Lịch sử pháp lý về mang thai hộ: Tình thế phức tạp của một quy định nhân văn
Mang thai hộ, dù rất nhân văn nhưng lại đặt ra những tình thế khó khăn và phức tạp, cả về đạo đức cũng như luật pháp. Quy định mang thai hộ ở bất kỳ nước nào, vì thế, đều đã phải qua một tiến trình dài thảo luận, vì nó không chỉ tính tới những yếu tố “ngang bằng sổ thẳng” mà còn phải cân nhắc tới tình người.
Tại Việt Nam, mang thai hộ chỉ mới hợp pháp được một thập kỷ, cụ thể được thừa nhận chính thức trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Tuy nhiên, khái niệm về mang thai hộ đã tồn tại từ thời xa xưa gắn liền với mong muốn làm cha mẹcủa những người không có khả năng sinh nở. Hiểu lịch sử của việc mang thai hộ truyền thống và hiện đại cũng như sử dụng thuật ngữ liên quan là rất quan trọng để hiểu vấn đề này và phân tích nó từ góc độ pháp lý.
Mang thai hộ được cho là xuất hiện đầu tiên trong câu chuyện của Abraham trong cuốn sách Sáng Thế Ký, cuốn sách đầu tiên của Kinh Cựu Ước. Abraham đã kết hôn với một người phụ nữ xinh đẹp và thông minh tên là Sarah. Bà tôn thờ chồng mình hơn hết thảy nhưng không thể thụ thai đứa con của chính mình. Để đảm bảo có con và quyền kế vị, bà đã nhờ người hầu của mình, tên là Hagar, thụ thai và mang thai đứa con của Abraham và bà mới được coi là mẹ của đứa trẻ, mặc dù không có quan hệ huyết thống. Tuy nhiên, theo thời gian, một cuộc xung đột đáng kể đã nảy sinh giữa những người phụ nữ bắt nguồn từ sự ghen tuông của Sarah và sự bất lực của Hagar khi phải từ bỏ quyền sở hữu đứa con của mình.
Ngoài câu chuyện của Abraham, các câu chuyện về những người phụ nữ sinh con cho những người cai trị, những người giàu có, có vợ không thể sinh con là chuyện thường thấy trong lịch sử.
Do kỹ thuật hỗ trợ sinh sản chưa phát triển, trong suốt chiều dài lịch sử, cách thức thực hiện mang thai hộ trong thời kỳ này là hình thức mang thai hộ một phần – tức là người mang thai hộ là mẹ về mặt di truyền đối với đứa trẻ, thụ tinh tự nhiên và phải từ bỏ quyền làm mẹ, giao con cho người mẹ nhờ mang thai hộ.
Đến thời hiện đại, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, và các đột phá y khoa đem tới thụ tinh trong ống nghiệm cũng đã khiến cho mang thai hộ rẽ sang một bước ngoặt mới. Và khái niệm mang thai hộ cũng trở nên phức tạp, cũng như những quy định pháp lý gắn liền với từng khái niệm.
Phức tạp ngay từ khái niệm
Mang thai hộ dưới góc độ y học là một quá trình bắt đầu từ việc thụ thai, sinh con bởi một người phụ nữ vì lợi ích của một người phụ nữ khác vô sinh hoặc, vì các chỉ định y tế khác mà không thể mang thai. Đỉnh điểm của quá trình mang thai hộ này là việc giao đứa trẻ, các lựa chọn pháp lý gồm cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ nhận đứa trẻ làm con nuôi và nếu thỏa thuận mang thai hộ được thừa nhận thì đứa con sinh ra là con hợp pháp đương nhiên của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ. Về mặt khái niệm, có hai trường hợp mang thai hộ là mang thai hộ một phần và mang thai hộ toàn phần:
Mang thai hộ một phần là người mang thai hộ có mối liên hệ di truyền với đứa trẻ thông qua việc cung cấp giao tử nữ (trứng/noãn) kết hợp với tinh trùng có nguồn gốc từ người cha nhờ mang thai hộ hoặc tinh trùng được hiến tặng. Trong trường hợp này, người mang thai hộ là mẹ ruột về di truyền của đứa trẻ, nhưng người này phải từ bỏ quyền làm mẹ của mình sau khi sinh con. Mang thai hộ một phần có thể được thực hiện thông qua thụ tinh nhân tạo, có chi phí thấp hơn đáng kể so với thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, hình thức mang thai hộ này có nguy cơ phức tạp về mặt pháp lý cao hơn so với mang thai hộ toàn phần.
Trong trường hợp mang thai hộ toàn phần, người mẹ mang thai hộ không có mối liên hệ di truyền với con mà vật liệu di truyền được cung cấp bởi cha mẹ nhờ mang thai hộ hoặc người hiến tặng. Điều này có nghĩa là đứa trẻ sẽ không có liên kết di truyền với người mang thai hộ. Người mang thai hộ chỉ là người mẹ mang thai, mang đứa con đến đủ tháng chứ không phải là mẹ ruột – theo nghĩa người mẹ về mặt di truyền của đứa trẻ. Khi sinh con, người mang thai hộ từ bỏ quyền làm mẹ. Trường hợp này phải thông qua thụ tinh trong ống nghiệm tốn kém hơn.
Có thể tóm tắt các trường hợp mang thai hộ như sau: (1) Người mang thai hộ là mẹ ruột về di truyền với đứa trẻ; (2) Người mang thai hộ không phải là mẹ về mặt di truyền với đứa trẻ, trong trường hợp này có thể chia nhỏ thành: (2.1) Cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ là cha mẹ ruột về mặt di truyền đối với đứa trẻ; (2.2) Vợ hoặc chồng nhờ mang thai hộ là cha hoặc mẹ ruột về mặt di truyền của đứa trẻ, còn vật liệu di truyền tinh trùng hoặc noãn còn lại của người hiến tặng; và (2.3) Cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ đều không phải là cha mẹ về mặt di truyền của đứa trẻ, đứa trẻ được sinh ra từ tinh trùng và trứng được hiến tặng. Ở một số quốc gia như Australia còn cho phép người đơn thân được nhờ mang thai hộ.
Về mặt pháp lý, thỏa thuận mang thai hộ chính thức đầu tiên được luật sư Noel Keane soạn thảo vào năm 1976 là trường hợp mang thai hộ một phần và không được bồi thường bằng tiền. Năm 1980, Keane dàn xếp được thỏa thuận mang thai hộ được bồi thường thương mại đầu tiên cho Elizabeth Kane (cô được nhận 10.000 USD). Nhưng sau này Elizabeth Kane đã hối hận về quá trình mang thai hộ và kể lại những trải nghiệm buồn thương của mình trong cuốn sách có tên Mẹ đẻ (Birth Mother: The Story of America’s First Legal Surrogate Mother).
Nhưng việc xã hội bắt đầu có hợp đồng về mang thai hộ, bắt đầu có quy định và chấp nhận sự xuất hiện của những phụ nữ mang thai hộ, dù xuất phát từ những mong mỏi nhân văn, thì cũng đã mở ra những thảo luận phức tạp và rắc rối bậc nhất, bởi nó chạm đến niềm thiêng liêng, tình mẫu tử, và mối quan hệ huyết thống chứ không đơn thuần là những hợp đồng sòng phẳng thông thường.
Sau đó, luật sư Noel Keane tiếp tục thành lập Trung tâm Vô sinh (The Infertility center), nơi sắp xếp hàng trăm ca mang thai hộ hằng năm và trở thành tâm điểm của sự giám sát và tranh luận sâu sắc về vấn đề mang thai hộ và quyền làm mẹ với một sự kiện kinh điển gây rúng động nước Mỹ sau này.
Những rắc rối nảy sinh
Ở Việt Nam, kể từ năm 2014, Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam chính thức thừa nhận mang thai hộ. Về mặt khái niệm, Pháp luật Việt Nam phân loại mang thai hộ theo mục đích. Gồm: (1) mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; (2) mang thai hộ vì mục đích thương mại. Quy định “mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”. Còn mang thai hộ vì mục đích thương mại là “việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác”, có thể tạm gọi là “cho thuê tử cung”, bị cấm hoàn toàn.
Việt Nam không thừa nhận mang thai hộ một phần, chỉ công nhận mang thai hộ toàn phần, và chỉ thừa nhận trong trường hợp cha mẹ nhờ mang thai hộ là cha mẹ về di truyền của đứa trẻ, không chấp nhận trường hợp có sử dụng tinh trùng/noãn hiến tặng. Với quy định này, mang thai hộ hẹp đi rất nhiều song an toàn về mặt pháp lý hơn cả. Bởi lịch sử vấn đề này đã cho thấy, việc mang thai hộ một phần có thể dẫn tới những tranh cãi, xung đột về quyền và nghĩa vụ của các bên trong mối quan hệ này rất lớn, và cuối cùng xử trí như thế nào cũng vẫn có những điều đáng tiếc.
Nhìn vào lịch sử mang thai hộ mới thấy được tính phức tạp về mặt pháp lý và đạo đức của mang thai hộ một phần. Năm 1986, Trung tâm Vô sinh của Luật sư Noel Keane đã trở thành tâm điểm của một vụ kiện có tính kinh điển trong lịch sử pháp lý về mang thai hộ, vào năm 1986, với vụ em bé M.
Vụ em bé M là phán quyết đầu tiên của tòa án Mỹ về tính hợp lệ của việc mang thai hộ. Năm 1984, Mary Beth Whitehead đồng ý làm người mang thai hộ một phần cho cặp vợ chồng William và Elizabeth Stern do người vợ, Elizabeth không bị vô sinh nhưng gặp vấn đề sức khỏe.
Nội dung hợp đồng được soạn với điều khoản Mary Beth sẽ được thụ tinh với tinh trùng của William, từ bỏ quyền làm mẹ của mình và giao đứa trẻ cho Elizabeth Stern với khoản bồi thường 10.000 USD.
Sau khi sinh con, Mary Beth đã giao em bé (bé M) cho gia đình Sterns như đã thỏa thuận, nhưng vài ngày sau, cô vô cùng hối hận khi phải từ bỏ đứa con mình dứt ruột đẻ ra và quyết định bắt cóc đứa trẻ. Gia đình Sterns kiện Mary Beth và chồng cô để được công nhận là cha mẹ hợp pháp của đứa trẻ. Điều này bắt đầu một cuộc chiến giành quyền nuôi con kéo dài mà lên đến đỉnh điểm là việc ban hành luật mang thai hộ chặt chẽ hơn ở một số bang của Mỹ̀ và có tác động toàn cầu đến luật mang thai hộ.
Do William Stern, nguyên đơn, có quyền sinh sản và quyền làm cha ruột đối với đứa con của mình, trong khi Mary Beth, bị đơn, có quyền làm mẹ ruột đối với đứa trẻ. Điều này dẫn đến sự phát triển của chính sách công thể hiện trong luật nhận con nuôi chống lại việc mua bán trẻ sơ sinh và biến chúng thành đối tượng của các hợp đồng thông thường. Tòa án Tối cao New Jersey cho rằng hợp đồng mang thai hộ giữa Mary Beth và gia đình Sterns là bất hợp pháp và do đó đã khôi phục quyền làm mẹ của Mary Beth. William Stern được toàn quyền giám hộ, là cha ruột của bé M, trong khi Mary Beth được cấp quyền thăm nom.
Phán quyết của Tòa án Tối cao New Jersey đã ghi “...Mặc dù chúng tôi thừa nhận sự khao khát sâu sắc của các cặp vợ chồng hiếm muộn có con riêng, nhưng chúng tôi nhận thấy việc trả tiền cho người mẹ đẻ thuê là bất hợp pháp, có thể là tội phạm và có khả năng hạ thấp phẩm giá phụ nữ. Mặc dù trong trường hợp này, chúng tôi trao quyền giám hộ cho cha đẻ, bằng chứng rõ ràng chứng minh quyền giám hộ đó là vì lợi ích tốt nhất của trẻ sơ sinh, chúng tôi vô hiệu hóa cả việc chấm dứt quyền làm cha mẹ của người mang thai hộ và việc người vợ nhờ mang thai hộ nhận con. Do đó, chúng tôi khôi phục người mang thai hộ là mẹ của đứa trẻ.”1
Sau sự kiện này, nhiều chuyên gia về mang thai hộ đã ngừng việc sử dụng phương pháp mang thai hộ một phần và chuyển sang phương pháp mang thai hộ toàn phần với hy vọng việc đảm bảo không có mối quan hệ di truyền giữa người mẹ thay thế và đứa trẻ có thể giúp tránh được những vướng mắc pháp lý phức tạp.
Rất khó vẹn toàn
Việc xây dựng được các quy định pháp lý, dù đã khoanh lại hẹp hơn để an toàn hơn, vẫn rất khó vẹn toàn.
Pháp luật Việt Nam quy định con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là “con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ” kể từ thời điểm con được sinh ra. Để đảm bảo tính nhân đạo, đạo đức, tránh lạm dụng các quy định, Pháp luật Việt Nam đã quy định rất chặt chẽ cả đối với người nhờ mang thai hộ: (1) Phải là một cặp vợ chồng hợp pháp (có đăng ký kết hôn); (2) Người vợ không thể mang thai và sinh con; (3) Đã áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vẫn không có con; (3) Vợ chồng đang không có con chung; (4) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Điều kiện đối với người được nhờ mang thai hộ rất chặt khi phải “là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ, bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ. (2) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; (3) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; (4) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; (5) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.”. Luật cũng quy định rất rõ ràng, nhân văn về quyền và nghĩa vụ của cả từng bên trong việc chăm sóc thai nhi, chế độ thai sản, quyền thừa kế… thậm chí các quy định tỉ mỉ đến cả tai biến sản khoa hay hỗ trợ đảm bảo sức khỏe cho người mang thai hộ, cho đến cả các quy định xử lý tranh chấp quyền hoặc không chịu nhận con. Dầu vậy, vẫn còn có những bất cập.
Tuy vậy, các quy định về mang thai hộ chưa bao quát được các hình thức mang thai hộ trên thực tế và nhìn từ giác độ của người mang thai hộ cũng chưa tính tới các yếu tố tình cảm của người mẹ mang thai hộ mang nặng đẻ đau.
Về mặt khái niệm, khái niệm mang thai hộ theo pháp luật hiện nay có nội hàm hẹp, không bao quát được tất cả các hình thức mang thai hộ trên thực tế. Quy định hiện nay về người nhờ mang thai hộ phải là một cặp vợ chồng, người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, chưa có con chung, chỉ nhờ người mang thai hộ mang thai từ phôi kết hợp giữa noãn và tinh trùng của chính cặp vợ chồng.
Trên thực tế nhu cầu nhờ mang thai hộ có thể phát sinh từ nhiều tình huống hơn thế: người mẹ hoặc cha nhờ mang thai hộ có gene dị tật có thể truyền sang con, các cặp đồng tính muốn có con thông qua mang thai hộ, cặp vợ chồng có một người không có tinh trùng hoặc noãn, chi phí thụ tinh nhân tạo rẻ hơn thụ tinh trong ống nghiệm, người phụ nữ đơn thân muốn có con nhưng không thể mang thai…thúc đẩy hoạt động mang thai hộ với cách thức thực hiện không được thừa nhận trong luật. Vì không bao quát được các trường hợp trên thực tế, dẫn đến những hoạt động này vẫn diễn ra mà không được pháp luật bảo vệ quyền lợi của các bên. Nhìn sang quy định của các nước có thể thấy tính bao quát hơn, chẳng hạn như pháp luật Australia công nhận mang thai hộ một phần, mang thai hộ toàn phần và mang thai hộ cho người độc thân. Đối với mang thai hộ một phần và toàn phần, pháp luật Australia quy định về điều kiện được nhờ mang thai hộ trong cả trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ có thể sinh ra đứa trẻ khuyết tật do những khiếm khuyết về gene của người mẹ.
Do đó, đã có đề xuất nới rộng ngoại diên khái niệm mang thai hộ tại Việt Nam theo hướng cho thừa nhận mang thai hộ một phần, mang thai hộ toàn phần, mang thai hộ dành người đơn thân để quản lý bao quát và bảo vệ quyền lợi của các bên đặc biệt là đứa trẻ. Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng và cẩn trọng để đảm bảo không mất đi tính nhân văn của quy định, không để cho các đối tượng có thể lợi dụng để có các hành vi trục lợi như buôn bán trẻ em, buôn bán người…
Bên cạnh đó, một số điều kiện mang thai hộ đang rất chặt chẽ ngặt nghèo đối với người mang thai hộ gây khó khăn trong việc nhờ mang thai hộ.
Điều kiện thứ nhất, người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ, bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ2. Điều kiện này xuất phát từ lý do rằng, người mang thai hộ là thân thích cùng hàng sẽ giảm được tranh chấp khi giao con vì đều là người thân thích trong gia đình. Tuy nhiên, điều kiện này vô hình trung đã làm cho mong ước có con của những cặp vô sinh không thể trở thành hiện thực trong trường hợp họ không có những người thân thích cùng hàng hoặc những người này không tự nguyện mang thai hộ giúp họ.
Mặc dù chặt chẽ như vậy để hình thức mang thai hộ tránh bị lợi dụng, biến tướng thành hình thức thương mại hóa nhưng các quy định hiện hành vẫn còn thuần túy lý tính coi đây là thỏa thuận dân sự giữa hai bên. Chẳng hạn, quy định hiện nay đang đề cập đến khái niệm người mẹ mang thai hộ là “người mang thai hộ”. Điều đó dường như bỏ qua những tình cảm, cảm xúc, gánh nặng về tinh thần và thể chất, thậm chí hiểm nguy đến tính mạng (mà dân gian vẫn gọi là “chửa cửa mả”) mà người phụ nữ phải trải qua để sinh con hộ người khác. Dẫu sao, người mang thai hộ vẫn là người mẹ chứ không phải chỉ đơn thuần là người “cho mượn tử cung”.
Nhìn lại lịch sử của các quy định pháp lý về mang thai hộ với nhiềutranh luận pháp lý và đạo đức xung quanh vấn đề này để thấy rằng, việc xây dựng được các quy định pháp lý, dù xuất phát từ những nhu cầu rất nhân văn, chưa bao giờ dễ dàng và rất khó vẹn toàn.
Theo Tiasang.com.vn
Bài liên quan
-
Một số quy định về chủ thể đủ điều kiện tham gia quan hệ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo pháp luật Việt Nam và Vương quốc Anh
-
Một số vướng mắc, bất cập về việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ
-
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình mang thai hộ
-
Mang thai hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận