Ly hôn với mục đích chia đôi nợ cho chồng, một người ở Hậu Giang bị nhiều chủ nợ tố cáo lừa đảo
Nhiều người bỗng dưng nhận giấy mời từ Tòa án vì liên quan đến vụ án ly hôn. Khi đến tòa và gặp nhau thì họ mới vỡ lẽ bởi những “chủ nợ” như họ đang có dấu hiệu là “bị hại” của đối tượng lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Nhiều người cho rằng bị lừa
Trong đơn phản ánh đến Tạp chí Tòa án nhân dân, ông N.H.Nam (ngụ Hậu Giang) cho biết, do ông với ông L.N.H là chỗ bạn bè thân thiết nên vợ ông H là bà Huỳnh Thị Bé N có nhiều lần nhờ ông Nam giúp đỡ về vấn đề tiền bạc. Cụ thể, từ tháng 7 đến tháng 11/2021 bà Bé N đã mượn ông Nam nhiều lần với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng với mục đích mua lúa, lo viện phí cho con, đưa ông Út N (cha bà N) đáo hạn Ngân hàng… (tài khoản nhận tiền đều do bà Bé N đứng tên, các lần chuyển khoản đều với nội dung Nam cho mượn).
“Đến tháng 3/2022 bà Bé N có gọi cho tôi và nói bị lừa số tiền hơn 10 tỷ đồng. Thời điểm này bà Bé N còn nợ tôi 780 triệu đồng và bà N hứa trả trong 3 đợt là đầu tháng 6, tháng 8 và tháng 9 năm 2022. Do vẫn còn niềm tin với bà Bé N nên tôi chẳng mảy may nghi ngờ”, ông Nam cho biết.
Tuy hứa là vậy nhưng bà Bé N đã dựng lên rất nhiều lý do để trì hoãn và tiến tới việc không trả nợ cho ông Nam. Sau đó, ông Nam nhận được thư mời của TAND huyện Vị Thủy vì ông được bà Bé N “liệt vào danh sách chủ nợ”. Mục đích cung cấp cho Tòa” danh sách chủ nợ” của bà Bé N nhằm hướng tới việc chia đôi nợ với chồng. Và từ vụ án ly hôn này, “những chủ nợ cùng khổ” đã gặp nhau, đó là ông Nam, bà N.T.B.Tuyết, ông Đ.V. Vinh và chị chồng của bà Bé N.
Bà N.T.B.Tuyết cho biết, bà Huỳnh Thị Bé N là con của ông Huỳnh Văn Út N và là hàng xóm của bà. Ông Út N có gọi điện trực tiếp cho chồng bà Tuyết để mượn tiền và cho bà Bé N qua lấy tiền, nên bà Bé N là người ký giấy biên nhận. Tổng số tiền từ tháng 5/2020 đến tháng 2/2021 (âm lịch) là 700 triệu đồng.
“Đến tháng 3/2022, ông Út N gọi điện cho tôi và nói gia đình vỡ nợ, không còn khả năng chi trả, hứa sẽ trả từ từ. Nhưng sau đó ông Út N nói không có ý định trả lại tôi số tiền nợ và cho rằng ai là người nhận tiền thì người đó có trách nhiệm trả. Bà Bé N thì thừa nhận số tiền đã nhận nhưng không có thiện chí để trả và thách thức tôi đưa ra tòa để giải quyết”, bà Tuyết cho biết.
Đối với trường hợp của ông Đ.V. Vinh, bà Bé N đã nhờ chị dâu giới thiệu và hỏi mượn ông Đ.V. Vinh (em họ của người giới thiệu) hai lần với tổng số tiền là 870 triệu đồng. Sau đó bà Bé N có hẹn chia ra hai lần trả nhưng đã không thực hiện đúng lời hứa.
“Trước khi cho mượn, tôi có yêu cầu là cả 2 vợ chồng bà Bé N phải cùng nhận khoản tiền và cùng ký vào giấy nhận tiền. Nhưng sau đó bà Bé N đã giả mạo chữ ký của chồng bà ta. Để khiến tôi tin tưởng nên bà N đã viện lý do là chồng bà đi trực nên không tới gặp được vì vậy viết sẵn giấy mượn tiền, ký sẵn để bà cầm tới”, ông Vinh cho biết.
“Buổi làm việc tại TAND huyện Vị Thủy, bà Bé N có khẳng định số tiền 400 triệu lần đầu mượn là để cha bà (ông Út N) thực hiện việc mua đất, còn 470 triệu đồng sau là đáo hạng Ngân hàng cho ông Út N. Cũng tại đây, bà bé N đã thú nhận hành vi giả mạo chữ ký của chồng bà”, ông Vinh khẳng định.
Việc giả chữ ký này cũng được thể hiện rõ trong trang 10, biên bản Kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ ngày 29/11/2022 của TAND huyện Vị Thủy.
Khi bà N tuyên bố không còn khả năng trả nợ, bị vỡ nợ bởi những lý do như bị người khác quỵt tiền, buôn bán lúa thua lổ… thì một trường hợp khác lại thể hiện ngược lại. Đó là trường hợp của bà L.Trinh (chị chồng của bà Bé N.).
Khác với những người trên, bà L.Trinh nhiều lần đưa tiền để bà Bé N kinh doanh mua bán lúa. Hầu hết những lần đưa tiền đó, bà Trinh đều nhận được tiền lãi do bà Bé N gửi từ việc mua bán lúa. Sau khi lấy được lòng tin của chị chồng, bà Bé N tiếp tục rủ bà Trinh hùn vốn mua 10 công đất (tầm lớn với diện tích 13.650m2) và bà Trinh đồng ý.
Một phần nhỏ trong những tin nhắn mà bà Bé N chốt lời từ việc mua bán lúa với bà L.Trinh cũng như chốt mua đất 10 công (13.650m2)
Tuy nhiên, thay vì mua 10 công đất thì bà Bé N chỉ mua 5 công mà không hề bàn bạc hay thương lượng gì với bà Trinh. Ngay khi mua xong đất, bà Bé N đứng tên và đã lập tức vay ngân hàng mà không hề được sự đồng ý của bà Trinh.
Những vấn đề cần làm rõ
Mặc dù Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hậu Giang đã ra quyết định không khởi tố vụ án, VKSND cùng cấp đã giải quyết khiếu nại của những người tố giác bằng Quyết định bác đơn, nhưng trong vụ việc này còn rất nhiều vấn đề cần được làm rõ thêm. Và những vấn đề này đã được các đương sự tiếp tục gửi trong đơn khiếu nại đến VKSNDTC.
Thứ nhất, có hay không việc bà Bé N làm giả chữ ký của chồng bà theo như tố giác của ông Đ.V.Vinh? Đây là một điểm mấu chốt vì là điều kiện cần và đủ để ông Vinh cho mượn tiền. Và thực tế, như thông tin đã viện dẫn tại Biên bản của TAND huyện Vị Thủy thì rõ ràng bà Bé N đã giả mạo chữ ký của chồng. Như vậy, ở đây chỉ cần xem xét việc có hay không dấu hiệu lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản?
Thứ 2, có hay không việc dựng lên một người không có thật theo phản ánh của ông Nam? Bởi theo như hình bên dưới thì bà Bé N đã gửi cho ông Nam thông tin một người chuyển khoản nhưng sau đó ông Nam mới phát hiện ra rằng người này không có thật? Ông Nam khẳng định rằng đây chỉ là một điển hình trong nhiều lần bà Bé N dựng lên nhân vật ảo để lừa ông. Bởi địa chỉ của người gửi là ở Sóc Trăng nhưng số CCCD lại thể hiện người này ở Hậu Giang (093), tên người gửi thể hiện là nam giới nhưng số CCCD lại thể hiện là nữ (số 1 ở vị trí thứ 4).
Giấy nộp tiền mà bà Bé N đã gửi cho ông Nam
Thứ 3, việc mời gọi bà L.Trinh góp vốn để mua mảnh đất mua mảnh đất 13.650m2 nhưng bà Bé N lại chỉ mua mảnh đất với diện tích 6.434m2 mà không bàn bạc thương lượng gì với người hùn vốn thì liệu đã đúng? Bên cạnh đó, sau khi mua đất bà Bé N đã tự mình đứng tên và đem thế chấp tài sản đó vào Ngân hàng để vay tiền, số tiền được sử dụng vào mục đích gì?
Như vậy, nếu đó là miếng đất đồng sử dụng thì hành động đem thế chấp để vay tiền của bà Bé N (khi chưa được sự đồng ý của người đồng sử dụng) có nên được xem xét ở yếu tố “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hay không?
Còn nếu đất đó là quyền sử dụng của riêng cá nhân bà Bé N thì số tiền mà bà Bé N đã huy động từ bà Lê Trinh đã được sử dụng vào mục đích gì? Có phải “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hay không?
Tại buổi đối chất ngày 8/5/2023 (có đại diện VKSND tham dự), phía bà L.Trinh đã khẳng định không hề hay biết việc bà Bé N mua đất với diện tích chỉ bằng ½ diện tích đã thỏa thuận. Bà Bé N trả lời Điều tra viên rằng số lúa không bán được (mua với giá 3,2 tỷ đồng) đã đổ cho vịt ăn. Buổi đối chất này vợ chồng bà L.Trinh có ký vào biên bản.
Thứ 4, những người tố cáo đều cho rằng cha mẹ của bà Bé N đã mua hàng trăm công đất trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2022 với nguồn vốn từ việc mua bán lúa có lãi cao. Tuy nhiên, người dân không đủ điều kiện và thẩm quyền để kiểm tra cũng như đề nghị cung cấp thông tin từ cơ quan chức năng đối với tài sản của người khác nên không thể có bằng chứng để cung cấp cho Cơ quan điều tra (PV Tạp chí TAND đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang cung cấp thông tin này và đang chờ câu trả lời).
Câu hỏi đặt ra trong tình huống này là con cái cùng làm ăn, vì sao cha mẹ thành công còn con lại thất bại? Hay thất bại ở đây chỉ là một cái cớ để hướng tới một điều gì đó? Bên cạnh đó, nếu tài sản phát sinh là thật thì có thể thấy số tiền mà cha mẹ bà Bé N kiếm được từ việc kinh doanh lúa không phải là con số nhỏ, vậy thì pháp luật có quy định phải khai báo và đóng thuế thu nhập cá nhân hay không?
Thứ 5, việc bà Bé N tuyên bố vỡ nợ do bị người ta giật 10 tỷ đồng có thật hay không? 10 tỷ đó từ đâu? Người giật là ai? Làm ăn với bà Bé N bằng việc gì?
Những vấn đề được đặt ra ở trên, đến hiện tại hầu hết những người tố cáo vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền trả lời một cách thỏa đáng. Vì vậy, họ vẫn đang tiếp tục gửi đơn cầu cứu, khiếu nại đến những cơ quan cấp cao hơn để mong được xem xét lại một cách thấu tình đạt lý.
Bởi đơn giản họ hiểu, dù có thắng kiện ở Tòa án thì bản án cũng khó có thể được thi hành. Nếu một người đã rắp tâm lừa đảo thì “tài sản họ đâu dại gì mà đứng tên”. Khi con nợ “tuyên bố phá sản” thì họ mới vỡ lẽ bởi tiền bạc, tài sản của con nợ có thể đã được chuyển đi nơi khác mà khả năng của họ không thể truy vết. Chỉ có cách tố cáo, chỉ còn cách đi theo con đường hình sự thì mới mong tìm lại chút hi vọng cuối cùng. Nhưng ranh giới giữa hình sự và dân sự lại hết sức mong manh.
Bài liên quan
-
Nguyễn Văn A phạm tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
-
Trao đổi về vướng mắc trong việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn
-
Một số vướng mắc trong việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn
-
Phá đường dây lừa đảo, mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng quy mô hàng nghìn tỷ đồng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL
Bình luận