Vai trò của lực lượng Cảnh sát trật tự, lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh trong bảo đảm an toàn các phiên tòa trên địa bàn thành phố Hà Nội
Trách nhiệm bảo vệ các phiên tòa trong và ngoài phòng xử án thuộc về lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. Nhưng để bảo đảm các phiên tòa được diễn ra bình thường, đúng kế hoạch, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của lực lượng Cảnh sát trật tự, lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh tổ chức giữ gìn trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng quanh các phiên tòa. Bài viết phân tích một vài kết quả công tác để người đọc thấy rõ vai trò của lực lượng Cảnh sát trật tự, lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh trong bảo dàm an toàn các phiên tòa trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Quy định của pháp luật về tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự theo chức năng của lực lượng Cảnh sát trật tự
Hiện nay, theo quy định để đảm bảo an ninh, trật tự tại các phiên tòa theo Thông tư số 13/2016/TT-BCA ngày 10/3/2016 của Bộ Công an quy định:
Thứ nhất, bảo vệ trong phòng xử án: Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ trong phòng xử án phải thực hiện đúng nhiệm vụ đã được phân công; nhắc nhở người đến dự phiên tòa ngồi đúng vị trí quy định, giám sát chặt chẽ mọi hành vi của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người tham dự phiên tòa và có trách nhiệm nhắc nhở, chấn chỉnh người vi phạm trật tự nội quy phiên tòa, không để xảy ra mất an ninh, trật tự; gây rối, đe dọa, tấn công Hội đồng xét xử, hủy hoại, cướp hồ sơ, tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc các bị cáo hành hung lẫn nhau.
Thứ hai, bảo vệ ngoài phòng xử án:
- Cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ ngoài phòng xử án phải thực hiện đúng nhiệm vụ, vị trí đã phân công, thường xuyên tuần tra, canh gác, kiểm soát, giám sát chặt chẽ các điểm chốt, giữa các khu vực vào phòng xử án, khu vực cách ly, các địa điểm tập kết xe, phương tiện giao thông kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi cản trở, tấn công việc áp giải, hành hung hoặc đánh tháo bị cáo.
- Phối hợp với các lực lượng khác không để xảy ra mất trật tự khu vực ngoài phòng xử án làm ảnh hưởng tới hoạt động xét xử, bố trí lối đi dự phòng trong trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn cho Hội đồng xét xử và công tác áp giải bị cáo.
- Nếu tình hình trật tự ngoài phòng xử án có những diễn biến phức tạp thì người chỉ huy bảo vệ phiên tòa phải kịp thời báo cáo lãnh đạo cấp có thẩm quyền để tăng cường lực lượng hỗ trợ.
Trong đó, lực lượng Cảnh sát thi hành án và hỗ trợ tư pháp là lực lượng nòng cốt trong thực hiện bảo vệ phiên tòa. Các lực lượng khác trong Công an nhân dân khi được phân công phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa phải chủ động có kế hoạch phương án, bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ hỗ trợ và phối hợp với lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa.
Lực lượng Cảnh sát trật tự, lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh không có trách nhiệm chính trong bảo vệ phiên tòa. Nhưng đây là lực lượng không thể thiếu trong phối hợp đảm bảo các phiên tòa được diễn ra theo đúng lịch trình, kế hoạch vì lực lượng này có chức năng tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng xung quanh các Tòa án trước, trong và sau khi diễn ra cá phiên tòa. Hiện nay, căn cứ để tiến hành công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội của lực lượng Cảnh sát trật tự là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật như Hiến pháp năm 2013, Luật Công an nhân dân năm 2018, Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 6/8/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an; Quyết định số 547/2008/QĐ-BCA ngày 15/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của lực lượng CS113; Thông tư số 49/2014/TT-BCA ngày 21/10/2014 của Bộ Công an quy định quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh; Thông tư số 59/2019/TT-BCA ngày 15/11/2019 của Bộ Công an quy định về hoạt động của lực lượng Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh; Thông tư số 19/2009/TT-BCA(C11) ngày 9/4/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiếp nhận, xử lý tin và giải quyết ban đầu các vụ, việc khẩn cấp về ANTT báo đến Cảnh sát phản ứng nhanh; Quyết định số 567/2004/QĐ-BCA(C11) ngày 18/6/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc ban hành Quy trình tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát trật tự; Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình xử phạt các hành vi liên quan đến giữ gìn trật tự cộng, trật tự đô thị theo chức năng của lực lượng Cảnh sát trật tự - Phản ứng nhanh 113.
Thực trạng tổ chức, bố trí triển khai lực lượng Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, giữ gìn an ninh, trật tự.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước. Với vị thế của mình, Hà Nội đang được quan tâm, đầu tư phát triển mạnh mẽ về kinh tế, ổn định về chính trị, xứng đáng là thành phố vì hòa bình, là điểm đến an toàn của bạn bè thế giới. Tuy nhiên, do vị trí quan trọng nên Hà Nội cũng là địa bàn của các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề nhạy cảm liên quan đến tranh chấp biển đảo, việc xử lý các đối tượng chống đối, tranh chấp, khiếu kiện để kích động, biểu tình trong các dịp lễ lớn, các phiên tòa xét xử tại trụ sở Tòa án nhân dân các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội gây mất trật tự, an toàn xã hội, nhất là tại các địa bàn tại trụ sở Tòa án nhân dân các quận nội thành có đông người và phương tiện qua lại trở thành các địa bàn tương đối phức tạp về an ninh, trật tự nếu không giải quyết vừa đảm bảo pháp luật vừa đảm bảo nghiệp vụ, vừa cứng rắn quyết liệt nhưng vừa phải mềm mỏng, thấu tình đạt lý. Tình hình tội phạm, vi phạm các quy định về trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau các phiên xét xử trên địa bàn Thủ đô thời gian qua mặc dù đã được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp, hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt gây khó khăn cho việc phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng.
Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý giải quyết lượng án lớn. Nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, kinh tế đã được xét xử kịp thời; nhiều phiên tòa xét xử có sự quan tâm đông đảo của dư luận trong và ngoài nước, số lượng người quan tâm lớn, muốn trực tiếp đến tòa án xem và nắm bắt thông tin, dẫn đến tình hình an ninh, trật tự đặc biệt là trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng bị ảnh hưởng, cần lực lượng Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh thường xuyên xuất hiện, tuần tra kiểm soát, duy trì trật tự công cộng đô thị. Tính riêng trong năm 2021, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội đã thụ lý 34.823 vụ việc các loại; giải quyết 27.513 vụ việc, đạt tỷ lệ 79,01%; trong đó có nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, đặc biệt là các vụ án được dư luận quan tâm đã được Tòa án phối hợp tốt với các cơ quan tố tụng tại Trung ương và thành phố khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương, được dư luận đồng tình ủng hộ. Để có được thành công đó, không thể thiếu đự sự hỗ trợ, phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự, phân luồng giao thông của lực lượng Cảnh sát trật tự, lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh 113 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trước tình hình nêu trên, với vị trí, chức năng là đơn vị nòng cốt, trực tiếp có trách nhiệm giữ gìn trật tự công cộng; phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, góp phần bảo đảm ANTT ở tại các đô thị và xung quanh các phiên tòa xét xử các vụ án trên địa bàn Thủ đô, thời gian qua, lực lượng CSTT – PƯN công an thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác; chủ động tham mưu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền các chủ trương, đường lối, pháp luật, kế hoạch, biện pháp bảo đảm ANTT phục vụ công tác quản lý nhà nước về ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm; thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản theo thẩm quyền; tổ chức ứng trực và tiếp nhận xử lý, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và vi phạm pháp luật; tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính và phòng, chống các tệ nạn xã hội; phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và các lực lượng có liên quan trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ ANTT trên địa bàn Thủ đô.
Thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND thành phố Hà Nội, và Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, lực lượng Cảnh sát trật tự - Phản ứng nhanh 113 đã phát huy vai trò nòng cốt, trực tiếp trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và quản lý nhà nước về ANTT tại các phiên xét xử của tòa án nhân dân các cấp; đã tổ chức tiếp nhận đầy đủ, nhanh chống các tin báo liên quan đến ANTT, tăng cường tuần tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống tội phạm, giải tán đám đông bất hợp pháp và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, vệ sinh môi trường trước, trong và sau khi Tòa án xét xử.
Theo đánh giá của Bộ Công an, Thủ đô Hà Nội luôn được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm của cả nước về tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội. Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm trên địa bàn Thủ đô tiếp tục được kiềm chế, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp. Nổi lên là các băng, ổ, nhóm tội phạm hoạt động ngày càng tinh vi, phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng manh động, táo bạo, nhất là các hoạt động bảo kê, cho vay nặng lãi, đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê đặc biệt là gây rối trật tự công cộng, nhất là khi có một số điểm nhấn thời sự đáng chú ý như phiên tòa xét xử một số vụ án trọng điểm, nhất là vụ “đại án” và các phiên tòa xét xử liên quan đến số đối tượng có hành vi chống chính quyền nhân dân, đối tượng chính trị. Trong 5 năm (2016 - 2021), lực lượng Cảnh sát trật tự - Cảnh sát 113 Công an thành phố Hà Nội đã tiếp nhận 2.460.400 cuộc điện thoại gọi đến, trong đó có 125.377 tin liên quan đến ANTT (lực lượng Cảnh sát 113 trực tiếp giải quyết 95.119 tin; các lực lượng chức năng và Công an các cấp giải quyết 30.258 tin); đã huy động 501.508 lượt cán bộ, chiến sĩ, 190.454 lượt phương tiện ô tô, mô tô đến hiện trường giải quyết các vụ việc, bảo đảm thời gian theo quy định, kịp thời bắt giữ 15.142 vụ với 26.673 đối tượng bàn giao cho cơ quan Công an các cấp xử lý theo thẩm quyền (Công an các quận, huyện, thị xã đã đề nghị truy tố 2.992 đối tượng), tổ chức đưa đi cấp cứu 977 người, trong đó có 674 người bị tai nạn giao thông.
Qua tuần tra, kiểm soát trước, trong và sau khi đang diễn ra các phiên xét xử ở TAND các cấp, lực lượng Cảnh sát trật tự - Phản ứng nhanh 113 đã bắt giữ 6.641 vụ với 11.451 đối tượng hình sự, chuyển giao cho các đơn vị chức năng xử lý theo thẩm quyền, tang vật thu giữ gồm 107 súng các loại, 276 viên đạn, 215 bình xịt hơi cay, 242 dùi cui, mã tấu, 1.088 dao kiếm các loại, 40 đao, 52 côn, 01 kíp nổ, 19 vam phá khóa, 03 lựu đạn, 14 khóa số 8, 9 kìm cộng lực, 35 gậy sắt, 59 bánh heroin và 4.025 viên ma túy tổng hợp, 95 gói cần sa, 90 ô tô, 775 xe máy, 177 xe đạp, 1.150 điện thoại di động, 850 kg tê tê, 80 kg tắc kè, 54 ti vi, 98 đầu thu giải mã; 274 lượt khiếu kiện chây ì gây mất trật tự công cộng tại địa bàn công cộng trước các Tòa án. Thực hiện các kế hoạch, phương án của Bộ Công an và Công an thành phố, riêng trong năm 2021 lực lượng Cảnh sát trật tự - Phản ứng nhanh 113 đã huy động trên 50.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ triển khai bảo vệ tuyệt đối an toàn các phiên tòa, xét xử các vụ án lớn, nhạy cảm, thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần bảo đảm ANTT, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, tệ nạn xã hội, sự lợi dụng của các phần tử cơ hội chính trị trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội giữ gìn trật tự công cộng, trật tự đô thị của lực lượng CSTT-PƯN Công an thành phố Hà Nội tại các phiên xét xử của Tòa án đã phát huy hiệu quả, làm giảm tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm và góp phần bảo đảm ANTT trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt là, lực lượng CSTT-PƯN Công an thành phố Hà Nội đã quán triệt các quan điểm của Đảng, Nhà nước và của ngành Công an về đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong tình hình mới; chủ động thực hiện tốt công tác tham mưu trong việc xây dựng mô hình tổ chức và triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác, chấp hành pháp luật và các quy trình công tác. Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết theo các chuyên đề để không ngừng hoàn thiện tổ chức và các mặt công tác chuyên môn. Tham mưu cho cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp xây dựng các chương trình, kế hoạch đảm bảo trật tự đô thị, bảo vệ ANTT các phiên xét xử của Tòa án nhân dân các cấp. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể triển khai các kế hoạch đảm bảo ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát huy vai trò xung kích, nòng cốt, tích cực phối hợp với các ngành, các cấp, huy động quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội tại các phiên xét xử của Tòa án. Tuy nhiên, hiện nay, mô hình tổ chức của lực lượng CSTT-PƯN tại các quận, huyện chưa thống nhất; biên chế cán bộ còn thiếu về số lượng, chưa bảo đảm về chất lượng; địa bàn quản lý theo chức năng, nhiệm vụ rộng; công tác tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách bảo vệ các phiên xét xử của Tòa án đôi khi còn chưa kịp thời nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp, tranh thủ được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân và các ban, ngành tham gia vào công tác này; việc thực hiện quy trình, chế độ công tác của lực lượng CSTT- PƯN Công an thành phố Hà Nội có nơi, có lúc bị buông lỏng, thiếu trách nhiệm, vi phạm ý thức tổ chức kỷ luật, gây hậu quả nghiêm trọng; trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và các điều kiện bảo đảm khác chưa đáp ứng được yêu cầu công tác và thực thi nhiệm vụ.
Một số giải pháp đề xuất :
Hoàn thiện mô hình tổ chức, tăng cường biên chế, đội ngũ cán bộ và các điều kiện bảo đảm tương xứng với tính chất nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng CSTT, PƯN Công an thành phố Hà Nội trong tình hình mới.
Về lâu dài lực lượng CSTT - PƯN phải được chuyên môn hoá, phải là lực lượng chuyên trách, chính quy và từng bước hiện đại mới đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của tình hình mới. Qua đó, đề nghị thành lập đội CSTT - PƯN tại Công an các quận, huyện, thị xã thuộc Công an thành phố trực thuộc Trung ương, bảo đảm tính chuyên sâu, chuyên trách phù hợp với các quy định của Bộ Công an và tình hình thực tế của thành phố Hà Nội; tăng cường công tác đào tạo để củng cố, xây dựng lực lượng CSTT - PƯN Công an Hà Nội thực sự trong sạch, vững mạnh, là lực lượng thường trực chiến đấu tại quanh các phiên xét xử. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, chấp hành nghiêm chỉnh chế độ điều lệnh CAND, giữ vững tư thế tác phong của Cảnh sát nhân dân và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật. Theo đó, đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng; tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các phong trào thi đua và cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua với khẩu hiệu hành động: “Cán bộ, chiến sĩ: Chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả, vì Thủ đô bình yên”.
Ưu tiên đầu tư, trang bị thiết bị thiết yếu phục vụ tuần tra, kiểm soát, trật tự giao thông công cộng; thực hiện có hiệu quả việc xây dựng và triển khai Đề án của Chính phủ về trang bị, bổ sung và hiện đại hóa trang bị, phương tiện, vật tư kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí và công cụ hỗ trợ cho lực lượng CSTT - PƯN. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản mới bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng CSTT - PƯN Công an thành phố Hà Nội; đồng thời tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành có liên quan. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án “Trang bị phương tiện giao thông, thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ cho lực lượng Cảnh sát trật tự làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trật tự giao thông công cộng” và dự án “Cải tạo, xây dựng trụ sở tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự giao thông công cộng của lực lượng Cảnh sát trật tự ở một số địa bàn trọng điểm” nhằm tăng cường điều kiện, phương tiện công tác, nâng cao hiệu quả hoạt động của CSTT - PƯN. Tập trung đầu tư, nâng cao các trung tâm chỉ huy điều hành Cảnh sát trật tự (Cảnh sát 113), bảo đảm hiện đại, kịp thời, thông suốt.
Thực hiện nghiêm túc Quyết định 100/QĐ-CAHN-PX13 của Giám đốc Công an TP Hà Nội về phòng ngừa sai phạm của cán bộ, chiến sĩ, chấm điểm thi đua theo từng chuyên đề nhằm xây dựng lực lượng Cảnh sát trật tự trong sạch vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nếu trong quá trình thực thi công vụ mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có khiếu nại, tố cáo thì cần tổ chức xác minh, kịp thời, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và của ngành Công an, bảo đảm khách quan, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cần xác định việc phòng ngừa và xử lý sai phạm của cán bộ, chiến sĩ lực lượng CSTT - PƯN là một bộ phận của công tác xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh toàn diện. Vì vậy, việc xử lý cán bộ, chiến sĩ sai phạm phải bảo đảm nguyên tắc không nể nang, né tránh, xuê xoa, đúng tính chất, mức độ vi phạm, đúng trình tự, thủ tục; đồng thời cần xem xét đến những đóng góp, thành tích của cán bộ, chiến sĩ đó, nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người có hành vi sai phạm để đưa ra biện pháp xử lý “thấu tình, đạt lý”.
Tăng cường công tác tham mưu, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành hữu quan và cán bộ, chiến sĩ lực lượng CSTT – PƯN công an thành phố Hà Nội.
Nghiên cứu hoàn thiện phương án tác chiến, quy trình xử lý vụ việc khẩn cấp liên quan đến ANTT của lực lượng CSTT CATP Hà Nội; xây dựng các quy chế phối hợp giữa lực lượng CSTT - PƯN Hà Nội với các lực lượng, đơn vị Công an cơ sở trong việc tiếp nhận, xử lý ban đầu các vụ việc khẩn cấp về ANTT và quy định phân công, phân cấp, phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát trật tự Công an các cấp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành trên địa bàn thành phố Hà Nội, bảo đảm phân công, phân cấp, phát huy được sức mạnh của các đơn vị nghiệp vụ trên địa bàn thành phố trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội ở địa bàn công cộng quanh trụ sở các Tòa án nhân dân. Theo đó, lực lượng CSTT Công an thành phố cần chủ động tham mưu Giám đốc Công an thành phố Hà Nội ban hành quy định về trách nhiệm và phân công, phân cấp, phối hợp giữa Cảnh sát trật tự với các lực lượng nghiệp vụ khác thuộc Công an thành phố.
Chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các chủ trương kế hoạch nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đô thị, chỉnh trang đô thị thực hiện Nghị quyết 88/2011/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường các biện pháp trọng tâm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Chỉ thị 14/CT-TU của Thành ủy về các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, đô thị; Chỉ thị 48/CT-TW, Chỉ thị 18/CT-TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 11/CTr-TU; Chỉ thị số 14/CT- TU ngày 12/12/2012 của Thành ủy về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm. Chủ động phối hợp với các ngành chức năng tham mưu, xử lý triệt để các vi phạm về trông giữ phương tiện, kinh doanh dịch vụ lấn chiếm lòng đường vỉa hè, sắp xếp, giải tỏa chợ xanh, chợ cóc, trấn áp các đối tượng tệ nạn xã hội, đối tượng cơ hội chính chị lợi dụng các phiên tòa xét xử để tuyên truyển, quảng bá hành vi chống phá chính quyền nhân dân. Nghiên cứu đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tự quản về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị tại các phường.
Duy trì củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng quần chúng tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc mà trực tiếp là lực lượng dân phòng chuyên trách giữ gìn trạt tự giao thông đô thị ở quận, huyện, phường xã, thị trấn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn nhân dân hiểu rõ chức năng nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát trật tự, nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, báo tin khẩn cấp về ANTT tự giác chấp hành pháp luật về giao thông, trật tự công cộng, trật tự đô thị, góp phần đảm bảo ANTT xung quanh các phiên tòa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn thủ đô.
Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết các vụ, việc khẩn cấp về ANTT, tăng cường tuần tra, kiểm soát, phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội ở xung quanh các phiên tòa
Tiếp tục làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ở địa bàn công cộng quanh các phiên tòa, đẩy mạnh việc thực hiện tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn phòng ngừa tội phạm, giải quyết tệ nạn xã hội cờ bạc ở quanh trụ sở TAND các cấp theo chuyên đề; kiểm soát hành chính bắt giữ tệ nạn xã hội hoạt động ở quanh trụ sở các TAND đảm bảo yêu cầu Công an thành phố giao; tiếp nhận và quản lý tốt đối tượng tệ nạn xã hội do các đơn vị chuyển đến. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ quán xuyến tốt địa bàn công cộng để nắm thông tin, tình hình hoạt động của tội phạm và tệ nạn xã hội, đề ra phương án chủ động phòng ngừa có hiệu quả với các loại tội phạm, tập trung vào phòng ngừa tội phạm cướp giật, cướp tài sản của xe ôm, taxi, cướp tiệm vàng, ngân hàng, tội phạm hoạt động có sử dụng vũ khí hoặc hoạt động công khai, trắng trợn, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ. Tiếp tục rà soát, tiến hành điều tra cơ bản địa bàn, các tuyến, địa bàn, tụ điểm công cộng phức tạp mà tội phạm về trật tự xã hội, tệ nạn xã hội thường xuyên hoạt động (bến xe, nhà ga, sân bay, điểm trung chuyển xe buýt, công viên, vườn hoa, khu vực cổng các trường học, bệnh viện và các tuyến thường xảy ra tội phạm về trật tự xã hội, tệ nạn xã hội).
Củng cố, duy trì lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh tiếp nhận các tin liên quan đến ANTT, điều động ngay lực lượng đến hiện trường giải quyết các vụ việc, ngăn chặn hậu quả xảy ra góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn thành phố. Nghiên cứu, xây dựng giải pháp ngăn chặn và xử lý tình trạng gọi điện đến điện thoại khẩn cấp 113 quấy nhiễu, gây rối, báo tin sai, tin giả. Không điều động lực lượng và phương tiện của lực lượng CSTT – PƯN để giải quyết những việc không đúng chức năng, thẩm quyền và chưa có sự điều động, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền như biểu tình, tranh chấp đất đai, khiếu kiện đất đai.
Tăng cường công tác sơ kết, tổng kết, thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn chuyên đề có liên quan đến đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, vi phạm trật tự đô thị, trật tự công cộng quanh các phiên xét xử của Tòa án
Để hoàn thành tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, lực lượng CSTT – PƯN công an thành phố Hà Nội cần thường xuyên thực hiện công tác sơ kết, tổng kết, thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn chuyên đề có liên quan đến đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, vi phạm trật tự đô thị, trật tự công cộng. Tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát trật tự; xử lý các sai phạm trong thi hành pháp luật; thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành pháp luật; nghiêm túc tổ chức sơ kết, tổng kết các chuyên đề công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao và hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ và Công an thành phố như tổ chức sơ kết 10 năm thực hiện Kế hoạch số 30 của Công an thành phố Hà Nội về tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát và tuần tra nhân dân khi diễn ra các phiên xét xử của Tòa án. Từ đó, phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại, thiếu sót, kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Tập trung kiểm tra công tác trực ban, trực chiến của các đơn vị CSTT - PƯN, tổ chức kiểm tra báo động thực tập triển khai phương án giải quyết các vụ việc giả định nhằm kiểm tra khả năng cơ động, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị và việc sử dụng trang thiết bị, nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ trong công tác, chiến đấu.
Danh mục tài liệu tham khảo
2. Thông tư số 13/2016/TT-BCA ngày 10/3/2016 của Bộ Công an quy định thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa của lực lượng Công an nhân dân.
3. Báo cáo tổng kết công tác năm từ 2016 đến 2021 của lực lượng CSTT – PƯN Công an thành phố Hà Nội.
Bài liên quan
-
Phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự: Giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án
-
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 tuyên truyền tình hình biển, đảo tới Cựu chiến binh Hải Quân khu vực Hà Nội
-
Đại học Luật TP.HCM tổ chức thành công cuộc thi Phiên tòa giả định năm 2024
-
Hà Nội: Cần xử lý nghiêm nhóm đối tượng có hành vi gây rối trật tự công cộng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận