Không thể vì số lượng đơn mà đánh giá chất lượng của nền tư pháp

Trong 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã trả lời nhiều câu hỏi mà Đại biểu Quốc hội quan tâm, qua đó Đại biểu và cử tri cả nước hiểu rõ hơn hoạt động của hệ thống TAND cả nước, củng cố niềm tin và pháp luật.

Tôn trọng nguyên tắc xét xử độc lập

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đặt câu hỏi với Chánh án TANDTC về công tác xét xử của Tòa án: “Trong hoạt động xét xử, đặc biệt các vụ án hành chính, còn có hiện tượng thẩm phán xin ý kiến lãnh đạo tòa án không? Lãnh đạo tòa án có chỉ đạo hành chính không phù hợp đến các quan hệ tố tụng không? Nếu có thì đồng chí xử lý thế nào?”

Đại biểu cũng chất vấn về các giải pháp của Tòa án đưa ra để hạn chế và loại bỏ hiện tượng tiêu cực đó nhằm thực hiện nghiêm Điều 103 Hiến pháp 2013 quy định. Đó là, Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nghiêm cấm cơ quan tổ chức, cá nhân can thiệp việc xét xử của thẩm phán và hội thẩm.

Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình khẳng định: “Trong án hành chính cũng như các loại án khác, chúng tôi không có chỉ đạo Hội đồng xét xử với tòa án cấp dưới. Tòa án tôn trọng xét xử độc lập của án cấp dưới, không có sự can thiệp”.

Chánh án cho biết, việc địa phương lúng túng về áp dụng pháp luật, hỏi trường hợp này áp dụng luật nào thì tòa hướng dẫn cách áp dụng pháp luật khi có cách hiểu khác nhau về nội dung luật. Và trong hướng dẫn của tòa cấp trên đối với cấp dưới đều nói đây là tài liệu tham khảo, phần quyết định của Hội đồng xét xử.

Còn chỉ đạo án phải có hồ sơ mang lên cùng nhau nghiên cứu chứ bằng một văn bản thì không thể xem là chỉ đạo. Tất cả các loại án chứ không chỉ riêng gì án hành chính. Chúng tôi không thể chỉ đạo án bằng một công văn mà phải nghiên cứu hồ sơ – mà là hồ sơ gốc. Bảo chỉ đạo án như thế là không đúng. Cái đó là thỉnh thị về mặt nghiệp vụ, hướng dẫn những vẫn đề còn cách hiểu khác nhau.

Các giải pháp giải quyết đơn khiếu nại

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) đặt vấn đề, qua báo cáo của Chánh án vẫn còn tồn tại vấn đề về chưa hoàn thành chỉ tiêu của Quốc hội đối với việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo về giám đốc thẩm. Tuy nhiên, vẫn chưa có những giải pháp về vấn đề này; đồng thời Viện trưởng VKSNDTC vẫn đề cập đến việc rút hồ sơ nhưng vẫn còn khó khăn. Đề nghị Chánh án TANDTC làm rõ hơn về nội dung này.

Các vị lãnh đạo chụp hình lưu niệm trước khi vo phiên chất vấn

Về vấn đề đại biểu nêu, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, về những giải pháp để nâng cao chất lượng và tỷ lệ giải quyết đơn giám đốc thẩm. Những giải pháp này cũng được Chánh án TANDTC nêu trong báo cáo toàn văn, và nhấn mạnh đến những giải pháp mà ngành Tòa án đã tiến hành. Theo đó: Thứ nhất, ngành Tòa án đã tập trung lực lượng, kể cả những lực lượng chức năng giải quyết giám đốc thẩm và những lực lượng không từ các địa phương đến tòa cấp cao để giải quyết đơn giám đốc thẩm. Thứ hai, ngành đã động viên cán bộ, công chức làm cả ngày nghỉ và ngoài giờ để giải quyết đơn. Thứ ba, tiến hành phân loại đơn để giải quyết theo thứ tự ưu tiên, nhất là những đơn sắp hết hạn và những đơn đã được nhiều cấp trả lời trước đó. Thứ tư, tập huấn để nâng cao chất lượng, kỹ năng giải quyết đơn cho các thẩm phán, thẩm tra viên. Thứ năm, tổng kết thực tiễn giải quyết đơn để đề ra những quy trình giải quyết đơn hợp lý và đề xuất những vấn đề bất hợp lý, kể cả trong cơ chế và pháp luật để kiến nghị giải quyết.

