Lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia là vi phạm Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia 

Trong Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia có quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm, 7 địa điểm công cộng bị cấm sử dụng rượu, bia và đặc biệt trong đó bao gồm nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc... và nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn...là những nội dung mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần nắm rõ

Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thông qua tại họp thứ 7 nhằm hoàn thiện thể chế về phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe, xã hội, kinh tế (đặc biệt là tai nạn giao thông, gây rối trật tự công cộng, bạo lực gia đình..) thông qua các biện pháp về giảm mức tiêu thụ rượu, bia; quản lý việc cung cấp, hạn chế tính sẵn có của rượu, bia; giảm tác hại, bảo đảm nguồn lực để phòng, chống tác hại của rượu, bia, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân, phòng, chống các tác động đến kinh tế, trật tự và an toàn xã hội.

Việc xây dựng, ban hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là một yêu cầu cấp thiết để góp phần hạn chế ảnh hưởng tiêu cực do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Dựa trên các quan điểm ưu tiên bảo vệ sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân, gia đình và xã hội, là nguồn lực quý giá trong phát triển bền vững đất nước; giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong do sử dụng rượu, bia gây ra. Ngoài ra, phòng ngừa và giảm bớt các hậu quả về xã hội (tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, tội phạm, thương tích, an ninh trật tự, bất bình đẳng giới, đói nghèo) và gánh nặng kinh tế để khắc phục hậu quả do sử dụng rượu, bia gây ra.

Luật có 7 chương và 36 Điều với những nội dung chủ yếu sau:

Tại Điều 5, quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia , trong đó có một số hành vi đáng chú ý như: Nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ ngơi giữa giờ làm việc, học tập; điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn…

Từ Điều 6 đến Điều 9, Luật quy định các biện pháp chính trong phòng, chống tác hại của rượu, bia bao gồm:

Giảm mức tiêu thụ rượu, bia bằng cách thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, cá nhân trong tuyên truyền và thực hiện các quy định của Luật.

Trong đó, chú trọng một số biện pháp đối với một số đối tượng đặc thù như học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai… đặc biệt trẻ em dưới 18 tuổi. Đối với biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia.

Tại Điều 10, Luật nêu rõ những nơi không được uống rượu, bia, gồm 7 địa điểm là các địa điểm công cộng mà việc sử dụng rượu, bia có thể tác động cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhóm đối tượng cần được bảo vệ như người dưới 18 tuổi, người bệnh, học sinh, sinh viên và gây ảnh hưởng đển chất lượng lao động.

Từ các Điều từ 11 đến 14 đã quy định việc quản lý việc khuyến mại rượu, bia có độ cồn dưới 15 độ; quản lý việc quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 15 độ; Tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân, từ đó dần thay đổi hành vi sử dụng rượu, bia.

Đối với kiểm soát khuyến mại, quảng cáo, tài trợ rượu, bia, ngoài việc kế thừa quy định về cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, luật bổ sung biện pháp kiểm soát quảng cáo đối với rượu, bia dưới 15 độ để bảo đảm quan điểm nhất quán của luật là quản lý toàn diện đối với rượu, bia, khắc phục khoảng trống của pháp luật hiện hành đối với rượu, bia.

Tuy nhiên, có sự phân chia mức độ kiểm soát khác nhau tương ứng với nồng độ cồn trong sản phẩm (dưới 5,5 độ, từ 5,5 đến dưới 15 độ) và các quy định để phòng ngừa trẻ em, học sinh, sinh viên tiếp cận sớm với rượu, bia, hạn chế việc thúc đẩy sử dụng rượu, bia.

Luật dành toàn bộ Chương VI gồm 6 điều từ Điều 29 đến Điều 34 quy định về quản lý nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng chống tác hại của rượu bia.

Trả lời câu hỏi của báo chí: Trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia quy định “đã uống rượu bia thì không lái xe” nhưng trong Luật Giao thông đường bộ lại quy định người tham gia giao thông vi phạm mức nồng độ cồn mới bị xử lý. Vậy có phải sửa đổi Luật Giao thông đường bộ không?

Thứ trưởng Trương Quốc Cường nói: “Đây là biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia. Vì vậy, luật quy định người điều khiển phương tiện giao thông không được uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông. Đồng thời, quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện trong phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia. Do đó, để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia, tới đây quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Thương mại sẽ được sửa đổi, bổ sung”.

Vấn đề sửa đổi bổ sung quy định của một số luật khác được quy định tại Điều 35 của Luật này. Luật có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2020.

XUÂN BÁCH