#MeToo- sức mạnh của đa số

Đã hơn một năm kể từ khi phong trào #MeToo ra đời nhưng sức ảnh hưởng của nó vẫn tiếp diễn. Bài viết dưới đây, của GS. Micheline Lessard, ĐH Ottawa, tổng kết lại chặng đường mà phong trào này đã đi qua và sức mạnh mà nó trao cho phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ yếu thế trong xã hội.

Phong trào #MeToo đã dẫn đến một cuộc tuần hành tháng 3, diễn ra vào năm 2018. Chiếc mũ hồng len có hai cái tai mèo – tiếng anh là pussy, một từ tượng trưng cho tất cả những định kiến mà người ta nói về phái nữ, do một sinh viên Kiến trúc nghĩ ra, tạo ra một hiệu ứng thị giác đặc biệt. Ảnh: Odyssey.

Đốm lửa từ Hollywood

Phong trào #MeToo được khởi xướng đầu tiên tại Mĩ vào ngày 5 tháng 10 năm 2017, khi nữ diễn viên người Mĩ Ashley Judd lên tiếng cáo buộc nhà sản xuất truyền thông có thế lực ở Hollywood là Harvey Weinstein vì đã có hành vi quấy rối tình dục. Judd là một nữ diễn viên nổi tiếng qua các loạt phim truyền hình đình đám như Nhà ga Berlin(Berlin Station) và Mất tích (Missing). Cô cũng góp mặt trong nhiều phim điện ảnh từng tạo nên những cơn sốt phòng vé như Sức nóng (Heat), Thời gian hành quyết (A Time To Kill), Hai lần phạm tội (Double Jeopardy). Judd tuyên bố rằng cách đây khoảng hai mươi năm, cô nhận lời mời của Harvey Weinstein tới Khách sạn bán đảo Beverly, chỉ chuẩn bị tinh thần cho một cuộc gặp gỡ trao đổi trong khi dùng bữa sáng. Thế nhưng, Judd đã khá “sốc” khi biết rằng Weinstein yêu cầu cô tới gặp riêng y trong phòng khách sạn. Khi cô tới, trên người Weinstein chỉ khoác độc một chiếc áo choàng tắm, y ngỏ ý muốn giúp cô mát-xa thư giãn, còn ướm hỏi liệu cô có muốn ngắm nhìn trong khi y tắm.1 Kiểu buộc tội của Judd đối với Weinstein trong thực tế không có gì quá xa lạ trong làng giải trí Holywood, nơi thường xuyên xì xào bàn tán về hiện tượng các đạo diễn, nhà sản xuất, thậm chí cả các diễn viên nam đặt vấn đề mời gọi một diễn viên nữ bước vào mối quan hệ tình dục chơi bời.

Tuy nhiên, vào tháng 10 năm 2017, rất nhiều việc đã thay đổi. Judd gọi đích danh hành vi của Weinstein là quấy rối tình dục, và tuyên bố thẳng những chuyện như thế này không thể bị lấp liếm thêm nữa. Những lời buộc tội của Judd, không những thế, còn cất lên trong kỉ nguyên của phương tiện truyền thông đại chúng, khi tin tức có độ lan truyền chóng mặt và sự kiện cả cộng đồng cùng lên tiếng phê phán chống lại các hành vi xấu đã trở thành quá quen thuộc trong xã hội. Sự cáo buộc của Judd đã mở màn cho một cơn bão dồn dập những lời cáo buộc sau đó nhắm tới các nhân vật khác trong làng giải trí Holywood. Nhiều phụ nữ đấu tranh cùng Judd khi đưa ra những lời buộc tội của chính họ đối với Weinstein. Hai nữ diễn viên Rose McGowan và Annabella Sciorra tố cáo việc từng bị y cưỡng hiếp trong khi Angelina Jolie, Mira Sorvina, và Gwyneth Paltrow lên tiếng về việc bị ông quấy rối tình dục và đe dọa sẽ làm lụn bại sự nghiệp diễn xuất nếu không ưng thuận. Ba ngày sau, một nữ diễn viên khác, Alyssa Milano, đăng twitter với lời kêu gọi: “Nếu như bạn đã từng bị quấy rối hay xâm hại tình dục, hãy viết ‘me too’ để hồi đáp tweet này.”2 Đó chính là thời điểm đầu tiên hashtag #MeToo bắt đầu được lan truyền rộng rãi.

Tuy nhiên, cách dùng cụm từ “Me Too” theo nghĩa ám chỉ tới việc bị quấy rối hay xâm hại tình dục đã được đặt ra lần đầu tiên từ năm 2006 bởi một phụ nữ Mĩ gốc Phi có tên Tarana Burke, cũng là người từng bị xâm hại tình dục. Cô đã sử dụng cụm “Me Too” để cất lời kêu gọi: “Xin hãy giúp những phụ nữ và bé gái da màu khác cũng đang phải chịu đựng cảnh bạo lực tình dục.”3 Khi nhận ra khái niệm “Me Too” đã được sử dụng từ hơn một thập kỉ trước, Alyssa Milano bày tỏ niềm cảm kích với Tarana Burke ngay trên trang mạng xã hội của mình và cổ vũ tất cả những người theo dõi trang Twitter của cô hãy cùng học theo và hưởng ứng Burke. Chính trào lưu này là tiền thân của hashtag #MeToo.4 Sau khi phong trào #MeToo bắt đầu có sự lan tỏa rộng rãi trên toàn thế giới, Tarana Burke thổ lộ niềm vui trước thực tế rằng ý tưởng của cô đã nhận được những sự lưu tâm mới, đồng thời tuyên bố đây là phong trào đặt nền tảng trên “quyền lực có được từ sự cảm thông” của những người phụ nữ.5 Điều này có nghĩa là giờ đây phụ nữ đã hoàn toàn có thể cảm thấy an toàn khi nói về những gì mình đã trải qua, không những thế, còn nhận được sự khuyến khích ủng hộ hãy làm việc ấy. Một số lượng lớn không thể tin nổi những phụ nữ công khai lên tiếng về việc đã bị xâm hại hay quấy rối tình dục, hiện tượng này đã tạo nên một không khí đầy cảm thông khiến những người phụ nữ khác dám cất lên tiếng nói chia sẻ về những chuyện họ đã phải trải qua khi rơi vào những tình thế tương tự.   

 



Ashley Judd, người khởi xướng phong trào #MeToo. Ảnh chụp trên tạp chí Time, vinh danh cô là một trong số những nhân vật của năm 2017.

Trên các phương tiện truyền thông, phụ nữ thuộc đủ mọi tầng lớp, địa vị, ngành nghề xã hội cùng chia sẻ những trải nghiệm của mình, nhưng chính những vụ việc đình đám liên quan tới danh tiếng của các nữ diễn viên mới là yếu tố chính khiến trào lưu #MeToo có sức lan tỏa rộng ra toàn thế giới trong năm 2017. Một khi đã được khởi xướng, việc dừng #MeToo lại dường như là bất khả. Ngay nhiều tháng nhiều tuần sau đó, rất nhiều người đàn ông nổi tiếng đã bị cáo buộc về việc có hành vi xấu hay phạm phải những tội ác tình dục. Một trong những vụ cáo buộc gây “sốc” nhất được đưa ra bởi vận động viên bộ môn thể dục dụng cụ Mĩ McKayla Maroney, cô đăng trên tweet của mình việc từng bị Larry Nassar, nguyên bác sĩ đội tuyển Thể dục dụng cụ, xâm hại tình dục. Nassar, như sau này chúng ta biết thêm, đã quấy rối một cách có hệ thống rất nhiều nữ vận động viên trẻ trong suốt mấy chục năm. Chỉ đến gần đây Nassar mới bị tuyên án 60 năm tù vì tội có hành vi khiêu dâm xâm phạm trẻ em. Trong suốt sáu tuần Judd lên tiếng tố cáo và hashtag của Milano được truyền bá rộng khắp, rất nhiều lời buộc tội khác cũng được cất lên nhắm vào nam diễn viên Kevin Spacey, diễn viên hài kịch Louis C.K, các chính trị gia Mĩ cùng rất nhiều nhân vật công chúng tiếng tăm khác. Qua trường hợp Kevin Spacey, có thể thấy một điều rõ ràng rằng chính nam giới cũng có thể là nạn nhân của những vụ xâm hại, bởi lời buộc tội đến từ một người đàn ông khác, tố cáo rằng đã bị nam diễn viên này lạm dụng tình dục khi còn mới ở độ tuổi vị thành niên.

Giành tiếng nói cho những người yếu thế

Trong khi thường là rất khó để có thể chứng minh hay khởi tố đến cùng những kẻ lạm dụng tình dục, phong trào #MeToo dù vậy cho phép các nạn nhân phần nào giành được cái mà họ coi là công bằng và công lí bằng cách làm cho kẻ bị buộc tội cảm thấy ê chề ô nhục trước con mắt cộng đồng. Đương nhiên, vấn đề nảy sinh là có một nguy cơ rất có thể sẽ xảy ra khi một số người đàn ông (và cả phụ nữ – một nữ diễn viên bị tố cáo xâm hại tình dục một cậu bé ở độ tuổi vị thành niên) bị buộc tội có phần bất công vì những hành động của mình. Trong thực tế, nhiều nam diễn viên trong đó có Spacey bị buộc phải trốn tránh tới mức không thể tiếp tục làm việc, thậm chí còn không nhận được một chút tiền bồi thường nào từ vụ kiện tụng ấy. Tình thế tương tự cũng xảy ra với một thượng nghị sĩ Mĩ, người đã phải từ chức vì những cáo buộc như thế. Đúng là có một vài bức ảnh chụp cảnh viên thượng nghị sĩ này bông lơn đưa tay chộp lấy ngực một người phụ nữ, nhưng ở các tình huống khác thì sự việc trở nên khó xét đoán hơn nhiều bởi rõ ràng sự buộc tội ở đây mới chỉ đơn thuần dựa trên việc đặt niềm tin tuyệt đối vào phát ngôn của người buộc tội hay người bị buộc tội.

Rất khó để có thể chứng minh hay khởi tố đến cùng những kẻ lạm dụng tình dục, dù vậy phong trào #MeToo cho phép các nạn nhân phần nào giành được cái mà họ coi là công bằng và công lí bằng cách làm cho kẻ bị buộc tội cảm thấy ê chề ô nhục trước con mắt cộng đồng.

Dù vẫn còn những bất cập như trên, phong trào #MeToo đã góp phần quan trọng trong việc đưa ra ánh sáng thái độ đồng lõa, thậm chí khuyến khích, một cách có hệ thống và có tổ chức hành vi xâm hại quấy rối tình dục. Luận điểm này thực sự chính xác với trường hợp Ấn Độ, nơi một viên chức chính phủ đã buộc phải đâm đơn từ chức khi làn sóng này lan rộng trên đất Ấn. M.J. Akbar, viên chức chính phủ kiêm tổng biên tập một tờ báo lớn, đã bị chỉ đích danh và đấu tố bởi một lượng lớn những người phụ nữ trên các phương tiện truyền thông xã hội. Kể từ thời điểm đó, nhiều nhân vật danh tiếng khác ở Ấn Độ, trong đó có các nam diễn viên Bollywood, các giám đốc điều hành ở nhiều công ty và cả các nhà báo cũng phải đối mặt với những vụ việc chỉ trích buộc tội tương tự như vậy.6 Phong trào #MeToo ở Ấn còn đưa lại cơ hội cho sự lên tiếng của những người phụ nữ không được nổi tiếng cũng như không có điều kiện kinh tế. Bhanwari Devi không hề biết đến phong trào #MeToo cho tới khi một nhà hoạt động thuộc tổ chức Nhân quyền đến thăm làng cô ở Rajasthan. Devi là một phụ nữ nông dân thuộc ‘tầng lớp thấp’ trong hệ thống phân chia đẳng cấp ở Ấn Độ, cô từng bị hãm hiếp tập thể vào năm 1992 như một hành động trả đũa cho hoạt động xã hội mà cô tham gia. Trước vụ tấn công, Devi đã làm công việc gõ cửa từng nhà, giảng giải và thuyết phục những người phụ nữ hãy đứng lên phản đối tình trạng tảo hôn. Ngay trước khi bị tấn công, cô vừa cố gắng thuyết phục một gia đình hoãn lại việc tổ chức đám cưới cho một đứa trẻ mới đầy chín tháng tuổi.7 Ngay sau đó, Devi bị bố đứa trẻ và những người đàn ông khác trong làng tấn công. Cô tường thuật lại vụ hãm hiếp với cảnh sát. Những người đàn ông thừa nhận việc tấn công cô, nhưng phủ nhận việc hãm hiếp cô. Đứa trẻ được làm đám cưới ngay ngày hôm sau. Cuối cùng vụ việc Devi cũng nhận được sự lưu tâm của một tổ chức phụ nữ, và trường hợp của cô đã được đưa lên Tòa án Tối cao Ấn Độ, nơi vào năm 1997 đã lần đầu tiên thông qua luật xét xử hành vi xâm hại tình dục nơi làm việc. Trường hợp Devi cho thấy một cách rõ ràng rằng phong trào #MeToo đã phơi lộ ra trước mắt chúng ta nỗi khốn khổ tuyệt vọng ở những người phụ nữ rất đỗi bình thường. Cũng giống như nhiều nơi khác, sự thật là những người phụ nữ chịu tổn thương sâu sắc nhất ở Ấn Độ không phải là các nữ diễn viên Bolywood mà chính là những người phụ nữ nghèo khó sống ở các vùng nông thôn, nơi những tội ác như thế không được chú ý, ghi nhận, và cũng chẳng có hình phạt nào được thực thi.

Thảo luận về sự đồng thuận

Không chỉ thế, phong trào #MeToo thúc đẩy việc đưa ra thảo luận lại một số quan niệm nhất định, chẳng hạn như quan niệm về sự đồng thuận. Khả năng xác quyết xem một cá nhân có đồng thuận hay không có ý nghĩa trọng yếu trong việc ngăn chặn cưỡng hiếp và các hình thức xâm hại tình dục khác. Ở Thái Lan, Wepaphan Wongsawang sáng lập một dự án có tên là “Thái đồng ý” (Thaiconsent), với rất nhiều bài báo được viết ra để giải thích lại khái niệm về sự đồng thuận.8 Bên cạnh việc tổ chức những cuộc đàm luận công khai được xem như là nền tảng căn bản cho hành động, Wongsawang và những người bạn đồng chí hướng cùng tham gia trào lưu “Thaiconsent” với cô còn thiết lập một diễn đàn online nơi những người phụ nữ có thể lên đó kể về tình cảnh bị xâm hại tình dục mà chính mình đã phải trải qua.

Ở Việt Nam, phong trào #MeToo tự khẳng định chính nó qua việc phủ sóng một phạm vi ảnh hưởng rộng rãi kể từ mùa xuân năm 2018, được khơi mào từ sự kiện một nữ thực tập sinh trẻ tuổi làm việc tại báo Tuổi trẻ. Cô gái này, như được đưa tin, đã bị biên tập viên giám sát của tòa soạn cưỡng hiếp, bị thương tổn sâu sắc về mặt tâm lí tới mức theo thông tin từ một số nhà báo, đã từng có ý đồ tự sát.9 Ngay sau khi những thông tin về vụ việc này được công bố rộng rãi, phụ nữ trên khắp Việt Nam bắt đầu lên tiếng chia sẻ những trải nghiệm của họ, mỗi bài viết đăng lên đều đính kèm những tag như: “#toasoansach, #ngungimlang, và #MeToo.” Rõ ràng phong trào #MeToo có hiệu lực đáng kể ở Việt Nam, những cuộc thảo luận cộng đồng về xâm hại và quấy rối tình dục bắt đầu được khởi xướng. Mặc dù nhà nước Việt Nam đã có những chính sách cho phép phụ nữ “tham gia vào lực lượng lao động ở một tỉ lệ cao”, đủ cơ hội giành được những cấp bậc cao trong hệ thống giáo dục cũng như dành “một sự tôn trọng nhất định đối với phụ nữ khi quyết định đưa ra các chính sách”, nhưng rất nhiều bất cập vẫn còn bỏ ngỏ, chẳng hạn như phải giáo dục thế nào để cả nam giới và nữ giới nhận thức được đúng đắn nhất những khái niệm về sự đồng thuận cũng như về các vấn đề về xâm hại và quấy rối tình dục.10 Nhìn rộng ra, cũng như ở các nước khác trên thế giới, rất nhiều đàn ông không cho rằng những hành vi khiến phụ nữ khó chịu của họ có thể bị xếp vào một dạng quấy rối tình dục. Nhà nghiên cứu xã hội học Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, từng kể lại việc bà “xuất hiện trong một chương trình truyền hình để thảo luận về các vấn đề này và chứng kiến các nam phóng viên thực sự bối rối trước những tuyên bố bà nêu ra.”11Một số ý kiến cho rằng phong trào #MeToo ở Việt Nam có những nét khá đặc thù vì phụ nữ Việt thường mang mặc cảm sợ hãi nếu những gì họ đã trải qua bị đưa ra công khai trước cộng đồng, rất có thể sẽ đưa lại những hậu quả khôn lường khác. Nhà nước Việt Nam hiện thời vẫn đang nỗ lực hoàn thiện và xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong luật lao động, nhất là những vấn đề liên quan đến hành vi quấy rối tình dục.12

 

Bhawari Devi (thứ hai từ phải sang) là người tạo ra bước ngoặt trong đấu tranh bình đẳng giới ở Ấn Độ. Ảnh: Times of India.

Mặc dù #MeToo, không thể tránh khỏi, vẫn có khả năng tạo môi trường cho những lời buộc tội oan uổng, hay chỉ dừng ở việc nêu đích danh kẻ xấu mà chưa tiến hành những thủ tục tố tụng pháp lý, phong trào đã khiến cho những vụ việc xâm hại và quấy rối tình dục người thực việc thực được đưa ra công chúng. Nó mở đường cho việc tiến hành những hành động pháp lý chống lại những kẻ có hành vi phạm tội, nhất là ở những nước đã thông qua luật cấm quấy rối tình dục trong bộ luật lao động. Tại các quốc gia khác, phong trào #MeToo thúc đẩy chính phủ các nước này chỉnh sửa và ban hành những bộ luật mới hướng đến bảo vệ phụ nữ. Không chỉ thế, phong trào #MeToo đã mở đường cho những cuộc tranh luận và đối thoại về việc dựa vào những yếu tố nào để xác định đâu là hành vi xâm hại, quấy rối hay đồng thuận, từ đó đặt lại những câu hỏi về các vấn đề tưởng chừng đã bị chôn vùi. Cuối cùng, phong trào #MeToo đã lan rộng ra toàn thế giới, ở đây phải kể đến công của mạng xã hội, trao cho các nạn nhân sự mạnh dạn dám cất tiếng nói công khai về câu chuyện riêng của mình trong một bầu khí quyển đầy cảm thông thấu hiểu, bởi họ biết rằng hashtag #MeToo cũng đang được dùng bởi rất nhiều nạn nhân khác nữa đều đã từng phải chịu sự xâm hại và quấy rối tình dục giống như mình. Đó chắc chắn là sức mạnh của đa số. 

Thái Hà  dịch

Theo Tiasang.vn

 

—-

1Carrie Wittmer, “Ashley Judd cáo buộc Harvey Weinstein quấy rối tình dục, một sự kiện bom tấn trên tờ New York Times,” Business Insider, 5/10/2017.

2, 3  Đội ngũ Chicago Tribune & K. T. Hawbaker, “#MeToo: theo dòng sự kiện,” Chicago Tribune, 23/1/2019.

4,5 Abby Ohlheiser, “Người phụ nữ đằng sau ‘Me Too’ đã tri nhận được sức mạnh của chính cách nói ấy ngay khi cô sáng tạo nên nó từ 10 năm trước,” The Washington Post, 19/10/2017.

6 Furkan Latif & K.T. Hawbaker, “Một viên chức chính phủ đã phải từ chức khi phong trào #MeToo giành được quyền lực lớn ở Ấn Độ,” Đài phát thanh nhân dân quốc gia, 16/10/2018.

7 Furkam Latif Khan, “Họ xứng đáng được hưởng Công lý: Mẹ đỡ đầu của #MeToo ở Ấn Độ lên tiếng,” Đài phát thanh nhân dân quốc gia, 24/10/2018.

8 Hannah Ellis-Petersen, “Đã đến lúc nói về sự Đồng thuận: Phong trào #MeToo khởi sinh ở Thái Lan,” The Guardian: International Edition, 17/1/2019.

9,10,11,12 Isabelle Taft, #MeToo Việt Nam: Sự phát triển của phong trào #MeToo ở Việt Nam đã phơi lộ những Hạn chế của nhà nước hướng đến Bình đẳng giới như thế nào,” The Diplomat, 15/5/2018.

GS. MICHELINE LESARD (ĐH Ottawa, Canada)