Với những giải pháp này, năm 2020, TANDTC nhận được 16.200 (số làm tròn) đơn đề nghị giám đốc thẩm. Đã giải quyết được 9.188 đơn bằng 58% so với yêu cầu của Quốc hội, tuy không đạt được 60% nhưng so với các năm trước đây đã cao hơn nhiều. Những năm tới, tình hình đơn theo xu thế này mỗi năm tiếp tục tăng lên 10% theo thống kê trung bình, cho nên tình hình đơn sẽ rất căng, nguy cơ cũng có thể sẽ không hoàn thành, bởi vì theo quy định của Hiến pháp chúng ta chỉ có 2 cấp xét xử, đó là sơ thẩm, phúc thẩm. Nhưng với tình hình đơn như này thì có nguy cơ trở thành nhiều cấp xét xử. Vấn đề không phải chỉ động viên nhân lực, huy động lực lượng mà cần phải có tổng kết căn cơ hơn để tổng kết những điều gì hợp lý, không hợp lý của quy trình giải quyết đơn, kể cả trong luật pháp thì chúng ta mới giải quyết căn cơ được tình hình giải quyết đơn, nếu không đơn giám đốc thẩm, tái thẩm có nguy cơ trở thành một cấp, một số cấp xét xử nữa chứ không phải chỉ có sơ thẩm, phúc thẩm.

Về vấn đề chuyển đơn, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, năm 2020 ngành Tòa án nhận được 435 đơn yêu cầu chuyển hồ sơ của Viện kiểm sát. Phần lớn trong số yêu cầu này đã được Tòa án chuyển hồ sơ theo đúng quy định. Có một số không chuyển được vì còn một số lý do. Nhưng vấn đề đặt ra, nếu như Tòa án chuyển hết 435 yêu cầu hồ sơ như thế này thì tình hình có được cải thiện hay không; 435 yêu cầu so với 16.000 cũng là con số rất nhỏ, không đáng kể, cho nên việc không chuyển được hồ sơ không phải là nguyên nhân chủ yếu để giải quyết chuyện đơn thư cao hay thấp.

Về vấn đề tại sao hồ sơ không chuyển hồ sơ được, Chánh án cho chỉ ra rằng, theo quy định của luật, việc giải quyết đơn của dân phải trên cơ sở hồ sơ gốc, không được hồ sơ photo. Mỗi bản án chỉ có một bộ hồ sơ gốc, nhưng chúng ta có 8 cơ quan giải quyết đơn giám đốc thẩm, Tòa án tối cao, Viện kiểm sát tối cao, Tòa án cấp cao, Viện kiểm sát cấp cao, mỗi nơi có 3 cấp là cấp cao Hà Nội, cấp cao Đà Nẵng, cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, nếu như hồ sơ mà Viện kiểm sát tối cao yêu cầu đang được Viện kiểm sát cấp cao thụ lý thì buộc phải chờ Viện kiểm sát cấp cao thụ lý xong thì mới có hồ sơ chuyển cho Viện kiểm sát tối cao, cho nên chỉ có một bộ hồ sơ, rất nhiều cơ quan làm. Đó là nguyên nhân khách quan. Ngoài ra, trên thực tế cũng có một số trường hợp các Tòa án thì không chuyển kịp hồ sơ. Vấn đề này Tòa án sẽ kiểm điểm và chấn chỉnh.

Nhiều vụ án kéo dài

Đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) cho biết, qua theo dõi, mặc dù theo quy định hiện hành thì thời hạn để giải quyết vụ án dân sự, kinh doanh thương mại nhanh nhất là 9 đến 10 tháng. Nhưng trên thực tế, vì nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau, tiến độ không đạt được như vậy mà kéo dài hoặc có thể là rất dài. Đây thực sự là nút thắt ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân sự và sự phát triển của sản xuất, kinh doanh. Đề nghị Chánh án cho biết, nếu có nội dung này thì trong thời gian tới, chúng ta phải làm gì để được để cải thiện?

