Kiểm tra chuyên ngành đất đai theo Luật Đất đai năm 2024
Một trong những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 là bổ sung quy định về kiểm tra chuyên ngành đất đai. Quy định này đã thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Đất đai năm 2013 về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đất đai.
1. Sự cần thiết của việc bổ sung quy định về kiểm tra chuyên ngành đất đai trong Luật Đất đai năm 2024
Thứ nhất, việc bổ sung quy định về kiểm tra chuyên ngành đất đai trong Luật Đất đai năm 2024 là nhằm thế chế hóa quan điểm của Đảng về tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đất đai đã nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW
Tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Đảng ta đã nhận định công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai có chuyển biến tích cực; nhiều vụ việc tham nhũng, vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai được xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, công tác thi hành chính sách, pháp luật về đất đai chưa nghiêm; việc phân cấp, phân quyền quản lý, sử dụng đất chưa hợp lý, chưa đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát; chưa rõ trách nhiệm giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong vai trò đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý nhà nước về đất đai.
Chính vì vậy, Đảng đã đặt ra yêu cầu phải “đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”[1]. Trong đó, phải đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát của Nhà nước trong việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách về đất đai; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý và sử dụng đất. Tăng cường kiểm soát quyền lực, thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai. Tiến hành kiểm tra, thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của các ngành, các cấp, thực hiện phương châm giải quyết triệt để tranh chấp về đất đai từ cơ sở, tránh vượt cấp lên Trung ương.
Như vậy, việc bổ sung quy định về kiểm tra chuyên ngành đất đai trong Luật Đất đai năm 2024 đã thể chế hóa quan điểm của Đảng nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Thứ hai, việc bổ sung quy định về kiểm tra chuyên ngành đất đai trong Luật Đất đai năm 2024 góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai
Trên thực tế, kiểm tra luôn được coi là công việc thường xuyên, không thể thiếu trong một chu trình quản lý, kiểm tra để xem công việc được thực hiện như thế nào, qua đó, đôn đốc, nhắc nhở hoặc hướng dẫn mọi người thực hiện cho đúng, cho tốt. Kiểm tra cũng nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những bất cập để điều chỉnh cho phù hợp, thấy được khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trường hợp có vi phạm rõ ràng thì tiến hành xử lý ngay để giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật. Nếu vụ việc phức tạp hoặc vi phạm lớn, người kiểm tra không đủ thẩm quyền hay điều kiện để làm rõ và xử lý thì có thể đề nghị tiến hành thanh tra[2].
Trong thời gian vừa qua, việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai đã có những tiến bộ quan trọng; tuy nhiên, còn bộc lộ nhiều yếu kém và bất cập. Biểu hiện tập trung rõ nhất là tình trạng quản lý đất đai lỏng lẻo, nhiều sơ hở, dẫn đến sử dụng đất đai lãng phí, kém hiệu quả, sai phạm trên diện rộng, nhiều tiêu cực, tham nhũng… diễn ra ở hầu khắp các địa phương kéo dài trong nhiều năm[3]. Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, việc bổ sung quy định về kiểm tra chuyên ngành đất đai và đưa quy định này vào thực tiễn là yêu cầu tất yếu của chu trình quản lý nhà nước về đất đai, góp phần phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Thứ ba, việc bổ sung quy định về kiểm tra chuyên ngành đất đai trong Luật Đất đai năm 2024 nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế của Luật Đất đai năm 2013 về công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đất đai
Điều 201 Luật Đất đai năm 2013 đã có quy định khá chi tiết về thanh tra chuyên ngành đất đai. Trong đó đã quy định rõ thế nào là thanh tra chuyên ngành đất đai; chủ thể chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành đất đai; nội dung, nhiệm vụ của thanh tra chuyên ngành đất đai.
Tuy nhiên, về kiểm tra đất đai, Luật Đất đai năm 2013 quy định tương đối mờ nhạt. Theo đó, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai được quy định là một trong những nội dung của quản lý nhà nước về đất đai (khoản 12 Điều 22). Tuy nhiên, Luật chưa có quy định về chủ thể chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện kiểm tra chuyên ngành đất đai; nội dung, nhiệm vụ của kiểm tra chuyên ngành đất đai.
Chính vì vậy, Điều 234 Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung quy định về kiểm tra chuyên ngành đất đai nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế của Luật Đất đai năm 2013 về công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đất đai.
2. Những nội dung chính của kiểm tra chuyên ngành đất đai theo Luật Đất đai năm 2024
2.1. Nội hàm của kiểm tra chuyên ngành đất đai
Khoản 2 Điều 234 Luật Đất đai năm 2024 quy định kiểm tra chuyên ngành đất đai là hoạt động được thực hiện thường xuyên, liên tục của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý đất đai nhằm đôn đốc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai; nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.
Từ quy định trên, có thể thấy nội hàm của kiểm tra chuyên ngành đất đai gồm các nội dung sau:
Thứ nhất, kiểm tra chuyên ngành đất đai là hoạt động được thực hiện thường xuyên, liên tục, là một khâu của chu trình quản lý nhà nước về đất đai. Việc kiểm tra chuyên ngành đất đai thực hiện theo kế hoạch hằng năm hoặc đột xuất; được thực hiện bằng hình thức thành lập đoàn kiểm tra hoặc văn bản cử tổ kiểm tra, người kiểm tra[4].
Thứ hai, kiểm tra chuyên ngành đất đai là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý đất đai. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý đất đai được quy định cụ thể tại Điều 21, Điều 22 Luật Đất đai năm 2024. Trong đó, (i) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai trong phạm vi cả nước; (ii) Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai theo quy định của Luật này; (iii) Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đất đai; (iv) Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quản lý nhà nước về đất đai; (v) chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương theo thẩm quyền quy định của Luật này.
Thứ ba, mục đích của kiểm tra chuyên ngành đất đai là nhằm: (i) đôn đốc việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai; nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; (ii) phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.
2.2. Trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện kiểm tra chuyên ngành đất đai
Khoản 3 Điều 234 Luật Đất đai năm 2024 đã quy định cụ thể trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện kiểm tra chuyên ngành đất đai. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện kiểm tra chuyên ngành đất đai trên phạm vi cả nước; cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm tra chuyên ngành đất đai; cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra chuyên ngành đất đai.
Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, thẩm quyền quyết định và trách nhiệm thực hiện thanh tra chuyên ngành đất đai được quy định như sau:
- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các cơ quan chuyên ngành đất đai trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định việc kiểm tra đối với lĩnh vực đất đai trên phạm vi cả nước;
Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng cơ quan có chức năng quản lý đất đai trực thuộc Ủy ban nhân dân các cấp quyết định việc kiểm tra đối với lĩnh vực đất đai trên phạm vi địa bàn quản lý.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan có chức năng quản lý chuyên ngành về đất đai; cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh, huyện; công chức, viên chức thực hiện chức năng quản lý đất đai chịu trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra chuyên ngành đất đai[5].
2.3. Nội dung kiểm tra chuyên ngành đất đai
Khoản 4 Điều 234 Luật Đất đai năm 2024 quy định kiểm tra chuyên ngành đất đai gồm các nội dung sau đây:
- Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của Ủy ban nhân dân các cấp, bao gồm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của Ủy ban nhân dân các cấp; cơ quan có chức năng quản lý về đất đai các cấp; công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý đất đai các cấp, công chức làm công tác địa chính cấp xã; việc bố trí nguồn lực và các điều kiện khác bảo đảm cho việc thi hành pháp luật; việc thực hiện thống kê, chế độ báo cáo, lưu trữ, xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu[6].
- Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của người sử dụng đất và của tổ chức, cá nhân khác có liên quan;
- Kiểm tra việc chấp hành các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc lĩnh vực đất đai.
2.4. Nhiệm vụ của kiểm tra chuyên ngành đất đai
Khoản 5 Điều 234 Luật Đất đai năm 2024 quy định kiểm tra chuyên ngành đất đai có các nhiệm vụ sau đây:
- Kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan nhà nước, người sử dụng đất trong việc quản lý, sử dụng đất đai. Như vậy, đối tượng của kiểm tra chuyên ngành đất đai không chỉ bao gồm người sử dụng đất, mà còn bao gồm cơ quan nhà nước có trách nhiệm quản lý đất đai.
- Đôn đốc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật đất đai; phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.
3. Kết luận
Kiểm tra luôn được coi là công việc thường xuyên, không thể thiếu trong một chu trình quản lý, trong đó có quản lý nhà nước về đất đai. Việc Luật Đất đai năm 2024 bổ sung quy định về kiểm tra chuyên ngành đất đai đã thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Đất đai năm 2013 về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đất đai. Việc triển khi thi hành thực chất, hiệu quả, đồng bộ quy định về kiểm tra chuyên ngành đất đai sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai trong thời gian tới.
[1] Mục 4 phần IV Nghị quyết số 18-NQ/TW.
[2] Nguyễn Thị Hồng Thúy, Luật Thanh tra năm 2022 phân định hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra theo hướng: Kiểm tra là thường xuyên, thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, https://truongcanbothanhtra.gov.vn/elementor-42950/, truy cập ngày 06/5/2024.
[3] Trần Quốc Toản, Đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai (Bài 3: Quản lý nhà nước về đất đai cần được hoàn thiện và nâng lên tầm cao mới), https://baochinhphu.vn/bai-3-quan-ly-nha-nuoc-ve-dat-dai-can-duoc-hoan-thien-va-nang-len-tam-cao-moi-102220601150106543.htm, truy cập ngày 06/5/2024.
[4] Điểm a khoản 3 Điều 164 dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-du-thao-nghi-dinh-quy-dinh-chi-tiet-thi-hanh-mot-so-dieu-cua-luat-dat-dai-119240221154602379.htm, truy cập ngày 06/5/2024.
[5] Khoản 2 Điều 164 dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-du-thao-nghi-dinh-quy-dinh-chi-tiet-thi-hanh-mot-so-dieu-cua-luat-dat-dai-119240221154602379.htm, truy cập ngày 06/5/2024.
[6] Theo khoản 4 Điều 164 dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-du-thao-nghi-dinh-quy-dinh-chi-tiet-thi-hanh-mot-so-dieu-cua-luat-dat-dai-119240221154602379.htm, truy cập ngày 06/5/2024.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
- Luật Đất đai năm 2013.
- Luật Đất đai năm 2024.
- Nguyễn Thị Hồng Thúy, Luật Thanh tra năm 2022 phân định hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra theo hướng: Kiểm tra là thường xuyên, thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, https://truongcanbothanhtra.gov.vn/elementor-42950/, truy cập ngày 06/5/2024.
- Trần Quốc Toản, Đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai (Bài 3: Quản lý nhà nước về đất đai cần được hoàn thiện và nâng lên tầm cao mới), https://baochinhphu.vn/bai-3-quan-ly-nha-nuoc-ve-dat-dai-can-duoc-hoan-thien-va-nang-len-tam-cao-moi-102220601150106543.htm, truy cập ngày 06/5/2024.
- Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-du-thao-nghi-dinh-quy-dinh-chi-tiet-thi-hanh-mot-so-dieu-cua-luat-dat-dai-119240221154602379.htm, truy cập ngày 06/5/2024.
Khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh rộng hàng nghìn hecta trải dài trên địa bàn 4 xã của huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) bị bỏ hoang sau hơn 14 năm triển khai- Ảnh: Hoàng Giám
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận