Lý do Tòa án Việt Nam không công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài
So sánh phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài hay Tòa án đối với các tranh chấp kinh doanh - thương mại đều dựa trên những nguyên tắc chung như: tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự và đảm bảo sự độc lập của quyền tài phán.
Giải quyết tranh chấp kinh doanh - thương mại bằng Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết thông qua hoạt động của Trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt các xung đột bằng việc đưa ra phán quyết trọng tài buộc các bên tôn trọng và thực hiện. Còn giải quyết tranh chấp bằng Toà án là phương thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực nhà nước, được tiến hành theo trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ và bản án hay quyết định của Toà án về vụ các tranh chấp nếu không có sự tự nguyện tuân thủ sẽ được bảo đảm thi hành án bằng sự cưỡng chế của cơ quant hi hành án thực hiện quyền lực nhà nước.
Do đó, giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài hay Tòa án đều có những ưu điểm và nhược điểm như nêu trên. Mặc dù vậy, với phương thức giải quyết tranh chấp nhanh chóng và bảo mật, Trọng tài thương mại được các bên tranh chấp kinh doanh - thương mại lựa chọn để giải quyết tranh chấp chiếm ưu thế hơn so với phương thực xét xử tại Tòa án.
1. Hiệu lực của phán quyết trọng tài nước ngoài
Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì Trọng tài nước ngoài là Trọng tài được thành lập theo quy định của pháp luật trọng tài nước ngoài do các bên thỏa thuận lựa chọn để tiến hành giải quyết tranh chấp ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam[1]. Về điều kiện để một tổ chức trọng tài nước ngoài có thể hoạt động tại Việt Nam là tổ chức Trọng tài nước ngoài đã được thành lập và đang hoạt động hợp pháp tại nước ngoài, tôn trọng Hiến pháp và pháp luật của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì được phép hoạt động tại Việt Nam[2]. Như vậy, một tổ chức Trọng tài nước ngoài muốn hoạt động tại Việt Nam thì cần phải đáp ứng hai điều kiện. Một là tổ chức Trọng tài nước ngoài này phải được thành lập rồi và đang hoạt động hợp pháp tại nước ngoài. Hai là tổ chức Trọng tài nước ngoài này phải tôn trọng Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam.
Phán quyết của Trọng tài nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam là: Phán quyết của Trọng tài nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài; Phán quyết của Trọng tài nước ngoài không thuộc trường hợp quy định nêu trên mà trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại thì được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam là phán quyết cuối cùng của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp, chấm dứt tố tụng trọng tài và có hiệu lực thi hành[3].
Do đó, phán quyết của Trọng tài nước ngoài được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam có “hiệu lực pháp luật” như quyết định của Tòa án của Việt Nam có hiệu lực pháp luật. Đồng thời, khi Tòa án được yêu cầu công nhận phán quyết trọng tài, Tòa án không chỉ được yêu cầu công nhận hiệu lực pháp lý của phán quyết, mà còn phải đảm bảo phán quyết đó được thi hành. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 còn quy định phán quyết được công nhận sẽ được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự và chỉ được thi hành sau khi có quyết định của Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài có hiệu lực pháp luật[4]. Vì vậy, công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài là một thủ tục tố tụng đặc biệt do Tòa án tiến hành nhằm xem xét để công nhận tính hiệu lực của phán định trọng tài nước ngoài trên phạm vi lãnh thổ của Việt Nam.
Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày phán quyết của Trọng tài nước ngoài có hiệu lực pháp luật, người được thi hành, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền gửi đơn đến Bộ Tư pháp Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên không quy định hoặc không có điều ước quốc tế liên quan để yêu cầu Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết đó[5].
Căn cứ quy định của Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015 thì Tòa án có thẩm quyền thụ lý và giải quyết việc công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam là Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp Việt Nam – người phải thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài có trụ sở hoặc Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài[6].
2. Các trường hợp Tòa án không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
Pháp luật Việt Nam quy định những trường hợp Tòa án không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam như sau[7]:
- Tòa án không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài khi xét thấy chứng cứ do bên phải thi hành cung cấp cho Tòa án để phản đối yêu cầu công nhận là có căn cứ, hợp pháp và phán quyết trọng tài thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Các bên ký kết thỏa thuận trọng tài không có năng lực để ký kết thỏa thuận đó theo pháp luật được áp dụng cho mỗi bên;
+ Thỏa thuận trọng tài không có giá trị pháp lý theo pháp luật của nước mà các bên đã chọn để áp dụng hoặc theo pháp luật của nước nơi phán quyết đã được tuyên, nếu các bên không chọn pháp luật áp dụng cho thỏa thuận đó;
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành không được thông báo kịp thời và hợp thức về việc chỉ định Trọng tài viên, về thủ tục giải quyết vụ tranh chấp tại Trọng tài nước ngoài hoặc vì nguyên nhân chính đáng khác mà không thể thực hiện được quyền tố tụng của mình;
+ Phán quyết của Trọng tài nước ngoài được tuyên về một vụ tranh chấp không được các bên yêu cầu giải quyết hoặc vượt quá yêu cầu của các bên ký kết thỏa thuận trọng tài. Trường hợp có thể tách được phần quyết định về vấn đề đã được yêu cầu và phần quyết định về vấn đề không được yêu cầu giải quyết tại Trọng tài nước ngoài thì phần quyết định về vấn đề được yêu cầu giải quyết có thể được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;
+ Thành phần của Trọng tài nước ngoài, thủ tục giải quyết tranh chấp của Trọng tài nước ngoài không phù hợp với thỏa thuận trọng tài hoặc với pháp luật của nước nơi phán quyết của Trọng tài nước ngoài đã được tuyên, nếu thỏa thuận trọng tài không quy định về các vấn đề đó;
+ Phán quyết của Trọng tài nước ngoài chưa có hiệu lực bắt buộc đối với các bên;
+ Phán quyết của Trọng tài nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền của nước nơi phán quyết đã được tuyên hoặc của nước có pháp luật đã được áp dụng hủy bỏ hoặc đình chỉ thi hành.
- Phán quyết của Trọng tài nước ngoài cũng không được công nhận, nếu Tòa án Việt Nam xét thấy:
+ Theo pháp luật Việt Nam, vụ tranh chấp không được giải quyết theo thể thức trọng tài;
+ Việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Như vậy, Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015 đã liệt kê các trường hợp không công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài được chia ra làm 02 nhóm căn cứ: i). Các căn cứ từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài theo yêu cầu của bên phải thi hành chứng minh; ii) Các căn cứ từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài do tòa án xem xét. Việc không công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết trọng tài nước ngoài là một thủ tục tố tụng đặc biệt để Tòa án xem xét quyết định không công nhận giá trị hiệu lực của phán quyết trọng tài nước ngoài và không được thực hiện các biện pháp cưỡng chế cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.
Khi xem xét và giải quyết đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, Tòa án sẽ phải tuân theo nguyên tắc: Khi xem xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành, Hội đồng không được xét xử lại tranh chấp đã được Trọng tài nước ngoài ra phán quyết. Tòa án chỉ được kiểm tra, đối chiếu phán quyết của Trọng tài nước ngoài, giấy tờ, tài liệu kèm theo đơn yêu cầu với các quy định tại Chương XXXV và Chương XXXVII của Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015, các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để làm cơ sở cho việc ra quyết định công nhận hoặc không công nhận phán quyết đó[8].
3. Thực tiễn giải quyết của Tòa án Việt Nam không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài
3.1. Giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu không hợp lệ
Xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam căn cứ vào Công ước New York năm 1958, căn cứ vào quy định của Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 và Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015. Theo quy định tại Điều 453 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015, khi gửi đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, người yêu cầu phải gửi kèm theo đơn yêu cầu là giấy tờ, tài liệu quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Khoản 1 Điều IV Công ước New York năm 1958 quy định: “Để được công nhận và cho thi hành một quyết định Trọng tài như nói quy định trên đây, bên yêu cầu công nhận và cho thi hành, khi nộp đơn yêu cầu phải cung cấp: a. Bản gốc phán quyết có chứng thực hợp lệ hoặc bản sao phán quyết có chứng nhận hợp lệ; b. Thỏa thuận gốc theo quy định tại Điều II hoặc bản sao thỏa thuận đó được chứng nhận hợp lệ”. Theo quy định tại khoản 2 Điều 453 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015 thì giấy tờ, tài liệu kèm theo đơn yêu cầu bằng tiếng nước ngoài phải được gửi kèm theo bản dịch ra tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp.
Tại đơn yêu cầu của Công ty G gửi cho Tòa án không kèm theo bản gốc hoặc bản sao có chứng thực thỏa thuận trọng tài. Hồ sơ vụ việc chỉ thể hiện có 01 bản hợp đồng (số TS 04116) có chữ ký của hai bên, có thỏa thuận ký bằng fax và điều khoản Trọng tài là C; và 01 hợp đồng (số HD 0813) có chữ ký của bên bán, không có chữ ký của bên mua; tất cả là bản phô tô, đều không được công chứng, chứng thực. Còn Hợp đồng số TS 07316, Công ty G không cung cấp. Như vậy, các giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu không thỏa mãn quy định tại điểm b Điều IV Công ước New York năm 1958 và điểm b khoản 1 Điều 453 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Các bản dịch của hợp đồng cũng không được công chứng, chứng thực nên không đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 453 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Tòa án cấp sơ thẩm không công nhận và cho thi hành phán quyết T (2017) là có căn cứ[9].
3.2. Thỏa thuận một tổ chức Trọng tài không tồn tại
Theo tài liệu do Công ty K cung cấp thì tại thời điểm ngày 24/4/2015, C đã được sáp nhập vào Hiệp hội các loại hạt (T); tức là sau thời điểm này không còn tồn tại C. Tuy nhiên, các hợp đồng ký ngày 18/02/2016, 02/3/2016 và 04/3/2016 các bên vẫn thỏa thuận C giải quyết tranh chấp. Như vậy, các bên thỏa thuận một tổ chức Trọng tài không tồn tại (không có tổ chức nào có tên như vậy tại thời điểm ký hợp đồng) để giải quyết tranh chấp giữa các bên, nên thuộc trường hợp thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được (không phải là vô hiệu). Do vậy, theo điểm d khoản 1 Điều V Công ước New York năm 1958 và điểm đ khoản 1 Điều 549 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015 thì Phán quyết Trọng tài T ngày 25/01/2017 thuộc trường hợp không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam[10].
3.3. Bên phải thi hành không được thông báo kịp thời
Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Cổ phần Đầu tư MC (viết tắt là Công ty MC) do Sở kế hoạch đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp, thể hiện Công ty MC có địa chỉ tại số 520 đường C, Phường 11, Quận 3, Thành phố H. Đồng thời, trong Hợp đồng vay chuyển đổi cũng là số 520 đường C, Phường 11, Quận 3, Thành phố H. Trong khi đó, địa chỉ của Công ty MC trong Phán quyết Trọng tài nêu trên lại thể hiện địa chỉ tại số 389 đường H, Phường 8, Quận 3, Thành phố H. Như vậy, có căn cứ xác định Công ty MC không được thông báo kịp thời và hợp thức về việc chỉ định Trọng tài viên, về thủ tục giải quyết vụ tranh chấp tại Trọng tài S. Do đó, theo điểm c khoản 1 Điều 459 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015 thấy rằng Phán quyết Trọng tài S không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam[11].
3.4. Phán quyết trọng tài nước ngoài trái với nguyên tắc của pháp luật Việt Nam
Hợp đồng vay chuyển đổi giữa AGI và Công ty MC ngày 15/5/2014 và Hợp đồng bảo lãnh giữa AGI với bà M, bà N ngày 24/6/2014 được ký trên lãnh thổ Việt Nam giữa Công ty nước ngoài với Công ty Việt Nam và người Việt Nam, nhưng không có bản dịch tiếng Việt hay người phiên dịch tiếng Việt để dịch lại cho các bên. Đặc biệt là Hợp đồng bảo lãnh, các bên chỉ ký kết hoàn toàn bằng tiếng Anh, không được công chứng hay chứng thực và đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Trong khi đó, tại Điều 20 Hợp đồng vay chuyển đổi và tại Điều 17.1 Hợp đồng Bảo lãnh có nội dung: “Hợp đồng bảo lãnh này và các quyền và nghĩa vụ theo Hợp đồng bảo lãnh này sẽ được hiểu và điều chỉnh theo các quy định của pháp luật Việt Nam”. Điều này cũng được Trọng tài viên ghi nhận tại điểm 15, 16 Mục 2 Phần V Quy tắc tố tụng và Luật nội dung hiện hành của Phán quyết Trọng tài đề ngày 02/5/2019 với nội dung: “Pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng để xét xử trọng tài”. Ngoài ra, AGI cho Công ty MC vay chuyển đổi bằng USD nhưng AGI không phải là tổ chức tín dụng được Nhà nước Việt Nam cho phép hoạt động tại Việt Nam (theo Điều 4 và Điều 20 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010). Vì vậy, giao dịch cho vay chuyển đổi giữa AGI với Công ty MC là vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam[12].
Về cơ bản các lý do Tòa án Việt Nam không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài đều trên cơ sở những lý do phổ biến như: Giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu không hợp lệ, thỏa thuận một tổ chức trọng tài không tồn tại, bên phải thi hành không được thông báo kịp thời và phán quyết trọng tài trái với nguyên tắc của pháp luật Việt Nam. Thực tế chứng minh, Tòa án không công nhận phán quyết Trọng tài nước ngoài không có liên quan đến bản chất vụ việc tranh chấp mà đều xuất phát từ lý do mắc sai lầm của chính các tổ chức Trọng tài trong quá trình giải quyết, chủ yếu là các vi phạm về thủ tục tố tụng của các tổ chức Trọng tài.
[3] Xem Điều 424 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
[4] Xem Điều 427 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
[5] Xem khoản 1 Điều 451 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
[6] Xem khoản 5 Điều 31, điểm c khoản 2 Điều 35, điểm b khoản 1 Điều 37 và điểm e khoản 2 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
[7] Xem Điều 459 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
[8] Xem Khoản 4 Điều 458 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
[9] Quyết định giám đốc thẩm số 06/2021/KDTM-GĐT ngày 15/7/2021 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
[10] Quyết định giám đốc thẩm số 06/2021/KDTM-GĐT ngày 15/7/2021 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
[11] Quyết định giám đốc thẩm số 05/2022/KDTM-GĐT ngày 29/4/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
[12] Quyết định giám đốc thẩm số 05/2022/KDTM-GĐT ngày 29/4/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận