Làm sao để cơ chế bệnh viện tự chủ không còn “lỗ hổng”?
Cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện đối với một số bệnh viện nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của bệnh viện. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng quy định “trường hợp đặc biệt” về Chủ tịch Hội đồng quản lý có thể ”giúp” những người quá tuổi được ở lại.
Mô hình đáp ứng xu thế toàn cầu
Trên cơ sở căn cứ Bộ Y tế đề xuất, Nghị quyết 33/NQ-CP ra đời nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của bệnh viện, giúp nâng cao năng lực, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Ngoài ra, Nghị quyết sẽ thực hiện trách nhiệm xã hội của bệnh viện, bảo đảm quyền lợi cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, nhất là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân thuộc diện khó khăn trong tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hợp lý.
Nghị quyết “Về thí điểm tự chủ của 4 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế” được thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện của các Bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K.
Bệnh viện tự chủ sẽ giải phóng được tối đa chất lượng khám chữa bệnh
Thực tế, khi tự chủ 4 bệnh viện này được quyết nhiều việc mà không cần phải thông qua Bộ Y tế. Đó là bệnh viện được quyết quy mô bệnh viện, được quyền lựa chọn phát triển các chuyên ngành mũi nhọn…Bên cạnh tự quyết, khi tự chủ các bệnh viện sẽ thực hiện “mô hình như doanh nghiệp”, có Hội đồng quản lý gồm 7-11 người, trong đó có 1 người của Bộ Y tế. “Hội đồng quản lý có quyền thành lập, giải thể các bệnh viện thành viên; điều động, miễn nhiệm với tổng giám đốc, giám đốc, phó tổng giám đốc…Ngoài ra có quyền thuê phó tổng giám đốc”- nghị quyết nêu rõ.
Ngoài ra, trường hợp thuê Tổng Giám đốc, Giám đốc các cơ sở thành viên thì Hội đồng quản lý có trách nhiệm xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn và quyết định, chịu trách nhiệm về việc thuê Tổng Giám đốc, Giám đốc các cơ sở thành viên. Đặc biệt. Chủ tịch Hội đồng quản lý quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án đầu tư thuộc nhóm B, C.
Vẫn còn nhiều băn khoăn
Các tiêu chuẩn, bao gồm cả tiêu chuẩn về tuổi của Chủ tịch Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định hiện hành, thế nhưng, Nghị quyết tự chủ lại nêu: “Trường hợp đặc biệt, trong thời gian kiện toàn, nếu Chủ tịch Hội đồng quản lý quá tuổi so với quy định, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.
Một trong những nội dung quan trọng của cơ chế tự chủ là ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn thì 4 bệnh viện này tổ chức và nhân sự chưa từng có từ trước đến nay. Theo đó, khi bắt đầu thực hiện thí điểm, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành lập Hội đồng quản lý và cử Giám đốc đương nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Giám đốc bệnh viện hoặc Tổng Giám đốc bệnh viện. Việc làm này theo Đề án của mỗi bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với thời gian tối đa là 02 năm. Trong thời gian này, Hội đồng quản lý có trách nhiệm xây dựng Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý trình Bộ trưởng Bộ Y tế; phương án kiện toàn Hội đồng quản lý khi kết thúc giai đoạn thí điểm.
Trước đó, khi nghị quyết đang còn dự thảo, về “Chủ tịch Hội đồng quản lý quá tuổi” tập thể Bệnh viện Bạch Mai đã phản ứng gay gắt. Một bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, tập thể bệnh viện đánh giá cao tính đúng đắng khi tự chủ hoàn toàn cho 4 bệnh viện lớn của cả nước. “Việc làm này để tháo gỡ những rào cản không cần thiết và tạo cơ hội để các bệnh viện phát triển và chúng tôi hết sức ủng hộ”- bác sĩ này nói nhưng cho biết việc Nghị quyết cho rằng: “Trường hợp đặc biệt, trong thời gian kiện toàn Hội đồng quản lý, nếu Chủ tịch Hội đồng quản lý quá tuổi so với quy định, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định” là đang vì “lợi ích nhóm”.
Không ít bác sĩ cho biết rất băn khoăn với “trường hợp đặc biệt” này, bởi sẽ “vô tình” giúp những cá nhân sắp đến tuổi nghỉ quản lý theo qui định, sẽ “dựa” vào Nghị quyết này để “tại vị” thêm ít nhất là 02 năm nữa trong thời gian thí điểm.
Dẫn chứng như tạ bệnh viện Bạch Mai, theo dự kiến tháng 10/2019 tới, bác sĩ Nguyễn Quốc Anh- giám đốc Bệnh viện Bạch Mai sẽ về hưu. Tương tự, tháng 11/2019 này, bác sĩ Nguyễn Văn Khôi- phó giám đốc bệnh viện – phụ trách quản lý điều hành Bệnh viện Chợ Rẫy cũng sẽ về hưu. Đáng nói là bác sĩ Khôi, chỉ được Bộ Y tế bổ nhiệm phụ trách bệnh viện đến cuối năm 2019 về hưu sau khi bác sĩ Nguyễn Trường Sơn được điều động giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế. Tuy nhiên với đề xuất “trường hợp đặc biệt” của Bộ Y tế, các lãnh đạo này có thể vẫn ở lại công tác dù đã quá tuổi.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL
Bình luận