Không xác định tư cách tố tụng của Công ty bảo hiểm y tế trong vụ án vi phạm an toàn giao thông

Qua nghiên cứu bài viết: “Tư cách tố tụng của Công ty bảo hiểm y tế trong vụ án vi phạm an toàn giao thông” của tác giả Thanh Thịnh, đăng ngày 15/6/2020, tôi có quan điểm, không cần thiết phải đưa Công ty Bảo hiểm vào tham gia tố tụng.

Trong quá trình xét xử vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, ngoài xử lý hình sự đối với bị cáo, bên có lỗi còn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bên bị thiệt hại. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường khi xảy ra tai nạn giao thông, nguyên tắc bồi thường… tuân theo quy định tại BLDS 2015. Quan hệ pháp luật ở đây chính là quan hệ về việc bồi thường thiệt hại (BTTH), được pháp luật dân sự điều chỉnh bởi các quy phạm về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Và theo quy định của pháp luật dân sự thì bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một trách nhiệm pháp lý buộc người gây thiệt hại phải gánh chịu. Theo khoản 1 Điều 584 BLDS 2015: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Theo đó, trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng phát sinh khi có các điều kiện:

Một là, có thiệt hại xảy ra. Thiệt hại là một yếu tố cấu thành trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng. Trách nhiệm BTTH chỉ phát sinh khi có sự thiệt hại về tài sản hoặc sự thiệt hại về tinh thần được quy định tại các Điều 608, 609, 610, 611 BLDS 2015. Hai là, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật. Ba là, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Bốn là, phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.

Tại điểm a khoản 1 Điều 590 BLDS năm 2015 quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: “Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, …”; và điểm a mục 5 phần I và tiểu mục 1.1, mục 1 phần II, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP, ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, như sau: Nghĩa vụ chứng minh của các đương sự: “Người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường thiệt hại phải nêu rõ từng khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra, mức yêu cầu bồi thường và phải có chứng từ hoặc giấy biên nhận hợp lệ về các khoản chi phí hợp lý, về thu nhập của người bị thiệt hại”.

Tại khoản 1 Điều 48 BLHS năm 2015 quy định về việc bồi thường thiệt hại: “Người phạm tội phải … bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra”.

Đối chiếu  các quy định nêu trên chúng tôi thấy rằng chi phí điều trị cho anh Trần Đ là 2.450.000đ và chị Nguyễn Thị L là 15.900.000đ, là số tiền do Công ty BHYT TP. N chi trả, từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế, không phải do người bị hại chi trả, nên những người bị hại không bị thiệt hại thực tế về số tiền viện phí, vì vậy bị can không phải bồi thường.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014 thì bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Điều 3 Luật Bảo hiểm y tế quy định nguyên tắc bảo hiểm y tế như sau: “Bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế; Chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm y tế và người tham gia bảo hiểm y tế cùng chi trả”.

Như vậy, Công ty Bảo hiểm là cơ quan thực hiện việc thanh toán viện phí theo chính sách của Nhà nước. Công ty bảo hiểm thanh toán  chi phí điều trị cho anh Trần Đ và chị Nguyễn Thị L xuất phát từ quan hệ hợp đồng dịch vụ bảo hiểm giữa người bị hại và Công ty bảo hiểm xác lập, được điều chỉnh bởi Luật bảo hiểm y tế. Công ty bảo hiểm y tế chi trả viện phí cho những người bị hại là trách nhiệm độc lập trong quan hệ bảo hiểm y tế giữa những người bị hại và Công ty bảo hiểm y tế khi có phát sinh sự kiện bảo hiểm không liên quan đến quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong trường hợp này. Vì vậy, không cần thiết phải đưa Công ty Bảo hiểm vào tham gia tố tụng là phù hợp.

Trên đây là những quan điểm cá nhân rất mong ý kiến trao đổi của quý độc giả.

 

 

Bệnh nhân đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa Bình Tân (TP HCM) – Ảnh: Hà Tuấn/ HNM

 

Ths. NGUYỄN VĂN HUY (Tòa án quân sự Quân khu 5)