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương

Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, Chánh án Nguyễn Hòa Bình chia sẻ, vụ án dân sự khác vụ án hình sự. Vụ án hình sự trách nhiệm thu thập chứng cứ là của cơ quan nhà nước, tức là cơ quan điều tra là Viện kiểm sát và quy định của tố tụng hình sự rất chặt chẽ, bắt giam được mấy tháng, khởi tố được mấy tháng, nghiên cứu được mấy tháng? Còn riêng đối với vụ án dân sự thì nguyên lý của dân sự là việc dân sự cốt ở đôi bên, cho nên các bên thu thập tài liệu và cung cấp tài liệu cho Tòa, khi nào đủ thì Tòa thụ lý. Thông thường 2 bên kiện nhau, nếu như một bên cảm thấy thua rồi, bản thân một bên cũng cố tình kéo dài, không muốn ra Tòa, tìm mọi cách để trì hoãn, không xuất hiện tại Tòa thì Tòa cũng không giải quyết được. Cho nên, có câu chuyện kéo dài vụ án dân sự là một thực tế. Về trách nhiệm cơ quan nhà nước, trường hợp đủ hồ sơ mà không làm thì khá ít, cái chính là cả hai bên dân sự.

Ít kháng nghị các bản án hành chính

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cho rằng, quá trình giám sát nhận thấy số đơn kiến nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm án hình sự hoặc án hành chính rất ít khi xảy ra. Đề nghị Chánh án TANDTC cho biết, phải chăng năng lực giải quyết án dân sự của thẩm phán chưa thật sự tốt bằng án hình sự? Bên cạnh đó, đối với các vụ án hình sự đã tuyên có các khung hình phạt không phải là cao hoặc không phải là chung thân hoặc không phải tử hình thì ít được quan tâm xem xét lại. Dư luận băn khoăn rằng, nếu giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà xác định một người đã bị kết tội oan thì sẽ phải bồi thường, còn án dân sự sai thì xử lại cũng không sao. Quan điểm của Chánh án như thế nào? Ngoài ra, cử tri băn khoăn việc khởi kiện vụ án hành chính thì cơ quan tư pháp mà cụ thể là Tòa án cấp huyện, cấp tỉnh vẫn còn e dè, nể nang với cơ quan hành chính nhà nước. Đề nghị Chánh án cho biết có thực trạng này hay không, nếu có thì Chánh án sẽ có giải pháp gì?

Trả lời chất vấn, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, năm 2020, ngành Tòa án giải quyết gần 650.000 vụ, trong đó 80.000 vụ hình sự và hơn 500.000 dân sự, kinh doanh, thương mại. Chính vì con số tuyệt đối của dân sự nhiều như vậy, cho nên số lượng của các vụ dân sự nhiều, đó là bình thường, không thể so với hình sự.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, đánh giá chất lượng của vụ án thì không phải căn cứ vào đơn, tất cả những chỉ tiêu về đánh giá chất lượng của quyết định xét xử căn cứ vào những tiêu chí mà Quốc hội đã đặt ra, có bị kháng nghị hay không, có đúng hay không, có hiệu lực hay không và có phải do lỗi chủ quan hay không? Tất cả những điều này đã được báo cáo trong báo cáo của Chánh án và Viện trưởng gửi cho Quốc hội. Tất cả các chỉ số này đạt yêu cầu của Quốc hội. Như thế, không thể nói vì số lượng đơn mà đánh giá chất lượng của nền tư pháp.

Về vấn đề bồi thường, Chánh án cho biết, kể cả hình sự và dân sự nếu làm sai, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân thì hình sự cũng phải bồi thường, dân sự cũng phải bồi thường chứ không phải là hình sự thì bồi thường còn dân sự không bồi thường. Việc này đã được quy định rõ trong luật.

Về việc có dè dặt trong vụ án hành chính hay không, Chánh án chỉ ra rằng, tỷ lệ án hành chính có nhiều vấn đề: tỷ lệ thấp, kháng nghị nhiều, Chủ tịch Ủy ban ít tham gia, bản án xong không được thi hành. Đây là những tồn tại đã kéo dài trong trong nhiều năm, đã nêu trong các báo cáo. Việc giải quyết này cũng phải bằng nhiều giải pháp. Có những việc Tòa thì muốn xử nhưng Ủy ban không tham gia thì cũng không thể xử được. Rất nhiều địa phương đã kiến nghị, Quốc hội lắng nghe. Ví dụ, thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội trong một năm nay có 1.500-2000 vụ án hành chính. Bây giờ, Chủ tịch Ủy ban và Phó Chủ tịch Ủy ban đi giải cho được vấn đề này nếu buộc phải ra Tòa thì sẽ không còn thời gian làm chuyện khác, nên các đồng chí cũng yêu cầu phải xem xét lại quy định này. Do đó, chúng ta cần phải tổng kết để lắng nghe. Còn cũng có những địa phương có những thẩm phán dè dặt, nhưng đây không phải là nguyên nhân chủ yếu của việc chậm giải quyết các vụ án hành chính.

Ảnh trong bài: Qh.vn

MINH KHÔI