Miền Trung tang thương trong bão lũ
Những ngày qua, các địa phương khu vực miền Trung liên tiếp xảy ra mưa lũ lớn kéo dài, đặc biệt tại Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị; nhiều khu vực đã xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, chia cắt giao thông, nhiều gia đình bị ngập và nhiều thương vong đã xảy ra…
Sạt lở gây thương vong
Trong lúc chuẩn bị tang lễ 13 cán bộ, chiến sĩ trong Đoàn công tác gặp nạn tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, thì rạng sáng 18/10, đã xảy ra một vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại khu vực đóng quân của Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337, Quân khu 4 trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị khiến hơn 22 cán bộ, chiến sĩ nghi bị vùi lấp.
Dẫn thông tin từ Đại tá Nguyễn Xuân Hùng, Phó Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337, báo Quân đội nhân dân điện tử cho biết, có 5 đồng chí may mắn được cứu ra ngoài, hiện vẫn còn 22 đồng chí nghi bị vùi lấp.
UBND tỉnh Quảng Trị và lãnh đạo Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 đã họp khẩn cấp. UBND tỉnh Quảng Trị đã lập đoàn công tác khẩn cấp và lập Ban Chỉ huy tiền phương tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị do ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị làm trưởng đoàn tới ngay huyện Hướng Hóa để chỉ đạo ứng cứu…
Trong số 22 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp, có 4 sĩ quan, 10 Quân nhân chuyên nghiệp, 8 chiến sĩ.
Xã Ba Lòng (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) chìm trong nước lũ – Ảnh: NLĐ
Thông tin từ các đơn vị báo cáo cho biết, ngày trong đêm 17/10 và rạng sáng 18/10, các lực lượng cứu hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã dồn toàn lực để ứng cứu những người đang bị mắc kẹt tại các khu vực ngập lụt, đặc biệt là các phường Đông Giang, Đông Thanh, thành phố Đông Hà, các vùng trũng thấp trên địa bàn tỉnh. Tại địa bàn 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, các tuyến đường đã bị chia cắt do sạt lở, một số vùng có nguy cơ cao sạt lở núi. Trong đó, đáng chú ý, tuyến đường vào các xã Hướng Lập, Hướng Việt, huyện Hướng Hoá bị sạt lỡ các đoạn Km8. Km15, km19 khiến giao thông ách tắc.
Do mưa lớn, đã xảy ra vụ sạt lở đất vào khoảng 16g30 ngày 17/10 làm hộ gia đình ông Hồ Văn Thơi, 6 nhân khẩu, ở thôn Tà Rùng, xã Húc, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị bị vùi lấp. Ngay sau khi xảy ra sự cố, lực lượng tại chỗ đã nỗ lực tiếp cận và tìm thấy thi thể hai mẹ con là Hồ Thị An và Hồ Thị Hạnh.
Hiện xã Húc huy động thêm người để tiếp cận hiện trường cứu nạn, chưa khẳng định cả 6 người trong gia đình đều bị nạn.
Tìm kiếm thi thể nạn nhân Thủy điện Rào Trăng 3
Trước đó, chiều 17/10, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thi thể nạn nhân thứ 2 trong số 17 nạn nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3 đã được lực lượng cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh dùng phương tiện đi theo đường thủy để vận chuyển ra khỏi khu vực thủy điện. Tiếp đó xe cấp cứu chở thi thể nạn nhân đưa về bệnh viện ở thành phố Huế để thực hiện các thủ tục pháp y cần thiết.
Nạn nhân khoảng 25-27 tuổi, thi thể đã bị biến dạng được nhóm 8 công nhân ở lại thuỷ điện Rào Trăng 3 phát hiện vào ngày 16/10 khi thi thể này vướng vào rễ một gốc cây nằm giữa ngã ba khe suối.
Do thời tiết mưa lớn nên lực lượng Công an không thể tiếp cận được chân đập thủy điện Rào Trăng 4 đưa thi thể ra ngoài, các công nhân Rào Trăng 3 phải di chuyển thi thể theo thuyền máy với quãng đường khoảng 12km, đưa về khu nhà điều hành ở bên bờ thân đập Rào Trăng 4 để bảo quản.
Do ảnh hưởng của mưa bão, từ ngày hôm qua cho đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa lớn, đặc biệt ở khu vực miền núi lượng mưa rất cao. Điều này đã làm cho công tác cứu hộ trên tuyến đường 71 dẫn vào thuỷ điện Rào Trăng 3 gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều hoạt động cứu trợ đã được triển khai – Ảnh: NLĐ
Lực lượng cứu hộ Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên Huế đã lên phương án cứu hộ các nạn nhân bằng tuyến đường thủy dẫn vào thủy điện Rào Trăng 3. Công tác tinh sát địa hình, tập kết lực lượng đã được gấp rút triển khai.
Sáng 17/10, mưa lớn khiến nước lòng hồ thủy điện Hương Điền dâng cao, gió to, sóng mạnh nhưng từ sáng sớm, các cán bộ, chiến sĩ của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thừa Thiên Huế; Công an thị xã Hương Trà và các đơn vị cùng người dân địa phương đã tìm giải pháp an toàn để tiếp tục triển khai công tác cứu nạn cứu hộ.
Hiện lòng hồ thủy điện Hương Điền là tuyến đường thủy duy nhất do Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đảm trách nhằm tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4 đưa người gặp nạn ra ngoài vùng nguy hiểm; đồng thời tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men cho các công nhân tại thủy điện Rào Trăng 4, Rào Trăng 3.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, đã có 2 trong 17 người mất tích do mưa lũ tại thủy điện Rào Trăng 3 đã được tìm thấy và đưa về bàn giao an táng.
Quảng Bình, gần 11.000 ngôi nhà bị ngập lụt
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình – cho biết những ngày qua, mưa lớn làm sông, suối dâng cao đã khiến nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, nhiều bản làng bị cô lập và gần 11.000 nhà dân bị ngập lụt trở lại.
Tại huyện Lệ Thủy, nhiều xã như: An Thủy, Lộc Thủy, Hồng Thủy, Sơn Thủy, thị trấn Kiến Giang… bị nước lũ bủa vây, có nơi ngập sâu từ 0,5-1,5m trong nước. Nước lũ làm cô lập và chia cắt tuyến đường vào bản Bạch Đàn (xã Lâm Thủy) và bản An Bai (xã Kim Thủy).
Tại huyện Lệ Thủy có gần 10 xã, thị trấn bị ngập lụt với hơn 8.000 ngôi nhà dân. Nhiều nơi nước ngập sâu hơn 1,5m kéo dài cả tuần nay khiến đời sống người dân lâm vào cảnh khốn cùng, lũ vây tứ bề.
Trên Quốc lộ 1, đoạn qua huyện Lệ Thủy nhiều điểm cũng đã bị ngập nước khiến các phương tiện qua lại khó khăn, lực lượng chức năng tại địa phương đã giăng dây cảnh báo người dân không qua lại nơi ngập lụt, đề phòng sự cố.
Tại huyện Quảng Ninh, tuyến đường lên 4 thôn, bản ở xã Trường Sơn gồm: Dốc Mây, Trung Sơn, Ploang, Rìn Rìn đã bị nước lũ chia cắt từ hôm qua. Một số xã nằm ven sông Long Đại, như xã Tân Ninh, Duy Ninh, Hiền Ninh, Hàm Ninh… cũng bị nước ngập chia cắt cục bộ. Toàn huyện có hơn 2.000 nhà dân bị ngập nước.
Trong khi đó, lãnh đạo UBND xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa cho biết lũ quay trở lại khiến nhà dân bị ngập tới 2m. Toàn xã hiện có 370 căn nhà dân bị ngập sâu và nước lũ vẫn đang tiếp tục dâng lên…
Theo thống kê của Quảng Bình, toàn tỉnh có 11.055 nhà dân bị ngập, 80 thôn bản bị chia cắt tập trung chủ yếu ở huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa, Bố Trạch và thị xã Ba Đồn… Mưa lũ cũng đã gây ách tắc nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch. Nhiều tuyến đường đã bị sụt trượt mái ta luy dương, đất, đá tràn xuống nền, mặt đường như: Quốc lộ 15 đi qua địa bàn huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy; các quốc lộ 9B, 9C, 9E; đường tỉnh lộ 559B, 559, 562, 564 và 564B…
Hiện nước lũ tại các sông, suối Quảng Bình vẫn đang tiếp tục lên nhanh, sông Gianh tại xã Mai Hóa (huyện Tuyên Hóa) đang ở trên mức báo động 2 (0,61m); sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy) trên mức báo động 2 (0,54m); sông Rào Nậy tại Đồng Tâm dưới mức báo động 2 (0,71m)…
Nhiều hồ chứa nước đã bị thấm qua thân đập, chảy thành vòi; hồ Trooc Trâu (Quảng Ninh) và đập An Mã (huyện Lệ Thủy), mực nước đã vượt 100% dung tích thiết kế; hồ Dạ Lam ở xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy có nguy cơ mất an toàn công trình, các địa phương cũng đã triển khai các phương án chỉ đạo để đảm bảo an toàn và xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia buồn cùng thân nhân 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi cứu nạn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận