Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức
Ngày 8/9, thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Kết luận số 20-TB/TW về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.
Xem xét đề nghị của Ban Tổ chức Trung ương về chủ trương phân công, bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật, Bộ Chính trị kết luận như sau:
Việc bố trí công tác đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và Quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, thực hiện phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và chế độ.
Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.
Việc bố trí cán bộ sau khi từ chức, miễn nhiệm thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và theo định hướng như sau:
- Cán bộ tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét theo nguyện vọng.
- Cán bộ có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét bố trí như sau:
+ Trường hợp thời gian công tác còn dưới 5 năm: Cán bộ là Uỷ viên Trung ương Đảng thì Bộ Chính trị xem xét, bố trí công tác phù hợp với từng trường hợp cụ thể; Cán bộ ở cơ quan Trung ương và địa phương thì cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí làm công tác chuyên môn (không làm công tác lãnh đạo, quản lý), được giữ nguyên ngạch công chức đã được bổ nhiệm.
+ Trường hợp thời gian công tác còn từ 5 năm trở lên: Cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí công tác theo nguyên tắc nêu trên. Cán bộ sau khi bị kỷ luật tự nguyện xin từ chức thì được cấp có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể để bố trí công tác theo hướng giảm một cấp so với chức vụ khi bị kỷ luật. Sau 24 tháng công tác ở vị trí mới, nếu khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thì được cấp có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương.
Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn, chủ trì phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện Thông báo kết luận này bảo đảm đồng bộ, thống nhất; tham mưu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại một buổi lễ - Ảnh: TTXVN
Bài liên quan
-
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ
-
Kỷ luật cảnh cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương
-
Kỷ luật khiển trách Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước
-
Bộ Chính trị kỷ luật Cảnh cáo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái
và khai trừ ra khỏi Đảng nhiều đảng viên vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận