Luật Hợp đồng mua bán chung Châu Âu và những tác động đến lợi ích của người tiêu dùng tại EU
Luật Hợp đồng mua bán chung Châu Âu (Common European Sales Law – CESL) được phát triển xuất phát từ nhu cầu tạo ra một khuôn khổ pháp lý chung để giảm bớt các rào cản pháp lý, bài viết sẽ khái quát về luật hợp đồng mua bán chung của châu Âu và những tác động đến người tiêu dùng tại EU như một giải pháp để góp phần thúc đẩy thương mại xuyên biên giới trong Liên minh Châu Âu.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong Liên minh Châu Âu, mỗi quốc gia thành viên có hệ thống pháp luật riêng, bao gồm cả các quy định về hợp đồng. Điều này dẫn đến sự không đồng nhất và phức tạp trong các giao dịch thương mại xuyên biên giới, gây ra sự không chắc chắn và chi phí cao cho các doanh nghiệp khi họ phải điều chỉnh để tuân thủ pháp luật của từng quốc gia. Vì vậy, một bộ luật hợp đồng chung ra đời sẽ giúp đơn giản hoá quy trình và giảm thiểu rủi ro cho các bên trong giao dịch thương mại, từ đó thúc đẩy thị trường nội khối và khuyến khích người tiêu dùng tham gia vào thị trường chung.
1. Khái quát về Luật hợp đồng mua bán chung của Châu Âu
1.1 Sự khởi xướng và xây dựng luật hợp đồng của Châu Âu
Với Thông báo tới Nghị viện Châu Âu (European Parliament) và Hội đồng Liên minh Châu Âu (Council) ngày 11/7/2001 về luật hợp đồng Châu Âu[1], Ủy ban Châu Âu (European Commission) đã khởi xướng một quá trình thảo luận về cách thức giải quyết trên bình điện Liên minh các vấn đề phát sinh từ sự khác biệt trong luật hợp đồng của các quốc gia thành viên. Trên cơ sở ý kiến ủng hộ từ nhiều phía, tháng 2/2003 Ủy ban Châu Âu (Ủy ban) đã thông qua một “Chương trình hành động về việc xây dựng một luật hợp đồng Châu Âu đồng bộ hơn”[2]. Ủy ban tham vọng thông qua chương trình hành động này sẽ xây dựng được một Bộ quy tắc tham khảo chung (Common frame of reference) dự kiến soạn thảo xong trong năm 2007 làm cơ sở để tiếp đó ban hành được một Bộ quy tắc hợp đồng trong năm 2009. Bộ quy tắc hợp đồng đó sẽ là “hòn đá tảng” đầu tiên của luật hợp đồng chung Châu Âu. Ủy ban hy vọng nó sẽ không chỉ giúp đảm bảo sự vận hành thông suốt của Thị trường chung Châu Âu mà còn có thể được sử dụng rộng rãi trong quan hệ hợp đồng quốc tế ngoài phạm vi Liên minh Châu Âu. Qua đó, luật hợp đồng Châu Âu cũng có khả năng ảnh hướng đến sự phát triển của pháp luật hợp đồng ở các quốc gia khác trên thế giới, tác động tích cực tới các nỗ lực dài hạn nhằm tiến tới một luật hợp đồng toàn cầu.
Tuy nhiên đó là câu chuyện mong muốn, kì vọng của EU vào thời điểm 2001. Trên thực tế cho đến năm 2011, Nghị viện Châu Âu mới có thể ban hành Quy chế của Nghị viện Châu Âu và Hội đồng về Luật hợp đồng chung Châu Âu. Quy chế này đã chấm dứt những băn khoăn của các thành viên EU trong suốt thời kì trước đó về hai câu hỏi lớn là có áp dụng thống nhất pháp luật hợp đồng trên toàn Liên minh hay không và ảnh hưởng của nó đến Thị trường chung là như thế nào. Luật Hợp đồng mua bán chung Châu Âu (CESL) ra đời là một bước đánh dấu cho sự chuyển mình trong quá trình hài hòa hóa pháp luật của EU. Bên cạnh mục tiêu thống nhất luật hợp đồng trên toàn Liên minh, CESL còn góp phần tác động tích cực đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng - không chỉ dưới bình diện pháp luật mà CESL còn tạo ra một sự đảm bảo trên thực tế.
1.2 Nội dung cơ bản của CESL và ý nghĩa của việc hài hòa hóa pháp luật
CESL được ban bành năm 2011 với 186 điều được chia thành VII phần lớn cùng với 2 Phụ lục. Phần I giới thiệu về các điều khoản và các nguyên tắc chung của hợp đồng; Phần II quy định về cách thức thực hiện một hợp đồng; Phần III đánh giá những quy định trong hợp đồng; Phần IV quy định nghĩa vụ và giải pháp của các bên trong hợp đồng bán hàng hoặc hợp đồng cung cấp các nội dung kĩ thuật số; Phần V quy định nghĩa vụ và giải pháp của các bên trong hợp đồng dịch vụ liên quan; Phần VI quy định về thiệt hại và lãi suất; Phần VII quy định về bồi thường; Phần VIII quy định về thời hiệu. Như vậy có thể thấy CESL đã đưa ra những quy định tổng quan và đầy đủ về pháp luật hợp đồng.
Liên minh Châu Âu bao gồm 28 thành viên với 28 tập hợp riêng các quy định về luật hợp đồng. Nếu không có một sự hài hòa hóa pháp luật, hay nói cách khác là làm giảm đi những sự khác biệt về pháp luật mà cụ thể ở đây là ban hành những quy định chung thống nhất trên toàn liên minh về hợp đồng thì rõ ràng pháp luật điểu chỉnh hợp đồng ở Châu Âu sẽ là một sự “chắp vá” từ nhiều mảnh ghép nhỏ đến từ các quốc gia thành viên khác nhau. Mỗi quốc gia lại có những quan điểm không giống nhau về luật hợp đồng, điều này liên quan chặt chẽ đến quan điểm về lợi ích của người tiêu dùng của mỗi hệ thống pháp luật, chính nó sẽ tạo ra sự khác biệt đối với các quy định về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp; từ đó khiến cho doanh nghiệp tích cực hay e ngại khi giao kết hợp đồng với các chủ thể có quốc tịch khác trong phạm vi Liên minh. Với mức độ hội nhập kinh tế đạt đến cấp độ Thị trường chung, những rào cản cơ bản của thương mại đã được gỡ bỏ rất nhiều, tuy nhiên sự khác biệt về pháp luật hợp đồng vẫn tồn tại và đây là rào cản nếu được xóa bỏ thì sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với EU. Quá trình hài hòa hóa pháp luật dù được diễn ra ở cấp độ và phạm vi nào cũng phải đối mặt với những khó khăn mà việc vượt qua những khó khăn đó không dễ dàng. Một trong những khó khăn quan trọng mà quá trình hài hoà hoá pháp luật cần phải vượt qua là vấn đề kĩ thuật pháp lí. Đó là sự khác biệt về quan niệm và thuật ngữ giữa các hệ thống pháp luật khác nhau. Sự khác biệt về quan niệm và thuật ngữ làm cho “hài hòa hoá [và nhất thể hóa] pháp luật không thể đạt được một cách đơn giản bằng cách làm xuất hiện pháp luật lí tưởng về bất kỳ vấn đề gì và hi vọng nó được chấp nhận”. Việc chấp nhận các quy tắc được hài hoà hoá có nghĩa là các quốc gia sẽ phải từ bỏ các quy phạm pháp luật của mình. “Lòng tự hào dân tộc làm cho chính bản thân nó cố kết lại trong lĩnh vực pháp luật cũng như trong các lĩnh vực khác. Việc loại bỏ các quy tắc pháp luật của quốc gia dường như ngụ ý rằng có điều gì đó không ổn với các quy phạm sẽ bị thay thế và tính tự ái dân tộc theo đó bị tổn thương”[3].
Từ thời điểm khởi xướng ý tưởng về một luật hợp đồng chung Châu Âu từ năm 2001 đến thời điểm các thành viên nhất trí với việc đề xuất một Luật chung, các thành viên nói chung và các cơ quan ở tầm Liên minh đã phải trải qua rất nhiều khó khăn; sự lựa chọn và cân nhắc giữa ý kiến của các thành viên, các nhóm lợi ích và những chủ thể sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các quy định này nếu được ban hành được thảo luận một cách gay gắt. Thành công này nếu đạt được lại càng ý nghĩa hơn nữa trong bối cảnh một số thành viên của Liên minh đã tham gia Công ước Viên 1980 của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và những quy định của Công ước này cũng phù hợp với thực tiễn hợp đồng quốc tế. Cuối cùng khi quan điểm cần phải thiết lập những quy định thống nhất về hợp đồng phù hợp với hoàn cảnh của Châu Âu chiếm ưu thế và sự xem xét được tiến hành một cách hợp lí và cẩn thận đối với ý kiến của các chủ thể, CESL đã ra đời dựa trên tinh thần cầu thị và hợp tác của các thành viên EU.
2. Tác động của CESL đến lợi ích người tiêu dùng tại EU
2.1 Thực trạng về tiêu dùng tại các thành viên EU
Mỗi thành viên của Liên minh Châu Âu có một hệ thống các quy định về bảo vệ người tiêu dùng của họ. Mặc dù khuôn khổ pháp lý này đảm bảo một mức độ bảo vệ thích hợp cho người tiêu dùng khi mua sắm tại đất nước của họ nhưng nó cũng tạo ra tính phức tạp và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi họ tham gia vào các giao dịch xuyên biên giới. Điều này là một thực tế gây cản trở rất lớn đối với hoạt động thương mại của các doanh nghiệp và cả lợi ích của người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng của quốc gia A muốn mua hàng từ doanh nghiệp của quốc gia B, rất có thể họ sẽ gặp phải những rào cản về pháp luật hợp đồng. Các công ty có thể từ chối các đơn đặt hàng của người tiêu dùng vì rất nhiều lí do và một trong số đó là sự xung đột trong pháp luật hợp đồng. Theo số liệu điều tra của The European Business Test Panel, ít nhất 3 triệu người tiêu dùng trong vòng 1 năm trả lời rằng họ đã từng bị từ chối đơn đặt hàng hoặc giao hàng từ các quốc gia EU khác.
Cụ thể điều tra này cho thấy số lượng người tiêu dùng gặp phải tình trạng đơn hàng bị từ chối ở Bỉ là 4%, ở Ireland là 22% và con số này ở Malta là 28%[4]. Khi nghiên cứu 10.964[5] giao dịch mua hàng xuyên biên giới người ta đã thống kê được rằng 61% trong số các giao dịch đó thất bại, trong số đó có 50% là do các doanh nghiệp từ chối phục vụ khách hàng đến từ các quốc gia khác. Người tiêu dùng Châu Âu dành khoảng 42,3 tỉ euro mỗi năm để thực hiện các giao dịch mua hàng xuyên biên giới. Giá sử trong vòng 1 năm đã có 3 triệu người tiêu dùng bị từ chối giao dịch, mỗi giao dịch có giá trị trung bình được tính toán là 52 euro[6] thì giá trị của những giao dịch không thành công vào khoảng 157 triệu euro. Đây là con số có ý nghĩa phản ánh rất lớn thực trạng tiêu dùng trên toàn EU.
Ví dụ đối với một trường hợp cụ thể: Eleni là người tiêu dùng ở Síp, cô yêu thích nhiếp ảnh và muốn mua một chiếc máy ảnh với ống kính hiện đại. Giá của một chiếc máy ảnh theo yêu cầu của cô được bán ở Bỉ với giá khoảng 1540 euro. Sau khi tìm kiếm trực tuyến, cô nhận thấy ở Anh máy ảnh cùng loại cô cần được bán với giá thấp hơn giá ở Síp khoáng 500 euro. Cô nghĩ rằng các chi phí giao hàng đến Síp không thể nhiều hơn 50 euro, tức là thay vì bỏ ra 1540 euro thì cô chỉ cần bỏ ra 1100 euro để mua chiếc máy ảnh đó nên đã quyết định đặt hàng. Tuy nhiên sau khi liên hệ với các cửa hàng thì cô nhận được câu trả lời rằng họ không chấp nhận đơn hàng quốc tế. Cô tiếp tục tìm kiếm và thấy ở Pháp và Đức có bán loại máy ảnh đó với giá 1110 euro, cao hơn ở Anh một chút nhưng vẫn là một mức giá tốt khi so sánh với giá tại Síp. Cô liên hệ với cửa bàng và tiếp tục nhận được các câu trả lời tương tự khi các doanh nghiệp cho biết họ chỉ cung cấp cho các nước Pháp, Bỉ, Luxembourg và Đức. Cô cố gắng tìm kiếm và thử đặt hàng một lần nữa theo cách như vậy và vẫn thất bại, cuối cùng cô quyết định mua chiếc máy ảnh ở Síp và chấp nhận mức giá 1540 euro. Như vậy, Eleni đã phải bỏ ra thêm 500 euro nữa chỉ để mua một sản phẩm đáng ra có giá thấp hơn. Ví dụ này đã cho thấy, người tiêu dùng EU trên thực tế vẫn gặp phải nhiều khó khăn khi muốn tiêu dùng hàng hóa qua biên giới, hay nói cách khác các doanh nghiệp EU vẫn chưa thực sự mạnh dạn mở rộng phạm vi cung cấp hàng hóa của mình trên toàn Liên minh. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hội nhập kinh tế khu vực của EU và minh chứng cho việc những rào cản đối với thương mại vẫn chưa thực sự được gỡ bỏ.
Theo khảo sát, trong năm 2011, các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết rằng 32% số hợp đồng B2B (Business - To - Business Contract) và 36% số hợp đồng B2C (Business -To - Consumer Contract) gặp phải khó khan là các quy định về pháp luật hợp đồng và một con số gần như bằng nhau cho biết họ gặp phải những rào cản thực tế khác nữa là ngôn ngữ, giao bàng...[7] Tại Hà Lan rất nhiều người tiêu dùng có thói quen mua sắm trực tuyến nhưng chủ yếu lại trong phạm vi nội địa. Khi CESL xóa đi sự khác biệt giữa các quy định pháp luật hợp đồng, 52% người tiêu dùng có thói quen mua sắm trực tuyến tại Hà Lan sẽ hoàn toàn có thể mua sắm từ các quốc gia EU khác mà không cần băn khoăn lựa chọn xem lợi ích của mình có được đảm bảo hay không. Tương tự như vậy với các quốc gia khác, đặc biệt là ở những nơi mà số lượng người tiêu dùng có thói quen mua sắm trực tuyến nội địa rất cao nhưng mua sắm trực tuyến từ các thành viên EU khác lại thấp. CESL cũng sẽ tác động tới quan điểm của các doanh nghiệp về việc tuân thủ các quy định về bảo vệ người tiêu dùng. Khi pháp luật về hợp đồng được sử dụng thống nhất trên toàn Liên minh, các doanh nghiệp của các thành viên EU khác nhau cũng sẽ phải tuân thủ những quy định chung về đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu đùng, từ đó tỉ lệ các doanh nghiệp tuân thủ những quy định này tăng lên, dẫn đến người tiêu dùng nói chung trên toàn EU được hưởng quyền và lợi ích của mình một cách thực sự.
Thực tế trên dẫn đến việc các doanh nghiệp e ngại khi cung cấp hàng hóa của mình qua biên giới. Trong trường hợp doanh nghiệp muốn mở rộng phạm vi này ngoài quốc gia của mình, hay rộng hơn là toàn liên minh, họ đương nhiên phải dành ra những khoản chỉ phí để đảm bảo rằng họ đã tuân thủ các quy định bắt buộc của quốc gia nơi có người tiêu dùng khi họ tham gia vào các giao dịch B2C xuyên biên giới. Điều tương tự cũng xảy ra với các hợp đồng B2B. Cuối cùng, tất cả những chi phí này sẽ được tính toán vào giá của sản phẩm và chủ thể không được hưởng lợi chính là người tiêu dùng. Cho dù người tiêu dùng EU đáng lẽ phải được hưởng lợi từ Thị trường chung, trên thực tế họ vẫn phải chịu những bất lợi không đáng có mà một trong những lí do có nguồn gốc xuất phát từ sự khác biệt pháp luật về hợp đồng giữa các quốc gia thành viên EU.
2.2 Những lợi ích người tiêu dùng có được từ CESL
Một thực tế rõ ràng rằng khi Luật chung được ban hành, nó sẽ đảm bảo việc người tiêu dùng trên phạm vỉ toàn Liên minh được đối xử với một mức độ bảo vệ lợi ích là ngang bằng nhau và được hưởng những sự đối xử giống nhau mà không có sự phân biệt quốc tịch là giống hay khác với nhà cung cấp sản phẩm. Thiết lập được sự công bằng này, CESL cũng tạo ra những lợi ích khác nữa mà người tiêu dùng được hưởng.
Thứ nhất, CESL cung cấp một cơ sở pháp lý chung quy định việc bảo vệ lợi ích người tiêu dùng ở mức độ cao. Người tiêu dùng sẽ có thể dựa vào Luật hợp đồng chung của Châu Âu như một đảm bảo về chất lượng. Ví dụ, nó tạo ra cho người tiêu dùng sự lựa chọn tự do các biện pháp trong trường hợp họ mua một sản phẩm bị lỗi - thậm chí vài tháng sau khi mua hàng. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng có thể chấm dứt hợp đồng, yêu cầu một sự thay thế hoặc bảo hành hoặc giảm giá. Trước đó, sự bảo đảm dành cho người tiêu dùng này chỉ tồn tại trong năm nước EU là: Pháp, Hy Lạp, Lithuania, Luxembourg, Bồ Đào Nha.
Thứ hai, cơ chế này cung cấp một lựa chọn với phạm vi sản phẩm rộng lớn hơn với giá thấp hơn. Hiện nay, người tiêu dùng khi chủ động thiết lập các giao dịch trực tuyến thường bị các doanh nghiệp từ chối bán hàng hoặc giao hàng. Ít nhất 3 triệu người tiêu dùng đã trải qua điều này mỗi năm. Khi các quy định về hợp đồng được hài hoà hoá ở cấp độ khu vực như thế này, người tiêu dùng và cả doanh nghiệp đều có thể yên tâm việc mua – bán hàng sẽ không bị ảnh hưởng bởi yếu tố địa lý của cả người tiêu dùng và thương nhân. Một người tiêu dùng ở Anh mua hàng hoá ở Anh hay ở Thuỵ Điển cũng không có gì khác biệt, vì thế họ sẽ chỉ cần quan tâm đến chất lượng, giá cả của hàng hoá với mong muốn của mình; họ hoàn toàn có thể bỏ qua những lo lắng về việc khác biệt trong quy định về hợp đồng và quyền lợi của người tiêu dùng.
Thứ ba, CESL bảo đảm một sự chắc chắn về quyền lợi của người tiêu dùng trong các giao dịch xuyên biên giới. Khi các thành viên đều sử dụng CESL với vai trò như những quy định pháp luật hợp đồng của quốc gia thì người tiêu dùng tại bất cứ đâu trong EU đều có thể yên tâm rằng quyền lợi của họ khi mua hàng xuyên biên giới không có bất cứ khác biệt nào so với việc mua hàng nội địa. Trong Phần II Chương 2 Mục 1 quy định về thông tin tiền hợp đồng được thương nhân đưa ra với người tiêu dùng có quy định rõ tại Điều 13 về nghĩa vụ cung cấp thông tin của thương nhân và các điều sau làm rõ từng nội dung cụ thể: Điều 14 làm rõ thông tin về giá cả, chi phí và chi phí bổ sung; Điều 15 làm rõ thông tin về danh tính và địa chỉ của thương nhân; Điều 16 thông tin về các điều khoản của hợp đồng,… Mỗi điều lại làm rõ những nội dung chi tiết của vấn đề; ví dụ Điều 14 khi quy định về thông tin giá cả đã yêu cầu những thông tin về (i) tổng giá của hàng hoá đã bao gồm thuế, cách thức tính toán giá cả (ii) bất kì khoản tiền nào được cộng thêm như tiền cước, tiền giao hàng, bưu phí và các chi phí khác, chi phí bổ sung (nếu có),… Với những thông tin cụ thể chi tiết như vậy, người tiêu dùng có thể tiếp cận hàng hoá của bất cứ doanh nghiệp nào trên toàn EU như bất cứ hàng hoá nào trong quốc gia mình.
Thứ tư, CESL cũng làm tăng cường tính minh bạch và sự tin tưởng của người tiêu dùng. Nghĩa là, theo các quy định của CESL, họ sẽ luôn luôn được thông báo rõ ràng, và sẽ phải đồng ý sử dụng một hợp đồng dựa trên CESL. Sự minh bạch ở đây được thể hiện qua việc ràng buộc các nghĩa vụ cung cấp thông tin của doanh nghiệp cũng như sản phẩm đến với người tiêu dùng. Trong Mục 4 Điều 28 đã quy định nghĩa vụ đối với doanh nghiệp về việc đảm bảo thông tin được cung cấp là chính xác và Điều 29 quy định về các biện pháp khắc phục khi nghĩa vụ thông tin bị vi phạm. Điều 29 quy định rằng nếu thương nhân không tuân thủ các yêu cầu thông tin liên quan đến chi phí bổ sung hoặc các chi phí khác như quy định tại Điều 14 hoặc chi phí về việc trả lại hàng hoá theo khoản 2 Điều 17 thì người tiêu dùng không phải chịu chi phí bổ sung và các chi phí khác. Tức là, nếu doanh nghiệp không thông tin đầy đủ thì chính doanh nghiệp sẽ là người phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình, ví dụ cụ thể nếu doanh nghiệp không cho người tiêu dùng biết chi phí trả lại hàng hoá là bao nhiêu thì doanh nghiệp sẽ phải chịu khoản phí đó. Ngoài ra, quyền lợi của người tiêu dùng cụ thể cũng được thông tin rõ ràng bằng ngôn ngữ của họ.
KẾT LUẬN
Luật Hợp đồng chung của Châu Âu ra đời đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy và đảm bảo cho quyền lợi của người tiêu dùng EU. Mỗi quốc gia thành viên với những thị trường người tiêu dùng có các đặc điểm khác biệt đều đã “gặp nhau” ở một chuẩn chung về pháp luật hợp đồng, trong đó một phần rất quan trọng là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đây là một bước ngoặt mang ý nghĩa tiền đề cho hệ thống pháp luật hợp đồng của “siêu quốc gia” Liên minh Châu Âu.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Communication from the Commission to the Council and the European Parliament on European Contract Law, COM (2001) 398 final. 11.7.2001 (OJ C 255, 13.9.2001, p. 1)
- Communication from the Commission to the European Parliament and the Council on a more coberent european contract law – An action plan, COM (2003) 68 final, 12.2.2003 (OJ C 63/1)
- Khảo sát của The European Busisess Test Panel (EBTP) EB 2990, p9
- Phan Huy Thông, “Về quá trình thảo luận và xây dựng luật hợp đồng Châu Âu”, Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học pháp lý
- Số tiền trung bình củo mỗi giao dịnh thẻ tín dụng (ECB), giá trị giao dịch thẻ tín dụng chia cho khối lượng giao dịch thẻ tín dụng, xem thêm tại: http://www.ech.nueats/paymentes/payza/teml/index.en.html
- YouGaav Psyebeaoeies, Miystky Shopping Evalastiem of Cross-boder E-commerce in the EU, October 2009, p.24
[1] Communication from the Commission to the Council and the European Parliament on European Contract Law, COM (2001) 398 final. 11.7.2001 (OJ C 255, 13.9.2001, p. 1)
[2] Communication from the Commission to the European Parliament and the Council on a more coberent european contract law – An action plan, COM (2003) 68 final, 12.2.2003 (OJ C 63/1)
[3] Phan Huy Thông, “Về quá trình thảo luận và xây dựng luật hợp đồng Châu Âu”, Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học pháp lý
[4] Khảo sát của The European Business Test Panel (EBTP) EB 2990, p9
[5] YouGaav Psyebeaoeies, Miystky Shopping Evalastiem of Cross-boder E-commerce in the EU, October 2009, p.24
[6] Số tiền trung bình củo mỗi giao dịnh thẻ tín dụng (ECB), giá trị giao dịch thẻ tín dụng chia cho khối lượng giao dịch thẻ tín dụng, xem thêm tại: http://www.ech.nueats/paymentes/payza/teml/index.en.html
[7] Khảo sát của The European Business Test Panel (EBT) dựa trên câu trả lợi của 378 công ty trên mọi quy mô
Một phiên họp của Nghị viện Châu Âu. - Ảnh: AFP/TTXVN
Bài liên quan
-
Number 1 Soya Canxi cùng người tiêu dùng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp từ sâu bên trong
-
Sữa đậu nành: Thức uống được người tiêu dùng lựa chọn trong xu hướng tiêu dùng xanh
-
Phát triển nhãn hàng riêng, WinCommerce mang đến “giá tốt” cho người tiêu dùng
-
Bí quyết giúp nhãn sữa gần 50 năm tuổi luôn chiếm giữ “trái tim” người tiêu dùng Việt
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Chánh án TANDTC Lê Minh Trí gặp mặt các đồng chí lãnh đạo TANDTC qua các thời kỳ
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Phạm vi trách nhiệm hình sự của hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm an toàn giao thông gây ra
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận