Kỷ niệm Ngày Quốc tế Thẩm phán nữ lần thứ nhất

Lần đầu tiên Ngày Quốc tế Thẩm phán nữ được tổ chức vào ngày 10/3/2022 theo Nghị quyết số 75/274 năm 2021 của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Cột mốc quan trọng trong nỗ lực toàn cầu bảo đảm bình đẳng giới

Ngày 10/3/2022 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực toàn cầu để bảo đảm bình đẳng giới. Lần đầu tiên, Ngày Quốc tế Thẩm phán nữ theo Nghị quyết số 75/274 ngày 28/4/2021 của Đại hội đồng Liên hợp quốc được tổ chức. Ý tưởng ban đầu cho việc chọn một ngày của Thẩm phán nữ bắt nguồn từ cuộc họp cấp cao năm 2020 của Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu, được tổ chức tại Doha, Qatar. Tại cuộc họp này, Chánh án Tòa án tối cao Qatar và Chủ tịch Hiệp hội nữ Thẩm phán quốc tế đã công bố ý định cùng đệ trình một đề xuất lên Đại hội đồng Liên hợp quốc về Ngày Quốc tế Thẩm phán nữ.

Việc Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định và công bố Ngày Quốc tế Thẩm phán nữ thể hiện nỗ lực không ngừng của Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu trong việc giải quyết các vấn đề về liêm chính tư pháp trên cơ sở giới.

Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc ghi nhận với sự đánh giá cao công việc của Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu "để kết hợp vấn đề đại diện của phụ nữ trong các hệ thống tư pháp”.

Với nhiệm vụ bắt nguồn từ Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của các cơ quan tư pháp trong chống tham nhũng, trong đó có việc bảo đảm bình đẳng giới. Các Thẩm phán nữ đóng góp vào chất lượng của việc ra quyết định và giúp xây dựng lòng tin của người dân đối với hoạt động của Tòa án.

Nghị quyết số 75/274 ngày 28/4/2021 của Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua tại phiên họp toàn thể lần thứ 62[1]

“Đại hội đồng, 

Nhắc lại các nghị quyết 53/199 ngày 15 tháng 12 năm 1998 và 61/185 ngày 20 tháng 12 năm 2006 về việc công bố các năm quốc tế và Nghị quyết của Hội đồng Kinh tế - Xã hội số 1980/67 ngày 25 tháng 7 năm 1980 về các năm quốc tế và ngày kỷ niệm,

Khẳng định lại Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững; bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái sẽ đóng góp quan trọng để đạt được tiến bộ trong tất cả các Mục tiêu và chỉ tiêu Phát triển bền vững; lồng ghép quan điểm về giới trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 là rất quan trọng,

Ghi nhận rằng một số lượng tương đối nhỏ phụ nữ đã từng là Thẩm phán, bao gồm cả các vị trí lãnh đạo tư pháp cấp cao, ở tất cả các cấp,

Ghi nhận và đánh giá cao công việc của Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu thuộc cơ quan của Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm trong việc thúc đẩy đại diện của phụ nữ trong các cơ quan tư pháp,

Khẳng định lại rằng sự tham gia tích cực của phụ nữ, bình đẳng với nam giới, tại tất cả các cấp ra quyết định là cần thiết để đạt được bình đẳng, phát triển bền vững, hòa bình và dân chủ,

Đồng thời khẳng định lại cam kết phát triển và thực hiện các chiến lược và kế hoạch quốc gia phù hợp, hiệu quả vì sự tiến bộ của phụ nữ trong ngành tư pháp và thể chế tư pháp ở các cấp lãnh đạo, quản lý và các cấp khác,

1. Quyết định công bố ngày 10 tháng 3 hàng năm là Ngày Quốc tế Thẩm phán nữ;

2. Mời tất cả các Quốc gia thành viên, các tổ chức thuộc hệ thống của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và khu vực khác, các tổ chức phi chính phủ, học viện, hiệp hội phụ nữ và các bên liên quan có liên quan khác để giám sát việc tổ chức Ngày Quốc tế Thẩm phán nữ hằng năm theo phương thức phù hợp, bao gồm giáo dục và các hoạt động khác nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ trong cơ quan tư pháp các cấp;

3. Nhấn mạnh rằng chi phí của tất cả các hoạt động có thể phát sinh từ việc thực hiện Nghị quyết này cần được bảo đảm từ các khoản đóng góp tự nguyện;

4. Yêu cầu Tổng thư ký đưa ra các giải pháp để các Quốc gia thành viên, các tổ chức của hệ thống Liên hợp quốc và các tổ chức xã hội tuân thủ một cách thích hợp Ngày Quốc tế Thẩm phán nữ.”

Nhiều hoạt động được tổ chức nhân Ngày Quốc tế Thẩm phán nữ lần thứ nhất

Nhân dịp Ngày Quốc tế Thẩm phán nữ được kỷ niệm lần đầu tiên, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức. Nổi bật là hội thảo “Phụ nữ vì công lý” do cơ quan của Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) tổ chức theo hình thức trực tuyến[2] ngày 10/3/2022. Hội thảo nhằm tôn vinh những phụ nữ tiêu biểu trong thực thi pháp luật và tư pháp, đồng thời khởi động một sáng kiến ​​mới của UNODC, “Phụ nữ vì công lý”, nhằm thúc đẩy cân bằng giới và phản ứng giới trên phạm vi công lý.

Cũng trong ngày 10/3/2022, một hội thảo cấp cao do Tòa án tối cao Qatar và Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu tổ chức trực tuyến[3] với nội dung phản ánh về các khía cạnh chính của bình đẳng giới và tính liêm chính trong ngành tư pháp, cũng như thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm của phụ nữ Qatar trong ngành tư pháp./.

TẠ ĐÌNH TUYÊN