm “phạm tội có tổ chức”. Theo quy định tại Điều 17 của Bộ luật Hình sự thì “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.” Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Còn tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là thực hiện một trong các hành vi bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện; cung cấp ma túy, điểm, phương tiện, dụng cụ… để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy. Trong tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cũng có đồng phạm nhưng đồng phạm ở đây được hiểu là thực hiện theo sự chỉ huy, phân công điều hành (không có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, không bắt buộc phải có sự phân công, chỉ đạo, điều hành chặt chẽ trong các đồng phạm)”.
Chúng ta thấy, Phạm Huy D là chủ quán đã nhiều lần chỉ đạo Vũ Công T cùng các nữ nhân viên phải phục vụ, cho khách sử dụng trái phép chất ma túy tại quán. Đây là quán karaoke nên khi có khách đến quán hát và sử dụng trái phép chất ma túy, các đối tượng phải có hành vi cung cấp các dịch vụ như nước uống, trái cây, đồ ăn, khăn ướt… để khách vui chơi và sử dụng trái phép chất ma túy. Hành vi của Phạm Huy D chính là hành vi bố trí, sắp xếp, điều hành con người (cụ thể là Vũ Công T và các nữ nhân viên), cung cấp địa điểm là quán karaoke để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy nên phạm vào tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo quy định tại Điều 255 BLHS. Còn Vũ Công T cùng các nữ nhân viên thực hiện các công việc như bố trí phòng, cung cấp, phục vụ các dịch vụ cho khách sử dụng trái phép chất ma túy theo sự chỉ đạo, phân công của Phạm Huy D nên đồng phạm với D về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo quy định tại Điều 255 BLHS.
Thứ hai, về việc xác định hành vi của Vũ Công T có thuộc trường hợp “Phạm tội 02 lần trở lên” hay không?
Theo lý luận khoa học luật hình sự thì “Phạm tội 02 lần trở lên” là trường hợp phạm tội mà trước đó chủ thể đã phạm vào tội đó ít nhất 01 lần và chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong các lần thực hiện hành vi phạm tội về cùng 01 tội danh, phải có ít nhất 02 lần hành vi của chủ thể thỏa mãn đầy đủ các yếu tối cấu thành tội phạm và trong các lần đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, để xác định 01 người có phạm vào tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” hay không thì cần phải xem xét, đánh giá đến đối tượng tác động của tội phạm này đó là người sử dụng trái phép chất ma túy và chất ma túy. Bởi lẽ nếu không có người sử dụng trái phép chất ma túy hoặc chất được sử dụng trái phép không phải là chất ma túy thì không thể xác định 01 người phạm vào tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Do đó, trong quá trình thu thập chứng cứ, tài liệu chứng minh 01 người phạm vào tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” thì cần phải xác định được người sử dụng trái phép chất ma túy là ai, thời gian, địa điểm sử dụng trái phép chất ma túy và chất được sử dụng trái phép có phải là chất ma túy hay không. Trong trường hợp người tổ chức sử dụng và người sử dụng đều cho rằng chất được sử dụng là chất ma túy nhưng khi giám định không phải là chất ma túy thì cũng không có căn cứ để xác định người tổ chức sử dụng phạm vào tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Công văn số 989/VKSTC-V1 ngày 17/3/2021 của VKSND hướng dẫn nghiệp vụ áp dụng Điều 304 và Điều 305 BLHS, cụ thể:
“2.1. Trường hợp tàng trữ quả lựu đạn (mô hình) nhưng lại lầm tưởng đó là quả lựu đạn thật thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” không?
Trường hợp trên cần trưng cầu giám định, nếu kết luận không phải là vũ khí quân dụng thì không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.
Mặc dù Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư liên tịch số 08/2015/ TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 có quy định: “Nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, nhưng người thực hiện hành vi phạm tội ý thức rằng chất đó là chất ma túy hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy.” nhưng lại hướng dẫn cho BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã hết hiệu lực thi hành nên căn cứ khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì các quy định trong 02 Thông tư liên tịch nêu trên cũng đã hết hiệu lực, đồng thời tinh thần của quy định trên trong thông tư không còn phù hợp, gây bất lợi cho người phạm tội. Vì vậy, không thể áp dụng quy định trên trong thực tiễn mà phải vận dụng theo hướng có lợi cho người phạm tội nhằm bảo đảm quyền lợi của họ.
Trở lại tình huống, chúng ta thấy căn cứ theo lời khai của những người làm chứng và của Vũ Công T thì T đã nhiều lần tổ chức cho người khác sử dụng trái phép chất ma túy theo sự phân công, chỉ đạo của Phạm Huy D nhưng không xác định rõ thời gian, địa điểm tổ chức sử dụng, không xác định được người sử dụng là ai, không xác định được chất sử dụng có phải là chất ma túy hay không nên không có cơ sở để xác định các hành vi tổ chức sử dụng trước đây của Vũ Công T có đủ yếu tố cấu thành tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Do đó, không đủ cơ sở để xác định hành vi của Vũ Công T thuộc trường hợp “Phạm tội 02 lần trở lên”.
Trên đây là quan điểm của tôi đối với tình huống trên, rất mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của bạn đọc.
Tòa án nhân dân tp Yên Bái, tỉnh Yên Bái xét xử vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy - Ảnh: Lê Oanh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận