Không cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp
Sau khi nghiên cứu bài viết “Có cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp?” của tác giả Hoàng Đạt Nam đăng ngày 9/6 /2021, tôi đồng ý với quan điểm không cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp.
Qua dữ kiện nội dung vụ án mà tác giả nêu và các vấn đề cần trao đổi mà tác giả đưa ra, trong đó có quan điểm của tác giả đồng tình với vấn đề thứ hai đó là “Tòa không cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp nữa vì Giấy xác nhận của Bệnh viện phổi về tình trạng bệnh của T, và thực tế T đang phải điều trị trong Bệnh viện phổi cũng là căn cứ để Tạm đình chỉ vụ án”. Tôi đồng tình với nhận định và quan điểm này của tác giả.
Ngoài những căn cứ lý do mà tác giả đã đưa ra, tôi chỉ xin phân tích làm rõ thêm một số khía cạnh phản biện lại đối với quan điểm thứ nhất khi cho rằng: “Theo quy định của BLTTHS, mà cụ thể điểm b Điều 229 Tòa án phải trưng cầu giám định tư pháp, khi có kết luận giám định kết luận bị can T mắc bệnh hiểm nghèo như nêu ở trên thì mới được tạm đình chỉ vụ án. Các xác nhận của Bệnh viện phổi về tình trạng bệnh của T không thể làm căn cứ tạm đình chỉ được”. Quan điểm này là chưa hợp lý mặc dù ở góc độ nào đó lại là đúng quy định của pháp luật.
Thứ nhất, về nhận thức mặc dù đúng như tác giả đã nêu trong quá trình giả quyết vụ án mặc dù đã có xác nhận của Bệnh viện và tình trạng bệnh tật của bị can thì Tòa án không thể đưa vụ án ra xét xử vì T đang nằm điều trị HIV ở Bệnh viện phổi và theo kết luận của bệnh viện thì T đang bị tràn dịch màng phổi phải do lao/HIV-AIDS; Viêm gan C, suy kiệt (HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội); Tiên lượng nặng, xấu; hiện tại phục vụ bản thân phải có người chăm sóc; cần tiếp tục điều trị do lao nặng/AIDS. Bệnh nặng, hiểm nghèo. Trường hợp này Tòa sẽ tạm đình chỉ vụ án theo căn cứ tại điểm a khoản Điều 281 BLTTHS. Theo điểm a viện dẫn, thì khi có căn cứ quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 229 của BLTTHS thì tạm đình chỉ vụ án. Như vậy, theo điểm b Điều 229 nếu bị can bị bệnh hiểm nghèo thì có thể tạm đình chỉ vụ án nhưng phải bằng một kết luận giám định tư pháp. Chính quy định “khi có kết luận giám định tư pháp xác định…” đây là một bất cập mà quan điểm thứ nhất cho rằng “Tòa án phải trưng cầu giám định tư pháp, khi có kết luận giám định kết luận bị can T mắc bệnh hiểm nghèo như nêu ở trên thì mới được tạm đình chỉ vụ án. Các xác nhận của Bệnh viện phổi về tình trạng bệnh của T không thể làm căn cứ tạm đình chỉ được.”.
Quan điểm này thì đúng quy định của pháp luật nhưng lại không hợp lý và phù hợp thực tiễn. Vì cũng giống như việc tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với lý do bị bệnh nặng nếu được Hội đồng y khoa, bệnh viện cấp tỉnh xác nhận là bệnh hiểm nghèo, nguy hiểm đến tính mạng hoặc như bệnh của trường hợp bị can T thì Tòa án sẽ ra Quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân để có điều kiện chữa bệnh cho đến khi hồi phục sức khỏe (điểm a khoản 1 Điều 4 và khoản 8 Điều 9 của Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT ngày 15/5/2013 hướng dẫn thi hành về tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù). Đặc biệt cũng theo hướng dẫn này thì đối với người bị bệnh nặng thuộc trường hợp HIV chuyển sang giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội… thì hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ đối với người đang chấp hành mức án 15 năm tù trở xuống thì Trại chuyển thẳng tới Tòa án có thẩm quyền mà không cần phải qua bước thủ tục thẩm định của cơ quan Thi hành án, Cơ quan quản lý thi hành án hình sự có thẩm quyền. Quy định này nhằm rút ngắn thủ tục, đảm bảo tính kịp thời cho Tòa án quyết định. Chính vì vậy, việc đối với bị can T do đã có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh về tình trạng sức khỏe của bị can như trên thì Tòa án cần ra Quyết định tạm đình chỉ vụ án căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 281 và khoản 1 Điều 229 BLTTH để bị can có điều kiện chữa bệnh là phù hợp với thực tiễn.
Thứ hai, qua cách giải quyết đối với trường hợp bị can T như trên, tôi cũng đồng tình với quan điểm tác giả bài viết cần thiết tiến tới phải sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 229 BLHS. Tuy nhiên, theo tôi thì cần sửa đổi bổ sung theo hướng “Khi có kết luận giám định tư pháp hoặc kết luận của Hội đồng y khoa; bệnh án; kết luận của bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp Quân khu xác định bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo…” là những căn cứ để Tòa án ra Quyết định tạm đình chỉ vụ án theo thẩm quyền và việc bổ sung này sẽ phù hợp với các quy định trong hoãn hay tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân hoặc người bị kết án theo Luật Thi hành án hình sự.
Trên đây là quan điểm của tôi đối với bài viết “Có cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp?” xin được trao đổi với tác giả và bạn đọc./.
Tòa án Quân sự Quân khu 7 xét xử vụ án sản xuất, buôn bán xăng dầu giả - Ảnh: Di Lâm
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận