Kiến nghị hướng dẫn về tình tiết “Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”

Hội đồng Thẩm phán TANDTC có dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 51 và Điều 52 của BLHS. Qua nghiên cứu nội dung dự thảo hướng dẫn áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” tại điểm b khoản 1 Điều 52 cho thấy có những quy định chưa rõ ràng, chưa phù hợp thực tiễn nên sẽ phát sinh bất cập khi tổ chức thực hiện.

1. Quy định của dự thảo và một số vướng mắc, bất cập

Tại khoản 2 Điều 3 dự thảo quy định như sau:

“2. Chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Cố ý phạm tội từ 05 lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích;

b) Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

Ví dụ: Nguyễn Văn A là một người không nghề nghiệp, chuyên sống bằng nguồn thu nhập từ việc phạm tội. Trong một thời gian, A liên tiếp thực hiện 5 vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ năm trăm ngàn đồng trở lên). Trong trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng tình tiết định khung hình phạt “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.

Theo hướng dẫn của dự thảo Nghị quyết nêu trên thì “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” được hiểu là người phạm tội cố ý 05 lần thực hiện tội phạm trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống, lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính. Như vậy, so với hướng dẫn trước đây tại Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS (gọi tắt là Nghị quyết số 01/2006), thì dự thảo giữ nguyên, không thay đổi, bổ sung gì.

Theo quy định của dự thảo (cũng như quá trình áp dụng hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2006) thấy có một số vướng mắc, bất cập như sau:

Thứ nhất, khó khăn trong quá trình áp dụng, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn

 Việc hướng dẫn như dự thảo để xử lý người phạm tội có tính chất chuyên nghiệp thì bên cạnh việc chứng minh được bị cáo 05 lần phạm tội còn phải chứng minh bị cáo lấy các lần phạm tội đó làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính. Như vậy, phải chứng minh được về động cơ, mục đích phạm tội là người phạm tội phải lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.  

Quy định này mang nặng tính chủ quan khi đánh giá và dường như hướng đến xử lý những đối tượng phạm tội là người không nghề nghiệp. Ví dụ cùng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản liên tục trên 05 lần, mỗi lần đều trên 2.000.000 đồng nhưng nếu người phạm tội có nghề nghiệp, thu nhập ổn định thì khó xác định là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; còn ngược lại người phạm tội không có nghề nghiệp thì phải chịu tình tiết tăng nặng này. Điều này vừa không công bằng đối với những người phạm tội, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Điều này còn thấy rõ hơn qua theo dõi xét xử vụ chuyến bay giải cứu. Trong thời gian từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022 (khoảng 27 tháng) nhưng có 05 bị cáo nhận hối lộ trên 38 lần, đặc biệt có bị cáo nhận đến 253 lần với số tiền hơn 42 tỷ đồng, tính ra bình quân trên 09 lần mỗi tháng. Nhưng để áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là rất khó vì họ đều có nghề nghiệp và thu nhập ổn định; số tiền thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội là rất lớn nên không thể cho đó là nguồn sống chính. Vì vậy, quy định này chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới.  

Thứ hai, xung đột pháp luật về cùng một vấn đề

Tại khoản 3 Điều 5 Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 324 của BLHS 2015 về tội rửa tiền (gọi tắt là Nghị quyết số 03/2019) thì tình tiết “có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 324 BLHS 2015 được hướng dẫn như sau: “3. Có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi rửa tiền từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc rửa tiền làm nguồn thu nhập”.

So sánh hướng dẫn của dự thảo với Nghị quyết số 03/2019, cho thấy điểm giống nhau là người phạm tội phải cùng thực hiện một tội phạm 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích). Điểm khác nhau là Nghị quyết số 03/2019 thì chỉ cần người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc phạm tội làm nguồn thu nhập; còn theo dự thảo thì người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

Như vậy, cùng một vấn đề hướng dẫn về “tính chất chuyên nghiệp” nhưng một văn bản lại xác định là “nguồn sống chính”, một văn bản lại xác định “làm nguồn thu nhập” nên có sự mâu thuẫn, chưa thống nhất trong hướng dẫn áp dụng pháp luật. Trong khi các văn bản này đều là Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC nên có hiệu lực ngang nhau.

2. Kiến nghị, đề xuất

Qua phân tích nêu trên cho thấy hướng dẫn về tính chất chuyên nghiệp chỉ cần xác định người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc phạm tội làm nguồn thu nhập là phù hợp. Vừa bảo đảm được tính thống nhất trong hướng dẫn, vừa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về tham nhũng, tiêu cực trong tình hình hiện nay. Từ đó, tác giả kiến nghị hoàn thiện hướng dẫn tại khoản 2 Điều 3 dự thảo như sau: 

“2. Chỉ áp dụng tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Cố ý phạm tội từ 05 lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích;

b) Người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc phạm tội làm nguồn thu nhập”.

Trên đây là ý kiến góp ý đối với dự thảo, mong nhận được ý kiến trao đổi từ các đồng nghiệp, sự đồng ý của Ban soạn thảo nhằm góp phần tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong thực tiễn áp dụng.

LÊ CHÍ CÔNG (TAND huyện An Minh, Kiên Giang)

Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai  xét xử sơ thẩm  vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”- Ảnh: TL