Mộc Châu Milk và Vinamilk chính thức ra mắt và khởi động “Tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu”
Mộc Châu, Sơn La – Ngày 28.05.2022, Công ty Cổ phần Giống Bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) và Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã chính thức ra mắt và khởi công dự án “TỔ HỢP THIÊN ĐƯỜNG SỮA MỘC CHÂU” – hệ sinh thái nông nghiệp khép kín, hiện đại gồm trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái và nhà máy chế biến sữa công nghệ cao.
Sự kiện có sự tham dự của Ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, đoàn công tác của Chính phủ, các đoàn Đại biểu Quốc hội, Lãnh đạo tỉnh Sơn La, huyện Mộc Châu.
Tại sự kiện, Vinamilk và Mộc Châu Milk đã chính thức khởi công cho hạng mục “Trang trại sinh thái, bò sữa công nghệ cao Mộc Châu” và nhận Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho hạng mục Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao Mộc Châu, đánh dấu cột mốc quan trọng và chính thức bắt tay vào xây dựng nên Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu.
Thủ tướng Chính phủ cùng các đại biểu và lãnh đạo của Vinamilk, Mộc Châu Milk thực hiện nghi thức khởi công Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu.
“Thiên đường sữa” trên thảo nguyên Mộc Châu
Trải qua hơn 65 năm hình thành và phát triển, Công ty Mộc Châu Milk đã gắn bó với người dân địa phương để phát triển ngành chăn nuôi sữa và góp phần đưa thương hiệu sữa Mộc Châu trở nên thân thuộc với người tiêu dùng cả nước. Từ đầu năm 2020, sau khi Vinamilk thực hiện thành công thương vụ mua bán sáp nhập thì Mộc Châu Milk chính thức trở thành đơn vị thành viên của Vinamilk. Hai tên tuổi lớn của ngành sữa đã dành hơn 2 năm cùng nghiên cứu, hình thành dự án mang tên “TỔ HỢP THIÊN ĐƯỜNG SỮA MỘC CHÂU” với tổng vốn đầu tư lên đến 3.150 tỷ đồng.
Dự án Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu hội tụ các thế mạnh từ bề dày hơn 65 năm gắn bó và phát triển chăn nuôi bò sữa của Mộc Châu Milk và nguồn lực tài chính, quản trị cũng như kinh nghiệm của Vinamilk trong việc xây dựng thành công 13 nhà máy và 13 trang trại bò sữa trên cả nước, trong đó có các mô hình đặc sắc như Trang trại Bò sữa Organic chuẩn châu Âu, Resort Bò sữa 4.0, Trang trại sinh thái Vinamilk Green Farm.
Có thể nói, đây là một trong những dự án về nông nghiệp công nghệ cao có quy mô đầu tư lớn nhất từ trước đến nay và cũng là mô hình “Thiên đường sữa” đầu tiên được Vinamilk và Mộc Châu Milk giới thiệu tại Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, Bà Mai Kiều Liên, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Vinamilk kiêm Chủ tịch HĐQT Mộc Châu Milk cho biết: “Dự án dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2024. Tổ hợp dự án với Trang trại sinh thái, bò sữa công nghệ cao và nhà máy chế biến sữa hiện đại, đạt chuẩn quốc tế sẽ là hạt nhân để phát triển ngành sữa địa phương và đưa thương hiệu sữa Mộc Châu ngày càng lớn mạnh. Vinamilk và Mộc Châu Milk sẽ tích cực triển khai để xây dựng dự án theo đúng tiến độ, mang lại hiệu quả bền vững. Tin tưởng rằng với dự án này, một chương mới sẽ được mở ra trong hành trình phát triển của vùng đất “thiên đường sữa” tại Mộc Châu, Sơn La.”
Bà Mai Kiều Liên, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Vinamilk kiêm Chủ tịch HĐQT Mộc Châu Milk phát biểu về các định hướng chiến lược đối với dự án.
Hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao đi đôi với phát triển bền vững
Dựa trên định hướng mục tiêu là phát triển du lịch tại Mộc Châu gắn liền với chiến lược phát triển nông nghiệp Tỉnh Sơn La, trong đó ngành chăn nuôi bò sữa là chủ lực, Vinamilk và Mộc Châu Milk đã xây dựng “Tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu” như một hệ sinh thái khép kín từ sản xuất nông nghiệp tới chế biến sữa công nghệ cao đi đôi với phát triển bền vững, kết hợp du lịch sinh thái để bảo tồn và phát huy các giá trị của thiên nhiên, đồng cỏ vốn là bản sắc vùng cao nguyên Mộc Châu. Cụ thể, Tổ hợp gồm 02 hạng mục chính: Trang trại bò sữa công nghệ cao có quy mô đàn bò 4.000 con bò sữa, với vốn đầu tư 700 tỷ đồng, dự kiến cung cấp 20 triệu lít sữa tươi/năm làm nguyên liệu cho nhà máy sữa. Trang trại sử dụng công nghệ hiện đại, máy móc thiết bị được đầu tư đạt các tiêu chuẩn mới nhất Châu Âu, Mỹ… đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường. Khu du lịch, cảnh quan sinh thái đồng cỏ có vốn đầu tư 300 tỷ đồng gồm các công trình dịch vụ tiện ích, văn hóa nghệ thuật, trải nghiệm tìm hiểu hoạt động chăn nuôi bò sữa góp phần giới thiệu văn hoá, lịch sử, đặc sản của địa phương và quảng bá thương hiệu Sữa Mộc Châu. Khu vực đồng cỏ rộng lớn kết nối với trang trại, cung cấp nguồn nguyên liệu thức ăn tươi xanh, chuẩn quốc tế cho đàn bò sữa 4.000 con.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác nghe giới thiệu về tổ hợp dự án có vốn đầu tư lên đến hơn 3.000 tỷ của Vinamilk và Mộc Châu Milk.
Ngoài ra, Mộc Châu Milk còn đầu tư thêm 150 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng quy mô Trung tâm Giống bò sữa Mộc Châu 2 hiện có lên 2.000 con bò sữa, giúp gia tăng nguồn sữa tươi nguyên liệu và con giống cho thị trường trong nước.
“Trang trại sinh thái, bò sữa công nghệ cao Mộc Châu”: mô hình trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái có diện tích quy hoạch là 150 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 1.000 tỷ đồng, gồm:
Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao Mộc Châu, có diện tích 26 ha, tổng mức đầu tư 2 giai đoạn của nhà máy này là 2.000 tỷ đồng, với công suất thiết kế ước đạt gần 500 tấn sữa/ngày (giai đoạn 1 và có thể nâng lên 1.000 tấn sữa/ngày trong giai đoạn 2).
Ông Phạm Hải Nam (đứng giữa) – Tổng Giám đốc Mộc Châu Milk đại diện nhận Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho hạng mục “Nhà máy sữa công nghệ cao Mộc Châu” từ lãnh đạo Tỉnh Sơn La.
Nhà máy được thiết kế mô hình kiến trúc xanh phù hợp với cảnh quan thiên nhiên Mộc Châu; ứng dụng công nghệ 4.0 toàn diện trong hệ thống quản lý và vận hành với các tiêu chuẩn quốc tế. Nhà máy cũng sẽ được đầu tư những công nghệ ưu việt giúp bảo vệ môi trường sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo các chỉ tiêu về phát triển bền vững.
Chỉ đạo về việc triển khai dự án, Thủ tướng nhấn mạnh về nhiệm vụ của Vinamilk, Mộc Châu Milk và tỉnh Sơn La: “Thứ nhất là phát triển kinh tế tuần hoàn, mọi lĩnh vực phải tuần hoàn, kết nối với nhau. Thứ hai là phải phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường. Đây là yêu cầu rất cao vì cao nguyên Mộc Châu không phải chỉ phát triển chăn nuôi mà chăn nuôi kết nối với du lịch, chăn nuôi kết nối với công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch. Vì vậy, yêu cầu bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực chăn nuôi là rất cao, chi phí lớn, nhưng tôi tin chắc là Vinamilk sẽ làm được, với tư duy của Anh hùng Lao động Mai Kiều Liên, đã có nhiều năm cống hiến cho ngành sữa, cộng với kinh nghiệm đã làm ở các nơi, tôi tin chắc chắn sẽ làm được tại Sơn La.”
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại sự kiện.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng dành sự khích lệ cho tỉnh Sơn La cùng hai công ty Mộc Châu Milk và Vinamilk với việc triển khai dự án trên cơ sở khai thác hiệu quả các thế mạnh của Mộc Châu. Thủ tướng hoan nghênh Mộc Châu Milk trong một thời gian ngắn đã hoàn thành thủ tục đầu tư và việc đầu tư có được sự chắc chắn, được nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng, bài bản, cũng như tin tưởng rằng sự phối hợp giữa hai bên sẽ có các bước đi nhanh hơn để nắm bắt các cơ hội.
Ông Nguyễn Hữu Đông - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sơn La nhận định: “Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu sẽ trở thành “Kỳ quan Tây Bắc”, là một hình ảnh biểu tượng cho thương hiệu sữa Mộc Châu thông qua mô hình sản xuất nông nghiệp và chế biến sữa độc đáo, hấp dẫn của Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Không chỉ mang đến bước phát triển mới cho ngành chăn nuôi bò sữa và công nghiệp chế biến sữa tại Mộc Châu mà dự án còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, du lịch, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, với mục tiêu xây dựng Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.”
Ông Nguyễn Hữu Đông - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sơn La phát biểu và đánh giá cao về dự án do Vinamilk, Mộc Châu Milk đầu tư tại Mộc Châu.
Dự án “Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu” hứa hẹn sẽ là một dấu ấn mới trong sự phát triển của Vinamilk và Mộc Châu Milk nói riêng, góp phần mang đến một diện mạo mới cho ngành chăn nuôi bò sữa tại Mộc Châu, được kỳ vọng trở thành một điểm nhấn về nông nghiệp - kinh tế - du lịch theo định hướng phát triển bền vững của Sơn La và cả nước.
Bài liên quan
-
9 tháng đầu năm, thị trường nước ngoài tăng 15,7%, đóng góp gần 8.350 tỷ đồng cho Vinamilk
-
NHỮNG CÂU NÓI CỦA BÀ MAI KIỀU LIÊN LÀM NÊN “CHẤT” VINAMILK
-
Vinamilk kịp thời hỗ trợ 550.000 sản phẩm thiết yếu cho người dân vùng lũ lụt
-
Vinamilk khẳng định chất lượng và mở ra các lợi thế cạnh tranh mới cho sữa Việt khi xuất khẩu
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận