KỸ NĂNG ĐIỀU HÀNH TRANH TỤNG TẠI PHIÊN TÒA HÌNH SỰ CỦA THẨM PHÁN (Kỳ IV)
Theo quy định tại Điều 307, trong giai đoạn xét hỏi chủ tọa phiên tòa được toàn quyền điều hành và đóng vai trò chính trong việc xét hỏi. Để điều hành tốt phần xét hỏi cũng như việc bảo đảm tranh tụng trong xét hỏi, chủ tọa phiên tòa cần lưu ý một số vấn đề.
1.5. Kỹ năng điều hành tranh tụng trong giai đoạn tranh luận tại phiên tòa.
Để làm tốt chức năng điều hành phần tranh luận tại phiên tòa thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cần chú ý, quan tâm đến một số vấn đề như:
– Nội dung luận tội của đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa có căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu, đồ vật đã được kiểm tra tại phiên tòa cũng như ý kiến của người bào chữa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa hay không? Hay vẫn luận tội theo nội dung của bản Cáo trạng! Trong trường hợp này cần phải đối chiếu theo quy định tại Điều 321. Luận tội của Kiểm sát viên để xem xét luận tội của Kiểm sát viên có tuân thủ theo đúng quy định tại Điều 321 không đó là:
“1. Luận tội của Kiểm sát viên phải căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu, đồ vật đã được kiểm tra tại phiên tòa và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa.
- Nội dung luận tội phải phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; tội danh, hình phạt, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; mức bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.
- Đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung bản cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; đề nghị mức hình phạt chính, hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng.
- Kiến nghị các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật”.
– Trong trường hợp luận tội của đại diện Viện kiểm sát xuất phát từ diễn biến tại phiên tòa mà có những thay đổi so với bản cáo trạng thì phải nêu lý do của việc thay đổi đó; nếu Kiểm sát viên chưa nêu lý do về việc thay đổi, thì chủ tọa phiên tòa phải yêu cầu Kiểm sát viên trình bày lý do của việc thay đổi đó. Bởi lẽ, Điều luật quy định Kiểm sát viên phải trình bày lời luận tội, chứ không phải đọc lời luận tội chuẩn bị trước. Quy định này, bắt buộc lời luận tội của Kiểm sát viên phải căn cứ vào diễn biến của phiên tòa để có quan điểm luận tội một cách khách quan, trung thực. Còn việc đọc bản luận tội chuẩn bị trước thì không bao giờ có thể đúng với diễn biến thực tiễn của phiên tòa và chỉ thể hiện ý chí áp đặt chủ quan của Kiểm sát viên đối với bị cáo và các đương sự khác. Tuy nhiên, khi trình bày lời luận tội trong trường hợp giữ nguyên hay thay đổi khác với bản Cáo trạng thì nội dung luận tội cũng phải thể hiện được đầy đủ những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; tội danh, hình phạt, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; mức bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Đề nghị kết tội theo toàn bộ Cáo trạng hay một phần của bản Cáo trạng hoặc đề nghị xét xử bị cáo theo một tội nhẹ hơn hoặc khung hình phạt nhẹ hơn thì cũng cần phải phân tích rõ các lý do trong phần luận tội…
– Sau khi đại diện Viện kiểm sát kết thúc việc trình bày lời luận tội, Chủ tọa phiên tòa chủ động trong việc quyết định người bào chữa nào phát biểu trước, người bào chữa nào phát biểu sau (nếu vụ án có đông bị cáo và nhiều người bào chữa hoặc có một bị cáo nhưng có nhiều người bào chữa). Sau khi người bào chữa phát biểu xong thì chủ tọa cần hỏi bị cáo có đồng ý với quan điểm của người bào chữa đã phát biểu hay không, có cần bổ sung gì thêm để tự bào chữa cho mình. Nếu bị cáo có ý kiến phát biểu bổ xung thì để bị cáo được phát biểu, xong cần lưu ý bị cáo những gì mà người bào chữa đã phát biểu rồi thì không cần nói lại để tránh mất thời gian. Sau đó sẽ yêu cầu những người tham gia tố tụng khác phát biểu quan điểm của mình đối với bản luận tội của đại diện Viện kiểm sát. Về vấn đề này, đòi hỏi Chủ tọa phiên tòa phải nắm chắc các tình tiết đã được xét hỏi để điều khiển việc tranh luận không kéo dài mà vẫn bảo đảm tính chất tranh tụng khi xét xử.
– Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, nhưng có quyền cắt những ý kiến không có liên quan đến vụ án. Thực tiễn cho thấy cũng có những luật sư lạm dụng quá trình tranh luận để phê phán các văn bản hướng dẫn về pháp luật, các quyết định hành chính của các cấp chính quyền hoặc bào chữa mang tính gây bất lợi cho bị cáo khác. Trong trường hợp này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cần nghiêm khắc cắt những ý kiến không liên quan đó. Nếu vụ án có nhiều vấn đề, nhiều tình tiết của vụ án có quan điểm đánh giá khác nhau, thì chủ toạ phiên tòa phải chú ý xem những vấn đề được tranh luận có bao nhiêu ý kiến khác nhau, để việc tranh luận đúng trọng tâm của vụ án, chủ tọa phiên tòa cần yêu cầu những người tham gia tranh luận nêu những vấn đề không đồng ý và tranh luận từng vấn đề một.
– Trong phần đối đáp, Chủ tọa phiên tòa cần hết sức chú ý đến phần đối đáp của đại diện Viện kiểm sát. Theo quy định tại Điều 322 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì khi đối đáp mà những người tham gia tố tụng có ý kiến khác với mình thì Kiểm sát viên phải đưa ra những lập luận, chứng cứ, tài liệu để đối đáp đến cùng từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa.
Nếu người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền lợi của đương sự đưa ra những ý kiến đề nghị Kiểm sát viên tranh luận nhưng Kiểm sát viên không tranh luận thì chủ tọa phiên tòa phải phải yêu cầu Kiểm sát viên đối đáp lại toàn bộ những ý kiến của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác. Nếu đại diện Viện kiểm sát không đối đáp thì yêu cầu Kiểm sát viên nói rõ lý do và việc này phải được ghi vào biên bản phiên toà.
Chủ tọa phiên tòa phải tạo điều kiện để những người tham gia phiên tòa thực hiện quyền đối đáp lại những ý kiến của người khác. Điều luật không quy định người tham gia tranh luận chỉ có quyền phát biểu một lần với mỗi ý kiến mà mình không đồng ý. Tuy nhiên, Chủ tọa phiên tòa cũng có quyền cắt ý kiến đối đáp khi thấy những ý kiến đối đáp không liên quan đến vụ án hoặc người tham gia tố tụng phát biểu nhiều lần về một vấn đề nhưng lời phát biểu đó trùng lặp nhau hoặc trùng lặp với ý kiến của người khác đã phát biểu, tránh kéo dài phiên tòa một cách không cần thiết.
Trong quá trình tranh luận, chủ tọa phiên tòa không được có ý kiến mang tính kết luận, bình luận, nhận định những luận điểm của các bên đối đáp hay có tính chất bênh vực Kiểm sát viên hay người tham gia tranh luận với Kiểm sát viên mà phải luôn giữ thái độ khách quan.
Nếu trong khi tranh luận, theo yêu cầu của Kiểm sát viên hoặc người tham gia tranh luận hoặc chủ tọa phiên tòa thấy có những vấn đề cần phải làm rõ hơn hoặc phát hiện có tình tiết mới cần phải trở lại giai đoạn xét hỏi thì Hội đồng xét xử có thể quyết định việc trở lại xét hỏi, sau đó việc tranh luận được thực hiện lại bình thường. Tuy nhiên, để tránh kéo dài thời gian không cần thiết, chủ tọa phiên tòa có thể lưu ý đối với Kiểm sát viên và người tham gia tranh luận chỉ tranh luận những vẫn đề mới phát sinh sau khi xét hỏi thêm.
- Kỹ năng điều hành tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm
2.1. Về xét xử phúc thẩm
Theo quy định tại Điều 330 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì “Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị”.
Về thẩm quyền xét xử phúc thẩm:
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì:
– Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp quận, huyện đã xét xử mà bản án, hoặc quyết định chưa có hiệu lực bị kháng cáo, kháng nghị. Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử phúc thẩm những vụ án do các Tòa án quân sự cấp khu vực đã xét xử sơ thẩm mà bản án hoặc quyết định đó chưa có hiệu lực bị kháng cáo, kháng nghị.
– Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã xét xử sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật mà bị kháng cáo, kháng nghị thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng cáo, kháng nghị.
– Việc bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, là để Tòa án cấp phúc thẩm kiểm tra tính hợp pháp và có căn cứ của bản án, quyết định sơ thẩm trong phạm vi quyền hạn của mình nhằm khắc phục những sai sót của cấp sơ thẩm. Thông qua hoạt động xét xử phúc thẩm, còn tạo điều kiện để các Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng thống nhất pháp luật và là căn cứ để tổng kết thực tiễn xét xử và kiến nghị với cấp trên ban hành các văn bản dưới luật hướng dẫn áp dụng pháp luật đồng thời cũng là căn cứ để kiến nghị với người có thẩm quyền kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm nếu thấy cần thiết.
Sự khác nhau giữa xét xử phúc thẩm và giám đốc thẩm, tái thẩm thể hiện ở một số điểm như sau:
– Tòa phúc thẩm là cấp xét xử thứ hai, có nhiệm vụ xét xử lại các vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án hoặc quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Còn giám đốc thẩm, tái thẩm không phải là cấp xét xử mà chỉ là một thủ tục đặc biệt để xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị khi phát hiện có sai lầm hoặc có tình tiết mới.
– Đối tượng xét xử của Tòa án cấp phúc thẩm chỉ là những bản án hoặc quyết định của cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật mà bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Còn đối tượng xem xét của giám đốc thẩm, tái thẩm là tất cả những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cả Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm của các Tòa án cấp cao bị kháng cáo kháng nghị. Đối với thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì chỉ những người có thẩm quyền theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao trở lên) mới có quyền kháng nghị.
2.2. Những người có quyền kháng cáo, kháng nghị, thủ tục, thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Về những người có quyền kháng cáo:
Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, quy định về quyền kháng cáo của bị cáo và các đương sự trong vụ án khi họ không nhất trí với bản án hoặc quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.
Theo quy định tại Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì người có quyền kháng cáo là:
“1. Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
- Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.
- Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.
- Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội”.
Đối với những người có quyền kháng cáo theo quy định tại Điều 331 nói trên thì đối với bị cáo, người bị hại, những người đại diện hợp pháp của họ hoặc người bào chữa của người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần và thể chất có quyền kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm bao gồm cả về trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự. Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và lợi ích hợp pháp không có quyền kháng cáo toàn bộ bản án mà chỉ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến bồi thường thiệt hại, hoặc phần có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ không được quyền kháng cáo về phần trách nhiệm hình sự… Đặc biệt đối với người được Tòa án tuyên không có tội thì vẫn có quyền kháng cáo để cấp phúc thẩm xem xét làm rõ các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.
Về thủ tục kháng cáo:
Theo quy định tại Điều 332 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì:
– Đối với bị cáo đang tại ngoại hoặc những người tham gia tố tụng khác trong vụ án, có yêu cầu kháng cáo thì phải trực tiếp gửi đơn kháng cáo đến Tòa án đã xử sơ thẩm, nhiều trường hợp đơn kháng cáo gửi về Tòa án cấp trên, sau đó Tòa án cấp phúc thẩm lại phải gửi đơn về cấp sơ thẩm để lập hồ sơ kháng cáo. Người kháng cáo có thể trình bày trực tiếp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm về việc kháng cáo. Tòa án phải lập biên bản về việc kháng cáo theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.
– Đối với các bị cáo đang bị tạm giam thì Giám thị Trại tạm giam, Trưởng nhà tạm giữ phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo, nhận đơn kháng cáo theo đúng mẫu quy định và chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo.
– Khi tiếp nhận đơn kháng cáo, Thư ký được giao nhiệm vụ tiếp nhận đơn kháng cáo cần phải kiểm tra, hướng dẫn người kháng cáo viết đơn kháng cáo phải đầy đủ các nội dung như: Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo; Họ tên, địa chỉ của người kháng cáo; Lý do và yêu cầu của người kháng cáo; Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo. Kèm theo đơn kháng cáo hoặc cùng với việc trình bày trực tiếp là chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung (nếu có) để chứng minh tính có căn cứ của kháng cáo.
Đối với thủ tục kháng nghị:
Theo quy định tại Điều 336, kháng nghị của Viện kiểm sát được thể hiện bằng một quyết định kháng nghị với đầy đủ nội dung như:
Ngày, tháng, năm ra quyết định kháng nghị và số của quyết định kháng nghị; Tên của Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị; Kháng nghị đối với toàn bộ hay một phần bản án, quyết định sơ thẩm; Lý do, căn cứ kháng nghị và yêu cầu của Viện kiểm sát; Họ tên, chức vụ của người ký quyết định kháng nghị.
Về thời hạn kháng cáo:
Thời hạn kháng cáo, là thời hạn do Bộ luật tố tụng hình sự quy định để các chủ thể có quyền kháng cáo thực hiện quyền của mình trong trường hợp họ không đồng ý với bản án hoặc quyết định của cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Nếu quá thời hạn đó thì họ không còn quyền kháng cáo theo quy định nữa nếu không có lý do chính đáng. Điều 333 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã quy định rõ là:
“1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
- Thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.
- Ngày kháng cáo được xác định như sau:
- a) Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo là ngày theo dấu bưu chính nơi gửi;
- b) Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ thì ngày kháng cáo là ngày Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ nhận được đơn. Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải ghi rõ ngày nhận đơn và ký xác nhận vào đơn;
- c) Trường hợp người kháng cáo nộp đơn kháng cáo tại Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án nhận đơn. Trường hợp người kháng cáo trình bày trực tiếp với Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án lập biên bản về việc kháng cáo”.
Đối với thời hạn kháng nghị:
Theo quy định tại Điều 337 thì thời hạn kháng cáo của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày và của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày tuyên án. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 15 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định.
Về thủ tục tiếp nhận và xử lý kháng cáo, kháng nghị, theo quy định tại Điều 334 Bộ luật tố tụng 2015 thì:
– Sau khi nhận được đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị hoặc biên bản về việc kháng cáo, Tòa án cấp sơ thẩm phải vào sổ tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo theo quy định của Bộ luật này.
– Trường hợp đơn kháng cáo hợp lệ thì Tòa án cấp sơ thẩm thông báo về việc kháng cáo theo quy định tại Điều 338 của Bộ luật này. Trường hợp đơn kháng cáo hợp lệ nhưng nội dung kháng cáo chưa rõ thì Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay cho người kháng cáo để làm rõ.
– Trường hợp nội dung đơn kháng cáo đúng quy định của Bộ luật này nhưng quá thời hạn kháng cáo thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trình bày lý do và xuất trình chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có) để chứng minh lý do nộp đơn kháng cáo quá hạn là chính đáng.
– Trường hợp người làm đơn kháng cáo không có quyền kháng cáo thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận đơn, Tòa án trả lại đơn và thông báo bằng văn bản cho người làm đơn, Viện kiểm sát cùng cấp. Văn bản thông báo phải ghi rõ lý do của việc trả lại đơn. Việc trả lại đơn có thể bị khiếu nại trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Việc giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Chương XXXIII của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Về việc giải quyết kháng cáo quá hạn, theo quy định tại Điều 335 thì:
– Việc kháng cáo quá hạn được chấp nhận nếu có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn do Bộ luật này quy định.
– Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm.
– Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có), Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn. Hội đồng xét kháng cáo quá hạn có quyền ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định.
– Phiên họp xét kháng cáo quá hạn phải có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 03 ngày trước ngày xét đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp phúc thẩm gửi bản sao đơn kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu kèm theo (nếu có) cho Viện kiểm sát cùng cấp. Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc xét kháng cáo quá hạn.
– Quyết định của Hội đồng xét kháng cáo quá hạn được gửi cho người kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm và Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án cấp phúc thẩm. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo quá hạn thì Tòa án cấp sơ thẩm phải tiến hành các thủ tục do Bộ luật này quy định và gửi hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm. Bộ luật tố tụng hình sự không có quy định kháng nghị quá hạn vì như trên đã phân tích, việc kháng nghị của Viện kiểm sát không chỉ là quyền hạn mà còn là trách nhiệm của Viện kiểm sát. Do vậy, việc Viện kiểm sát phát hiện có sai sót của bản án hoặc quyết định sơ thẩm mà không kháng nghị là không làm tròn trách nhiệm của Viện kiểm sát chứ không phải có lý do bất khả kháng nào khác.
Về hậu quả của việc kháng cáo, kháng nghị:
Theo quy định tại Điều 339 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì: Đối với bản án sơ thẩm hoặc phần bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì toàn bộ bản án hoặc phần của bản án bị kháng cáo, kháng nghị đó chưa có hiệu lực pháp luật và chưa được đưa ra thi hành mà phải chờ Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án. Tuy nhiên, để bảo vệ kịp thời các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thì trong các trường hợp quy định tại Điều 336 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015, mặc dù bản án hoặc một phần bản án chưa có hiệu lực pháp luật vẫn được thi hành ngay sau khi tuyên án sơ thẩm.
Khi nhận được hồ sơ vụ án có kháng cáo, kháng nghị và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có), Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm phân công Thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa, phiên họp.
Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm phải chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 15 ngày đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, 20 ngày đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án. Trường hợp vụ án thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 25 ngày đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, 30 ngày đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương.
- Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm nhận được chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung trước khi xét xử thì phải chuyển chứng cứ, tài liệu, đồ vật này cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung thì Viện kiểm sát phải trả lại cho Tòa án.
(Còn nữa)
Kỹ năng điều hành tranh tụng tai phiên tòa hình sự của thẩm phán (Kỳ I)
Kỹ năng điều hành tranh tụng tại phiên tòa hình sự của Thẩm phán (Kỳ II)
Kỹ năng điều hành tranh tụng tại phiên tòa hình sự của Thẩm phán (Kỳ III)
Kỹ năng điều hành tranh tụng tại phiên tòa hình sự của Thẩm phán (Kỳ cuối)
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận