Không ngừng hoàn thiện chính sách, chăm lo tốt hơn đời sống người có công

74 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Chế độ ưu đãi người có công được triển khai sâu rộng ở cơ sở, là một trong những chính sách xã hội triển khai thực hiện tốt nhất hiện nay.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tình cảm đặc biệt và luôn nhắc nhở toàn Ðảng, toàn dân ta ghi nhớ công lao to lớn của các đồng chí thương binh, liệt sĩ. Bác đã từng nói: "Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ…". Người nhắc nhở: "Đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng". 

Thực hiện tâm nguyện của Bác, 74 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.

 Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Thế Dương/CPV)

Không ngừng hoàn thiện chính sách 

Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy ngày 27/7 là ngày Thương binh - Liệt sĩ, hơn 74 năm qua, hệ thống pháp luật, chính sách ưu đãi người có công được triển khai toàn diện, không chỉ thể hiện sự đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người có công mà còn góp phần quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước.

Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng (Pháp lệnh), được ban hành lần đầu tiên năm 1994 và ngày càng được bổ sung, hoàn thiện qua 7 lần sửa đổi vào các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và gần đây nhất là ngày 9/12/2020, tại Phiên họp thứ 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng (sửa đổi) và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021. 

Pháp lệnh sửa đổi năm 2020 bao gồm 7 chương và 58 Điều. So với Pháp lệnh hiện hành, Pháp lệnh năm 2020 đã bổ sung 02 Chương, 10 Điều và sửa đổi 41 Điều.

Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng (sửa đổi) đã đáp ứng được những yêu cầu và nguyên tắc như: Pháp lệnh đã bổ sung các nguyên tắc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng theo tinh thần Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng như: Chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được xác định và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Lần sửa đổi này Pháp lệnh được thiết kế theo hướng quy định cụ thể điều kiện quy định từng diện đối tượng theo các chế độ chính sách; phạm vi điều chỉnh tập trung quy định về đối tượng, điều chỉnh một số chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Hơn nữa, nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công. Thực hiện những cơ chế, chính sách tốt hơn với mục tiêu cao cả huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội chung tay cùng Nhà nước làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Điều đó vừa thể hiện tình cảm tri ân, trách nhiệm cộng đồng, vừa bảo đảm ý nghĩa thực tiễn của chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này.

Phải nói rằng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) năm 2020 là văn bản pháp lý quan trọng thể chế hóa chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng về công tác người có công với cách mạng. Đây cũng được xem là nền tảng pháp lý chặt chẽ, minh bạch, thống nhất để các cấp chính quyền tổ chức triển khai; bảo đảm sự công bằng, hợp lý, tạo sự đồng thuận cao của xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện, phù hợp tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.

Một tin vui, ngay trước ngày 27/7 năm nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị định 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng với nhiều chính sách mới và mức hưởng được nâng cao hơn so với trước. Tổng kinh phí hàng năm để thực hiện chính sách sẽ tăng thêm khoảng 800 tỷ đồng.

Tri ân bằng cả tấm lòng

Nhìn lại công tác người có công, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định: 74 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.

“Chế độ ưu đãi người có công được triển khai sâu rộng ở cơ sở, là một trong những chính sách xã hội triển khai thực hiện tốt nhất hiện nay” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định và cho biết hằng năm, ngân sách nhà nước dành 31.150 tỷ đồng thực hiện chính sách người có công.

Ngoài các chính sách của Đảng, Nhà nước, các phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng. Giai đoạn 2016-2020, Quỹ đền đáp nghĩa ở các địa phương vận được được gần 5.600 tỷ đồng, Quỹ đền ơn đáp nghĩa ở Trung ương vận động được 16,8 tỷ đồng; cả nước đã trao 61.650 sổ tiết kiệm với 103,5 tỷ đồng; xây dựng mới từ vận động các nguồn xã hội 39.000 nhà tình nghĩa, sửa chữa 24.650 nhà tình nghĩa trị giá trên 2.200 tỷ đồng. 

Nhà nước trong giai đoạn 2016-2020 đã hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây dựng mới 400.000 hộ người có công gặp khó khăn về nhà ở với tổng số tiền 10.654 tỷ đồng.

Công tác chăm sóc thương binh nặng được chăm lo đảm bảo; công tác chăm sóc nâng cấp bia mộ, nơi thờ tự liệt sĩ được quan tâm đầu tư; các cơ sở dữ liệu như: Cổng thông tin điện tử bia mộ liệt sĩ, Ngân hàng gen được xây dựng và phát huy hiệu quả…

Đặc biệt, công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng tạo đột phá trong 5 năm qua. Đến nay, chúng ta đã giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng. Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã xem xét, kết luận trên 7.000 hồ sơ tồn đọng, qua đó đã xác nhận 2.500 liệt sĩ, trên 3.000 thương binh, nhiều trường hợp đã hi sinh cách đây hơn 100 năm.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, với những chính sách ưu đãi của Nhà nước cùng sự chung tay chăm lo của toàn xã hội, đến nay có 99% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 99% xã/phường/thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công…

Có thể nói, những chính sách của Đảng, Nhà nước, và quan tâm của xã hội mang đậm nghĩa tình, tri ân sâu nặng với người có công, phần nào xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại, là truyền thống của dân tộc Việt Nam “uống nước nhớ nguồn”.

Cũng cần khẳng định, đền ơn đáp nghĩa không phải là chỉ thực hiện một ngày, một tháng kỉ niệm, mà cần phải được tiến hành thường xuyên, quanh năm.

Tại cuộc gặp mặt 50 đại biểu là người có công tiêu biểu mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ “Không chỉ trong ngày hôm nay, sự biết ơn gắn với trách nhiệm luôn là nỗi trăn trở trong suy nghĩ và hành động của các cấp lãnh đạo, trong nhân dân và đây cũng là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Chúng ta đã, đang và sẽ làm gì để vơi nỗi đau chiến tranh, để lan tỏa lòng yêu nước, để viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, để truyền cảm hứng vượt qua khó khăn và thách thức?”.

Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, Chính phủ sẽ kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được của các nhiệm kỳ trước. Chính phủ luôn quan tâm bằng giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ở mức cao nhất, trách nhiệm nhất, thể hiện tấm lòng và sự tri ân sâu sắc với người có công và gia đình chính sách. Những vấn đề vượt thẩm quyền, Chính phủ sẽ rà soát, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền để giải quyết.

Theo dangcongsan.vn

Đoàn viên thanh niên thị xã Phước Long, Bình Phước chăm sóc nghĩa trang Liệt sĩ - Ảnh: Mỹ Trinh

 

TÚ GIANG