Kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Theo dự thảo, Thông tư này quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án do ngân sách nhà nước bảo đảm và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Đối tượng áp dụng là Tòa án nhân dân các cấp, Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án;  Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Nguồn kinh phí thực hiện hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Nguồn ngân sách nhà nước (trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án do các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án phải chịu chi phí); Nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Nội dung chi, mức chi kinh phí thực hiện hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm:

-Chi tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng: Chi tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại, Thư ký Tòa án phục vụ hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án; theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Chi tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho Hòa giải viên theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

-Chi thực hiện công tác thông tin, truyền thông về hoạt động hòa giải: Căn cứ nội dung, nhiệm vụ truyền thông về hoạt động hòa giải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và giao nhiệm vụ theo quy định, Tòa án nhân dân các cấp chịu trách nhiệm lựa chọn hình thức, nội dung truyền thông đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao;

-Chi tổ chức các hội nghị, trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm liên quan đến hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Chi kiểm tra, giám sát về hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án: thực hiện theo Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

-Chi khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án thực hiện theo Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng.

-Chi mua, sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật về đấu thầu;

-Chi văn phòng phẩm, nước uống, các chi phí hành chính trực tiếp khác liên quan đến vụ việc hòa giải theo phát sinh thực tế; chứng từ chi hợp pháp, hợp lệ.

-Chi tổ chức lựa chọn người đưa vào danh sách được tham gia đào tạo lấy chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ Hòa giải viên và bổ nhiệm Hòa giải viên;

-Chi thù lao cho hòa giải viên: Mức chi thù lao cho Hòa giải viên thực hiện theo quy định của Chính phủ;

-Chi làm thẻ cho Hòa giải viên: Thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu về mua sắm thường xuyên;

-Chi phiên dịch (dịch nói) tiếng dân tộc thiểu số và ngược lại phục vụ hoạt động hòa giải; chi phiên dịch về ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật trong trường hợp cần thiết khi người được hòa giải là người khuyết tật nghe, nói: Mức thuê phiên dịch áp dụng bằng mức thuê người dẫn đường kiêm phiên dịch tiếng dân tộc quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, Tổng điều tra thống kê quốc gia.

Về lập dự toán, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Việc lập, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí thực hiện công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án được thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về kế toán và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Thông tư này hướng dẫn thêm như sau:

-Lập dự toán ngân sách: Hàng năm, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, Tòa án nhân dân các cấp lập dự toán chi tiết kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tổng hợp chung trong dự toán chi hoạt động thường xuyên của cơ quan Tòa án; gửi Tòa án nhân dân tối cao để tổng hợp chung trong dự toán chi thường xuyên gửi Bộ Tài chính để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và giao dự toán ngân sách hàng năm theo quy định. Việc lập dự toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

-Việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí phục vụ hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về kế toán. Kinh phí phục vụ hoạt động hòa giải đối thoại tại Tòa án được tổng hợp chung trong quyết toán chi thường xuyên hàng năm của Tòa án nhân dân tối cao theo quy định.

 

Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND TP. HàNội hòa giải một vụ việc dân sự – Ảnh: Quang Huy

 

THÁI VŨ