
Lấy xe đã cho người khác thuê phạm tội gì?
Cho thuê xe nhưng hết hạn hợp đồng không liên lạc được với người thuê. Ít ngày sau, chủ xe thấy xe của mình trên đường nên đưa xe về nhà. Hành vi đó có cấu thành tội phạm không?
A hoạt động kinh doanh cho thuê xe ô tô. Ngày 10/5/2020, B đến thuê của A 01 xe ô tô có lập hợp đồng, thời hạn thuê 02 (hai) ngày, với số tiền 1.000.000 đ/ngày. Sau đó, B điều khiển xe ô tô đi.
Đến ngày 12/5/2020, kết thúc hợp đồng thuê xe nhưng B không mang xe đến trả cho A và cũng không thông báo cho A về việc có tiếp tục thuê xe của A nữa hay không mà B giao xe ô tô này cho vợ chồng C sử dụng, do trước đó B nợ tiền của C nhưng chưa trả nên giao xe để làm tin. Sau đó, do có việc gấp nên B đi đến một tỉnh khác ở miền núi để giải quyết một số công việc. A không liên lạc được với B nên đi tìm B.
Đến ngày 22/5/2020, vợ chồng C điều khiển xe ô tô đến và đỗ xe trên đường X rồi vào trong quán bún để ăn sáng. Lúc này, A đi ngang qua, phát hiện xe ô tô đang đỗ trên đường mà không thấy B nên đến dùng chìa khóa phụ mở cửa, nổ máy, điều khiển xe về. Sau khi ăn sáng xong, vợ chồng C đi ra không thấy xe nên gọi điện thoại cho B để hỏi nhưng cũng không liên lạc được với B. Do đó, vợ chồng C đã đến Công an trình báo.
Qua xác minh, cơ quan điều tra xác định A là người đã đến lấy xe đi như nêu trên. A cho rằng không biết xe do vợ chồng C đang sử dụng, do B không trả xe đúng hạn và cũng không liên lạc được với B nên khi thấy xe đang đỗ trên đường X thì lấy xe về.
Qua định giá, xác định trị giá xe ô tô là 580.000.000 đ (năm trăm tám mươi triệu đồng).
Qua giải quyết vụ việc trên, hiện có hai quan điểm về việc định tội đối với A:
Quan điểm thứ 1: Hành vi của A đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Trộm cắp tài sản”, quy định tại Điều 173 BLHS. Lý do: tài sản đã được chuyển giao cho B hợp pháp, việc B sử dụng hay giao xe cho người khác không làm thay đổi trách nhiệm bồi thường của B đối với A nếu có thiệt hại xảy ra. Trong trường hợp này, việc A lấy xe đi mà vợ chồng C không biết là lén lút với người đang quản lý, sử dụng xe là vợ chồng C
Quan điểm thứ 2 (cũng là quan điểm của tác giả): Hành vi của A không cấu thành bất kỳ tội phạm nào được quy định trong BLHS. Lý do: xe ô tô thuộc sở hữu của A, A đã ký hợp đồng cho thuê xe với B nhưng B không trả xe đúng hạn và cũng không thông báo cho A biết về việc giao xe cho vợ chồng B cũng như có thuê xe tiếp hay không. Do đó, khi tìm thấy tài sản của mình thì A có quyền lấy xe về.
Mong nhận được ý kiến đóng góp từ quý bạn đọc.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Từ ngày 01/7/2025, Nghị quyết số 02/2025/NQ-HĐTP chính thức có hiệu lực thi hành, bảo đảm áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Luật Phá sản, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Hình sự
-
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của các Tòa án nhân dân
-
Bình Phước: Tìm nhân chứng là hành khách trên xe khách mang biển kiểm soát 47B–022.22
-
Cần làm rõ quy định tại Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là xác định chứng cứ hay đó chỉ là nguồn chứng cứ
-
Từ ngày 01/6/2025 sẽ "hết mẹo" trong sát hạch giấy phép lái xe
Bình luận