Không được can thiệp trái pháp luật vào việc Tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

Chiều 30/12/2022, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15 về Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND, được UBTVQH khóa XV, phiên họp thứ 18 thông qua ngày 13/12/2022.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì buổi họp báo. Phó Chánh án thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ đại diện cơ quan soạn thảo tham gia chủ trì họp báo đã giới thiệu về nội dung cơ bản của Pháp lệnh.

Phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc

Pháp lệnh này quy định trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi là biện pháp xử lý hành chính); trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; đối với người chưa thành niên còn phải tiến hành nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của họ và các nguyên tắc xử lý quy định tại các khoản 1, 2, 4 và 5 Điều 134 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Phó Chánh án thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ giới thiệu nội dug Pháp lệnh 

Bảo đảm quyền của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (sau đây gọi là người bị đề nghị) được tham gia, trình bày ý kiến trước Tòa án, tranh luận tại phiên họp theo quy định của Pháp lệnh này.

Bảo đảm quyền được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị.

Người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên có quyền tự mình hoặc nhờ luật sư, người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị. Người bị đề nghị thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý được đề nghị tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý.

Trường hợp người bị đề nghị là người chưa thành niên mà không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý hoặc Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính do một Thẩm phán thực hiện. Khi xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Bảo đảm sự vô tư của người tiến hành phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Bảo đảm quyền được xem xét theo hai cấp trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Thẩm quyền

Thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương được quy định như sau: TAND cấp huyện nơi có trụ sở cơ quan của người đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (sau đây gọi là người đề nghị), trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này; TAND cấp huyện nơi người bị đề nghị có hành vi vi phạm trong trường hợp người đề nghị là Trưởng Công an cấp huyện, Giám đốc Công an cấp tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 99, khoản 1 Điều 100, khoản 2 Điều 101, khoản 1 Điều 102 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền xét lại quyết định của TAND cấp huyện bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.

VKSND kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của TAND, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Pháp lệnh này; thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.

VKSND tham gia các phiên họp; tham gia việc xét hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Pháp lệnh này.

Sau khi nhận được thông báo thụ lý hồ sơ của Tòa án cùng cấp, Viện kiểm sát có quyền nghiên cứu hồ sơ vụ việc tại Tòa án đã thụ lý, có quyền sao chụp hồ sơ vụ việc đó.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được can thiệp trái pháp luật vào việc Tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với Tòa án trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có yêu cầu của Tòa án.

Các đại biểu tham dự Họp báo

Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải chấp hành quyết định của Tòa án và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chấp hành đó.

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, TANDTC quản lý công tác xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của các Tòa án với một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.  

Trình tự, thủ tục

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa án thụ lý hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Tòa án phải ra một trong các quyết định quy định tại điểm k khoản 3 Điều 21 của Pháp lệnh; đối với vụ việc cần có thời gian kiểm tra, đánh giá, tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn hoặc các vụ việc phức tạp khác thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

Khi nhận được hồ sơ đề nghị, Tòa án phải vào sổ giao nhận. Trường hợp hồ sơ đề nghị không đủ tài liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 100, khoản 2 Điều 102 hoặc khoản 2 Điều 104 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, Tòa án trả lại hồ sơ đề nghị và nêu rõ lý do bằng văn bản.

Trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 9 của Pháp lệnh này, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Thẩm phán được phân công phải từ chối xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh này.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý hồ sơ đề nghị, Tòa án phải thông báo bằng văn bản về việc thụ lý hồ sơ đề nghị cho người đề nghị, người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị (nếu có) và Viện kiểm sát cùng cấp.

Thẩm phán được phân công phải kiểm tra hồ sơ đề nghị… Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, căn cứ vào kết quả kiểm tra hồ sơ, Thẩm phán phải quyết định về một trong các nội dung sau đây: Yêu cầu bổ sung tài liệu; Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Pháp lệnh quy định cụ thể việc thực hiện các quyết định này.

Chương III của Pháp lệnh quy định cụ thể về Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn hoặc miễn chấp hành; giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại.

Chương IV quy định về Khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; Giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Quang cảnh buổi họp báo.

Hiệu lực thi hành

Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2023.

Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân số 09/2014/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết hiệu lực kể từ ngày Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 44 của Pháp lệnh này.

Đối với những vụ việc đã được TAND cấp huyện thụ lý, giải quyết theo quy định tại Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 nhưng đến ngày 01 tháng 02 năm 2023 chưa kết thúc thì tiếp tục áp dụng quy định của Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 để xem xét, giải quyết cho đến khi kết thúc vụ việc, trừ các nội dung sau đây thì áp dụng quy định của Pháp lệnh này:

Các quy định bảo đảm thủ tục thân thiện đối với người chưa thành niên tại khoản 1 và khoản 3 Điều 2, khoản 1 Điều 10, khoản 2 và khoản 3 Điều 13, khoản 3 Điều 18, điểm e khoản 3 và khoản 4 Điều 21, điểm d khoản 4 Điều 34, khoản 1 và điểm đ khoản 3 Điều 35 của Pháp lệnh này.

Việc đình chỉ xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính quy định tại điểm h khoản 1 Điều 16 của Pháp lệnh này; Việc áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng; Các quy định khác của Pháp lệnh này có lợi cho người bị đề nghị.

Đối với những vụ việc đã được TAND cấp huyện giải quyết theo quy định của Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 mà có khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị thì từ ngày 01 tháng 02 năm 2023 Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13, trừ các nội dung quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này thì áp dụng quy định của Pháp lệnh này.

Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao Pháp lệnh không quy định thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm mặc dù có quy định về kháng nghị, ông Nguyễn Chí Công - Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC cho biết: Bản chất của hoạt động này là xử lý vi phạm hành chính, được thực hiện qua cơ chế tư pháp tại Tòa án, vì liên quan đến hạn chế quyền con người. Việc quy định thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm sẽ không bảo đảm tính xử lý nhanh chóng, kịp thời. Bên cạnh đó, thời hiệu xử lý vi phạm hành chính rất ngắn, ví dụ đưa vào cơ sở cai nghiên bắt buộc là 3 tháng; đưa vào cơ sở giáo dưỡng, giáo dục bắt buộc là 6 tháng đến 1 năm.

Có câu hỏi về việc áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng thay thế biện pháp xử lý vi phạm hành chính, được thực hiện độc lập hay gắn với biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC cho biết:  Theo Điều 140a Luật Xủ lý vi phạm hành chính thì giáo dục dựa vào cộng đồng là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính, không phải là biện pháp độc lập. Để áp dụng biện pháp này Tòa án phải xem xét người bị đề nghị đã đủ các điều kiện áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng hay chưa, rồi xem xét các điều kiện theo quy định của Điều 140a Luật Xử lý vi phạm hành chính để áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng mà không phụ thuộc vào đề nghị của cơ quan lập hồ sơ.

 

THÁI VŨ