Làm giả chứng minh thư người nổi tiếng cho gái bán dâm để lừa người mua dâm, cần truy tố hai tội danh
Sau khi nghiên cứu bài viết "Làm giả chứng minh thư người nổi tiếng cho gái bán dâm để lừa người mua dâm, tội gì?” của tác giả Đinh Thu Nhanh, tôi không nhất trí với quan điểm của tác giả cho rằng A chỉ phạm một tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Đối với hành vi được nêu trong bài viết, A đã phạm hai tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS 2015 và tội “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức” theo Điều 341 BLHS 2015.
Tác giả Đinh Thu Nhanh cho rằng việc mua bán dâm là hành vi trái pháp luật, nếu xác định hành vi của A là Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì khách mua dâm là bị hại, được pháp luật bảo vệ, điều này đi ngược lại với tinh thần tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 do đó Nguyễn Văn A không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Quan điểm này là chưa chính xác!
Theo quy định tại Điều 174 BLHS tội về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì “1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…” Trong tình huống này, A đã bằng thủ đoạn gian dối đó là đưa chứng minh nhân dân giả cho khách mua dâm để đánh lừa khách người bán dâm là người mẫu nổi tiếng, qua đó tăng giá bán dâm lên hàng ngàn đô la, nếu không có hành vi gian dối này thì khách sẽ không mua dâm với giá cao như vậy. Hành vi trên hoàn toàn thỏa mãn các dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy rằng việc mua bán dâm là hành vi trái pháp luật nhưng không có điều luật và văn bản hướng dẫn nào quy định việc thực hiện giao dịch này phải hợp pháp thì mới cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trường hợp này giống với trường hợp được hướng dẫn tại khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Sửa đổi, bổ sung một số điểm của hông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007.
Nội dung hướng dẫn cụ thể như sau: “Trường hợp một người biết là chất ma túy giả nhưng làm cho người khác tưởng là chất ma túy thật nên mua bán, trao đổi… thì người đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm về ma túy mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cũng giống như hành vi mua bán dâm, hành vi mua bán chất ma túy là trái pháp luật. Như vậy, theo quy định tại Điều 174 BLHS 2015 và theo tinh thần hướng dẫn tại Thông tư trên, cần truy cứu trách nhiệm hình sự của A về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Thủ đoạn gian dối được miêu tả trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể được coi là dùng công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm của người phạm tội. Tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội sử dụng công cụ, phương tiện khác nhau để lừa được người khác. Nếu phương tiện, công cụ mà người phạm tội sử dụng cấu thành một tội phạm cụ thể thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về hai tội. Tình huống này, A đã làm giả chứng minh nhân dân cho các gái bán dâm, hành vi này cấu thành tội “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức” theo Điều 341 BLHS 2015, tội phạm đã hoàn thành từ thời điểm A làm giả chứng minh thư. Trường hợp làm giả giấy tờ rồi đem đi lừa đảo, đã cấu thành hai tội độc lập xâm phạm hai khách thể khác nhau là quyền sở hữu tài sản cá nhân và hoạt động đúng đắn bình thường của các cơ quan Nhà nước. Vậy đối với hành vi trên, A phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Trường hợp này cũng giống trường hợp sử dụng súng quân dụng để giết người thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “giết người” và tội “sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.
Thời gian qua, có không ít bản án sơ thẩm bị cấp phúc thẩm hủy vì bị cáo dùng giấy tờ giả đi lừa đảo nhưng cấp sơ thẩm chỉ xử một tội, xét xử như vậy là bỏ lọt tội phạm.
Phạm vi bài viết này chỉ bình luận về hành vi làm giả chứng minh thư người nổi tiếng cho gái bán dâm để lừa người mua dâm, chưa xét đến toàn bộ quá trình môi giới mại dâm, rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi, đóng góp của độc giả và đồng nghiệp./.
TAND TP.HCM tuyên án vụ môi giới mại dâm đối với các bị cáo là chủ nhà hàng karaoke cùng hai quản lý tại một khách sạn ở quận 1, TP.HCM. Ảnh: Hoàng Yến/ PLO
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận