Long An: Từ buông lỏng quản lý trật tự xây dựng và đất đai dẫn đến nhiều hệ lụy
Kỳ 3: Loay hoay xử lý sai phạm: Cơ quan quản lý “than khó”
Trước tình trạng nhà ở liền kề xây dựng tràn lan và sau đó kinh doanh bất động sản trái phép trên địa bàn tỉnh Long An, cơ quan chức năng cũng đã tiến hành kiểm tra, xử phạt nhưng không triệt để. Có một số trường hợp khó xử lý đến mức cơ quan chức năng phải “bó tay”.
Xử lý sai phạm cục bộ, loay hoay
Có thể thấy, những sai phạm về trật tự xây dựng, về đất đai tồn tại đã khá lâu trên địa bàn tỉnh Long An, nhưng cơ quan chức năng địa phương lại chậm phát hiện và xử lý sai phạm, để đến khi các căn nhà liền kề được xây dựng hoàn thiện, việc mua bán giao dịch bất động sản được thực hiện, người dân đã vào sinh sống thì lúc đó cơ quan chức năng mới phát hiện, mới xử phạt, điều này dẫn đến việc khắc phục hậu quả sai phạm lại hết sức khó khăn, phức tạp.
Theo đó, với những sai phạm tại địa phương, UBND huyện Cần Đước đã ban hành 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó, ngày 30/9/2019, UBND huyện Cần Đước ban hành 2 quyết định số 2390/QĐ-XPVPHC và 2391/QĐ-XPVPHC xử phạt bà Bùi Lâm Thị Thu Trang và ông Vũ Văn Ngọc (chủ đầu tư) cùng số tiền 25 triệu đồng vì xây dựng trái phép.
Từ năm 2019, UBND huyện Cần Đước đã xử phạt công trình nhà liền kề trái phép, nhưng đến nay việc khắc phục hậu quả vẫn chưa được thực hiện (Ảnh: Quyết định xử phạt đối với chủ đầu tư là bà Bùi Lâm Thị Thu Trang)
Đồng thời, buộc 2 chủ đầu tư này, trong thời hạn 60 ngày phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng, hết thời hạn trên mà không xuất trình được giấy phép xây dựng thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình vi phạm, áp dụng tại điểm b, c; khoản 12; Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017.
Sau đó, ngày 3/3/2023, UBND huyện Cần Đước tiếp tục ban hành 2 Quyết định số 119/QĐ-XPVPHC và số 120/QĐ-XPVPHC xử phạt ông Đàm Minh Phương và bà Nguyễn Kim Thoại (chủ đầu tư) cùng số tiền 45 triệu đồng, vì hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ không đúng quy hoạch xây dựng được phê duyệt; buộc cá nhân vi phạm phải phá dỡ phần công trình xây dựng vi phạm, áp dụng điểm c, khoản 15, Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.
Còn đối với hành vi kinh doanh bất động sản trái quy định của các chủ đầu tư trên, UBND huyện Cần Đước đang củng cố hồ sơ để xử lý.
Tuy nhiên, cho đến nay, theo ghi nhận của phóng viên, việc khắc phục hậu quả sai phạm vẫn chưa được thực hiện, các công trình vi phạm trên vẫn còn tồn tại, chưa bị cưỡng chế, tháo dỡ theo các quyết định xử phạt của UBND huyện Cần Đước.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, ông Đào Hữu Tấn, quyền Chủ tịch UBND huyện Cần Đước cho biết, UBND huyện đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo đối với việc xử lý công trình xây dựng vi phạm xảy ra trên địa bàn huyện. Nhưng đối với vi phạm của ông Đàm Minh Phương và bà Nguyễn Kim Thoại do biến động thửa đất xảy ra nhiều, để xác định được cá nhân thực hiện hành vi, ngành chuyên môn phải xác minh để có thông tin xử lý. Mặt khác, cá nhân vi phạm né tránh, không phối hợp làm ảnh hưởng thời gian xử lý.
“Khó” xử lý?
Cũng rơi vào tình trạng tương tự như UBND huyện Cần Đước, các sai phạm về đất đai, trật tự xây dựng xảy ra trên địa bàn huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, xử lý nhưng chưa dứt điểm và cho đến nay vẫn chưa có giải pháp hiệu quả nào đối với các sai phạm.
Cơ quan quản lý địa phương không biết xử lý như thế nào đối với các công trình nhờ ở liền kề sai phạm (Ảnh: Công trình nhà ở liền kề tại xã Hựu Thạnh)
Cụ thể, theo kết luận của UBND huyện Đức Hòa, công tác quản lý nhà nước về đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn xã Đức Hòa Đông còn nhiều hạn chế, chưa sâu sát khi để xảy ra 34 vị trí xây dựng trên 50 thửa đất, với tổng cộng 844 căn nhà liền kề không phép, không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. UBND xã chưa chấp hành nghiêm các chỉ đạo của UBND tỉnh và huyện về chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai và xây dựng.
UBND huyện Đức Hòa cũng kết luận: UBND xã Đức Hòa Đông có lập biên bản đình chỉ thi công nhưng thiếu kiểm tra, giám sát khi phát hiện sai phạm; dẫn đến việc xử lý chưa nghiệm, việc tổ chức thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa triệt để, thực hiện chưa đến nơi, đến chốn, chủ yếu chỉ thực hiện phạt tiền, biện pháp khắc phục hậu quả chưa thực hiện, cũng như chưa kiên quyết ngăn chặn hành vi vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp và đất ở nông thôn trên địa bàn.
Còn đối với những sai phạm tại xã Hựu Thạnh, UBND xã có chấp hành các chỉ đạo của UBND tỉnh và huyện về chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, về xây dựng.
Khi các chủ đầu tư bắt đầu xây dựng, UBND xã Hựu Thạnh đã lập nhiều biên bản đình chỉ thi công; sau đó, mời các chủ đầu tư đến làm việc, vận động dừng thi công và các chủ đầu tư cũng đã cam kết xây dựng nhà để ở chứ không phải sử dụng vào mục đích kinh doanh bất động sản.
“Tuy nhiên, công tác vận động ngưng thi công xây dựng của UBND xã Hựu Thạnh vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là đối trường hợp ông Huỳnh Tấn Thành, là đại biểu HĐND xã. Mặt khác, sau khi lập biên bản đình chỉ thi công thì thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu kiên quyết ngăn chặn triệt để đối với các công trình dạng nhà ở liền kề, dẫn đến tình trạng chủ đầu tư và người mua thực hiện lén lút giao dịch bất động sản, hoàn thiện các căn nhà và vào ở”, UBND huyện Đức Hòa kết luận.
Sau kết luận, UBND huyện Đức Hòa tiếp tục chỉ đạo UBND xã Hựu Thạnh làm việc với các chủ đầu tư xây dựng ngừng thi công xây dựng các công trình cho đến khi đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định.
Nhưng trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Xiếu – Chủ tịch UBND xã Hựu Thạnh cho biết, UBND xã cũng đã mời các chủ đầu tư lên làm việc và lập biên bản, các chủ đầu tư cũng cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, nhưng sau đó vẫn không thực hiện.
“UBND xã đã cũng cố hồ sơ gửi UBND huyện để có hướng xử lý chứ giờ cấp xã không biết xử lý như thế nào. Kể cả cơ quan chuyên môn của huyện còn đặt vấn đề không biết xử lý như thế nào, rất khó xử lý; bởi các chủ đầu tư xây dựng trên đất ở nông thôn và khi xây dựng thì cam kết để ở, nhưng lại đi mua bán, kinh doanh bất động sản nên giờ không biết xử lý sao”, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Xiếu cho biết thêm.
Kỳ 4: Nhiều tập thể, cá nhân bị kiểm điểm, kỷ luật
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận