Không thể xã hội hóa y tế bằng cách tư nhân mua máy đặt trong bệnh viện công để chia nhau lợi nhuận

Chiều ngày 8/9, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề xuất bỏ cụm từ “xã hội hóa y tế”. Không thể xã hội hóa y tế bằng cách tư nhân bỏ tiền ra chung với bệnh viện mua máy đặt trong bệnh viện công để chia nhau lợi nhuận.

Khuyến khích hợp tác công tư phi lợi nhuận

Về xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo được chỉnh lý theo hướng Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và có các chính sách thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Có ý kiến cho rằng, cần cụ thể hơn về phương thức và nguyên tắc thực hiện huy động nguồn lực xã hội; liệt kê, phân loại đầy đủ các hoạt động và điều kiện xã hội hóa như hoạt động nào ngân sách nhà nước chưa bố trí được, cần huy động nguồn lực xã hội để thực hiện xã hội hoá hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công tư; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xã hội hóa.

 

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) quan tâm đến điều khoản về hợp tác công tư trong y tế. Đại biểu đề xuất bỏ cụm từ “xã hội hóa y tế”, bởi trong lịch sử của Việt Nam cũng như trên thế giới không thấy định nghĩa thế nào là xã hội hóa y tế. Không thể xã hội hóa y tế bằng cách tư nhân bỏ tiền ra chung với bệnh viện mua máy đặt trong bệnh viện công để chia nhau lợi nhuận.

Đại biểu cho rằng, chỉ nên quy định 3 hình thức hợp tác công tư trong y tế. Đó là:

Hình thức thứ nhất là cho vay (ưu đãi cho các bệnh viện được mua sắm, đầu tư, cụ thể hóa trong luật, khuyến khích điều này để bệnh viện sẽ có thể vay tiền của tổ chức tín dụng cũng như những tổ chức quốc tế, bệnh viện đầu tư bằng nguồn tiền vay và có trách nhiệm bảo vệ vốn vay như một doanh nghiệp để bảo vệ trách nhiệm của mình khi vay tiền đầu tư cho y thế.

Hình thức thứ 2 là hình thức thuê, hình thức này đã có nhưng chưa rõ ràng. Đây là hình thức để các bệnh viện, các cơ sở y tế có thể thực hiện, với hai chiều. Chiều thứ nhất là bệnh viện công thuê các phương tiện, trang thiết bị của bệnh viện tư của tư nhân như máy móc, máy đắt tiền, những phương tiện không có đủ điều kiện mua thì thuê. Chiều thứ hai là tư nhân thuê bệnh viện công, điều này rất khó. Tuy nhiên, theo quan điểm của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu vẫn nên đặt ra trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để có hướng dần dần các luật khác sẽ hỗ trợ hiện thực. Đại biểu khẳng định, Y tế công có thương hiệu, có hiểu biết, có nguồn chất xám rất lớn nhưng không đủ khả năng để bỏ tiền ra xây dựng bệnh viện và vận hành bệnh viện về mặt quản trị. Chúng ta lấy cái mạnh của y tế công là thương hiệu, niềm tin người dân cộng với chất xám của các bác sĩ, điều dưỡng, nhà khoa học, còn tư nhân sẽ vận hành bệnh viện, tư nhân thuê lại thương hiệu. Mặc dù rất khó định giá thương hiệu của bệnh viện cũng như tài sản công khó khăn nhưng chúng ta cần có hướng đi này.

Hình thức thứ ba được đại biểu Nguyễn Lân Hiếu góp ý đó là hợp tác công tư phi lợi nhuận, thực tế trên thế giới đang triển khai từ rất lâu và rất thành công. Việt Nam đã có những bệnh viện tư nhân phi lợi nhuận, thế nhưng chưa có bệnh viện nào hợp tác công tư phi lợi nhuận. Nghĩa là các nhà hảo tâm, các quỹ xây dựng bệnh viện và cho các bệnh viện công vận hành bệnh viện đấy. Lợi nhuận được giữ lại đầu tư để phát triển bệnh viện rộng hơn, nâng cao đời sống của cán bộ, nhân viên bệnh viện cũng như cho các trường hợp bệnh nhân nghèo, khó khăn. Đại biểu đề nghị nên khuyến khích mô hình này và chắc chắn sẽ rất nhiều tổ chức, cá nhân sẵn sàng bỏ tiền ra xây dựng bệnh viện thương hiệu nhà nước để phục vụ người bệnh, để lại tiếng thơm cho chính tổ chức, cá nhân đấy.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh là luật cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đại biểu băn khoăn nếu lùi thêm một kỳ họp nữa, bởi tâm lý của đại biểu nếu tiếp tục lùi lại, sẽ không có thay đổi gì nhiều. Đại biểu mong muốn thông qua dự thảo luật tại Kỳ họp tới để gỡ rối vướng mắc trong y tế hiện nay.

Cấm hành vi khuyến mại nhằm thu hút người đến khám bệnh, chữa bệnh

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật về các hành vi bị nghiêm cấm, tiếp thu ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định cấm hành vi khuyến mại nhằm thu hút người đến khám bệnh, chữa bệnh.

Hiện có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng không nên cấm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khuyến mại vì việc này phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, khuyến mại nếu áp dụng với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sẽ có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh, gây lãng phí xã hội... nên cần quy định cấm tương tự như cấm khuyến mại thuốc chữa bệnh trực tiếp cho người dùng. Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí với loại ý kiến thứ hai.

Phát biểu tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Trần Chí Cường (Đà Nẵng) đánh giá cao sự nỗ lực và trách nhiệm của cơ quan soạn thảo đã có sự tiếp thu, điều chỉnh lại dự thảo luật. Dự thảo luật lần này có sự thay đổi rất lớn so với dự thảo trước. Các chương, các điều đã được bố cục lại hợp lý, rõ ràng, mạch lạc.

Liên quan đến ý kiến đề nghị cấm hành vi khuyến mại nhằm thu hút người đến khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 6 của dự thảo Luật với lý do người dân không có nhiều khả năng đánh giá chất lượng dịch vụ như thế nào là tốt, nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của mình như thế nào là phù hợp. Trong khi đó, một số trường hợp dùng nhiều thuốc, dịch vụ và sẽ gây hại cho sức khỏe. Theo đại biểu, lý giải như vậy là chưa thỏa đáng; đề nghị không đưa việc nghiêm cấm các hành vi khuyến mại của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đảm bảo tạo được sự bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh, các loại hình doanh nghiệp…

Đại biểu cho rằng, việc khám bệnh, chữa bệnh là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện với quy trình, điều kiện cụ thể được Bộ Y tế hướng dẫn nên việc các cơ sở y tế lạm dụng khuyến mại không phải là việc dễ dàng.

Bên cạnh đó, nếu chúng ta khuyến khích phát triển mạnh đầu tư, mở rộng xã hội hóa cho hoạt động y tế mà không tạo được môi trường bình đẳng để các đơn vị hoạt động được cung ứng dịch vụ, sản phẩm sẽ tạo ra khó khăn, gò bó cho các doanh nghiệp muốn tham gia vào dịch vụ khám, chữa bệnh.

Tạo điều kiện cho y tế tư nhân phát triển

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) nêu rõ, dự thảo Luật đang quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở cung cấp. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện việc niêm yết công khai và chịu sự kiểm tra các yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật về giá. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng cần phải nghiên cứu thêm nội dung này.

 

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm

Đại biểu nêu rõ, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân thông qua hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe, được đảm bảo, an sinh xã hội của nhân dân. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh có tác động trực tiếp đến Quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách Nhà nước cũng như tài chính của mỗi người dân. Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá. Do vậy, thực hiện nguyên tắc lấy người bệnh làm trung tâm và để đảm bảo quyền lợi của người bệnh, trong bối cảnh hệ thống y tế công ngày càng quá tải và nguy cơ dịch bệnh ngày càng gia tăng thì thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá.

Theo đó, Nhà nước ban hành dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Nhà nước cũng quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế, thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cũng thống nhất với việc phải có nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện cho y tế tư nhân phát triển để cùng với y tế công đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Đại biểu kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế kiểm soát bằng cách quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế tư nhân để đảm bảo quyền lợi của người bệnh để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng công bằng giữa khu vực công và tư.

Đại biểu chỉ rõ thực trạng, khu vực y tế công hiện tại thực hiện tự chủ tài chính nhưng cơ cấu giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ dẫn đến giảm nguồn thu. Điều này dẫn đến một số hệ lụy như không đủ tiền trả lương cho nhân viên, không tái đầu tư, không đủ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực khiến một bộ phận nhân viên y tế bỏ việc. Còn tại khu vực y tế tư nhân, do đã tính đúng, tính đủ cơ cấu giá các dịch vụ y tế với giá khám bệnh, chữa bệnh cao nên nhiều bệnh viện tư có nguồn kinh phí dồi dào để thu hút lực lượng bác sĩ giỏi từ các bệnh viện công chuyển sang. Do vậy, Nhà nước cần thống nhất quản lý giá khám bệnh, chữa bệnh của cả bệnh viện công với bệnh viện tư nhân sao cho lợi ích phải hài hòa giữa công và tư, đảm bảo quyền lợi của người bệnh và ổn định xã hội.

Thông qua

Một trong những nội dung lớn về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần thảo luận là đề xuất cân nhắc việc xem xét, thông qua dự thảo Luật theo quy trình 03 kỳ họp. Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đề nghị nên xem xét thông qua luật này tại 3 kỳ họp. Lý giải nguyên nhân, đại biểu cho rằng, đây là luật có ảnh hưởng lớn đến xã hội và nhiều lợi ích của người dân.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung

Qua nghiên cứu, đại biểu cho rằng dự án Luật vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm, phân tích và mổ xẻ thấu đáo để khi được ban hành luật sẽ đi vào cuộc sống và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám, chữa bệnh và cả người bệnh. Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra lấy thêm ý kiến về dự án Luật cũng như đánh giá tác động đối với một số chính sách mới có ảnh hưởng đến cơ sở khám, chữa bệnh và người bệnh.

Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho rằng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh là "luật xương sống" của ngành y tế, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế, nên dự án Luật cần được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng nhằm đảm bảo chất lượng, phù hợp thực tiễn và khả thi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một số chính sách mới được Ban soạn thảo đề xuất bổ sung mà chưa có đánh giá tác động; số điều khoản giao cho Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết còn tương đối nhiều, đây đều là những nội dung khó, quan trọng. Do vậy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc việc xem xét, thông qua dự thảo Luật theo quy trình 03 kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu có ý kiến, cho rằng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh là luật cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đại biểu băn khăn nếu lùi thêm một kỳ họp nữa, bởi tâm lý của đại biểu nếu tiếp tục lùi lại, sẽ không có thay đổi gì nhiều. Đại biểu mong muốn thông qua dự thảo luật tại Kỳ họp tới để gỡ rối vướng mắc trong y tế hiện nay.

 

Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức - Ảnh: VĐ

 

 

THANH LOAN