Mô hình Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Bài viết sau đây giới thiệu mô hình Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ của một số quốc gia trên thế giới và đưa khuyến nghị đối với Việt Nam trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đang được cơ quan chủ trì soạn thảo lấy ý kiến rộng rãi để tiếp thu, hoàn chỉnh, dự kiến trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 và thông qua tại kỳ họp thứ 3. Các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 7 nhóm nội dung chính trong các chính sách đã được Quốc hội thông qua, trong đó có nội dung nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

1. Mô hình Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ của một số quốc gia trên thế giới

1.1. Nhật Bản

Nhật Bản có 8 Tòa án cấp cao đặt tại 8 thành phố lớn và 6 chi nhánh của các Tòa án này ở các nơi khác. Tháng 4/2005, Tòa sở hữu trí tuệ (SHTT) được thành lập với tư cách là một Tòa của Tòa án cấp cao Tokyo với tên gọi là Tòa án Thượng thẩm Sở hữu trí tuệ (The Intellectual Property High Court of Japan, viết tắt là IPHCJ),[1] có thẩm quyền phúc thẩm các vụ án về SHTT do các Tòa án cấp dưới xử sơ thẩm nhưng bị kháng cáo và giải quyết các vụ việc do Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) đã giải quyết nhưng còn khiếu nại.

Nhật Bản sử dụng hệ thống giải quyết tranh chấp quyền SHTT mang tính chuyên biệt cao, trong đó Hội đồng giải quyết khiếu nại (Board of Appeals) của Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) xử lý các vụ việc khiếu nại liên quan đến hủy bỏ/chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ; và Ban Sở hữu trí tuệ (IP Division) thuộc Tòa án khu vực (Tokyo hay Osaka) xử lý các vụ việc liên quan đến xâm phạm quyền SHTT theo thẩm quyền. Khi một trong các bên không đồng ý với quyết định hủy bỏ/chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ của JPO hoặc bản án/quyết định của Tòa án khu vực, bên liên quan có thể kháng cáo lên Tòa án Thượng thẩm Sở hữu trí tuệ.

Về thủ tục khiếu kiện vi phạm tại Tòa án khu vực, hành vi xâm phạm quyền SHTT, tùy theo vùng địa lý có thể được xét xử sơ thẩm ở Tòa án khu vực Osaka hay Tokyo. Tại mỗi tòa án này đều có bộ phận chuyên trách về SHTT với các kỹ thuật viên có thể trợ giúp thẩm phán những vấn đề kỹ thuật liên quan đến các đối tượng phức tạp như xâm phạm quyền sáng chế.

Theo Luật Sáng chế Nhật Bản, chỉ có Cơ quan sáng chế Nhật Bản có thẩm quyền huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ, nhưng tòa án có thể từ chối thực thi quyền SHTT nếu có căn cứ cho rằng văn bằng bảo hộ có thể bị chấm dứt/hủy bỏ hiệu lực.

Trên cơ sở vụ việc được thụ lý, Tòa án tổ chức một số phiên điều trần về nội dung tranh chấp trên cơ sở các tài liệu do các bên đệ trình trước đó. Nếu tại phiên điều trần, các bên đạt đến thỏa thuận chung thì Tòa án sẽ ghi nhận và chấm dứt giải quyết vụ việc. Trường hợp các bên không thể đạt được thỏa thuận, Tòa án sẽ tiến hành giải quyết vụ việc và đánh giá thiệt hại trên cơ sở các tài liệu được đệ trình. Thời gian xét xử một vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là tại Tòa sơ thẩm trung bình khoảng 12,5 tháng (năm 2006).

Về kháng cáo tại Tòa thượng thẩm về sở hữu trí tuệ (IPHCJ), nếu một trong hai bên không đồng ý với quyết định của JPO hoặc Tòa án khu vực, có thể kháng cáo lên IPHCJ. Thủ tục tố tụng tại IPHCJ tương tự như tại Tòa án khu vực. IPHCJ nghe các bên trình bày quan điểm về đối tượng tranh chấp với sự trợ giúp của các phương tiện kỹ thuật để giải thích các công nghệ có liên quan trong vụ việc. Giống như ở Tòa án khu vực, Thẩm phán Tòa IPHCJ được các cố vấn kỹ thuật giới thiệu tóm tắt các vấn đề kỹ thuật có liên quan để đảm bảo có được những nhận định cơ bản về vấn đề kỹ thuật được trình bày. Theo con số thống kê, thời gian trung bình xử lý một vụ việc tại IPHCJ từ năm 2011 đến năm 2020 là từ 6.7 đến 9 tháng.

 

Năm

Thụ lý mới

Giải quyết xong

(bao gồm cả việc năm cũ chuyển sang)

Thời gian trung bình để giải quyết xong một vụ việc (tháng)

2011

90

91

7.5

2012

101

108

7.7

2013

114

99

6.7

2014

138

111

7.1

2015

137

162

7.8

2016

118

129

8.3

2017

105

115

7.3

2018

92

85

7.7

2019

85

88

7.0

2020

69

65

9.0

Bảng 1: Thống kê số lượng các vụ việc về SHTT được giải quyết phúc thẩm tại IPHCJ giai đoạn 2011-2020[2]

Trong xem xét kháng cáo cả hai hành vi xâm phạm quyền và hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ, IPHCJ cho phép các bên được đệ trình bổ sung các chứng cứ mới để chứng minh cho vấn đề đã được xem xét. Tuy nhiên, các bên không được đưa ra các vấn đề mới, ngoài các vấn đề đã được xem xét tại JPO hoặc Tòa án khu vực. Có nghĩa là, các bên được đệ trình các ý kiến chuyên gia, kết quả thí nghiệm, tài liệu tham khảo và các bằng chứng khác, với điều kiện là các tài liệu đó chỉ để hỗ trợ cho các luận cứ đã được đưa ra trước đó, mà không mở rộng ra các luận cứ mới. Ví dụ, nếu JPO hủy hỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế do không đáp ứng yêu cầu về tính sáng tạo, thì các bên chỉ có thể đưa ra các bằng chứng mới để chứng minh sáng chế bị hủy bỏ hiệu lực có hay không đáp ứng yêu cầu về tính sáng tạo. IPHCJ không cho phép các bên đưa ra các bằng chứng liên quan đến tính mới của sáng chế. Nếu một bên nhận thấy có cơ sở hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ trên cơ sở tính mới, bên nguyên cần bắt đầu yêu cầu hủy bỏ hiệu lực trên căn cứ này tại JPO.

Năm

Thụ lý mới

Giải quyết xong

(bao gồm cả việc năm cũ chuyển sang)

Thời gian trung bình để giải quyết xong một vụ việc (tháng)

2011

453

407

7.5

2012

457

463

8.1

2013

353

429

7.6

2014

278

311

8.2

2015

263

269

8.7

2016

279

264

8.0

2017

237

263

9.1

2018

183

218

9.3

2019

174

166

8.6

2020

152

159

9.6

Bảng 2: Thống kê số lượng các vụ việc IPHCJ giải quyết kháng cáo đối với quyết định hủy bỏ/chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ của JPO giai đoạn 2011-2020[3]

Về kháng cáo tại Tòa án tối cao, phán quyết của IPHCJ có thể tiếp tục bị kháng cáo lên Tòa án tối cao Nhật Bản, nhưng trường hợp như vậy là rất hiếm và pháp luật rất hạn chế những trường hợp này. Tòa án tối cao rất hiếm khi bác bỏ phán quyết của Tòa án thượng thẩm vì Tòa án tối cao chỉ xem xét lại các vấn đề pháp lý của phán quyết, chứ không xem xét lại nội dung vụ việc.[4]

1.2. Thái Lan

Những năm gần đây, môi trường SHTT ở Thái Lan nói chung đã liên tục được cải thiện. Hệ thống luật pháp về SHTT của Thái Lan cũng được sửa đổi và hoàn thiện. Cụ thể:

- Luật Sáng chế năm 1979, được sửa đổi mới nhất vào năm 1999 để tuân thủ các quy định của Hiệp định TRIPS và tạo điều kiện tham gia các thỏa thuận khu vực và quốc tế về sáng chế;

- Luật Bản quyền năm 1994, được sửa đổi mới nhất năm 2018;

- Luật Nhãn hiệu năm 1991, được sửa đổi mới nhất năm 2016;

- Luật Bảo vệ giống cây trồng năm 1999;

- Luật Bí mật thương mại năm 2002, được sửa đổi vào năm 2015;

- Luật Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý năm 2003.

Bên cạnh đó, luật pháp về quyền SHTT ở Thái Lan tuân thủ các tiêu chuẩn về SHTT quốc tế như Hiệp định TRIPS. Thái Lan cũng tham gia các công ước về SHTT khác nhằm tạo ra một hệ thống bảo hộ SHTT bình đẳng và được tiêu chuẩn hóa. Năm 2008, Thái Lan đã ký Công ước Paris về bảo hộ tài sản công nghiệp và tham gia Hiệp ước hợp tác sáng chế (PCT) vào năm 2009. Thái Lan cũng là một bên ký kết Công ước Berne về bảo vệ các tác phẩm văn học và nghệ thuật và tham gia Nghị định thư Madrid. Các hợp tác song phương và đa phương mà Thái Lan tham gia ký kết có đề cập tới vấn đề về SHTT. Cụ thể, Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) giữa Nhật Bản và Thái Lan có một chương độc lập về SHTT, bao gồm 23 điều khoản chủ yếu đề cập đến việc đơn giản hóa và tăng tính minh bạch của các thủ tục, tăng cường bảo vệ quyền SHTT và tăng cường thực thi.[5]

Về nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp, từ 01/12/1997, Thái Lan thành lập Tòa án Trung ương về SHTT và Thương mại quốc tế,[6] có thẩm quyền xét xử các vụ án dân sự và hình sự liên quan đến SHTT theo Đạo luật về thành lập và thủ tục giải quyết tại Tòa án SHTT và Thương mại quốc tế (1996). Kinh nghiệm của các Thẩm phán đã được cải thiện thông qua việc đào tạo cho các nhân viên Tòa án, Thẩm phán, cơ quan hải quan và các cơ quan thực thi quyền SHTT khác (đặc biệt là Cục Điều tra đặc biệt và Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan). Năm 2016, Thái Lan thành lập một Tiểu ban về “Ngăn chặn vi phạm SHTT” để giải quyết và ngăn chặn các vấn đề xâm phạm quyền SHTT, tăng cường bảo hộ SHTT theo các tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng hình ảnh của Thái Lan như là một quốc gia thân thiện với SHTT.

Về thẩm quyền, theo Đạo luật về thành lập và thủ tục giải quyết tại Tòa án SHTT và Thương mại quốc tế (1996), thẩm quyền của Tòa án Trung ương về SHTT và Thương mại quốc tế bao gồm 6 tỉnh: Bangkok, Samut Prakan, Samut Sakhon, Nakhon Pathom, Nonthaburi và Pathum Thani. Tuy nhiên, do các Tòa án SHTT và Thương mại quốc tế khu vực chưa được thành lập, nên Tòa án Trung ương về SHTT và Thương mại quốc tế có thẩm quyền trên toàn bộ Vương quốc Thái Lan.

Để quá trình tố tụng diễn ra thuận lợi và không bị thiếu sót, nguyên đơn của vụ án dân sự có thể gửi đơn khởi kiện đến Tòa án cấp tỉnh theo lãnh thổ nơi bị đơn cư trú hoặc nơi phát sinh vụ việc khởi kiện. Nguyên đơn trong vụ án hình sự có thể nộp đơn yêu cầu lên Tòa án cấp tỉnh trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ nơi (1) hành vi phạm tội đã xảy ra, hoặc bị cáo bị buộc hoặc được cho là đã thực hiện hành vi phạm tội, hoặc (2) bị cáo đang cư trú hoặc đã bị bắt, hoặc (3) cuộc điều tra đã được tiến hành.[7]

Về kháng cáo lên Tòa án tối cao, theo khoản 1 Mục 40 Đạo luật về thành lập và thủ tục giải quyết tại Tòa án SHTT và Thương mại quốc tế (1996), kháng cáo đối với bất kỳ bản án hoặc lệnh nào của Tòa án cấp phúc thẩm các vụ án chuyên biệt sẽ được đệ trình lên Tòa án tối cao và các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và/hoặc Bộ luật Tố tụng hình sự sẽ được áp dụng một cách phù hợp.

 

Loại việc

2020

Tồn từ năm trước

Thụ lý mới

Giải quyết xong

Chuyển năm sau

Thương mại quốc tế

242

244

232

254

Sở hữu trí tuệ  (dân sự)

222

211

186

247

Sở hữu trí tuệ  (hình sự)

241

1.862

1.892

 211

Vụ việc nhỏ

53

153

100

106

Bắt giữ tàu biển

0

4

4

0

Tổng cộng

758

2.474

2.414

818

Bảng 3: Thống kê số lượng các vụ việc được giải quyết tại Tòa án Trung ương về SHTT và Thương mại quốc tế năm 2020[8]

1.3. Một số quốc gia khác

Tại Trung Quốc, để tăng cường hơn nữa việc bảo vệ tư pháp đối với quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và thống nhất các tiêu chí xét xử đối với các vụ việc SHTT, với sự chấp thuận của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc, các Tòa án SHTT đã được thành lập tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu vào năm 2014, năm 2020, Tòa án SHTT được thành lập tại đảo Hải Nam (có hiệu lực từ 01/01/2021), là Tòa án SHTT thứ tư tại Trung Quốc. TANDTC đã ban hành các diễn giải tư pháp liên quan, xác định thẩm quyền của các Tòa án SHTT đối với các vụ việc và cung cấp hướng dẫn về việc bổ nhiệm các Thẩm phán SHTT, tham gia vào các hoạt động tố tụng của cán bộ điều tra công nghệ của các Tòa án SHTT và các vấn đề khác.

Tại TANDTC, các TAND cấp cao và TAND trung cấp của Trung Quốc, Tòa chuyên trách về SHTT cũng được thành lập.

Tại Hàn Quốc, Tòa án bằng phát minh sáng chế là một Tòa án cấp cao chuyên xét xử các vụ án về bằng phát minh sáng chế. Tòa án này xét xử những vụ án do đương sự khởi kiện, khi không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp của “Tòa” sở hữu trí tuệ thuộc Cục Sở hữu trí tuệ và nếu không đồng ý với bản án của Tòa án bằng phát minh sáng chế, đương sự có quyền kháng cáo lên TATC. Giúp việc cho các Thẩm phán Tòa án bằng phát minh sáng chế, là những giám định viên kỹ thuật của Tòa. Việc xét xử được thực hiện bởi một Hội đồng 03 Thẩm phán.[9]

2. Khuyến nghị đối với Việt Nam

Tòa SHTT là một trong những tòa chuyên trách được nhiều quốc gia thành lập nhằm thụ lý và xét xử các tranh chấp về SHTT. Tại Việt Nam, từ bối cảnh và thực tế hiện nay, cần phải nghiên cứu khả năng và lộ trình thành lập tòa chuyên trách về SHTT vì các lý do sau:

Thứ nhất, xu thế hội nhập quốc tế về SHTT trở nên phổ biến và tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa. Việt Nam đã ký kết các hiệp định song phương liên quan đến quyền tác giả như: Hiệp định thiết lập quan hệ quyền tác giả Việt Nam - Hoa Kỳ (năm 1997); Hiệp định giữa Việt Nam và Thụy Sĩ về bảo hộ quyền SHTT và hợp tác trong lĩnh vực SHTT (năm 1999); Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (năm 2000). Năm 2004, Việt Nam đã nộp đơn xin gia nhập để trở thành thành viên của Công ước Bơn (Berne) về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật đã được ký tại Bơn (Thụy Sĩ) năm 1886 và Chủ tịch nước đã ký quyết định gia nhập Công ước Rô-ma bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng được thông qua tại Rô-ma (Italia) năm 1961. Theo cam kết tại các Hiệp định song phương với Hoa Kỳ, Thụy Sĩ và yêu cầu của WTO, Việt Nam đã gia nhập Công ước Giơ-ne-vơ, Công ước Brúc-xen và tuân thủ các quy định của Hiệp định TRIPS (Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT). Pháp luật Việt Nam cũng đã ghi nhận thẩm quyền dân sự cho Tòa án nhân dân (TAND) để giải quyết các tranh chấp về SHTT, bao gồm: Quyền tác giả, quyền liên quan và quyền sỡ hữu công nghiệp, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức. Việc giải quyết loại tranh chấp này dựa trên cơ sở nguyên tắc, trình tự, thủ tục được quy định chung trong Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS).[10] Năm 2005, Việt Nam cũng đã ban hành Luật SHTT và đang tiến hành sửa đổi nhiều nội dung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Thứ hai, cơ chế giải quyết tranh chấp quyền SHTT còn rườm rà, tốn kém và ít hiệu quả.[11] Luật SHTT năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) không có quy định riêng về cơ chế giải quyết tranh chấp quyền SHTT. Điều 198 Luật này quy định, khi có cơ sở để cho rằng tài sản trí tuệ được bảo hộ đang bị xâm phạm bởi một tổ chức/cá nhân nào đó, chủ sở hữu tài sản trí tuệ có thể khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đây là biện pháp dân sự. Theo đó, khi xảy ra tranh chấp về tài sản trí tuệ, chủ sở hữu tài sản trí tuệ căn cứ theo quy định pháp luật tố tụng dân sự để khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Khi khởi kiện vụ án dân sự, chủ sở hữu tài sản trí tuệ có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; xin lỗi, cải chính công khai; thực hiện nghĩa vụ dân sự; bồi thường thiệt hại; tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền SHTT với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể sở hữu tài sản trí tuệ (Điều 202). Ngoài ra, khi khởi kiện hoặc trong quá trình Tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp, chủ sở hữu tài sản trí tuệ có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong một số trường hợp.

Theo khoản 2 Điều 30 và khoản 1 Điều 37 Bộ luật TTDS năm 2015, khi xảy ra tranh chấp trong quá trình khai thác và sử dụng tài sản trí tuệ vì mục đích lợi nhuận là tranh chấp về kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết sơ thẩm tại TAND cấp tỉnh. Theo Luật Tổ chức TAND năm 2014, TAND cấp tỉnh bao gồm: Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa gia đình và người chưa thành niên. Trường hợp cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án TAND tối cao (Điểm b khoản 1 Điều 38). Trong đó, Tòa dân sự giải quyết các vụ việc dân sự; giải quyết các vụ việc kinh doanh, thương mại, phá sản, lao động, hành chính trong trường hợp tại Tòa án đó không tổ chức Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa hành chính; Tòa kinh tế giải quyết các vụ việc kinh doanh thương mại, phá sản (khoản 2, 3 Điều 3 Thông tư 01/2016/TT-CA). Như vậy, những tranh chấp về tài sản trí tuệ không liên quan đến kinh doanh, thương mại sẽ do Tòa dân sự giải quyết (không có mục đích lợi nhuận), còn những tranh chấp về tài sản trí tuệ liên quan đến kinh doanh, thương mại (có mục đích lợi nhuận) do Tòa kinh tế giải quyết, trong đó, tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan được giải quyết theo quy định của pháp luật về TTDS hoặc trọng tài (khoản 3 Điều 49 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP).

Tuy nhiên, việc áp dụng trình tự như quy định pháp luật TTDS trong giải quyết tranh chấp quyền SHTT đã bộc lộ nhiều hạn chế (đặc biệt là khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến đối tượng đặc thù như sáng chế, xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến đối tượng SHTT được bảo hộ), cơ chế kiện dân sự rườm rà, tốn kém và ít hiệu quả, vì thế các Tòa án cần phải có cơ chế pháp lý riêng để giải quyết tranh chấp quyền SHTT, qua đó bảo vệ quyền và lợi hợp pháp của các chủ thể sở hữu tài sản trí tuệ.

Thứ ba, số lượng các vụ tranh chấp về quyền SHTT ngày một gia tăng về số lượng, tính chất ngày một phức tạp thêm, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang sửa đổi Luật SHTT theo hướng tăng thẩm quyền cho Tòa án giải quyết các tranh chấp về SHTT. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có Tòa chuyên trách về SHTT cũng như không có Thẩm phán chuyên trách về lĩnh vực này, việc đào tạo, tập huấn chuyên môn về SHTT chưa đầy đủ và hiệu quả thấp; vẫn còn có tình trạng người được tập huấn không phải là người xét xử trực tiếp, hoặc ngược lại… Vì vậy, Việt Nam cần phải thành lập Tòa chuyên trách về SHTT, tập trung các Thẩm phán đào tạo về chuyên môn này để xét xử những vụ án đó, từ đó đưa ra những phán quyết chính xác, giải quyết được tận gốc rễ các xâm phạm về SHTT.[12]

Biện pháp dân sự thông qua Tòa án có những ưu điểm để bảo vệ tốt hơn cho quyền lợi của chủ thể quyền. Cụ thể, phán quyết của Tòa án sẽ có hiệu lực thi hành, tính răn đe cao hơn đối với chủ thể xâm phạm quyền; biện pháp dân sự có cơ chế áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để có thể nhanh chóng bảo vệ chứng cứ, giữ nguyên hiện trạng, tránh gây hiệu quả trầm trọng thêm cho chủ thể quyền SHTT.

Theo điểm a khoản 1 Điều 211 Luật SHTT hiện hành, bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện hành vi "xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội" sẽ là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính.

Quy định này mang tính bao quát chung chung, dẫn đến cách hiểu là tất cả đối tượng quyền SHTT sẽ có thể được bảo vệ, giải quyết thông qua biện pháp hành chính. Đây chính là nguyên nhân căn bản/cơ sở pháp lý để dẫn tới việc xử lý xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính được các chủ thể quyền SHTT, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước "ưa chuộng" sử dụng/áp dụng hơn.

Dự thảo mới đây của Luật SHTT sửa đổi đã đề xuất sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 211 như sau: "Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội" (Phương án 1).[13]

Với nội dung sửa đổi này, có thể hiểu, các xâm phạm đối với các đối tượng quyền SHTT khác là sáng chế; kiểu dáng công nghiệp; thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; tên thương mại; bí mật kinh doanh sẽ không thuộc đối tượng bị xử lý bởi biện pháp hành chính. Bởi vậy, về mặt nguyên tắc, nếu có tranh chấp xảy ra đối với những đối tượng quyền SHTT này, Tòa án sẽ là cơ quan tài phán duy nhất có thẩm quyền xử lý tranh chấp.

Nếu đề xuất này được thông qua, đây sẽ là bước tiến đáng kể trong quá trình định hướng chuyển dịch thẩm quyền xử lý tranh chấp, nâng cao vị thế, vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền SHTT. Song điều này cũng sẽ mang đến nhiều thách thức to lớn cho hệ thống TAND, vì đối tượng quyền SHTT đã nêu, đặc biệt là sáng chế hay thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, đều là những đối tượng có hàm lượng và bản chất kỹ thuật cao, đòi hỏi những cán bộ Tòa án thụ lý vụ việc phải nắm vững không chỉ pháp luật về SHTT, mà còn cả những vấn đề liên quan đến khoa học, kỹ thuật.[14]

Do dự thảo Luật SHTT sửa đổi đang hướng tới việc không áp dụng biện pháp hành chính liên quan đến một số đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, nên với những tranh chấp liên quan đến các đối tượng SHTT nêu trên (nếu xảy ra), hầu hết sẽ được xử lý bởi biện pháp dân sự và "dồn" đến hệ thống Tòa án. Có thể nói, đây là một bước chuyển dịch về mặt cơ chế nhằm thúc đẩy vai trò của Tòa án và giảm thiểu vai trò quyết định của cơ quan hành chính trong giải quyết các vụ việc tranh chấp SHTT. Tuy nhiên, với những tồn tại hiện có, việc thực hiện bước chuyển đổi nêu trên sẽ là một thách thức không nhỏ, gây ra nhiều trở ngại đối với cả bên xét xử và các bên tranh chấp.

Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia đề xuất việc thành lập Tòa SHTT tại TAND cấp tỉnh và TAND cấp cao. Về thẩm quyền, chỉ cho phép Tòa án cấp tỉnh tiến hành thụ lý và xét xử tất cả các loại vụ việc tranh chấp SHTT. Tòa SHTT tại TAND cấp cao, có vai trò xét xử phúc thẩm bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp tỉnh chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Đồng thời, các cơ chế TTDS hiện hành liên quan đến việc giải quyết tranh chấp SHTT cũng cần được xem xét, sửa đổi theo hướng rút gọn, đơn giản hóa cơ chế tiếp nhận xét xử, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời… để bảo đảm tốt hơn, kịp thời hơn cho quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền SHTT.[15]

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, tài sản SHTT ngày một đa dạng và phong phú, đặc biệt trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0, Việt Nam cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế và thiết chế pháp luật nhằm bảo hộ quyền SHTT ngày một hiệu quả hơn, đặc biệt là việc nghiên cứu cơ chế giải quyết tranh chấp về SHTT tại Tòa chuyên trách. Đây là đòi hỏi khách quan trong quá trình cải cách tư pháp nói chung và hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo vệ quyền SHTT nói riêng ở Việt Nam hiện nay[16].

 

Hải quan  ngăn chặn hàng hóa xuất nhập khẩu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ - Ảnh MH

 

[1] Xem trang web của Tòa này tại: https://www.ip.courts.go.jp/eng/index.html, truy cập ngày 14/8/2021.

[2] Nguồn: https://www.ip.courts.go.jp/eng/vc-files/eng/2021/e_kousosin.pdf.

[3] Nguồn: https://www.ip.courts.go.jp/eng/vc-files/eng/2021/e_siketutorikesi.pdf.

[4] Theo Giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ tại Nhật Bản và một số gợi mở đối với Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, tại: https://thanhtra.most.gov.vn/thanhtra/tin-tuc/4/204/giai-quyet-tranh-chap-quyen-so-huu-tri-tue-tai-nhat-ban-va-mot-so-goi-mo-doi-voi-viet-nam.aspx,  truy cập ngày 14/8/2021.

[5] Theo Kinh nghiệm của Thái Lan trong bảo hộ sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo, Cổng Thông tin điện tử Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại: http://ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=22056, truy cập ngày 14/8/2021.

[6] Xem trang web của Tòa án này tại: https://ipitc.coj.go.th/th/content/page/index/id/191441.

[7] Xem Thẩm quyền của Tòa án Trung ương về SHTT và Thương mại quốc tế Thái Lan tại: https://ipitc.coj.go.th/th/content/page/index/id/191448, truy cập ngày 14/8/2021.

[8] Nguồn: https://ipitc.coj.go.th/th/file/get/file/202106020a76a87d98fac3f19645216274b2ee13113032.pdf.

[9] Xem Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC, Nghiên cứu hệ thống tòa án một số nước và khuyến nghị đối với hệ thốngTòa án nhân dânViệt Nam, Tạp chí TAND số 15/2021, tr. 55.

[10] Xem TS. Nguyễn Văn Luật, Nhu cầu thành lập Tòa sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 15 (391), tháng 8/2019, bản điện tử tại: http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210379, truy cập ngày 14/8/2021.

[11] TS. Nguyễn Văn Luật, tlđd.

[12] TS. Nguyễn Văn Luật, tlđd.

[13] Xem dự thảo tại https://duthaoonline.quochoi.vn/Pages/dsduthao/chitietduthao.aspx?id=7371, truy cập ngày 14/8/2021.

[14] Xem Trần Mạnh Hùng, Nguyễn Tuấn Linh, Cần thành lập tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ, Báo điện tử Đầu tư, tại https://baodautu.vn/can-thanh-lap-toa-an-chuyen-trach-ve-so-huu-tri-tue-d144711.html, truy cập ngày 14/8/2021.

[15] Trần Mạnh Hùng, Nguyễn Tuấn Linh, tlđd.

[16] TS. Nguyễn Văn Luật, tlđd.

ThS TẠ ĐÌNH TUYÊN