Mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm thất nghiệp
Thất nghiệp gia tăng làm cho tình hình kinh tế xã hội bất ổn, các tệ nạn xã hội và tội phạm gia tăng, làm băng hoại các giá trị đạo đức, văn hóa của gia đình và xã hội. Vì vậy, hạn chế thất nghiệp và đảm bảo ổn định đời sống của người lao động trong trường hợp bị thất nghiệp là mục tiêu chung của mỗi quốc gia.
Gần hơn với người lao động
Sau 10 năm triển khai, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã dần đi vào cuộc sống, được cả người lao động và doanh nghiệp đón nhận một cách tích cực. Hiện có hơn 13 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.Chính sách BHTN nhằm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động trong thị trường lao động, được thực hiện từ ngày 1-1-2009 và quy định rõ trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH). Đến thời điểm 1-1-2015, BHTN được thực hiện theo Luật Việc làm gắn với các biện pháp ngăn ngừa, hạn chế sa thải lao động, hỗ trợ tích cực đối với người thất nghiệp; phù hợp thông lệ quốc tế. Đến nay, về cơ bản, chính sách BHTN đã hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của việc triển khai và đem lại lợi ích cho người sử dụng lao động. Số người mong muốn tham gia BHTN ngày càng nhiều.
Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết, chính sách BHTN đã từng bước đi vào cuộc sống, hỗ trợ thiết thực cho cả người lao động và người sử dụng lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Hãy thử hình dung, nếu 4,6 triệu lượt người thất nghiệp, sẽ tạo một gánh nặng như thế nào cho doanh nghiệp và xã hội. Chính sách BHTN hỗ trợ cho người lao động trong khoảng thời gian thất nghiệp, nhưng cũng hỗ trợ không ít cho người sử dụng lao động. Doanh nghiệp không phải chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm. Có thể thấy, chính sách có tác dụng rất lớn với người lao động và người sử dụng lao động.
Thực hiện quy định của Luật Việc làm, 63 trung tâm dịch vụ việc làm của ngành lao động – xã hội đã tổ chức sắp xếp lại để thực hiện các chế độ BHTN cho người lao động như: tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, xét duyệt và thẩm định hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Ngoài ra, các trung tâm còn tổ chức 234 điểm tiếp nhận và ủy thác tại các quận, huyện xa trụ sở chính nhằm giảm bớt khó khăn khi đi lại của người lao động.
Số lượng người tham gia và đóng BHTN tăng qua các năm, bảo đảm chỉ tiêu Chính phủ giao. Nếu như vào năm 2009, mới chỉ có gần sáu triệu người tham gia BHTN, thì tới năm 2015 (thời điểm đầu tiên Luật Việc làm có hiệu lực) đã có hơn 10,3 triệu người tham gia. Đến năm 2018, có gần 12,7 triệu người tham gia, bằng 87,7% tổng số người tham gia BHXH bắt buộc (14,45 triệu người). Đến thời điểm hiện nay, số người tham gia BHTN đã cán đích hơn 13 triệu người. Ước tính, đến thời hiện tại, Quỹ BHTN kết dư hơn 80 nghìn tỷ đồng. Dự báo đến năm 2020, Quỹ này vẫn bảo đảm an toàn.
Ông Lê Quang Trung đánh giá, những “điểm sáng” của chính sách BHTN trước hết là nhờ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đồng bộ, đầy đủ, kịp thời và theo hướng tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế, góp phần giải quyết an sinh xã hội.
Phấn đấu 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN
Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, đã đặt ra mục tiêu cải cách chính sách BHXH (trong đó bao gồm chính sách BHTN), để BHXH thực sự là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội; từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, với những mục tiêu cụ thể: Giai đoạn đến năm 2021: Phấn đấu đạt khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Giai đoạn đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; giai đoạn đến năm 2031, con số này là 45%. Để thực hiện các mục tiêu này cũng như để thực hiện chính sách BHTN đạt hiệu quả, theo các chuyên gia, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách BHTN tại Luật Việc làm vào năm 2021 – 2022 theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động; khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi BHTN; phát huy đầy đủ các chức năng của BHTN; bảo đảm BHTN thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động; đồng thời tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Việc làm.
Hai là, nâng cao năng lực quản lý, quản trị thị trường lao động thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thông tin việc làm, thất nghiệp, biến động trong thị trường lao động, đặc biệt là kết nối cung – cầu lao động và liên thông thị trường lao động.
Ba là, cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm công. Theo đó, đảm bảo xây dựng mạng lưới này phù hợp với Công ước 88 của ILO về tổ chức dịch vụ việc làm; xây dựng và vận hành mạng lưới các trung tâm dịch vụ việc làm công với đội ngũ nhân viên thực hiện chuyên nghiệp, bài bản, chất lượng; thực hiện tốt và hiệu quả chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động một cách tối đa.
Bốn là, hoàn thiện cơ chế, chính sách về trợ cấp thất nghiệp nhằm hỗ trợ, bù đắp một phần thu nhập cho người lao động trong thời gian thất nghiệp, dựa trên nguyên tắc đóng – hưởng, công bằng, bình đẳng và có sự chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHTN.
Năm là, nâng cao công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chính sách BHTN cho người lao động và doanh nghiệp để các bên hiểu đúng, hiểu đủ về mục tiêu chính sách BHTN.
Sáu là, hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ, năng lực của người lao động nhằm duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động trong thời gian thất nghiệp được học nghề, đào tạo nghề gắn với công việc lâu dài.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận