Kỹ năng giải quyết vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai

Sáng ngày 26/8, TANDTC tổ chức Hội nghị trực tuyến với chủ đề “Kỹ năng giải quyết vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai” do TS Đào Thị Xuân Lan, Thẩm phán TANDTC, nguyên Chánh tòa Hành chính TANDTC trình bày và giải đáp vướng mắc. Tạp chí toaan.vn xin lược ghi bài trình bày của TS Đào Thị Xuân Lan tại Hội nghị.

1.Quy định của pháp luật

Ngay từ khi ngành Tòa án được giao nhiệm vụ giải quyết các vụ án hành chính, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/1996) là văn bản qui phạm pháp luật đầu tiên quy định thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án. Tại Điều 11 Pháp lệnh đã quy định, Tòa án có thẩm quyền giải quyết đối với một số loại quyết định hành chính, hành vi hành chính, trong đó khoản 4 Điều 11 quy định các quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 được UBTVQH (khóa X) thông qua ngày 25/12/1998; bên cạnh việc quy định tăng thẩm quyền của Tòa án được giải quyết đối với các khiếu kiện hành chính liên quan Pháp lệnh sửa đổi lần này lại theo hướng hạn chế thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết các khiếu kiện hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai.
Pháp lệnh tiếp tục được UBTVQH (khóa XI) sửa đổi ngày 05/4/2006 vẫn giữ nguyên thẩm quyền của Tòa án giải quyết các khiếu kiện hành chính về quản lý đất đai đối với các trường hợp giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; gia hạn thời hạn sử dụng đất. Đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính giải quyết tranh chấp đất đai vẫn quy định theo hướng giải quyết bằng trình tự khiếu nại hành chính tại cơ quan hành chính, không được khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.

Tuy nhiên, vào thời điểm thực thi Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính sửa đổi, bổ sung nêu trên do việc giải quyết tranh chấp đất đai và giải quyết khiếu nại về đất đai của cơ quan hành chính Nhà nước không đáp ứng được yêu cầu, nên Luật Tố tụng hành chính (LTTHC) năm 2010 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2011) thay thế các Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính trước đây, mở rộng thẩm quyền (từ chỗ quy định mang tính liệt kê các loại việc thuộc thẩm quyền chuyển sang quy định mang tính loại trừ các loại việc được qui định tại Điều 28 LTTHC 2010). Tuy nhiên, thay đổi đó vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các yêu cầu giải quyết về tranh chấp đất đai và khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân.

Trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, Luật Khiếu nại năm 2011 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2012, LTTHC năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016) đã quy định theo hướng mở rộng thẩm quyền của Tòa án, thẩm quyền của Hội đồng xét xử trong việc giải quyết các khiếu kiện hành chính nói chung, cũng như các khiếu kiện hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai nói riêng.

2.Những nội dung cần chú ý

Cũng như các khiếu kiện hành chính khác nói chung, trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai khi thụ lý, giải quyết các vụ án án hành chính xin chú ý một số nội dung sau:

2.1.Xác định đối tượng khởi kiện vụ án hành chính

“Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành, quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể”.

Căn cứ vào quy định trên của LTTHC thì thấy rằng: Quyết định hành chính thuộc chính nói chung phải là văn bản được thể hiện dưới hình thức quyết định hoặc dưới các hình thức khác như thông báo, kết luận, công văn … do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành có chứa đựng nội dung của quyết định hành chính, được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính; Nội dung văn bản đó phải chứa đựng nội dung của quyết định hành chính, được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý nhà nước về đất đai, trừ 02 loại quyết định sau: (1)Tham khảo Điều 1 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP thì: “trừ những văn bản thông báo của cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức trong việc yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức bổ sung, cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết, xử lý vụ việc cụ thể theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức đó”; (2) hoặc trừ qui định tại khoản 6 Điều 3 LTTHC 2015 “6. Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức là những quyết định, hành vi chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác; quản lý, tổ chức cán bộ, kinh phí, tài sản được giao; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, chính sách, pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức”.

