Mỗi năm Tòa án cấp tỉnh phải đề xuất ít nhất 5 bản án, quyết định là nguồn để phát triển án lệ
Chánh án TANDTC vừa có chỉ đạo quán triệt về công tác phát triển án lệ, tại Công văn số 136/TANDTC-PC ngày 13/ 8 /2021.
Trong thời gian vừa qua TANDTC đã tiến hành tổng kết 5 năm công tác phát triển án lệ. Qua tổng kết cho thấy, mặc dù Chánh án TANDTC đã ban hành Chỉ thị số 04/2016/CT-CA ngày 30 /5/ 2016 về tăng cường công tác phát triển và công bố áp dụng án lệ trong xét xử, nhưng thực tế mới chỉ có một số Tòa án, đơn vị, cá nhân trong hệ thống TAND có đóng góp trong việc rà soát, nghiên cứu, đề xuất các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để đề xuất phát triển thành án lệ, còn đại đa số các Tòa án, đơn vị, cá nhân chưa tham gia vào công tác phát triển án lệ.
Nhiều Thẩm phán chưa thực sự quan tâm đến công tác nâng cao chất lượng các bản án, quyết định dẫn đến một số bản án, quyết định của Tòa án được ban hành chưa bảo đảm tính chuẩn mực, không đáp ứng được yêu cầu là nguồn án lệ. Số lượng bản án, quyết định được đề xuất là nguồn án lệ còn hạn chế, dẫn đến số lượng án lệ được công bố trong thời gian vừa qua chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Để tiếp tục tăng cường công tác phát triển và áp dụng án lệ trong TAND, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phát triển án lệ và nâng cao chất lượng các bản án, quyết định, Chánh án TANDTC quán triệt một số yêu cầu cụ thể.
Chánh án TAND và Chánh án Chánh án TAQS các cấp, Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra I, II, III của TANDTC phạm vi thẩm quyền được giao có trách nhiệm nghiêm túc tổ chức thực hiện các quy định tại Điều 3 và Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về việc đề xuất các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là nguồn để phát triển thành án lệ và áp dụng án lệ.
Quán triệt cho Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp khác trong cơ quan, đơn vị chủ động tìm hiểu, nghiên cứu nội dung các án lệ đã được Chánh án TANDTC công bố để xem xét áp dụng vào thực tiễn công tác.
Tăng cường công tác tập huấn về kỹ năng viết bản án cho các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký tòa án trong cơ quan, đơn vị mình nhằm nâng cao chất lượng các bản án, quyết định. Đối với các vụ án có định hướng đề xuất phát triển thành án lệ thì cần lên ý tưởng xây dựng án lệ từ khi tiến hành viết bản án, quyết định có chứa đựng lập luận phán quyết để đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn án lệ, nhằm nâng cao chất lượng nguồn án lệ; hướng dẫn cách viện dẫn án lệ.
Các đơn vị thuộc TANDTC tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định tại Mục 3 đến 19 Phần 1 Chỉ thị số 04/ 2016/ CT-CA ngày 30/5 /2016 về việc tăng cường công tác phát triển và công bố án lệ, áp dụng án lệ trong xét xử.
Chánh án TANDTC cũng yêu cầu các TANDCC, các TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mỗi đơn vị phải đề xuất mỗi năm ít nhất 5 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là nguồn để phát triển thành án lệ.
Các vụ Giám đốc kiểm tra I,II,III, mỗi đơn vị mỗi năm phải đề xuất ít nhất 3 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là nguồn để phát triển thành án lệ,
Các TAQS Quân khu và tương đương mỗi đơn vị mỗi năm phải đề xuất ít nhất 2 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là nguồn để phát triển thành án lệ.
Một phiên tòa hành chính tại TAND Tp HCM - Ảnh: Di Lâm/ NLĐ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận