Không để đến khi sự việc xảy ra nghiêm trọng mới phát hiện và xử lý
Thảo luận tại Hội trường về các báo cáo trong lĩnh vực tư pháp, nhiều đại biểu Quốc hội dành nhiều quan tâm đến công tác đấu tranh chống tham nhũng và phòng chống tội phạm nói chung hiện nay.
Vụ 39 người chết tại Anh
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) phát biểu cho rằng: Có thể nói cả thế giới bàng hoàng trước vụ việc 39 người bị chết trong một chiếc container ở Anh và chúng ta lại càng đau xót hơn khi biết tin trong số nạn nhân có công dân Việt Nam và cũng có thể tất cả các nạn nhân là công dân Việt Nam. Đại biểu “xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới tất cả gia đình các nạn nhân và bày tỏ sự căm phẫn đối với những kẻ phạm tội mua bán người, tổ chức môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”.
Ông cho rằng: Nạn buôn người hay đưa lậu người qua biên giới các nước là vấn nạn của thế giới và là vấn đề không dễ giải quyết. Trong sự việc này, các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã kịp thời có những hành động khởi tố, điều tra vụ án hình sự, phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại xử lý các công việc có liên quan, động viên, chia sẻ với gia đình các nạn nhân. Đại biểu bày tỏ mong muốn và tin tưởng rằng những kẻ phạm tội sẽ bị phát hiện, trừng trị kịp thời, gia đình các nạn nhân sẽ sớm được trợ giúp, giúp đỡ để vượt qua đau thương này.
Thực trạng người Việt Nam đi lao động chịu tại nước ngoài không phải là vấn đề mới, mỗi năm chúng ta đưa khoảng hơn 100.000 người đi lao động ở nước ngoài theo con đường chính thức. Số liệu 9 tháng đầu năm 2019 là hơn 104.000 đi lao động, tuy nhiên số người lao động Việt Nam làm việc thực tế ở nước ngoài lớn hơn nhiều. Ở một số địa phương có nhiều xã đã có tới hơn 1.000 người lao động ở nước ngoài, có nghĩa là rất nhiều người đi lao động chui ở nước ngoài theo các con đường khác nhau, từ chỗ tự nguyện đi xuất khẩu lao động chui, nhưng với nỗi sợ hãi của người nhập cư trái phép luôn phải trốn tránh pháp luật, người xuất khẩu lao động chui đã bị lợi dụng, ép buộc, bóc lột, phải làm việc trong những điều kiện tồi tệ hoặc bắt buộc phải làm công việc phi pháp và trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Đây là loại hình tội phạm phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng, khó phát hiện, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia, có sự cấu kết chặt chẽ giữa người mua, người bán, môi giới, dẫn dắt, đối tượng phạm tội chính của tội phạm này thường là người nước ngoài hoặc sinh sống ở nước ngoài, bị hại trong nhiều trường hợp không có thông tin về đối tượng, các đối tượng thường lợi dụng những gia đình có hoàn cảnh khó khăn để lôi kéo, dụ dỗ.
Từ vụ việc nêu trên, đại biểu kiến nghị: Chính phủ, các cơ quan tư pháp trung ương làm rõ hơn về trách nhiệm quản lý nhà nước trong vụ việc và rút ra các bài học kinh nghiệm từ vụ việc này để kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý nhà nước. Chính phủ chỉ đạo các cấp chính quyền quan tâm lãnh đạo, tổ chức tốt công tác phòng, chống mua bán người bằng nhiều biện pháp đồng bộ về kinh tế, hành chính, pháp luật. Lồng ghép công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người với chương trình phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là ở các địa bàn khó khăn, khu vực nông thôn.
Trao đổi lại ý kiến của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nói: Sự việc 39 người chết ở Anh là một sự việc rất đau lòng, là một thảm họa nhân đạo gây chấn động dư luận quốc tế và trong nước trong thời gian vừa qua. Tôi chia buồn sâu sắc đến các gia đình bị nạn. Theo tôi, vụ việc này xảy ra tại Anh, cho nên kết luận về tội danh gì do nước Anh họ kết luận, còn ở pháp luật Việt Nam của chúng ta thì hành vi này không phải là hành vi buôn người mà hành vi này là hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép được quy định tại Điều 349 của Bộ luật Hình sự. Hiện nay, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Nghệ An tiến hành khởi tố vụ án và đến ngày hôm qua chúng tôi đã bắt giữ 8 đối tượng có liên quan đến đường dây này. Chúng tôi sẽ làm nghiêm và thực hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội.
Vụ AVG và vụ 9 người đi Hàn Quốc
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) sau khi đặt những câu hỏi về những vụ án nổi cộm đã đề nghị Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông tin cho cử tri được biết vì sao đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã vào cuộc vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là vụ AVG, trong đó nêu rất rõ sai phạm nghiêm trọng của một số cán bộ cao cấp Bộ Công an cho rằng không có những động thái đó thì vụ AVG sẽ không thể được hoàn tất mà nay không có bất kỳ thông tin nào về xử lý các sai phạm đó. Đề nghị cho biết trách nhiệm của Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với vụ việc nêu trên.
Đại biểu cũng nêu vụ vấn đề 9 người lén lút đi sang Hàn Quốc có hay không có tham nhũng? Đề nghị cơ quan Thanh tra Chính phủ trả lời cho cử tri được biết.
Qua nghe báo cáo về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019 của Chính phủ và các báo cáo của các cơ quan khối tư pháp và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hoà Bình) cho rằng: Hiện nay, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm diễn ra khá phức tạp, một số loại tội phạm như ma túy, tội phạm có tổ chức, tội phạm giết người đặc biệt nghiêm trọng, nhiều vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo như giết nhiều người, chặt xác, đốt xác phi tang, giết phụ nữ và trẻ em, các loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có yếu tố nước ngoài đã gây bức xúc, hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Đại biểu Trần Hồng Hà
Riêng loại tội phạm ma túy có xu hướng gia tăng, nhiều loại ma túy mới xuất hiện chưa có danh mục gây khó khăn cho công tác quản lý. Nhiều vụ vận chuyển với số lượng lớn, số người nghiện ma túy tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa, hậu quả của việc sử dụng ma túy dẫn đến nhiều hệ lụy như trộm cắp, giết người, cướp của. Trong khi đó, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác phát hiện, đấu tranh chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Đáng báo động là loại tội phạm cờ bạc, lô đề tín dụng đen đang xảy ra khá phổ biến cả ở nông thôn, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự và đời sống của nhân dân. Các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại, việc vận chuyển, tiêu thụ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra ở nhiều địa phương.
Đại biểu Trần Hồng Hà ( Vĩnh Phúc) cho rằng, bên cạnh những kết quả đã được, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Một số loại tội phạm xảy ra nhiều nhưng tỷ lệ điều tra khám phá thấp. Tội phạm về môi trường, xử lý chưa đủ sức răn đe. Tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng phức tạp, nhiều vấn đề mới nhưng chưa có giải pháp xử lý có hiệu quả. Tình trạng người bị chết trong tạm giữ, tạm giam nhiều hơn năm trước. Còn có nhiều điều tra viên vi phạm trong quá trình điều tra những tồn tại, hạn chế trên do trình độ nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế, thậm chí có sai phạm tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ.
Tội phạm môi trường và trách nhiệm pháp nhân
Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) bày tỏ lo ngại về vi phạm pháp luật và xử lý tội phạm môi trường. Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, những năm gần đây thực trạng môi trường bị xâm hại nghiêm trọng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Nhiều nơi ô nhiễm môi trường đã gây bức xúc đối với cử tri và nhân dân. Năm 2019 đã phát hiện 22.535 vụ vi phạm pháp luật về môi trường với 2.782 tổ chức và 20.663 cá nhân vi phạm, nhưng cơ quan điều tra chỉ khởi tố được 355 vụ và 395 bị can, xử lý hành chính 19.600 trường hợp, phạt 243 tỷ đồng, số xử lý hình sự chỉ chiếm 1,58% so với số vi phạm được phát hiện. Tôi cho rằng việc xử lý vừa qua của các cơ quan chức năng là chưa đủ sức răn đe. Gần đây, vụ đổ trộm dầu thải tại khu vực Nhà máy nước sông Đà khiến nguồn nước bị ô nhiễm làm ảnh hưởng hơn 300.000 hộ gia đình ở Hà Nội. Vụ cháy ở Nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông làm phát tán thủy ngân và một số hóa chất khác làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh nhà máy. Tình trạng xả thải gây nguy hại môi trường vượt quy chuẩn cho phép tại nhiều khu, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường vẫn đang là vấn đề đối với các cơ quan quản lý nhà nước.
Đại biểu Hoàng Văn Hùng
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) quan tâm đến trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và tội phạm môi trường. Bộ luật tính đến nay đã thi hành được gần hai năm, tuy nhiên trong báo cáo của các cơ quan chức năng không có thống kê về vấn đề này và trên thực tế điều tra, truy tố, xét xử cho thấy hầu như chúng ta cũng chưa xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại vi phạm pháp luật. Điều này theo tôi chưa phản ánh đúng thực tiễn vi phạm pháp luật của đối tượng này. Qua theo dõi có nhiều vụ việc vi phạm của pháp nhân thương mại như hành vi buôn lậu, trốn thuế, sản xuất, buôn bán hàng cấm sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt hàng giả là lương thực phẩm, thuốc phòng chữa bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, vi phạm các quy định về cạnh tranh, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và đặc biệt là các hành vi gây ô nhiễm môi trường, đưa chất thải vào Việt Nam. Đây đều là những hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, trật tự môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường sống.
Nhiều vụ việc tuy đã được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nhưng tại sao lại rất ít, nếu không nói là hầu như các pháp nhân thương mại này đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Về điểm này tôi đề nghị các cơ quan tư pháp cần đánh giá đầy đủ thực trạng, nguyên nhân của tình trạng này, cũng như đưa ra các giải pháp xử lý để bảo đảm nguyên tắc công bằng trong xử lý trách nhiệm hình sự giữa pháp nhân thương mại và cá nhân có hành vi phạm pháp luật hình sự.
Đại biểu đưa ra nhiều dẫn chứng và kiến nghị tăng cường các biện pháp phòng ngừa, các biện pháp nghiệp vụ trong công tác thu thập chứng cứ, đánh giá thiệt hại để có đủ cơ sở pháp lý trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường.
Tín dụng đen và vướng mắc trong xử lý
Đại biểu Trần Hồng Hà cho rằng, hiện nay tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi, lừa đảo qua mạng, tội phạm mua bán người, tội phạm tổ chức đưa người khác ra nước ngoài lao động trái phép đang diễn biến hết sức phức tạp, gây ra nhiều hậu quả, gây bức xúc trong nhân dân và gây mất ổn định trật tự xã hội. Vì vậy, cần có giải pháp quản lý, đấu tranh ngăn chặn với các biện pháp mạnh, quyết liệt để trấn áp các loại tội phạm này. Cần khắc phục triệt để tình trạng người làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm lại vi phạm pháp luật, phải xử lý hình sự như đã xảy ra trong thời gian vừa qua.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cũng bày tỏ lo ngại về hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê có tính chất côn đồ gắn với hành vi cưỡng đoạt tài sản làm cho người vay lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn. Đại biểu cho biết có trường hợp đối tượng cho vay còn xem thường pháp luật bắt giữ người trái pháp luật, gây hoang mang trong dư luận. Cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng thực chất qua theo dõi việc xử lý hình sự đối với loại tội này chưa nhiều. Trong khi đó, một số vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật gây khó khăn như hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Quy định về xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi vượt quá 150% lãi suất cơ bản về việc thu lợi bất chính trong trường hợp cho vay lãi nặng là chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan tố tụng. Đây chính là những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến công tác mở rộng điều tra, xác minh các tình tiết trong vụ án. Địa phương đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được Bộ Công an tham mưu tháo gỡ. Vì vậy, đại biểu đề nghị:
Một, Chính phủ chỉ đạo liên ngành tư pháp sớm ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật Hình sự để thực hiện thống nhất trên toàn quốc.
Hai, đề nghị Chính phủ sửa đổi điểm đ khoản 3 Điều 11 Nghị định 167 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm cho vay theo hướng dẫn tình tiết có cầm cố tài sản để phù hợp với thực tế, bảo đảm đồng bộ việc xử lý với hành vi này.
Ba, đề nghị Bộ Tư pháp có hướng dẫn cụ thể về việc thu lợi bất chính trong các trường hợp cho vay nặng lãi để đảm bảo thống nhất trong việc chứng minh và xác định số tiền thu lợi bất chính giữa các cơ quan tố tụng.
