Mở rộng hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính là một hướng đi đúng đắn

Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ được trình để Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Trước đó, ngày 14/9/2019, dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Dự án này đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quá trình chuẩn bị, sáng kiến pháp luật cũng như trách nhiệm trong việc xây dựng dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Vai trò và tầm quan trọng của hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính

Có thể thấy, trong các phương thức giải quyết tranh chấp thì hòa giải là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp mang tính truyền thống, phù hợp với tâm lý, tình cảm và văn hóa của người Việt Nam. Truyền thống này đã được ghi nhận và pháp luật cũng có khung pháp lý cơ bản cho hoạt động hòa giải, đối thoại phát triển, bao gồm cả cơ chế hòa giải, đối thoại trong tố tụng và hòa giải ngoài tố tụng.

Hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

Từ những ý nghĩa và tầm quan trọng nêu trên, tăng cường hòa giải, đối thoại luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm [1]. Tại phiên họp ngày 15/12/2017, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã kết luận: “…giao Tòa án nhân dân tối cao triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính; đề xuất việc hoàn thiện cơ sở pháp lý và các điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu thực tiễn…”. Tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: “Việc Tòa án mở rộng thí điểm hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính là một hướng đi đúng đắn. Trên cơ sở tổng kết thí điểm, phải nghiên cứu để tạo ra các thiết chế bảo đảm quyền tự quyết của người dân theo đúng tinh thần việc dân sự cốt ở đôi bên”.

Thực tiễn chứng minh

Thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại đạt được những kết quả vô cùng to lớn. Sau 6 tháng triển khai thực hiện hoạt động thí điểm tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng và 09 Tòa án nhân dân cấp huyện của thành phố này, tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành được 1.827 vụ việc/2.399 vụ việc, đạt tỷ lệ 76,2%. Sau thành công thí điểm tại Hải Phòng, Tòa án nhân dân tối cao mở rộng triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau gần 10 tháng thực hiện thí điểm, các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của 16 tỉnh, thành phố đã hòa giải thành, đối thoại thành được 36.985 vụ việc, trên tổng số 47.493 vụ việc được hòa giải, đối thoại, đạt tỷ lệ 78,08%.

Những con số “biết nói” nêu trên đã chứng minh hòa giải, đối thoại là một phương thức giải quyết tranh chấp hữu hiệu.

Ưu điểm của phương thức hòa giải, đối thoại

Kết quả thí điểm đạt được nêu trên đã khẳng định những giá trị mà phương thức giải quyết tranh chấp này mang lại. Đó là, sự tôn trọng tối đa tự do ý chí, quyền tự định đoạt của các bên tham gia với sự hỗ trợ của các Hòa giải viên giúp các bên trao đổi, đàm phán với nhau, gợi ý về các giải pháp phù hợp để giải quyết tranh chấp. Thời gian giải quyết nhanh chóng. Tranh chấp được giải quyết một cách kín đáo và bảo mật thông tin, tiêu chí mà phương thức giải quyết bằng tố tụng tại Tòa án không có được. Thông qua hòa giải, đối thoại, các bên tìm được tiếng nói chung, hài hòa lợi ích các bên từ đó giữ gìn được mối quan hệ tốt đẹp. Việc hòa giải, đối thoại được tiến hành tại Tòa án cũng tạo được sự tin tưởng cho các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại. Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được pháp luật thừa nhận và bảo đảm thực hiện. Kết quả giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại qua quá trình thương lượng, có sự thỏa thuận, nhất trí của các bên nên được các bên tôn trọng, tuân theo, do đó có tính khả thi cao.

Hòa giải, đối thoại thành công sẽ giảm tải công việc và áp lực đối với công tác xét xử của Tòa án, hạn chế khiếu kiện kéo dài qua nhiều cấp, tiết kiệm được chi phí, công sức, thời gian của Nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân. Và đây cũng là phương thức giải quyết tranh chấp ít tốn kém.

Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cũng cho thấy hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp với xu thế của thời đại, thúc đẩy giao lưu dân sự, kinh tế phát triển đồng thời nâng cao hình ảnh, uy tín quốc gia trên bình diện quốc tế.

Đối với các khiếu kiện hành chính, đối thoại giúp nâng cao hiệu quả giải quyết, hạn chế khiếu kiện kéo dài.

Bên cạnh đó, Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cũng thu hút, huy động nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm trong xã hội (lãnh đạo địa phương, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên đã nghỉ hưu, người đã từng tham gia công tác Hội thẩm, các luật sư…) tham gia phối hợp cùng Tòa án tiến hành hòa giải, đối thoại để giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.

Hòa giải, đối thoại, với vai trò và tầm quan trọng, với sự kiểm nghiệm của thực tiễn và những ưu điểm nêu trên, chúng tôi mong muốn rằng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ sớm được Quốc hội xem xét, thông qua. Chúng tôi tin tưởng rằng, khi được thông qua, Luật sẽ tạo hành lang pháp lý và bước đột phá trong việc đẩy mạnh hòa giải, đối thoại trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật và cải cách tư pháp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

1. Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020;
– Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020;
– Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03-6-2013 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới;
– Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03-6-2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;
– Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03-6-2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

SƠN HẢI