Đầu cầu TANDTC trong Hội nghị trực tuyến – Ảnh: VD

Đặc biệt, theo qui định LTTHC 2015, khi Tòa án xác định đ ối tượng khởi kiện vụ án hành chính Tòa án không những phải căn cứ vào khái niệm về quyết định hành chính nói chung, mà Tòa án còn phải căn cứ vào khái niệm quyết định hành chính bị kiện để xác định đúng đối tượng khởi kiện vụ án hành chính trong hoạt động quản lý nhà nước về đất đai, được qui định tại khoản 2 Điều 3 LTTHC 2015, đó là:

“Quyết định hành chính bị kiện là quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà quyết định đó làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

Ngoài ra, để có cơ sở hiểu rõ thêm như tế nào là Quyết định hành chính bị kiện là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính thì TADTC đã ban hành án lệ Án lệ số 10/2016 về QĐHC là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính và 5 giải đáp.

2.2. Khái niệm hành vi hành chính bị kiện

Khoản 3 Điều 3 Luật TTHC năm 2015 quy định: “Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật”.

Hành vi hành chính được thể hiện dưới hai hình thức hành vi: thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. Đó là làm những việc theo nhiệm vụ, công vụ theo thẩm quyền pháp luật nội dung quy định (có thể thực hiện đúng, vượt quá, trái…) hoặc không thực hiện, những nhiệm vụ, công vụ mà pháp luật nội dung quy định phải thực hiện.

Đặc biệt theo qui định LTTHC 2015, khi Tòa án thụ lý để giải quyết vụ án hành chính, Tòa án không những phải căn cứ vào khái niệm về hành vi hành chính, mà còn phải căn cứ vào khái niệm hành vi hành chính bị kiện, để xác định đúng đối tượng khởi kiện vụ án hành chính t ại khoản 4 Điều 3 LTTHC 2015 có qui định: “Hành vi hành chính bị kiện là hành vi quy định tại khoản 3 Điều này mà hành vi đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

Căn cứ vào quy định nêu trên của LTTHC thì thấy rằng hành vi hành chính trong quản lý đất đai bị khiếu kiện là hành vi của cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai hoặc của cán bộ, công chức trong cơ quan đó hoặc cá nhân, tổ chức có thẩm quyền khi giải quyết công việc thuộc phạm vi liên quan đến việc thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật về quản lý đất đai.

2.3 Thẩm quyền của Tòa án

Ngoài việc quy định chung về thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính của Tòa án theo quy định của Luật TTHC, thì còn một trong những căn cứ khác để xác định thẩm quyền cụ thể giải quyết các khiếu kiện hành chính của Tòa án là theo quy định của pháp luật chuyên ngành, tức là pháp luật về nội dung mà các cơ quan hành chính Nhà nước căn cứ vào đó để ban hành QĐHC hoặc có HVHC. Vì vậy, trong lĩnh vực quản lý đất đai, khi xác định thẩm quyền về loại việc của Tòa án thì ngoài việc áp dụng pháp luật tố tụng hành chính, Tòa án cần phải áp dụng qui định của pháp luật về đất đai xem những loại việc nào thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bằng vụ án hành chính, loại việc nào thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính hoặc cơ quan, tổ chức khác.

Thẩm quyền về loại việc, theo khoản 1 Điều 30 Luật TTHC năm 2015 quy định: Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây: a) Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật; b) Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng; c) Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.

Như vậy, tất cả các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý Nhà nước về đất đai đều là đối tượng khởi kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật; quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng; quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.

Nên, theo quy định khoản 1 Điều 30 LTTHC năm 2015 thì các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Tuy nhiên, không phải tất cả các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai đều là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà chỉ những quyết định hành chính, hành vi hành chính có đủ tiêu chí là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính mới thuộc thẩm quyền của Tòa án; Trong khi Điều 22 Luật Đất đai năm 2013 quy định, nội dung quản lý nhà nước về đất đai bao gồm:

“1. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và tổ chức thực hiện văn bản đó.
2. Xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính.
3. Khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất; điều tra, đánh giá tài nguyên đất; điều tra xây dựng giá đất.
4. Quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
5. Quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
6. Quản lý việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất.
7. Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
8. Thống kê, kiểm kê đất đai.
9. Xây dựng hệ thống thông tin đất đai.
10. Quản lý tài chính về đất đai và giá đất.
11. Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
12. Thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.
13. Phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai.
14. Giải quyết tranh chấp về đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý và sử dụng đất đai.
15. Quản lý hoạt động dịch vụ về đất đai”.

Tóm lại: Đối với quyết định hành chính về quản lý đất đai do cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính Nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân mới là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án (Khoản 1, 2 Điều 3 Luật TTHC). Vì vậy khi xem xét xác định các quyết định hành chính về đất đai bị khởi kiện, trước khi thụ lý vụ án, Thẩm phán phải đánh giá quyết định đó có phải là quyết định về một vấn đề cụ thể (quyết định bị kiện) hay là (quyết định hành chính).

Ví dụ: Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ… đối với những hộ gia đình tại xã X, có đất bị thu hồi làm Dự án, có nội dung: đất sản xuất nông nghiệp là 100.000đ/m2, đất thổ cư là 1.000.000đ/m2 tổng cộng số tiền là 500 tỷ đồng, nhưng không nêu cụ thể hộ ông A, cá nhân bà B… là bao nhiêu, thì không phải là đối tượng khởi kiện.

Cũng với quyết định trên, nhưng có danh sách từng hộ gia đình, cá nhân kèm theo, trong đó nêu rõ gia đình ông A được bồi hoàn 1 tỷ đồng cho 2.000 m2 đất, bà B được bồi thường 500.000 đồng /300 m2 đất…, thì những phần chi tiết đó của Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ… là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

Như vậy, có thể là quyết định mang tính tổng thể, nhưng có danh sách kèm theo hoặc có bản quy định chi tiết đối với từng hộ gia đình, cá nhân kèm theo, qua đó xác định được cụ thể quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình như thế nào thì họ có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với phần xác định cụ thể đó (xem thêm án lệ số 10).

Tóm lại: Đối với hành vi hành chính về quản lý đất đai của cơ quan hành chính Nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính Nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật mà hành vi thực hiện hoặc không thực hiện đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân mới là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án (khoản 3, 4 LTTHC).

Căn cứ các quy định nêu trên có thể xác định các quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai sau đây là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

* Các quyết định hành chính về quản lý đất đai là đối tượng khởi kiện có thể là:

+ Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cưỡng chế thu hồi đất; Quyết định bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; Quyết định cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Quyết định gia hạn thời hạn sử dụng đất; Quyết định xử lý vi phạm hành chính về đất đai; Giải quyết tranh chấp đất đai; Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo các vi phạm trong việc quản lý và sử dụng đất đai.

* Các hành vi hành chính về quản lý đất đai sau đây là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính:

Làm sai lệch sơ đồ vị trí, bảng tọa độ, biên bản bàn giao mốc địa giới hành chính; cắm mốc địa giới hành chính sai vị trí trên thực địa ; Không công bố hoặc chậm công bố quy hoạch sử dụng đất chi tiết, kế hoạch sử dụng đất chi tiết đã được xét duyệt; không công bố hoặc chậm công bố việc điều chỉnh hoặc huỷ bỏ kế hoạch sử dụng đất; làm mất, làm sai lệch bản đồ quy hoạch sử dụng đất chi tiết; Cắm mốc chỉ giới quy hoạch sử dụng đất chi tiết sai vị trí trên thực địa; Để xảy ra việc xây dựng, đầu tư bất động sản trái quy hoạch sử dụng đất chi tiết, kế hoạch sử dụng đất chi tiết trong khu vực đất phải thu hồi để thực hiện quy hoạch sử dụng đất chi tiết, kế hoạch sử dụng đất chi tiết đã được xét duyệt:Giao đất, giao lại đất, cho thuê đất không đúng vị trí và diện tích đất trên thực địa; Giao đất, giao lại đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết, kế hoạch sử dụng đất chi tiết hoặc quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được xét duyệt.

Không thông báo trước cho người có đất bị thu hồi theo quy định tại Điều 39 của Luật Đất đai; không công khai phương án bồi thường, tái định cư; Thực hiện bồi thường không đúng đối tượng, diện tích, mức bồi thường cho người có đất bị thu hồi; làm sai lệch hồ sơ thu hồi đất; xác định sai vị trí và diện tích đất bị thu hồi trên thực địa; Thu hồi đất không đúng thẩm quyền; không đúng đối tượng; không đúng với quy hoạch sử dụng đất chi tiết, kế hoạch sử dụng đất chi tiết đã được xét duyệt; Để xảy ra tình trạng người được pháp luật cho phép sử dụng đất tạm thời mà sử dụng đất sai mục đích; Sử dụng đất sai mục đích; Để đất bị lấn, bị chiếm, trái pháp luật. Từ chối thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục hành chính mà theo quy định của pháp luật đã đủ điều kiện để thực hiện. Từ chối đăng ký đất đai, từ chối cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Không giải quyết khiếu nại về tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật.

* Các quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai sau đây không phải là đối tượng khởi kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và tổ chức thực hiện văn bản đó; Xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính; Điều tra đánh giá tài nguyên đất, điiều tra xây dựng giá đất; Quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dung đất; Thống kê, kiểm kê đất đai. Xây dựng hệ thống thông tin đất đai; Phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai.

* Đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính về giải quyết tranh chấp đất đai thì lưu ý như sau:

Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Điều 18 Nghị định số 43/N Đ-CP quy định chi tiết một số loại giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai theo hướng mở rộng thẩm quyền Tòa án (so với quy định tại Điều 50, Điều 136 Luật đất đai năm 2003).

Lưu ý: Trong trường hợp tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Tòa án nhưng UBND có thẩm quyền lại thụ lý giải quyết và ban hành quyết định (quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định giải quyết khiếu nại có nội dung giải quyết tranh chấp đất đai) là trái thẩm quyền.

Đối với tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây: Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền; Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Đây là nội dung quy định mới, hết sức quan trọng của Luật Đất đai năm 2013 so với quy định của Luật đất đai trước đây về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Với quy định này, Luật Đất năm 2013 đã mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Đối với tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 theo các quy định trước đây của pháp luật đất đai chỉ thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính, thì nay trao cho đương sự quyền được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết hoặc là yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hoặc là khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp có thẩm quyền thì quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc giải quyết tranh chấp đất đai tiếp tục được Luật Đất đai năm 2013 và Luật Khiếu nại năm 2011 ghi nhận, cụ thể được như sau:

– Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết lần đầu; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

– Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

Điều 204 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “1. Người sử dụng đất, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai. 2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định pháp luật về tố tụng hành chính”.

Căn cứ các quy định nêu trên thì các quyết định giải quyết khiếu nại về tranh chấp đất đai lần 2 (Quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND cấp huyện và Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) có phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính không?

Khoản 1 Điều 7 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định:“Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 hoặc hết thời hạn theo quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính” . Như vậy, các quyết định giải quyết khiếu nại về tranh chấp đất đai lần 2 là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

Luật Đất đai năm 2013 mở rộng quyền của người sử dụng đất và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được quyền khởi kiện đối với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Luật Đất đai năm 2013 đã có những quy định rất mới về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật đất đai.

* Đối với yêu cầu khởi kiện về việc hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Về vấn đề này tại Giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của TANDTC về một số vấn đề về Tố tụng hành chính, tố tụng dân sự đã quy định: Giấy chứng nhận quyền sửu dụng đất là quyết định hành chính; nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 LTTHC thì là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

(Còn nữa)

VŨ HÙNG