Ngăn chặn sai phạm khi đang còn ở trong giai đoạn nguy cơ
Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng cần ngăn chặn sai phạm khi đang còn ở trong giai đoạn nguy cơ. Đại biểu đánh giá cao việc trong thời gian vừa qua nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được điều tra, khám phá và được đưa ra truy tố, xét xử, đáp ứng được công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đáng lưu ý là một số vụ án tham nhũng đã được cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được yếu tố tham nhũng, yếu tố chiếm đoạt, hay nói cách khác là chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ để xử lý nghiêm minh như vụ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố về tội nhận hối lộ với số tiền rất lớn lên tới hàng triệu đôla Mỹ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Việt Nam các bị cáo trong một vụ án thừa nhận hành vi nhận hối lộ với số tiền lớn đến như vậy. Điều này cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều cố gắng trong việc đấu tranh, thuyết phục để các bị cáo thừa nhận hành vi.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Ảnh: QH.VN
Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn khi trên thực tế vẫn còn nhiều vụ án lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ nên phải xử lý về tội phạm kinh tế như tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Phải nói rằng việc chứng minh này là rất khó vì các đối tượng thường tìm mọi cách che giấu hành vi và việc đưa và nhận hối lộ rất khó chứng minh, đa phần chỉ chứng minh khi qua phạm tội quả tang mà khó chứng minh qua án truy xét. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng khó nhưng không phải là không làm được.
Dẫn chứng vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và các đồng bọn trong quá trình bị điều tra về các tội như đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền thì còn bị khởi tố về hành vi đưa hối lộ. Sau đó được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ ra quyết định đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ do được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước. Như vậy, lời khai về việc đưa hối lộ vẫn còn đó. Đáng lưu ý là trong vụ án này, không có bị cáo nào bị truy tố về tội nhận hối lộ. Chính vì vậy, tại phiên phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hà Nội đã kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ lời khai về việc đưa hối lộ, nhưng đến nay kiến nghị này vẫn chưa có kết quả thực hiện. Việc chậm trễ này đã làm cho dư luận bức xúc và cho rằng việc xử lý tham nhũng vẫn còn chưa nghiêm, chưa triệt để. Đồng thời dư luận cũng băn khoăn đặt câu hỏi phải chăng hành vi đưa và nhận hối lộ khó chứng minh hay còn có nguyên nhân chủ quan nào khác? Đại biểu đề nghị trong thời gian tới, cơ quan tiến hành tố tụng cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết giai đoạn 2 của vụ án này để làm rõ hành vi đưa và nhận hối lộ.
Đã đến lúc chúng ta cần phải rút ra bài học về quản lý kinh tế, phải rà soát lại xem cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật cho những lĩnh vực có liên quan, việc gì là đúng và phù hợp, vấn đề gì bị sơ hở và dễ bị lợi dụng. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra phải tiến hành thường xuyên và chấn chỉnh ngay những sai phạm khi đang còn ở trong giai đoạn nguy cơ, không để đến khi sự việc xảy ra nghiêm trọng mới phát hiện và xử lý.
Theo đại biểu nếu không làm được như thế thì có khả năng xảy ra một số hệ lụy như sau:
Một là, một số cá nhân có thể lợi dụng những khe hở của pháp luật để tạo ra những lợi ích nhất định cho bản thân hoặc của một nhóm người nào đó, đây là khởi nguồn của tội phạm tham nhũng. Điều này có thể thấy rõ qua một số vụ án tham nhũng liên quan đến đất đai, xảy ra trong thời gian vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Hai là, có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định đẩy những người thực hiện vào tình trạng “thế nào cũng được”, nhưng đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc tiến hành thanh tra, kiểm tra thì thường bị xem là sai phạm, chưa nói đến yếu tố vụ lợi, ngay cả với những người trung thực, ngay thẳng nếu rơi vào tình huống đó cũng có thể vi phạm do pháp luật quy định không rõ ràng.
Ba là, sau một số vụ án lớn như vậy có thể dẫn đến hệ lụy người ta không dám làm gì, không dám quyết gì, không dám tham mưu, đề xuất gì cả, cứ đóng băng lại, vì làm là sợ vi phạm hoặc có làm thì rất dè dặt.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận