Kiến nghị về xác định nghĩa vụ chịu án phí khi Tòa án công nhận thỏa thuận của các đương sự
Trong bài viết trước tác giả đưa ra vướng mắc trong thực tiễn khi xác định nghĩa vụ chịu án phí khi Tòa án ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong vụ án dân sự. Trong bài viết này, tác giả đề xuất phương án xác định nghĩa vụ chịu án phí của các bên trong vụ án dân sự khi Tòa án ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Không có căn cứ buộc mỗi bên chịu 50% án phí
Theo quy định tại Điều 186 BLTTDS năm 2015 thì “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Nếu sau khi nguyên đơn khởi kiện, Tòa án thụ lý giải quyết vụ án mà các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, Tòa án phải đưa vụ án ra xét xử. Khi đó nếu yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận thì bị đơn phải chịu toàn bộ 100% án phí theo mức quy định tại Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14, ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu , nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (Nghị quyết số 326), ngược lại nếu yêu cầu của nguyên đơn không được chấp nhận thì nguyên đơn phải chịu 100% án phí (trừ một số trường hợp ngoại lệ theo quy định tại Điều 27 Nghị quyết số 326 về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong một số loại việc cụ thể).
Trong trường hợp các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ nội dung vụ án trong phiên hòa giải trước khi Tòa án mở phiên tòa thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và án phí họ phải chịu chỉ bằng 50% so với án phí cùng vụ án đó mà phải đưa ra xét xử. Tuy nhiên trong thực tiễn có những vụ việc họ đã thỏa thuận với nhau xong về quyền và nghĩa vụ của các bên nhưng không thỏa thuận được về nghĩa vụ chịu án phí thuộc về bên nào. Các Thẩm phán có quan điểm nếu chưa thỏa thuận được về án phí như vậy là họ chưa thỏa thuận được về toàn bộ nội dung vụ án phải đưa vụ án ra xét xử, có thẩm phán thuyết phục họ theo nguyên tắc mỗi bên chịu 50% án phí hòa giải thành (25% án phí xét xử) nhưng theo tác giả việc thuyết phục đó chỉ là mang tính tương đối nếu đương sự không chấp nhận chúng ta có căn cứ để buộc họ chấp nhận mỗi bên phải chịu 50% án phí không?
Theo tác giả với quy định hiện hành chúng ta không có căn cứ để buộc mỗi bên phải chịu 50% án phí hòa giải thành, bởi vì quy định về án phí tại khoản 7 Điều 26 của Nghị quyết số 326 thì: “Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch.” Nghị quyết không nói rõ nguyên đơn hay bị đơn phải chịu và tỉ lệ chịu bao nhiêu %. Đồng thời tác giả thấy rằng để đưa một vụ án ra xét xử Tòa án phải thu thập chứng cứ, phải tiến hành rất nhiều thủ tục tố tụng, cả cơ quan tiến hành tố tụng và các đương sự phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và chi phí cho vụ án. Trong khi đó việc hòa giải thành trước khi mở phiên tòa có thể giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức và có thể giúp các đương sự giảm bớt xung đọt trong cuộc sống, điều dễ thấy nhất là án phí của vụ án có thể giảm được 50%. Đối với các Thẩm phán có đủ bản lĩnh và đương sự có sự cảm thông với nhau thì khi đã thỏa thuận xong về quyền và nghĩa vụ của họ, họ sẵn sàng thỏa thuận về án phí thì không còn vấn đề để bàn.
Còn đối với một vài đương sự đặc biệt, ví dụ vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng với cá nhân thì Ngân hàng không bao giờ chấp nhận chịu án phí, nếu bị đơn là cá nhân cũng kiên quyết không chịu án phí hoặc chỉ đồng ý chịu 50% án phí trong khi hai bên đã thương lượng được về nghĩa vụ trả nợ vay Ngân hàng vốn gốc và lãi thì Thẩm phán xử lý thế nào? Đưa vụ án ra xét xử hay buộc bị đơn phải chịu, hay buộc mỗi bên phải chịu 50% án phí để hòa giải thành. Vấn đề này càng phải bàn kỹ để bảo vệ quyền lợi của bên có quyền lợi bị xâm phạm.
Ví dụ nguyên đơn Nguyễn Văn X khởi kiện đòi tiền vay với bị đơn Nguyễn Văn Y số tiền vay là 100.000.000 đồng. Nếu X và Y thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án là Y có nghĩa vụ trả cho X 100.000.000 đồng nhưng không thỏa thuận được về án phí. Nếu đưa vụ án ra xét xử thì khi buộc Y trả 100.000.000 đồng cho X án phí Y phải chịu toàn bộ là 5.000.000 đồng, nếu Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận trước khi mở phiên tòa, án phí X và Y chịu chỉ có 2.500.000 đồng. Cho rằng sau khi có bản án, quyết định của Tòa Y có tài sản để trả toàn bộ số nợ và đóng án phí thì không có gì đáng tranh luận. Nhưng ngược lại sau khi có bản án, quyết định của Tòa buộc Y có nghĩa vụ trả cho X 100.000.000 đồng mà Y không có tài sản gì, không có tiền thì bản án, quyết định đó bất khả thi.
Trong trường hợp thứ hai Y không có khả năng trả nợ, X là người cho vay đã bỏ ra tài sản, Y không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn xâm phạm quyền lợi hợp pháp của X, X phải đi kiện. Song sau đó nếu hai bên hòa giải thành trước khi mở phiên tòa X phải chịu 50% án phí cuối cùng X chẳng những không lấy lại được tài sản mà còn phải chịu án phí sẽ thiệt thòi cho X rất lớn.
Tòa án quyết định bên phải chịu án phí
Do đó, tác giả mạnh dạn đưa ra kiến nghị dựa trên lẽ công bằng và nền tảng của Nghị định số 70-CP ngày 12/6/1997 quy định về án phí lệ phí Tòa án, kiến nghị cần quy định như sau: “Nếu trước khi mở phiên toà, Toà án tiến hành hoà giải mà các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, thì các đương sự chỉ phải chịu 50% mức án phí quy định khi đưa vụ án ra xét xử. Các đương sự có thể thoả thuận với nhau về mức án phí mà mỗi bên phải chịu; nếu họ không thoả thuận được, thì Toà án quyết định bên có nghĩa vụ phải chịu toàn bộ án phí tương ứng với phần nghĩa vụ mà họ phải thực hiện trừ một số trường hợp ngoại lệ theo quy định tại Điều 27 Nghị quyết số 326 về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong một số loại việc cụ thể”.
Theo quan điểm của tác giả bổ sung quy định như trên sẽ phù hợp với nguyên tắc quy định tại Điều 5 của BLTTDS 2015 về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự theo đó “đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội”.
Cho họ ưu tiên thỏa thuận về nghĩa vụ chịu án phí nếu họ đã thỏa thuận được xong các nội dung khác, tuy nhiên để đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa, người dân phải thượng tôn pháp luật thì nếu họ không thỏa thuận được về án phí thì Tòa án được quyết định cho họ ai phải chịu án phí, bởi vì Thẩm phán quyết định trong trường hợp này hợp lý hơn là phải đưa vụ án ra xét xử chỉ để xử án phí xem ai chịu trong khi họ đã thỏa thuận được toàn bộ nội dung vụ án về quyền và nghĩa vụ của các bên. Sau đó chúng ta phải xét đến lẽ công bằng do bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ dẫn đến bên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, do đó khi đã thỏa thuận được về quyền và nghĩa vụ của các bên (nội dung vụ án) mà không thỏa thuận được án phí thì nên buộc bên có nghĩa vụ phải chịu án phí tương ứng với nghĩa vụ họ phải thực hiện mà không buộc bên có quyền phải san sẻ án phí này.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận