Không được chủ quan, tự mãn, quá say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được và cũng không quá bi quan, dao động

Trong bài phát biểu tổng kết Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ý kiến chỉ đạo về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội khóa XIII. 

Dự báo tình hình thế giới, trong nước từ nay đến hết nhiệm kỳ bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng sẽ còn có nhiều khó khăn, thách thức lớn. Trên thế giới, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại tiếp tục diễn ra gay gắt; sự tranh chấp chủ quyền biển, đảo diễn biến phức tạp; cuộc xung đột quân sự giữa Nga và U-crai-na và các lệnh trừng phạt của Mỹ, Phương Tây đối với Nga có thể sẽ còn kéo dài, tác động đến địa chính trị, địa kinh tế, an ninh năng lượng và chuỗi cung ứng toàn cầu; khoa học - công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo ra cả thời cơ và thách thức mới đối với mọi quốc gia, dân tộc; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, có thể đe doạ nghiêm trọng đến sự ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta... Ở trong nước, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Để hoàn thành được chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 như đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ thì tăng trưởng bình quân 3 năm 2023 - 2025 phải đạt khoảng 7,3%; đây là mức rất cao, đòi hỏi chúng ta phải có sự quyết tâm rất cao và nỗ lực rất lớn mới có thể đạt được. Thị trường tài chính - tiền tệ, nhất là thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thanh khoản của một số ngân hàng thương mại yếu kém và doanh nghiệp, dự án lớn sẽ gặp nhiều khó khăn. Lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, sức ép lạm phát còn lớn. Hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực có xu hướng suy giảm; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng; nhiều doanh nghiệp phải giảm nhân công, giảm giờ làm, cho người lao động nghỉ việc; đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, đăng ký bổ sung hoặc góp vốn, mua cổ phần giảm. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước có dấu hiệu suy giảm; nợ xấu ngân hàng, nợ thuế nhà nước có xu hướng tăng; bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh mạng, trật tự, an toàn xã hội, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân,... hiện vẫn là những vấn đề lớn có nhiều khó khăn, thách thức cần khắc phục. Việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; cái gì có lợi thì kéo về cho cơ quan, đơn vị và cá nhân mình; cái gì khó khăn thì đùn đẩy ra xã hội, cho cơ quan khác, người khác...

Tình hình trên đây đòi hỏi chúng ta tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn, quá say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được, và cũng không quá bi quan, dao động trước những khó khăn, thách thức; mà trái lại, cần phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, phát huy thật tốt những kết quả, bài học kinh nghiệm đã có, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nhất là từ đầu nhiệm kỳ khoá XIII đến nay, để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua mọi khó khăn, thách thức, để triển khai thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho nửa cuối của nhiệm kỳ khoá XIII. Tập trung ưu tiên triển khai thực hiện thật tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, về phát triển kinh tế: Cần tiếp tục quán triệt thật sâu sắc, tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và luật pháp, chính sách của Nhà nước về phát triển nhanh và bền vững. Chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hoá, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém, cả trước mắt lẫn lâu dài, của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,... gắn với tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Hai là, về phát triển văn hoá, xã hội: Cần quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hoá, xã hội, hài hoà và ngang tầm với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động mất việc làm và doanh nghiệp gặp khó khăn. Chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá nông thôn, đô thị, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hoá, nhất là ở các khu công nghiệp, khu đô thị mới; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hoá tốt đẹp. Xây dựng nếp sống văn hoá lành mạnh; ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và quan tâm hơn nữa đến việc phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và tệ nạn xã hội.

Ba là, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại: Cần tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tích cực đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh mạng, an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ.

Tổ chức thật tốt các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao; chủ động, tích cực, làm sâu sắc, thực chất hơn nữa quan hệ với các đối tác; đẩy mạnh đối ngoại đa phương; giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, trước hết. Triển khai thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký kết, tranh thủ tối đa lợi ích mà các hiệp định này có thể đem lại.

 

Các đại biểu dự Hội nghị

 

Bốn là, về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Cần tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể là, phải có chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, ráo riết, có kết quả cụ thể các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về vấn đề này, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII và Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ ra khỏi đội ngũ những người sa vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn. Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương; tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hoá, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để "không thể, không dám, không muốn tham nhũng". Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn", né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tôi đã nhiều lần nói rồi; nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm! Tất cả chúng ta, nhất là những người trực tiếp làm công tác tổ chức, cán bộ, phải có ý chí, quyết tâm cao, có tấm lòng trong sáng, có con mắt tinh đời, đừng "nhìn gà hoá quốc", đừng "thấy đỏ tưởng là chín".

Năm là, về chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng: Từ kết quả, kinh nghiệm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ lần này, chúng ta cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thật tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIV nhiệm kỳ 2026 - 2031; chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng thời, khẩn trương, nghiêm túc tiến hành tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới, tập trung vào 10 năm gần đây; thành lập các Tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng để các Tiểu ban này, nhất là Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự, sớm đi vào hoạt động, đáp ứng tốt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Tổng Bí thư phát biểu tổng kết - Ảnh: PV

THANH LOAN