L được hưởng tình tiết giảm nhẹ tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự

Nghiên cứu bài viết trao đổi ý kiến “Về tình tiết "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả" quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 của BLHS của tác giả Đinh Thị Ngọc Bích đăng ngày 25/8/2022 tôi không đồng thuận với quan điểm của tác giả”.

Thứ nhất, so với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 thì quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 có điểm mới, đó là thay dấu phẩy (,) bằng chữ “hoặc” sau cụm từ bồi thường thiệt hại. Điều này có ý nghĩa là BLHS năm 2015 đã có sự phân biệt rõ ràng hơn so với quy định của BLHS năm 1999 trước đây. Tùy thuộc vào hành vi phạm tội mà người phạm tội “tự nguyện sửa chữa, bồi thường hiệt hại” hoặc người phạm tội “khắc phục hậu quả” là đã áp dụng được tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Như vậy, trong trường hợp nếu người phạm tội thực hiện khắc phục hậu quả cũng được xem là một tình tiết giảm nhẹ theo điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.

Thứ hai, trở lại nội dung vụ án: M, N phạm tội trộm cắp tài sản còn L phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. L thu lợi bất chính 5 triệu đồng đã tác động cha mẹ nộp lại 15 triệu đồng, trong đó có 5 triệu đồng là số tiền thu lợi bất chính, và 10 triệu đồng là số tiền mà L cho rằng do mình là động cơ cho M và N phạm tội nên nộp tiền bồi thường thiệt hại. Như vậy, việc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do tiêu thụ tài sản trái pháp luật được xem là khắc phục hậu quả. Có thể nhận định rằng, L đã có hành động tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, hành vi của L là động cơ khiến cho M, N thực hiện hành vi trộm cắp tài sản nhiều lần.

Vì vậy, việc L ngoài việc nộp lại số tiền thu lại bất chính còn tự nguyện tác động gia đình khắc phục hậu quả thì được hưởng tình tiết giảm nhẹ tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS là có căn cứ. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS với tình tiết người phạm tội tự nguyện “khắc phục hậu quả”.

Trên đây là quan điểm của tác giả mong các độc giả đóng góp ý kiến./.

 

Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử vụ án giết người - Ảnh: BST

PHẠM THỊ THỦY (Bộ môn Luật- Khoa Sư phạm và Xã hội nhân văn Trường Đại học Kiên Giang)