Không cần định giá tài sản tại thời điểm xét xử đối với vụ án tranh chấp thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại

Qua nghiên cứu bài viết “Thực tiễn xét xử các vụ án về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại - Đề xuất và kiến nghị” của tác giả Trương Huỳnh Hải và Trương Minh Chiến đăng trên tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 29/8/2023, chúng tôi thống nhất với quan điểm thứ hai.

 

Không cần tiến hành định giá tài sản tại thời điểm xét xử đối với vụ án tranh chấp thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, bởi những lý do sau đây:

Thứ nhất, theo Điều 94 BLTTDS năm 2015, kết quả định giá tài sản được xem là nguồn chứng cứ trong việc giải quyết vụ án dân sự. Đồng thời, việc xác định giá trị tài sản có thể căn cứ vào giá đương sự thỏa thuận, tự lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản để thực hiện việc thẩm định giá tài sản và cung cấp kết quả thẩm định giá cho Tòa án hoặc Tòa án ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá. Như vậy, về bản chất, việc định giá tài sản được thực hiện khi đối tượng tranh chấp chính là tài sản, cụ thể là 10.000 m2 đất nêu trên. Tuy nhiên, trong tình huống này, đối tượng tranh chấp mà các bên hướng đến là khoản tiền A vay Ngân hàng V, không phải là quyền sử dụng đất 10.000 m2 dùng để thế chấp. Và trong trường hợp này, cũng không thuộc trường hợp Viện kiểm sát phải tham gia phiên tòa sơ thẩm nếu như vụ án không thuộc các trường hợp còn lại theo Điều 27 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/ 8/ 2016 quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của BLTTDS.

Thứ hai, giá trị tài sản có thể thay đổi thấp hoặc cao hơn so với kết quả định giá tại thời điểm xét xử. Về nguyên tắc, nếu như không có thỏa thuận khác thì theo khoản 1 Điều 615 BLDS năm 2015, những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại. Trong trường hợp này, nếu định giá nhằm xác định giá trị cụ thể của tài sản vào thời điểm xét xử, trường hợp đến giai đoạn thi hành án buộc phải xử lý tài sản thế chấp 10.000 m2 đất thì sẽ dẫn đến hai trường hợp sau đây:

(i) Trường hợp 1: Nếu giá trị tài sản 10.000 m2 đất ở giai đoạn thi hành án có giá trị thấp hơn so với thời điểm xét xử thì sẽ làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của B, C, D, E là các hàng thừa kế thứ nhất của A. Ví dụ, tại thời điểm xét xử, định giá tài sản là 01 tỷ đồng, Tòa án tuyên buộc các hàng thừa kế B, C, D, E chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với số tiền 01 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến giai đoạn thi hành án giá trị tài sản được đấu giá chỉ còn 800 triệu đồng, chênh lệch 200 triệu đồng so với phạm vi chịu trách nhiệm theo bản án của Tòa án thì B, C, D, E lại tiếp tục thực hiện phần chênh lệch đó là điều không hợp lý, vi phạm Điều 615 BLDS năm 2015.

(ii) Trường hợp 2: Nếu giá trị tài sản 10.000 m2 đất ở giai đoạn thi hành án có giá trị cao hơn so với thời điểm xét xử. Ví dụ, tại thời điểm xét xử, định giá tài sản là 01 tỷ đồng, Tòa án tuyên buộc các hàng thừa kế B, C, D, E chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với số tiền 01 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến giai đoạn thi hành án giá trị tài sản được đấu giá lên đến 01 tỷ 300 triệu đồng, thì chênh lệch 300 triệu đồng thuộc về di sản thừa kế được tiếp tục phân chia là hợp lý.

Thứ ba, không chấm dứt hoàn toàn nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại tại thời điểm xét xử. Đối với tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ là số tiền phải trả theo hợp đồng tín dụng thì nghĩa vụ không chấm dứt hoàn toàn tại thời điểm xét xử mà còn tiếp diễn, cụ thể là nghĩa vụ trả lãi. Bởi lẽ, theo Án lệ số 08/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua ngày 17/10/2016 thể hiện “… Đối với các khoản tiền vay của tổ chức Ngân hàng, tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo hợp đồng tín dụng tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay”.

Đồng thời, tại điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/ 01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm hướng dẫn khi giải quyết vụ việc dân sự cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án thì Tòa án phải quyết định trong bản án hoặc quyết định (Phần quyết định) như sau: “Đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật”. Như vậy, nghĩa vụ về thực hiện việc trả tiền cho Ngân hàng V không kết thúc bằng một số tiền cụ thể được nêu tại phần quyết định của bản án mà còn tiếp tục phát sinh ở giai đoạn thi hành án.

Chính vì vậy, việc xác định cụ thể giá trị tài sản 10.000 m2 đất là bao nhiêu, sau đó Tòa án quyết định những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi số tiền đã được định giá tại thời điểm xét xử là không cần thiết và không khả thi.

Trên đây là quan điểm của chúng tôi, kính mong các độc giả tiếp tục trao đổi ý kiến.

 

*TAND thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang - **TAND huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương

TAND huyện Chi Lăng, Lạng Sơn xét xử vụ án dân sự- Ảnh: Hà Khánh Huyền

CHÂU THANH QUYỀN*, NGUYỄN XUÂN THÀNH**