.jpg)
Lịch sử lập pháp liên quan đến tội phạm đánh bạc và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Bài viết tiếp cận theo hướng hoàn thiện pháp luật về tội đánh bạc với ý nghĩa là một biện pháp phòng ngừa nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống loại tội phạm này một cách hiệu quả trong thời gian tới.
Những năm gần đây, tội phạm đánh bạc đã trở thành một trong những vấn nạn nhức nhối của xã hội. Đánh bạc đã lan rộng khắp các tỉnh, thành phố, từ nông thôn đến thành thị, với đủ các thành phần trong xã hội, thậm chí, có cả cán bộ, công chức nhà nước, các trí thức có trình độ học vấn cao. Nhiều vụ đánh bạc có quy mô lên đến hàng nghìn tỷ đồng[1], gây ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự, an toàn xã hội trên cả nước nói chung và các địa phương nói riêng.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, chỉ trong 03 năm, từ năm 2021 đến hết năm 2023, lực lượng Công an trên cả nước đã triệt phá hơn 2.000 vụ tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng[2]. Công an các địa phương gần đây cũng liên tiếp phát hiện và triệt phá các đường dây đánh bạc trực tuyến với quy mô hàng nghìn tỷ đồng. Tội phạm đánh bạc từ lâu đã trở thành “nguồn cơn” dẫn đến nhiều loại tội phạm khác, đặc biệt là các tội phạm xâm phạm sở hữu, tội phạm xâm phạm nhân thân, đồng thời, cũng là nguyên nhân làm tan vỡ nhiều gia đình và các mối quan hệ xã hội, từ đó, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Đánh bạc được “biến tướng” dưới nhiều hình thức khác nhau như: số đề, chắn cạ, tổ tôm, đỏ đen, ba cây, tam cúc, tú lơ khơ, chọi gà, xóc đĩa, bình sập xám, tứ sắc, tài xỉu, xì tố, xì lắc, cá cược trong thể thao… Số người và số tiền tham gia vào những vụ đánh bạc này rất lớn, thậm chí là đặc biệt lớn đã gây ra nhiều bất ổn trong xã hội, kéo theo nhiều hệ lụy đi kèm. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, tình trạng đánh bạc qua không gian mạng đang nở rộ dưới nhiều hình thức tinh vi, với quy mô rộng khắp cả nước, thậm chí xuyên biên giới.
Mặc dù đã áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp, huy động nhiều lực lượng trong xã hội tiến hành phòng, chống tội phạm đánh bạc, tuy nhiên, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, cùng với đó là sự đa dạng, tiện lợi của nhiều hình thức đánh bạc mới, tội phạm đánh bạc vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra những ảnh hưởng lớn về an ninh, trật tự, đặc biệt là các vụ phạm tội có tổ chức với quy mô đặc biệt lớn. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, trong đó có nguyên nhân từ những vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật. Do đó, việc nghiên cứu một cách kỹ lưỡng lịch sử lập pháp có liên quan đến tội đánh bạc để nắm bắt được tiến trình hoàn thiện pháp luật, đồng thời, qua đó đối chiếu với tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, xu thế phát triển của thế giới nhằm phát hiện những quy định còn vướng mắc, bất cập, trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp có tính khả thi để hoàn thiện pháp luật.
1. Lịch sử lập pháp liên quan đến tội phạm đánh bạc
Nhận thấy những tác hại khôn lường do ảnh hưởng của tệ nạn cờ bạc, ngay sau khi giành được chính quyền, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm ngăn chặn sự phát triển của tệ nạn cờ bạc, điển hình là các văn bản sau:
- Sắc lệnh số 168/SL ngày 14/4/1948 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành về việc ấn định cách trừng trị tội đánh bạc. Đây là văn bản pháp luật hình sự (PLHS) đầu tiên quy định về “tội cờ bạc”, thể hiện quan điểm xử lý nghiêm khắc của Nhà nước ta đối với loại tội phạm này, trong đó quy định: “Tất cả các trò chơi cờ bạc, dù là có tính cách may rủi hay là có thể dùng trí khôn để tính nước mà được thua bằng tiền, đều coi là tội đánh bạc và bị phạt tù từ hai năm đến năm năm, đồng thời phạt bạc từ 10.000 đồng đến 100.000 đồng”. Sắc lệnh quy định: “Cấm bày bán, tàng trữ, lưu hành các khí cụ chuyên dùng để đánh bạc. Nếu vi phạm bị phạt tù từ ba tháng đến một năm, phạt bạc từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng”.
- Sắc lệnh số 71 ngày 22/5/1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ấn định quy tắc quân đội quốc gia, trong đó khẳng định: việc đánh bạc trong quân nhân vừa bị coi là thường tội, vừa bị coi là trọng tội và bị xử lý nghiêm khắc.
- Thông tư số 301/VHH-HS ngày 14/01/1957 của Bộ Tư pháp về việc bài trừ nạn cờ bạc, trong đó đã đặt ra kế hoạch vận động, tuyên truyền giáo dục nhân dân bài trừ nạn cờ bạc. Theo đó, đối với “những trò chơi cờ bạc được thua bằng tiền có tính chất sát phạt thì truy tố trước Tòa án nhưng chỉ truy tố đối với bọn tổ chức, bọn chứa gà, bọn sóc cái, bọn hồ ly, bọn canh gác chuyên sống về nghề cờ bạc và con bạc chuyên nghiệp đã được cảnh cáo rồi mà vẫn tiếp tục chơi, coi thường pháp luật”.
Năm 1985, PLHS nước ta được pháp điển hóa bởi sự ra đời của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985, trong đó, tội đánh bạc được quy định cụ thể và tiếp tục ngày càng được hoàn thiện ở các BLHS năm 1999, BLHS năm 2015, phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội tại mỗi thời điểm. Cụ thể là:
- BLHS năm 1985 quy định tội đánh bạc tại Điều 200, theo đó, một người phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) khi có hành vi “đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật”. Với quy định này, tội đánh bạc được cấu thành không phụ thuộc vào giá trị của “tiền” hay “hiện vật” dùng để đánh bạc. Chính vì thế, hạn chế của quy định này là không phân biệt được mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi đánh bạc, nên gây khó khăn cho việc phân hóa trách nhiệm pháp lý để xử lý hành chính hay hình sự.
- BLHS năm 1999 đã sửa đổi, bổ sung và quy định tội đánh bạc tại Điều 248, theo đó, một người phải chịu TNHS khi có hành vi: Đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của BLHS, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Như vậy, tội đánh bạc đã được sửa đổi gắn với việc quy định giá trị “tiền” hay “hiện vật” (từ hai triệu đồng trở lên) dùng để đánh bạc làm căn cứ phân định giữa hành vi đánh bạc bị xử lý hành chính với hành vi đánh bạc bị xử lý hình sự. Đồng thời, bổ sung trường hợp xử lý hình sự đối với các hành vi đánh bạc tuy chưa thỏa mãn quy định về giá trị “tiền” hay “hiện vật” dùng để đánh bạc, nhưng có thêm dấu hiệu liên quan đến bị kết án về tội này hoặc tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc nhưng chưa được xóa án tích.
Để hướng dẫn thi hành BLHS năm 1999, Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP) đã có hướng dẫn cụ thể về áp dụng một số quy định liên quan đến tội đánh bạc, trong đó xác định khái niệm “đánh bạc trái phép”; các trường hợp tiền hoặc hiện vật được xác định “dùng đánh bạc”; cách tính giá trị tiền, hiện vật khi xác định TNHS đối với người đánh bạc nhiều lần. Theo đó, khoản 1 Điều 1 Nghị quyết này quy định rõ: ““Đánh bạc trái phép” là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp”. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP cũng quy định: khi xác định TNHS đối với người đánh bạc là không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét:
(i) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu TNHS (dưới 2.000.000 đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu TNHS (đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 BLHS năm 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm) thì người đánh bạc không phải chịu TNHS về tội đánh bạc;
(ii) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc nào bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu TNHS (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu TNHS về tội đánh bạc đối với lần đánh bạc đó;
(iii) Trường hợp đánh bạc từ hai lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu TNHS (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu TNHS về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS năm 1999;
(iv) Trường hợp đánh bạc từ năm lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu TNHS (từ 2.000.000 đồng trở lên) và lấy tiền, hiện vật do đánh bạc mà có làm nguồn sống chính thì người đánh bạc bị truy cứu TNHS về tội đánh bạc với tình tiết định khung “có tính chất chuyên nghiệp” theo điểm a khoản 2 Điều 248 BLHS năm 1999.
- BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tội đánh bạc tại Điều 321. Trong xu thế phát triển của nền kinh tế và yêu cầu tách tội đánh bạc riêng với tội tổ chức đánh bạc, gá bạc, nên việc xác định tội phạm đánh bạc cũng có nội dung được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, một người phải chịu TNHS khi có hành vi: Đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua thắng bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 BLHS (tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc) hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 BLHS, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Ngoài các dấu hiệu trong cấu thành cơ bản trên, các tình tiết có tính chất chuyên nghiệp; tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị 50.000.000 đồng trở lên, sử dụng mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để đánh bạc, tái phạm nguy hiểm được coi là những tình tiết định khung tăng nặng đối với tội này.
2. Những vướng mắc, bất cập khi áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội đánh bạc
PLHS hiện hành đã tạo nhiều thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay, trong thực tiễn xét xử của Tòa án các cấp, việc áp dụng pháp luật vẫn còn có điểm vướng mắc, bất cập, dẫn đến chưa có sự thống nhất trong việc áp dụng giữa các cơ quan có thẩm quyền.
Một là, pháp luật chưa bao quát hết các loại tài sản là đối tượng trong tội đánh bạc.
Từ quy định tại Điều 321 BLHS năm 2015, có thể xác định loại tài sản dùng đánh bạc chỉ bao gồm “tiền” hoặc “hiện vật”. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Như vậy, việc quy định tài sản dùng đánh bạc chỉ bao gồm “tiền” hoặc “hiện vật” là chưa bao quát được hết các loại tài sản có thể được sử dụng để đánh bạc. Thực tế cho thấy, trong nhiều vụ việc, các đối tượng sử dụng các loại giấy tờ có giá (như: cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ quỹ) hoặc quyền sở hữu về tài sản (phổ biến là quyền sử dụng đất) để sử dụng vào mục đích đánh bạc, dẫn đến vướng mắc, tranh luận trong quá trình điều tra, xử lý.
Hai là, vướng mắc trong xác định “tiền và hiện vật dùng đánh bạc”.
Cho đến nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc áp dụng Điều 321 BLHS năm 2015, nên việc xác định tiền và hiện vật dùng đánh bạc vẫn dựa trên tinh thần quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP, bao gồm 03 nhóm:
- Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;
- Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;
- Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.
Tuy nhiên, quy định như vậy vẫn chưa bao quát được hết tiền và hiện vật dùng đánh bạc, bởi trong nhiều trường hợp, cơ quan chức năng có đủ căn cứ chứng minh đối tượng đã dùng tiền, hiện vật để đánh bạc, nhưng không thu giữ được số tiền, hiện vật này (thường là do đối tượng đã tiêu hoặc bán, bị mất). Chính vì vậy, việc định lượng giá trị tiền, hiện vật dùng làm căn cứ xác định TNHS của người đánh bạc, trong một số trường hợp chưa bảo đảm tính triệt để, chính xác.
Ba là, vướng mắc trong xác định TNHS đối với người thực hiện hành vi đánh bạc nhiều lần.
Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp đối tượng thực hiện hành vi đánh bạc nhiều lần, tuy nhiên, hoặc là mỗi lần đều chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm (do giá trị tiền, tài sản đánh bạc dưới 5.000.000 đồng, chưa bị xử lý hành chính về hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc, chưa bị truy cứu TNHS về các hành vi này…), hoặc trong số đó có lần độc lập cấu thành tội phạm, có lần chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Điều này đặt ra yêu cầu phải xem xét cẩn trọng, thống nhất để xác định trách nhiệm pháp lý một cách chính xác. Vấn đề này cũng đã có hướng dẫn tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP: “Khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét...”. Áp dụng tinh thần của khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP vào BLHS năm 2015 có thể hiểu cụ thể là, trường hợp đối tượng thực hiện nhiều lần hành vi đánh bạc với tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu TNHS (dưới 5.000.000 đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu TNHS (đã bị xử lý hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 (tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc) hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 BLHS, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm), thì người đánh bạc không phải chịu TNHS về tội đánh bạc; trường hợp đánh bạc từ hai lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu TNHS (từ 5.000.000 đồng trở lên), thì người đánh bạc phải bị truy cứu TNHS về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên”.
Tuy nhiên, việc xác định TNHS nêu trên không thể hiện hết được tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và không thống nhất với một số quy định khác của PLHS, như trong trường hợp xác định TNHS khi nhiều lần cùng thực hiện một loại hành vi xâm phạm sở hữu hay nhiều lần cùng thực hiện một loại hành vi các tội về tham nhũng và các tội khác về chức vụ. Cụ thể là:
Theo Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của BLHS năm 1999 (mặc dù Thông tư này đã hết hiệu lực do hướng dẫn thi hành BLHS năm 1999, tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có văn bản thay thế hướng dẫn các nội dung trong Thông tư, nên thực tế vẫn được các cơ quan tiến hành tố tụng tham khảo) xác định: “Người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng trị giá tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu: a) Các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian”.
Khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ cũng quy định: “... mỗi lần trị giá tài sản chiếm đoạt, của hối lộ, gây thiệt hại về tài sản dưới mức tối thiểu quy định để truy cứu trách nhiệm hình sự và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời trong các hành vi đó chưa có lần nào bị xử lý kỷ luật và chưa hết thời hiệu xử lý kỷ luật, nếu tổng trị giá tài sản chiếm đoạt, của hối lộ hoặc thiệt hại bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng trị giá tài sản chiếm đoạt tài sản, của hối lộ hoặc tài sản thiệt hại...”.
Bốn là, còn nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến định tội danh cấu thành tội độc lập phát sinh từ hành vi đánh bạc.
Thời gian qua, liên quan đến việc xử lý người đánh bạc, phát sinh một số tình huống hành vi có dấu hiệu cấu thành tội độc lập khác tội đánh bạc. Phổ biến là các trường hợp như: tiền thu được trên chiếu bạc là tiền giả; người đánh bạc khi phát hiện có sự gian lận từ người tổ chức đánh bạc hoặc những người đánh bạc khác, nên đã dùng vũ lực lấy lại toàn bộ số tiền đánh bạc; người đánh bạc không phải vì mục đích được thua bằng tiền, hiện vật mà nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của những người tham gia đánh bạc khác. Khi phát sinh những tình huống tương tự như vậy, trên thực tế, đã gây lúng túng, thiếu cơ sở pháp lý để xử lý một cách thống nhất các vụ việc giữa các địa phương.
3. Kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự về tội đánh bạc
Thời gian qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - kỹ thuật, tội đánh bạc có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn do được các đối tượng che giấu bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Không chỉ có vậy, thông qua nhiều ứng dụng, website, chương trình… trên mạng máy tính, hành vi đánh bạc trên không gian mạng với tính ẩn danh cao đã thu hút số lượng lớn người tham gia, thậm chí lên đến hàng nghìn người. Chưa kể có nhiều đối tượng ở nước ngoài điều hành, tham gia hoạt động đánh bạc với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong phát hiện, điều tra, xử lý triệt để. Trước tình hình đó, nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 27/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc, các cơ quan có thẩm quyền cần phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó có nhiệm vụ hoàn thiện PLHS quy định về tội đánh bạc, qua đó, tạo cơ sở pháp lý vững chắc giúp công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này đạt hiệu quả cao. Nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến tội phạm đánh bạc, việc hoàn thiện PLHS trong thời gian tới cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau:
Thứ nhất, bổ sung quy định tài sản để xác định tài sản dùng đánh bạc bao gồm “tiền, hiện vật hoặc tài sản, giấy tờ có giá khác” cho phù hợp với các loại tài sản mà đối tượng có thể sử dụng để thực hiện việc đánh bạc. Trong đó, “hiện vật” dùng đánh bạc là tài sản bao gồm vật, giấy tờ có giá, các quyền tài sản theo quy định của BLDS, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất, động sản hoặc bất động sản, hữu hình hoặc vô hình, các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.
Thứ hai, quy định về “tiền, hiện vật hoặc tài sản, giấy tờ có giá khác được xác định dùng đánh bạc”, ngoài việc kế thừa 03 trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP (bao gồm: (i) tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc; (ii) tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc; (iii) tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc), thì cần bổ sung thêm trường hợp “tiền, hiện vật hoặc tài sản khác có căn cứ xác định đã dùng hoặc sẽ dùng đánh bạc nhưng không thu giữ được”.
Thứ ba, cần có hướng dẫn cụ thể về trường hợp thực hiện nhiều lần hành vi đánh bạc theo hướng “phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền, hiện vật đánh bạc” đối với cả hai trường hợp:
Trường hợp 1: Tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu TNHS (các hành vi này chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính).
Trường hợp 2: Trong số những lần đánh bạc đó, có một lần đánh bạc trên mức tối thiểu truy cứu TNHS, còn các lần đánh bạc khác dưới mức tối thiểu truy cứu TNHS (các hành vi này chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính), thì bị truy cứu TNHS với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền, hiện vật của các lần đánh bạc.
Tuy nhiên, với cả hai trường hợp trên, không áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015. Việc sửa đổi, bổ sung theo hướng đề xuất trên vừa bảo đảm sự thống nhất với nhiều tội phạm có cấu thành tội phạm “vật chất” khác trong quy định về xác định tội phạm, xác định TNHS, đồng thời, vừa bảo đảm tính răn đe của pháp luật đối với tội phạm đánh bạc trong bối cảnh tình hình tội phạm này đang diễn biến ngày một phức tạp hơn.
Thứ tư, cần thống nhất về nhận thức trong việc xác định tội danh được cấu thành độc lập phát sinh liên quan đến hành vi đánh bạc theo một số tình huống phổ biến từ thực tế phát sinh trong thời gian qua như sau:
Tình huống 1: Nếu số tiền thu được trên chiếu bạc có tiền giả, thì ngoài việc người phạm tội bị xác định số tiền giả vào tổng số tiền đánh bạc để áp dụng khung hình phạt tương ứng, còn bị xử lý TNHS về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả theo quy định tại Điều 207 BLHS năm 2015.
Tình huống 2: Người đánh bạc khi phát hiện có sự gian lận từ người tổ chức đánh bạc hoặc những người đánh bạc khác nên đã dùng vũ lực lấy lại toàn bộ số tiền đánh bạc, thì bị xử lý TNHS độc lập về tội cướp tài sản quy định tại Điều 168 BLHS năm 2015.
Tình huống 3: Trường hợp người đánh bạc không phải vì mục đích được thua bằng tiền, hiện vật mà nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của những người tham gia đánh bạc khác, thì phải xác định việc đánh bạc là phương thức, thủ đoạn để thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Trường hợp này phải xem xét xác định TNHS độc lập về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015.
Kết luận
Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành chức năng đã luôn quan tâm đến hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật nói chung, pháp luật có liên quan đến tội đánh bạc nói riêng thông qua việc ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời nhiều văn bản pháp luật và hướng dẫn thi hành. Mặc dù vậy, thời gian qua, từ thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy, vẫn còn tồn tại những vướng mắc, bất cập trong một số quy định của pháp luật. Khắc phục những vướng mắc, bất cập này bằng cách sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn chưa phù hợp sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm đánh bạc trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo
1. Thông tư số 301/VHH-HS ngày 14/01/1957 của Bộ Tư pháp về việc bài trừ nạn cờ bạc.
3. Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật Hình sự năm 1999.
4. Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ.
5. Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng Chương XIV “Các tội phạm xâm phạm sở hữu” của Bộ luật Hình sự năm 1999.
6. Bộ luật Hình sự năm 1985 (sửa đổi, bổ sung năm 1989, 1991).
7. Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
8. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
9. Phú Lữ, Đề nghị truy tố 43 bị can đánh bạc qua mạng gần 4 tỷ USD, https://cand.com.vn/Ban-tin-113/de-nghi-truy-to-43-bi-can-danh-bac-qua-mang-gan-4-ty-usd-i650263/, truy cập ngày 10/10/2024.
10. Nguyễn Ngân, Liên tiếp triệt phá đường dây đánh bạc quy mô hàng nghìn tỷ đồng, https://vtv.vn/phap-luat/lien-tiep-triet-pha-duong-day-danh-bac-quy-mo-hang-nghin-ty-dong-2024010420165077.htm, truy cập ngày 10/10/2024.
[1] Phú Lữ, Đề nghị truy tố 43 bị can đánh bạc qua mạng gần 4 tỷ USD, https://cand.com.vn/Ban-tin-113/de-nghi-truy-to-43-bi-can-danh-bac-qua-mang-gan-4-ty-usd-i650263/, truy cập ngày 10/10/2024.
[2] Nguyễn Ngân, Liên tiếp triệt phá đường dây đánh bạc quy mô hàng nghìn tỷ đồng, https://vtv.vn/phap-luat/lien-tiep-triet-pha-duong-day-danh-bac-quy-mo-hang-nghin-ty-dong-2024010420165077.htm, truy cập ngày 10/10/2024.
TAND tỉnh Ninh Bình mở phiên tòa xét xử về tội tổ chức đánh bạc - Ảnh: Như Nguyệt.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đề xuất mô hình Tòa án 3 cấp khi bỏ đơn vị hành chính cấp huyện
-
Người vay dùng tiền lừa đảo để trả nợ, người cho vay có trách nhiệm trả lại không?
-
Không áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ đối với Tạ Tấn P
-
Trao đổi ý kiến về bài viết “bên đặt cọc hay bên nhận đặt cọc có lỗi?”
-
Một số vấn đề về dấu hiệu định tội của tội "Tổ chức đánh bạc" quy định tại điểm d, đ khoản 1 Điều 322 Bộ luật Hình sự năm 2015
Bình luận