Lại nói về liêm khiết và bản lĩnh của Thẩm phán
Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán vừa được ban hành, trong đó yêu cầu Thẩm phán phải giữ gìn bản lĩnh nghề nghiệp để không bị tác động từ bất kỳ sự can thiệp nào, phải liêm chính, trong sạch, thẳng thắn, trung thực… Có ý kiến cho rằng, muốn cho Thẩm phán liêm khiết và có bản lĩnh thì phải tạo môi trường làm việc, môi trường sống cho họ. Về cơ bản, tôi đồng tình với ý kiến đó nhưng không hẳn như vậy.
Liêm khiết trước hết phải là sự rèn luyện, Thẩm phán tạo cho mình lối sống giản dị, trong sạch và dũng cảm chiến thắng cám dỗ. Thẩm phán làm việc trong môi trường đầy rẫy cám dỗ cả về vật chất lẫn tinh thần, chỉ chặc lưỡi cho qua là đã biến mình thành nô lệ của đồng tiền hoặc tình ái. Ngày trước, đời sống của cán bộ Tòa án nói riêng và nhân dân nói chung còn khó khăn thiếu thốn vô cùng, nhưng thế hệ cán bộ thời đó sống thanh bạch, người ta vẫn liêm khiết đấy chứ. Vậy thì môi trường làm việc, môi trường sống không phải là cái quyết định của liêm khiết, khi mà người ta giữ được phẩm giá của mình, không để “gần mực thì đen”, không để “gần bùn” mà “hôi tanh mùi bùn ”
Tôi cũng không phủ nhận tác động của môi trường sống và làm việc ảnh hưởng đến liêm khiết của Thẩm phán. Đúng là Thẩm phán cũng là con người, có mối quan hệ gia đình xã hội, họ cũng phải lo cuộc sống của mình và gia đình như những người khác nhưng phải giữ một nguyên tắc, đó là đừng bao giờ kiếm tiền bằng nghề Thẩm phán, bởi vì suy cho cùng thì đó là đồng tiền bẩn thỉu, có được từ sự thất đức, từ sự đau khổ của người khác. Làm giàu bằng nghề Thẩm phán không khó khi có quyền lực, nhưng khi đã làm điều thất đức thì sớm muộn bản thân mình hoặc con cái cũng phải gánh chịu hậu quả. Nghề Thẩm phán dù chỉ vấp váp nửa lần cũng đã là dấu chấm hết rồi.
Bản lĩnh của Thẩm phán là thể hiện ở lòng dũng cảm, dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý. Trong bối cảnh hiện nay thì đây là vấn đề hết sức nan giải. Mặc dù Luật quy định Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật nhưng thực tiễn thì còn phải “có lộ trình” dài dài mới chạm tới chứ không phải là đã được thực hiện nghiêm chỉnh.
Có vị Luật sư so sánh là Thẩm phán không phải chịu áp lực như Luật sư. Tôi không bình luận về ý kiến này vì tôi không làm luật sư và chắc chắn là vị Luật sư đó cũng chưa bao giờ làm Thẩm phán. Vậy mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nghề nào cũng có áp lực riêng của mình. Nghề Thẩm phán phải chịu áp lực từ công việc, từ sự chỉ đạo, từ mối quan hệ xã hội, gia đình, từ dư luận, xử đúng cũng lo, xử sai càng lo. Không phải là xử xong vụ án, vụ việc là thở phào nhẹ nhõm mà lo, lo suốt nhiệm kỳ, cái lo bám theo từng ngày, từng giờ, không bao giờ hết. Bản lĩnh của Thẩm phán cũng phải do rèn luyện mới có nhưng đúng là nó bị lệ thuộc vào quá nhiều sự ràng buộc của cơ chế tổ chức, nên có muốn thì Thẩm phán cũng khó thoát ra được.
Hẳn là nhiều người còn nhớ và biết về vụ án ông Tạ Đình Đề do Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xử sơ thẩm vào thời kỳ bao cấp, nhưng ít người biết đến bà Phùng Lê Trân là Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa này. Lúc đó theo chỉ đạo thì phải kết tội ông Tạ Đình Đề. Quan điểm của Hội đồng xét xử khác với chỉ đạo. Buổi sáng ngày tuyên án, bà Phùng Lê Trân nói với chồng: “Hôm nay có thể em không về “. Tại phiên tòa, Thẩm phán Phùng Lê Trân đã thay mặt Hội đồng xét xử tuyên bố ông Tạ Đình Đề không có tội.
Bản lĩnh của Thẩm phán Phùng Lê Trân khiến chúng tôi kính phục, kính trọng, kính nể. Vụ án này bị Viện kiểm sát kháng nghị, nhưng không bao giờ có phiên tòa phúc thẩm. Khoảng gần một năm sau khi xét xử vụ án này, bà Phùng Lê Trân về nghỉ hưu…
Khi làm Thẩm phán của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, theo gương bà Trân (chúng tôi thường gọi là Cô Trân ), tôi được phân công xử một vụ án Giết người. Lúc đó, loại tội đặc biệt nghiêm trọng, có thể xử phạt tử hình đều phải xin ý kiến của Thành ủy. Quan niệm “sát nhân giả tử ” còn rất nặng nề. Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, tôi đề xuất không phạt tử hình, tuy nhiên chỉ đạo là tử hình. Ra phiên tòa, Hội đồng xét xử thống nhất ý kiến tù chung thân. Tôi tuyên án tù chung thân. Viện kiểm sát kháng nghị. Tôi lo, anh em cũng lo thay cho mình. Phúc đức, TANDTC xử phúc thẩm y án sơ thẩm. Đây cũng là một kỷ niệm làm nghề hú hồn. Dù luôn tin và tự an ủi là mình làm đúng, nhưng quả thật ngẫm lại mới thấy hơi bị liều.
Bây giờ khác xưa nhiều rồi. Bản lĩnh của Thẩm phán, thể hiện được là khó, vì ta còn nặng về lý thuyết hơn thực tiễn, nhưng dù hoàn cảnh nào Thẩm phán cũng phải giữ vững nguyên tắc và chuẩn mực để không xảy ra những điều đáng tiếc, có khi ân hận cả đời.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL
Bình luận