Lấy ý kiến các cơ quan trung ương và chuyên gia đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Ngày 26/7, TANDTC tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các cơ quan trung ương, chuyên gia, nhà khoa học đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC, Trưởng ban Ban soạn thảo chủ trì hội thảo.

Đồng chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TANDTC, Phó trưởng Ban soạn thảo. Về phía TANDTC cùng dự có ông Nguyễn Trí Tuệ, Uỷ viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án thường trực TANDTC; ông Phạm Quốc Hưng, Uỷ viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC; ông Dương Văn Thăng, Uỷ viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQSTW;  các thành viên Hội đồng Thẩm phán, lãnh đạo một số đơn vị thuộc TANDTC, các thành viên Ban soạn thảo dự án luật.

Về phía các cơ quan trung ương, chuyên gia, nhà khoa học có bà Nguyễn Phương Thuỷ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội; Các Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội: Hoàng Văn Liên, Nguyễn Mạnh Cường, Đỗ Đức Hồng Hà, Nguyễn Thị Thuỷ. Cùng nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, nguyên lãnh đạo TANDTC qua các thời kỳ, các chuyên gia, nhà khoa học.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC, Trưởng ban Ban soạn thảo nhấn mạnh Quốc hội đã đưa chương trình thảo luận về Dự thảo luật TCTA. Trong 8 năm qua Luật Tổ chức TAND đã phát huy tác dụng, giúp hệ thống Toà án đi vào nền nếp với chất lượng được nâng lên rất nhiều. Tuy nhiên trong thực tiễn đã bộc lộ một số bất cập cần tổng kết, sửa đổi. Quá trình cải cách tư pháp tại nước ta đã có bước tiến dài và đặt ra nhiều yêu cầu mới đòi hỏi cần phải sửa đổi Luật Tổ chức Toà án. 

 

Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC, Trưởng ban Ban soạn thảo phát biểu khai mạc hội thảo

Các nhà khoa học tham dự tại hội thảo đã có nhiều đóng góp lớn trong việc xây dựng Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn, TANDTC đã rà soát các văn bản pháp quy, tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, xây dựng đề cương dự thảo. Đã khắc phục, tiếp thu, học tập có chọc lọc, đưa tinh thần Nghị quyết số 27 vào Dự thảo luật. Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình mong muốn các đồng chí tại hội thảo đóng góp các ý kiến nhằm hoàn thiện Dự thảo luật, khắc phục những hạn chế, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của nhân dân.

Về cơ bản, dự thảo Luật kế thừa toàn bộ những thành tựu, quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 còn phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, nhiều quy định đã được sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới, cụ thể như: Làm rõ nội hàm quyền tư pháp (Điều 2); Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án (Điều 3, 27, 30); Đổi mới tổ chức bộ máy của Tòa án; Đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án; Đổi tên gọi của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia thành Hội đồng Tư pháp quốc gia; bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng để bảo đảm độc lập tư pháp (Điều 37, 38, 39, 40, 41); Đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử (Điều 120, 121, 122, 125, 128, 129, 130, 132, 133).

 

Các đại biểu tham dự hội thảo

Ngoài ra để đảm bảo chất lượng xét xử, bảo vệ sự tôn nghiêm của Tòa án, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, dự thảo Luật đã bổ sung một chương quy định về việc tổ chức xét xử, bao gồm phương thức xét xử tại Tòa án, Phòng xử án, Phòng hòa giải đổi thoại, Nội quy phiên tòa, phiên họp, bảo vệ Tòa án, tham dự và hoạt động thông tin tại phiên toà, phiên họp.

Sau khi nghiên cứu, các đại biểu các cơ quan trung ương, chuyên gia, nhà khoa học đánh giá Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã được soạn thảo công phu, thể chế hoá được hầu hết các tư tưởng tiến bộ của Đảng về xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phục sự tổ quốc, phục vụ nhân dân trong Nghị quyết số 27/NQ-TW của Hội nghị lần thứ VI Ban chấp hành Trung ương khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. 

Các đại biểu tham gia hội thảo phát biểu ý kiến

Các đại biểu cơ bản đồng tình với các vấn đề lớn được sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật TAND (sửa đổi) lần này. Đặc biệt là những vấn đề làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của TAND trong đó có vấn đề “mở rộng thẩm quyền của Toà án trong xét xử các vi phạm hành chính, quyết định một số vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân”, “đảm bảo tính độc lập của Toà án theo thẩm quyền xét xử”, “đảm bảo tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân” theo Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 9/11/2022.

Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) được đánh giá có nhiều điểm mới đáp ứng và phù hợp với yêu cầu mới được đặt ra trong Nghị quyết số 27/NQ-TW nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Làm rõ hơn khái niệm quyền tư pháp mà chủ thể là Tòa án; Xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Tòa án; Hoàn thiện cơ cấu tổ chức bảo đảm tính độc lập của Tòa án, trong đó có việc xác định địa vị pháp lý, tên của Tòa án nhân dân sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thành lập các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt; đổi tên gọi và bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc hoạt động của Hội đồng Tư pháp quốc gia nhằm bảo đảm đầy đủ hơn trách nhiệm của Thẩm phán, khắc phục cơ chế hành chính giữa các cấp tòa án; hoàn thiện ngạch, bậc và lương của Thẩm phán, bổ nhiệm, luân chuyển công tác; bảo vệ Tòa án và Thẩm phán, hoàn thiện chế định Hội thẩm.

Đó là những đổi mới cần thiết và phù hợp theo hướng đúng đắn, phù hợp với yêu cầu mới được đặt ra tại Nghị quyết số 27/NQ-TW về xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Các đại biểu tham gia hội thảo phát biểu ý kiến

Về nhiệm vụ giải quyết các vi phạm hành chính theo quy định của Luật, một số ý kiến cho biết thẩm quyền của tòa án trong lĩnh vực này cần đặt trong tổng thể pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Vì vậy, cần sử dụng thống nhất thuật ngữ “xử lý vi phạm hành chính” để phù hợp với hệ thống pháp luật xử lý vi phạm hành chính, đứng đầu là Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Về nhiệm vụ xem xét, quyết định tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật (Điều 30), có ý kiến đề nghị khoản 1, Điều 30 không nên giới hạn thẩm quyền của tòa án xem xét tính hợp hiến, hợp pháp chỉ căn cứ trên các văn bản QPPL do Quốc hội, UBTVQH ban hành mà cần căn cứ vào văn bản QPPL nói chung, bao gồm cả nghị định, thông tư và các văn bản QPPL khác.

Tuy nhiên, cần có thủ tục tòa án trao đổi ý kiến với các cơ quan ban hành tương ứng trước khi quyết định về tính hợp pháp của các văn bản đó. Trong mọi trường hợp, Tòa án phải có thẩm quyền xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản pháp luật nói chung. Bên cạnh đó cũng cần xem xét điểm c khoản 1 Điều 30 về Xem xét, quyết định việc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật theo đề nghị của cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật.

Các đại biểu tham gia hội thảo phát biểu ý kiến

Nhiều ý kiến của đại biểu nhất trí với việc quy định TAND có thẩm quyền và nhiệm vụ trong việc xem xét, quyết định tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật và đề xuất quy định khoản 5 Điều 3 của Dự thảo một cách rõ hơn như TAND có thẩm quyền xem xét, quyết định tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ, các cơ quan ngang bộ, các cơ quan khác thuộc Chính phủ và các cơ quan chính quyền địa phương”. Đây là cơ chế kiểm soát cần thiết của tư pháp đối với hành pháp.

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự. Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC, Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban Ban soạn thảo đánh giá cao các ý kiến đóng góp, các ý kiến thể hiện sự quan tâm, nghiên cứu của các đại biểu đối với Dự thảo luật. Đồng thời đề nghị Tổ Biên tập tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo.

Ảnh: Toàn cảnh hội thảo

VŨ PHONG