Mẹo sát hạch GPLX: Liều “thuốc độc” trong an toàn giao thông
Kỳ 1: Các “thầy” dạy học viên... chống trượt
Từ ngày 01/6/2020, bộ câu hỏi sát hạch GPLX được nâng từ 450 câu lên 600 câu. Những tưởng rằng, số lượng câu hỏi tăng lên thì người sát hạch sẽ gặp khó khăn hơn. Nhưng không! Với cách sắp xếp đáp án trong các câu hỏi thì những người thầy dạy đã biết cách trao cho các học viên một chìa khóa rất hữu hiệu để sát hạch dễ đậu. Tuy nhiên, chiếc “chìa khóa” này lại đang là “liều thuốc độc” rất nguy hiểm trong an toàn giao thông…
Ca bài ca... chống trượt
Theo quy định của Bộ GTVT thì mỗi bài sát hạch lý thuyết đối với hạng B2 sẽ có thời gian 22 phút với 35 câu hỏi. Như vậy, để có thể trả lời hết 35 câu hỏi trong khoảng thời gian 22 phút thì trung bình học viên sẽ có 37s để đọc và trả lời 1 câu hỏi. Với số thời gian như vậy, học viên sát hạch dường như chỉ có đủ thời gian đọc và đánh dấu câu trả lời mà không có thời gian để tư duy, suy nghĩ cho việc lựa chọn câu trả lời đúng. Số lượng câu hỏi trong đề thi của của mỗi hạng giấy phép lái xe sẽ nhiều hơn theo hạng cao hơn. Ví dụ hạng C là 40 câu, hạng FC là 45 câu...
Như vậy, để vượt qua đợt sát hạch lý thuyết hạng B2 thì mỗi học viên phải chọn được ít nhất 32/35 câu trả lời đúng. Như vậy, có lẽ không còn cách nào khác là từng học viện muốn vượt qua đợt sát hạch lý thuyết thì chỉ có cách duy nhất là học thuộc 600 câu hỏi và đáp án.
“Mẹo” đọc hiểu 600 câu lý thuyết được đóng thành sách in màu rất công phu, có dấu hiệu vi phạm hoạt động in xuất bản phẩm.
Quá trình thâm nhập và ghi nhận của nhóm phóng viên cho thấy, tại nhiều trung tâm sát hạch giấy phép lái xe từng đã tồn tại những hình thức “làm luật” để chống trượt cho học viên tham gia sát hạch giấy phép lái xe như: Trung tâm đào tạo và sát hạch giấy phép lái xe Nam Triệu từng cài đặt phần mềm, sử dụng một máy chủ điều khiển máy con qua hệ thống mạng LAN để làm bài thay cho học viên; Hay Trung tâm sát hạch giấy phép lái xe Đức Thịnh thì có cán bộ ngồi sau lưng màn hình máy tính để nhắc học viên chọn đáp án đúng; Còn tại Trung tâm sát hạch giấy phép lái xe TP Vĩnh Yên thì sử dụng luôn giám khảo làm phao cứu sinh cho học viên, bằng cách là giám khảo đứng ngay cạnh học viên để nhắc cho học viên chọn đáp án đúng...
Nhưng đó là những kiểu chống trượt diễn ra từ nhiều năm trước, và đến nay đã “lạc hậu”. Vậy làm thế nào để mỗi học viên có thể không cần học thuộc 600 câu hỏi mà vẫn có thể dễ dàng vượt qua phần sát hạch lý thuyết với 35 câu hỏi trong 22 phút một cách dễ dàng đến... khó tin? Mời bạn đọc cùng nhóm phóng viên tapchitoaan.vn tìm hiểu...
Có cả “sổ tay mẹo 600 hỏi lý thuyết được quảng cáo là “chuẩn” của Tỏng cục đường bộ?
“Chìa khóa” mở cửa thành công cho học viên?
Được một người giới thiệu, chúng tôi liên hệ với thầy Tú đào tạo sát hạch giấy phép lái xe. Với mong muốn được tham gia học thầy đào tạo để có thể nhanh học thuộc bộ 600 câu hỏi phục vụ sát hạch lý thuyết giấy phép lái xe hạng B2. Thay vì được hướng dẫn và đào tạo thì thầy Tú trao cho tôi một chìa khóa mở cánh cửa thành công trong sát hạch lý thuyết nhanh nhất, đó là cuốn tài liệu có dấu hiệu in lậu mang tên “Mẹo 600 câu hỏi sát hạch giấy phép lái xe”??? Theo cam kết của “thầy” Tú, chỉ cần nhớ mẹo của “thầy” thì khẳng định tất cả học viên sẽ 100% đậu điểm tối đa đối với phần sát hạch lý thuyết.
Không chỉ có “thầy” Tú, tôi còn được giới thiệu 3-4 “thầy” như Lộc, “thầy” Tài, “thầy” Thịnh... hướng dẫn. Hướng dẫn ở đây không phải giúp tôi nhanh thuộc, nhanh hiểu câu hỏi và đáp án, mà các “thầy” đã cùng “chí hướng” là cố gắng giúp tôi nhanh nắm bắt được mẹo chọn đúng đáp án mà không cần đọc câu hỏi???
Hình ảnh minh họa về “mẹo” chọn đáp án trong 600 câu hỏi lý thuyết
Nghe các “thầy” hướng dẫn, chúng tôi thường được nghe nhưng câu mở đầu đầy khiêu khích: Bây giờ mà còn học thuộc 600 câu hỏi thì không bao giờ mới thi đậu? Không cần đọc câu hỏi vẫn chọn được đáp án đúng, hãy nghe thầy; Học thuộc 600 câu để đi thi - chuyện đó xưa rồi, hãy nghe đây, chỉ cần mẹo...; Các em chú ý, nghe tôi, không cần đọc câu hỏi vẫn trả lời đúng, có tin được không? Chuyện thật như đùa mà chính xác 100%... Đó chính là chìa khóa mở cửa thành công của các em đi thi bằng lái xe hiện nay...
Chỉ cần nghe bấy nhiêu thôi, chúng tôi đã như trời trồng trước những lời khẳng định chắc như đinh đóng cột của các “thầy”. Tất nhiên, không chỉ có “giảng” bằng miệng, các “thầy” còn biên soạn cả một bộ sách tài liệu “mẹo” 600 câu lý thuyết để thu lời. Cũng là “mẹo” giống nhau, nhưng mỗi “thầy” đặt cho bộ tài liệu của mình một cái tên. “Thầy” Tùng đặt cho bộ tài liệu của mình cái tên: “Sổ tay mẹo 600 câu lý thuyết”; “Thầy” Tú đặt cho bộ tài liệu của mình cái tên “Mẹo 600 câu lý thuyết”... Và những bộ tài liệu này không chỉ đơn thuần là tài liệu cá nhân, hay lưu hành nội bộ. Đó là những bộ tài liệu đang được bán công khai trên một số gian hàng của chợ thương mại điện tử.
Theo phân tích của luật sư Nguyễn Thanh Hoàng, Đoàn luật sư TP Hà Nội: Việc những người tự in ấn phẩm nhưng không có hợp đồng in ấn, ấn phẩm không được cấp phép xuất bản nhưng tự in “chui” và kinh doanh kiếm lời là vi phạm quy định về hoạt động in xuất bản phẩm, và sẽ bị xử lý theo quy định tại điểm b, c khoản 6, Điều 28 Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về hoạt động in xuất bản phẩm.
Gửi tài liệu, kết quả xác minh những nhận định trong bài viết
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Bất thường ở huyện nghèo Krông Búk –Đắk Lắk: Thanh niên mới 20 tuổi đã đứng tên nhà đất trị giá nhiều tỷ đồng
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Bàn về quy định buộc xin lỗi, cải chính công khai khi bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín trên mạng xã hội
Bình luận