“Lưới đỡ” cho an sinh xã hội của người nông dân

Quan tâm nhiều hơn tới công tác an sinh xã hội (ASXH) với các hoạt động thiết thực vì người nghèo, nỗ lực giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn...là những vấn đề được Đảng và Chính phủ đã và đang làm nhằm mang đến cho người dân một cuộc sống tốt đẹp hơn cả về vật chất lẫn tinh thần, vì sự phát triển bền vững của xã hội.

Phát triển xã hội bền vững

Trong những năm qua, chính sách ASXH luôn là động lực phát triển bền vững đất nước, thể hiện tính ưu việt từ chế độ hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đến bảo hiểm thất nghiệp… Được thể hiện, như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 đã được thực hiện hiệu quả với nguồn lực 47.339,248 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 2%/năm giai đoạn 2010-2015, riêng các huyện nghèo giảm 6%; Quỹ quốc gia giải quyết việc làm được bổ sung ngân sách hằng năm khoảng 50 tỷ đồng và thực hiện cho vay bình quân từ 2.000 đến 2.500 tỷ đồng/năm, riêng giai đoạn 2012-2018, đã có hơn 14.934 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi.

Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong bảo đảm ASXH. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thí dụ như mối quan hệ giữa nguồn lực bảo đảm cho ASXH. Bởi nếu đi theo xu hướng mở rộng đối tượng ASXH nhận trợ cấp của Nhà nước và nâng mức trợ cấp lên thì lúc đó gánh nặng cho ngân sách Nhà nước rất lớn dẫn đến nguồn đầu tư phát triển kinh tế bị thu hẹp. Chính sách và các khoản chi cho bảo đảm xã hội đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống ASXH, là sự bảo đảm thay thế, hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách về ASXH vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế – xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới.

Cùng với đó, chính sách ASXH chưa thực sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức (nơi người lao động dễ bị tổn thương), còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy thực hiện ASXH còn nhiều điểm bất cập. Các chế độ bảo đảm ASXH chưa thể hiện đầy đủ các nguyên tắc đóng – hưởng, công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững, tác động không nhỏ đến tăng trưởng và phát triển bền vững.

BHXH tự nguyện “lưới đỡ” an sinh xã hội

Trong các chính sách An sinh xã hội đối với người nghèo, tham gia BHXH tự nguyện có thể được coi là chính sách an sinh chủ động, đảm bảo an sinh cho người lao động khi hết tuổi lao động, không còn khả năng lao động được Quỹ BHXH chi trả lương hưu, đảm bảo thu nhập và ổn định cuộc sống. BHXH tự nguyện thể hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta nhằm góp phần ổn định cuộc sống của người lao động khi về già, quỹ bảo hiểm được Nhà nước bảo trợ, đồng thời chính sách này cũng thể hiện sự tích cực, chủ động của người lao động về tự an sinh cho chính bản thân mình, góp phần chia sẻ cộng đồng và phát triển xã hội.

Hiện thực những quan điểm đó, Điều 87 của Luật BHXH (năm 2014) quy định: Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Cùng với đó, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện cũng khẳng định: Mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện: Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này, cụ thể: a) Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; b) Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; c) Bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Với mức hỗ trợ 25-30% mức đóng BHXH theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn nhiều chuyên gia cho rằng, sẽ là cơ hội lớn để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó đến năm 2018 (năm bắt đầu thực hiện hỗ trợ) thu hút khoảng hơn 11.000 người nghèo, cận nghèo tham gia và đến năm 2025 có khoảng hơn 80.000 người tham gia BHXH tự nguyện.

Đảm bảo AXSH cho người nông dân

Tại buổi đối thoại với nông dân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của nông dân nước ta. Theo Thủ tướng, đây là điều rất quan trọng đối với một giai cấp, một dân tộc, nếu không có khát vọng, chúng ta không thể thành công.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ, các thành viên Chính phủ tiếp thu, giao cho Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân Việt Nam tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của nông dân để giao các bộ, ngành tiếp tục thực hiện. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chúng ta đều biết nông nghiệp Việt Nam và nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long đều đạt được những thành công quan trọng. Tuy vậy, tại hội nghị này còn nhiều vấn đề bất cập, tồn tại trong sản xuất nông nghiệp đã được nêu ra về tình hình sản xuất nông nghiệp của cả nước nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, thông qua các ý kiến trao đổi tại hội nghị có thể hình dung một cách hệ thống những vấn đề bà con nông dân quan tâm.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bà con còn nhiều thắc mắc, băn khoăn về cơ chế hỗ trợ, trong đó có cơ chế ứng dụng công nghệ cho phát triển thương mại điện tử, vấn đề hỗ trợ lãi suất, quy hoạch vùng nuôi hay thị trường, liên kết vùng… Một vấn đề được bà con nông dân quan tâm đó là cơ chế kiểm soát để phát triển bền vững, tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực ở bộ phận này, bộ phận khác, tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu giả… Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu trên trang web của Bộ Công thương, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, của Hội Nông dân Việt Nam nên có thông tin rõ ràng hơn về thị trường, về dự báo các khả năng xảy ra. Đặc biệt là về các cơ chế hỗ trợ đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, liên quan đến công tác quy hoạch, thị trường hoặc các yếu tố đầu vào của sản xuất. Đồng thời, cần nêu rõ những sản phẩm vật tư hóa chất nào trong bảo vệ thực vật được phép sử dụng vì vấn đề này liên quan đến an toàn thực phẩm, uy tín thương hiệu Việt Nam…Thủ tướng yêu cầu sau Hội nghị này, các bộ, ngành, địa phương phải có những chuyển biến thực chất, tạo thuận lợi cho bà con nông dân sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân, nhất là ngành nông nghiệp sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ, phát triển mạnh mẽ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.Thủ tướng cũng bày tỏ, trong thời đại công nghệ, nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn và kiến thức, không những kiến thức khoa học công nghệ mà cả kiến thức về thị trường để sản xuất có hiệu quả hơn.

Trương Tuấn