Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện
Tapchitoaan.vn ngày 19/10/2019 có bài “Nợ tiền không trả, có được tặng cho quyền sử dụng đất cho người khác?” của tác giả Lê Phương Linh. Nội dung vụ việc là ông T khởi kiện anh H yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa anh H và anh D vì việc tặng cho là giả tạo, nhằm tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ cho ông T. Quan điểm của chúng tôi là không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T.
Xem xét các mốc thời gian
Theo nội dung bài viết, năm 2015-2016, vợ chồng anh H có vay của Ngân hàng A số tiền 460.000.000 đồng, tài sản thế chấp là 03 quyền sử dụng đất (trong đó có phần đất có diện tích 400m2, thửa đất số 240, tờ bản số 16, tọa lạc tại xã X, huyện Y, tỉnh T là tài sản chung của vợ chồng chị H).
Đến ngày 20-5-2016, vợ chồng anh H không có khả năng trả nợ Ngân hàng, anh D vay tiền đưa cho anh H trả ngân hàng cả gốc và lãi. Sau khi trả nợ cho Ngân hàng A xong, ngân hàng A không cho vay lại vì lý do vợ chồng anh H đã ly hôn. Do vậy, anh H nộp hồ sơ vay tại Ngân hàng B cũng với số tiền 460.000.000 đồng nhưng hợp đồng vay chỉ có mình anh H đứng tên, tài sản thế chấp cũng là 03 phần đất (trong đó có phần đất có diện tích 400m2, thửa đất số 240, tờ bản số 16, tọa lạc tại xã X, huyện Y, tỉnh T, phần đất của anh H vay được 120.000.000 đồng, 02 phần đất của anh D vay được 340.000.000 đồng, có ký giao dịch bảo đảm thế chấp 03 quyền sử dụng đất) hợp đồng tín dụng giữa anh H và Ngân hàng B đối với số tiền 460.000.000 đồng. Thời hạn vay 01 năm từ tháng 6-2016 đến tháng 6-2017. Tới ngày trả ngân hàng anh H không có khả năng trả, anh D vay tiền đưa cho anh H trả cho ngân hàng gốc và lãi để xóa thế chấp 03 quyền sử dụng đất. Do không có khả năng trả nợ cho anh D, anh H chuyển nhượng phần đất có diện tích 400m2 cho anh D để cấn trừ số nợ 460.000.000 đồng.
Ngày 25-8-2017, anh H làm hợp đồng tặng cho anh D phần đất có diện tích 400m2, thửa đất số 240, tờ bản số 16, tọa lạc tại xã X, huyện Y, tỉnh T để trừ nợ số tiền 460.000.000 đồng mà anh D vay cho anh H trả nợ Ngân hàng.
Tháng 10-2017, Tòa án xét xử sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T, buộc anh H có trách nhiệm trả cho ông T số tiền 200.000.000 đồng.
Như vậy, anh H tặng cho quyền sử dụng đất cho anh D ( ngày 25-8-2017) trước thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật (tháng 10-2017). Thời điểm các đương sự thực hiện hợp đồng không có quyết định nào của cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn, hợp đồng tặng cho hợp pháp, không có dấu hiệu tẩu tán tài sản. Việc thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh H và anh D (hình thức là tặng cho) là có thật, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba. Giao dịch giữa anh H và anh D phù hợp các Điều 117, 118, 119 của Bộ luật Dân sự 2015.
Các quy định của Luật Thi hành án dân sự
Khoản 1 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 /7 / 2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (Nghị định 62/2015/NĐ-CP) đã quy định: “Kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Khi kê biên tài sản, nếu có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự. Trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố cho người khác thì tài sản đó bị kê biên, xử lý để thi hành án; Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đối với tài sản đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đối với tài sản đó.”.
Khoản 1 Điều 6 TTLT số 14/2010 (đã được thay thế bởi Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC) [1] và Khoản 1 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, có thể hiểu như sau:
Thứ nhất, việc chuyển dịch tài sản giữa người phải thi hành án và người khác thông qua việc bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho tài sản phải thực hiện trước kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm (TTLT số 14/2010) và trước thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP) [2]. Khi thực hiện việc này, người phải thi hành án nhằm mục đích chuyển quyền sở hữu tài sản cho người khác.
Thứ hai, việc chuyển dịch tài sản thông qua việc thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản cho người khác trước thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm (TTLT số 14/2010) và trước khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP) là việc chuyển dịch hợp pháp của người thi hành án.
Ngoài ra, khi xem xét giao dịch dân sự vô hiệu thì bảo vệ người thứ ba ngay tình trong quan hệ dân sự là vấn đề luôn được quan tâm. Điều 133 BLDS năm 2015 khắc phục những bất cập trong BLDS 2005, là: “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu…”
Theo quy định BLDS năm 2015, tùy trường hợp giao dịch và loại tài sản trong giao dịch mà quyền lợi của người thứ ba ngay tình được pháp luật bảo vệ khác nhau. Một là, vẫn thừa nhận giá trị pháp lý của giao dịch nhưng trong các trường hợp cụ thể; hai là, không thừa nhận giá trị pháp lý của giao dịch, người thứ ba có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu bảo vệ quyền lợi của mình. Trong trường hợp này người thứ ba (chị N, chị L, anh T và chị H) nhận chuyển nhượng tài sản là người ngay tình. Các bên tiến hành thủ tục chuyển nhượng tài sản hợp pháp theo quy định pháp luật, không bị cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn, việc chuyển nhượng đã hoàn thành, người nhận chuyển nhượng đã hoàn tất các thủ tục để thực hiện quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản theo quy định pháp luật nên tài sản là hợp pháp và phải được pháp luật bảo vệ.
Do đó, trong vụ việc này, yêu cầu của ông T là không có căn cứ, và việc tặng cho quyền sử dụng đất giữa anh H và anh D là hợp pháp.
1.Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC – Quy định một số vấn đề về thủ tục THADS và phối hợp liên ngành trong THADS.
2. Tùy từng trường hợp bản án tuyên thời điểm nào thì áp dụng văn bản pháp luật vào thời điểm đó là Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC hay Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận