Mô hình tổ chức giám định tư pháp ở một số quốc gia trên thế giới

Theo Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Bài viết sau đây xin giới thiệu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về mô hình tổ chức giám định tư pháp, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, tham khảo trong quá trình xây dựng dự thảo Luật.[1]

Nhìn chung của các nước nêu trên đều có quan niệm giám định tư pháp là việc giám định được thực hiện bởi nhà chuyên môn (người am hiểu, tinh thông về lĩnh vực cần giám định) để làm sáng tỏ vấn đề có liên quan, theo trưng cầu của cơ quan điều tra, truy tố và xét xử hoặc cả theo yêu cầu của người tham gia tố tụng (nước theo cơ chế tranh tụng) đến vụ án dưới góc độ chuyên môn nhằm phục vụ cho việc giải quyết vụ án.
Về tổ chức, giám định tư pháp của các nước trên thế giới được tổ chức rất đa dạng, không có một mô hình chung bắt buộc mà tuỳ theo thiết chế tổ chức bộ máy nhà nước và điều kiện cụ thể ở mỗi quốc gia.

Nhìn chung, hầu hết các nước trên thế giới, giám định pháp y và pháp y tâm thần được giao cho ngành Y tế đảm trách, giám định kỹ thuật hình sự được giao cho ngành Công an. Các lĩnh vực giám định này thường có các cơ quan chuyên trách và có giám định viên được bổ nhiệm hoặc được công nhận làm việc chuyên trách hoặc luôn phải có bộ phận chuyên trách, vì thường xuyên có yêu cầu giám định của các cơ quan tố tụng. Giám định tư pháp ở các lĩnh vực khác như xây dựng, tài chính, ngân hàng, văn hoá, giao thông, môi trường, khoa học công nghệ… đều do các cơ sở khoa học, tổ chức chuyên môn như các Viện nghiên cứu khoa học, các đơn vị chuyên môn ở các ngành, lĩnh vực thực hiện giám định với hình thức kiêm nhiệm, làm giám định theo vụ việc khi có trưng cầu của các cơ quan tố tụng, hoặc chỉ bổ nhiệm hoặc công nhận và lập Danh sách giám định viên.

Cộng hoà Liên bang Đức

Ở CHLB Đức có 35 Viện Pháp y thuộc các trường Đại học Tổng hợp trong toàn Liên bang đảm nhiệm việc giám định pháp y tử thi. Tất cả các tử thi cần phải tiến hành giám định pháp y đều được đưa về các Viện Pháp y để giám định. Còn giám định thương tích thì bất kỳ bác sỹ nào thuộc đoàn bác sỹ – Hiệp hội nghề y dược của Đức – đều có thể thực hịên. Trong quân đội Đức cũng có những đơn vị y tế được giao nhiệm vụ thực hiện giám định pháp y.

Về lĩnh vực kỹ thuật hình sự, tất cả các cơ quan Cảnh sát các cấp (huyện, thành phố, bang, liên bang) đều có Phòng hoặc Trung tâm kỹ thuật hình sự làm công tác giám định tư pháp kỹ thuật hình sự. Cơ quan điều tra Liên bang Đức (BKA) có Viện kỹ thuật hình sự mới được xây dựng lại và đưa vào hoạt động từ tháng 3 năm 2008 với tổng kinh phí đầu tư trang thiết bị lên tới 53 triệu Euro và là cơ quan kỹ thuật hình sự vào loại hiện đại nhất thế giới.

Cộng hoà Pháp

Về giám định pháp y, Cộng hòa Pháp không duy trì hệ thống tổ chức giám định pháp y ở trung ương và địa phương mà có một số Trung tâm pháp y nằm ở một số thành phố lớn của Pháp như Paris, Lyon… Đây là những cơ quan nhà nước có chức năng đào tạo nghề pháp y và thực hiện giám định pháp y của nước Pháp. Đội ngũ giám định viên pháp y của Cộng hoà Pháp rất đông đảo, bao gồm các cán bộ chuyên môn thuộc các Trung tâm pháp y và đông đảo các bác sỹ thuộc các chuyên khoa ở tất cả các cơ sở y tế (cả nhà nước và tư nhân) trên toàn lãnh thổ Pháp. Tuy nhiên, để được là giám định viên pháp y thì phải được Toà án lựa chọn, công nhận và đưa vào Danh sách giám định viên với điều kiện phải qua đào tạo pháp y 2 năm ở Trung tâm pháp y nêu trên.

Đối với giám định pháp y tâm thần, các bệnh viên tâm thần của nhà nước mới đảm nhiệm việc thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.
Về kỹ thuật hình sự, Pháp có Trung tâm kỹ thuật hình sự ở tất cả công an cấp tỉnh, mà không có cơ quan quốc gia về kỹ thuật hình sự. Các Trung tâm này có chức năng chính là nghiên cứu, thực hiện giám định kỹ thuật hình sự.

Nhật Bản

Nhật Bản có cơ quan nghiên cứu Quốc gia Khoa học Cảnh sát ở trung ương và cơ quan giám định nằm ở 47 Viện nghiên cứu khoa học hình sự ở địa phương, có chức năng như Viện Khoa học hình sự và Phòng kỹ thuật hình sự ở Việt Nam. Nhiệm vụ chính của các cơ quan này là thực hiện giám định tư pháp ở cả hai lĩnh vực kỹ thuật hình sự và pháp y.

Thụy Điển

Ở lĩnh vực giám định pháp y và pháp y tâm thần, Thụy Điển có Uỷ ban Quốc gia về giám định y học và có các phòng giám định y học đặt tại các khu vực. Đây là các cơ quan giám định tư pháp về pháp y và pháp y tâm thần.

Về lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự, Thuỵ Điển có Viện Khoa học hình sự ở cấp quốc gia và Phòng kỹ thuật hình sự ở 21 cơ quan Cảnh sát cấp hạt. Viện Khoa học hình sự có chức năng nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thực hiện giám định tư pháp.

Trung Quốc

Về lĩnh vực pháp y trước 2006, Trung Quốc có tổ chức giám định ở các ngành Y tế, Công an, Quân đội, Kiểm sát, Toà án, Bộ Tư pháp và đều có ở 04 cấp hành chính (trung ương – tỉnh, thành phố – thành phố thuộc tỉnh – huyện). Từ năm 2006, Trung Quốc tiến hành cải cách tư pháp, đã bỏ pháp y ở ngành Toà án, nhưng lại thành lập thêm cơ quan giám định xã hội về pháp y. Cơ quan này chủ yếu giám định thương tích nhẹ phục vụ giải quyết các tranh chấp dân sự nhỏ. Hiện nay, ở Trung Quốc lực lượng giám định viện pháp y có số lượng đông đảo nhất, chiếm 60%; thứ hai là lực lượng giám định viên của cơ quan giám định xã hội; thứ ba là ngành Kiểm sát, còn Y tế, Quân đội và Tư pháp chiếm số lượng ít nhất. Pháp y Công an và pháp y Kiểm sát đảm trách vai trò chính trong giám định pháp y phục vụ điều tra, xử lý các vụ án hình sự.

Ở lĩnh vực kỹ thuật hình sự, Trung Quốc cũng có cơ quan kỹ thuật hình sự trong hệ thống ngành Công an từ Trung ương đến cấp huyện. Chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy các cơ quan kỹ thuật hình sự của Công an Trung Quốc cũng giống như của Công an Việt Nam hiện nay.

Thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác giám định, ngày 26/02/2005, Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc đã ký Nghị định cho phép lập các tổ chức giám định tư pháp tư nhân, chủ yếu trên các lĩnh vực kỹ thuật hình sự ở chuyên ngành chữ viết, chữ ký và vân tay, phục vụ cho việc xác thực các hợp đồng, tài liệu, chúc thư khi công chứng, thế chấp vay vốn ngân hàng… nói chung là phục vụ các giao dịch dân sự, kinh tế. Đến nay, chỉ riêng địa bàn thành phố Bắc Kinh đã có 274 Văn phòng giám định tư pháp tư nhân ở một số chuyên ngành nêu trên thuộc lĩnh vực kỹ thuật hình sự, hoạt động khá hiệu quả, góp phần tích cực cho hoạt động tham gia tố tụng và đáp ứng nhu cầu giám định ngoài tố tụng của xã hội, góp phần thiết thực vào việc bảo đảm an toàn cho các giao dịch dân sự, kinh tế, giải quyết các tranh chấp trong nhân dân mà không phải đưa đến toà án. Nghị định của Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp quản lý các tổ chức giám định tư nhân, trong đó quy định rất chặt chẽ về trình độ người giám định, trang bị phương tiện, kinh phí giám định và việc sử dụng kết qủa giám định.

Hoa Kỳ

Trong cơ quan điều tra của Hoa Kỳ (FBI) thuộc Bộ Tư pháp, có cơ quan kỹ thuật hình sự thực hiện chức năng giám định tư pháp kỹ thuật hình sự khi có trưng cầu của các cơ quan tố tụng. Còn giám định pháp y và pháp y tâm thần thuộc chức năng của ngành Y tế.

Cộng hòa Singapore

Singapore là quốc gia nhỏ, dân số ít nên tổ chức bộ máy tư pháp và bổ trợ tư pháp không giống bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Ở Singapore, cơ quan giám định pháp y và kỹ thuật hình sự nằm ngoài lực lượng Cảnh sát, thuộc trung tâm y tế. Tuy nhiên tàng thư (cơ sở dữ liệu) gen tội phạm, tàng thư căn cước can phạm và giám định dấu vết đường vân thì trực thuộc cơ quan Cảnh sát. Trong giám định gen, khi cần khai thác cơ sở dữ liệu thì cơ quan giám định phải liên hệ với cơ quan Cảnh sát.

Vương quốc Anh

Ở Vương quốc Anh, giám định pháp y và pháp y tâm thần thuộc chức năng của ngành Y tế. Giám định kỹ thuật hình sự được tổ chức thành các phòng thí nghiệm ở các khu vực và 01 viện nghiên cứu, trong đó có 05 phòng thí nghiệm thuộc Chính phủ và 03 phòng thí nghiệm tư nhân.

Cách đây 10-12 năm, Chính phủ Anh quyết định tư nhân hóa và cổ phần hoá (xã hội hoá) một số phòng thí nghiệm giám định kỹ thuật hình sự. Lợi ích ban đầu mang lại là khi tư nhân hoá, cổ phần hoá, Nhà nước thu một khoản tài chính lớn, tạo được sự cạnh tranh giữa các phòng thí nghiệm của nhà nước với tư nhân và giữa các phòng thí nghiệm tư nhân với nhau, huy động được nhiều lực lượng khoa học tham gia, có nhiều phát minh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được thực hiện để nâng cao năng lực giám định.

Tuy nhiên, những năm gần đây, các cơ quan tố tụng đã gặp nhiều khó khăn khi trưng cầu các phòng thí nghiệm tư nhân giám định vì chi phí giám định cao. Một số bất cập khác nữa là phòng thí nghiệm tư nhân thường không đầu tư kinh phí xây dựng các loại tàng thư, cơ sở dữ liệu, mà cơ quan giám định của Cảnh sát phải đầu tư làm phần việc này, mà cũng chỉ cơ quan giám định của Cảnh sát mới làm được việc thu mẫu ở các cơ quan, tổ chức, công dân để xây dựng cơ sở dữ liệu, do vậy việc quản lý và khai thác rất phức tạp.

Liên bang Úc

Ở Liên bang Úc, giám định pháp y và pháp y tâm thần thuộc ngành Y tế. Còn giám định kỹ thuật hình sự thì thuộc lực lượng Cảnh sát. Úc có Viện Khoa học hình sự liên bang và Viện Khoa học hình sự các bang có chức năng thực hiện giám định kỹ thuật hình sự phục vụ hoạt động tố tụng. Riêng giám định âm thanh thì lại thuộc nhiệm vụ ở Trường Đại học Tổng hợp.

Cộng hoà Cu Ba

Ở Cu Ba, giám định kỹ thuật hình sự thuộc cơ quan Công an các cấp. Còn giám định pháp y và pháp y tâm thần thì thuộc chức năng của ngành Y tế.

Cộng hoà Ấn Độ

Ở Ấn Độ, giám định pháp y và pháp y tâm thần thuộc chức năng của ngành Y tế. Còn giám định kỹ thuật hình sự được thực hiện ở Viện Khoa học hình sự liên bang, Viện Khoa học hình sự các bang và các khu vực.

Liên bang Nga

Năm 2001, Quốc hội Nga ban hành Luật giám định tư pháp. Ở Liên bang Nga, Viện Khoa học hình sự của Bộ Nội vụ Liên bang tổ chức thực hiện tất cả các loại hình giám định tư pháp phục vụ tố tụng hình sự theo yêu cầu của cơ quan điều tra, không chỉ có giám định kỹ thuật hình sự, mà còn có cả giám định tài chính, xây dựng… Ở Viện Khoa học hình sự cũng có cơ quan giám định nhưng chủ yếu là giải quyết các yêu cầu dân sự (theo yêu cầu của toà án).

Giám định pháp y cũng chỉ có ở Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và Cơ quan An ninh. Riêng phương pháp Geraximốp (dựng chân dung người qua hộp sọ) chỉ được tiến hành ở Viện Khoa học hình sự của Bộ Nội vụ.

Nghiên cứu mô hình tổ chức cơ quan giám định tư pháp của 12 quốc gia nêu trên cho thấy sự đa dạng trong tổ chức của cơ quan này, tuỳ theo thiết chế tổ chức bộ máy nhà nước và điều kiện cụ thể ở mỗi quốc gia. Đây là kinh nghiệm hữu ích, có tính tham khảo cao để Việt Nam sửa đổi, bổ sung Luật năm 2012 nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng nói chung và trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế nói riêng./.

1.Xem thêm: Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Báo cáo tổng thuật về giám định tư pháp của một số nước trên thế giới, ngày 05/3/2019.

Ths. TẠ ĐÌNH TUYÊN