Lê Trung A phạm tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 BLHS
Đọc bài "Lê Trung A phạm tội gì?" của tác giả Vũ Văn Hoàng, đăng ngày 14/3/2022, tôi cho rằng Lê Trung A phạm tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 BLHS.
Theo tình huống tác giả đưa ra thì Lê Trung A là Giám đốc phòng khám đa khoa B, A thống nhất ký và cấp giấy khám sức khỏe cho khách hàng, với giá 300.000 vnđ/ 01 giấy khám sức khỏe (khách chỉ cần đưa thông tin, ảnh chân dung của khách hàng chứ không cần thực hiện việc khám đầy đủ các nội dung theo yêu cầu).
Điều 341 BLHS quy định về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức như sau: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức thì bị phạt tiền…”. Theo đó, hành vi khách quan của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác… cho việc thực hiện hành vi trái pháp luật. Con dấu, tài liệu, giấy tờ bị làm giả có thể mang danh của cơ quan, tổ chức có thật hoặc không có thật. Hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức được hiểu là hành vi làm ra một cách trái phép con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức như: khắc con dấu giả, in, ký tên, đóng dấu để tạo ra các giấy tờ, tài liệu giả mang danh của các cơ quan, tổ chức.
Nhận định của tác giả cho rằng giấy khám sức khỏe trong tình huống đưa ra là giả bởi hành vi khám sức khỏe của ông A không đúng các trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư 14/2013/TT-BYT của Bộ Y tế là có căn cứ. Theo quy định tại Thông tư 14/2013/TT-BYT về hướng dẫn khám sức khỏe thì thủ tục khám sức khỏe được quy định như sau: – Đối tượng khám sức khỏe đến cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khoẻ theo quy định, nộp Giấy khám sức khỏe theo mẫu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 14/2013/TT-BYT; Cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực các thông tin cá nhân, tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử bệnh tật của bản thân và gia đình trong phần tiền sử của đối tượng khám sức khỏe…; – Cơ sở khám chữa bệnh đối chiếu ảnh trong giấy khám sức khỏe với người đến khám sức khỏe; Đóng dấu giáp lai vào ảnh sau khi đã thực hiện việc đối chiếu ảnh và hướng dẫn quy trình khám sức khỏe cho đối tượng khám sức khỏe sau đó khám sức khỏe theo quy trình; – Kết luận và trả giấy khám sức khoẻ.
Như vậy, đối với các trường hợp khám sức khỏe không đúng trình tự, thủ tục theo quy định trên hoặc không đến khám sức khỏe tại cơ sở khám mà mua giấy khám sức khỏe (dù giấy khám sức khỏe đúng là do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp với con dấu và chữ ký chính xác) đều coi là giấy khám sức khỏe giả.
Khi A biết được việc cấp giấy khám sức khỏe giả, được sử dụng để đi xin việc và A đã hoàn thành việc cấp giấy khám sức khỏe cho người có nhu cầu thì tội phạm đã hoàn thành. Việc người sử dụng giấy khám sức khỏe giả của A cấp để xin việc được xác định là hành vi lừa dối cơ quan, tổ chức nhận giấy khám sức khỏe này. A phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của mình.
Như vậy, Lê Trung A phạm tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 BLHS là có căn cứ.
Hiện nay, việc làm giả giấy khám sức khỏe như tình huống tác giả đưa ra rất phổ biến. Người có nhu cầu đối với giấy khám sức khỏe giả này có nhiều mục đích khác nhau nhưng phổ biến là lừa dối cơ quan, tổ chức về sức khỏe mình để được đảm nhận vào các vị trí cần có sức khỏe đảm bảo. Việc này gây hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội như: người lái xe không có sức khỏe vẫn được hành nghề dễ gây ra tai nạn ảnh hướng sức khỏe người tham gia giao thông khác. Dù pháp luật đã quy định nghiêm khắc nhưng hành vi phạm tội vẫn phổ biến do ý thức cơ sở khám và người dân chưa cao, việc thực thi pháp luật chưa nghiêm. Cần đề xuất biện pháp nhằm thực thi nghiêm và giám sát việc thực thi pháp luật.
Trên đây là ý kiến tác giả mong độc giả gần xa đóng góp ý kiến./.
Hiện nay, việc làm giả giấy khám sức khỏe như tình huống tác giả đưa ra rất phổ biến - Ảnh: MH
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận