Một số bất cập trong quy định về cấp dưỡng và kiến nghị hoàn thiện

Cấp dưỡng là một chế định pháp lý được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tuy nhiên quy định về cấp dưỡng trong pháp luật hiện hành vẫn còn nhiều hạn chế về mức cấp dưỡng, thời điểm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng... Bài viết trên cơ sở phân tích quy định của luật nêu ra những điểm bất cập và kiến nghị hoàn thiện quy định.

1.Dẫn nhập

Nghĩa vụ cấp dưỡng cho người được cấp dưỡng vừa thể hiện trách nhiệm của người cấp dưỡng đối với người được cấp dưỡng vừa thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với những người yếu thế. Quy định về cấp dưỡng đã được rất nhiều học giả nghiên cứu nhưng chưa toàn diện và thống nhất. Từ đó dẫn đến cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được cấp dưỡng và thực tế cũng cho thấy việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con của cha mẹ vẫn còn nhiều bất cập. Bài viết sẽ phân tích một số điểm bất cập của quy định về cấp dưỡng và đưa ra các kiến nghị hoàn thiện quy định này.

2.Quy định về cấp dưỡng và kiến nghị hoàn thiện quy định

2.1. Định nghĩa cấp dưỡng

Theo Luật Hôn nhân & Gia đình (HNGĐ) 2014 tại Điều 3 khoản 24 kế thừa quy định Luật HNGĐ 2000 tại Điều 8 khoản 11 định nghĩa cấp dưỡng như sau: “Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, là người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này”. Định nghĩa cấp dưỡng của Luật HNGĐ năm 2000 và năm 2014 đã khắc phục được những bất cập của Luật HNGĐ 1986, những quy định cấp dưỡng hiện hành mang tính khái quát cao, có phạm vi rộng, đảm bảo quyền lợi của các thành viên được cấp dưỡng[1].

Tuy nhiên, theo tác giả, định nghĩa về cấp dưỡng theo quy định hiện hành vẫn còn một số điểm hạn chế, chẳng hạn theo khoản 24  Điều 3 Luật HNGĐ 2014 thì “Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác...”, theo đó tại khoản 1 Điều 105 BLDS 2015 thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

Như vậy, tiền là một loại tài sản và do đó định nghĩa về cấp dưỡng không cần tách tiền và tài sản như hiện nay, theo một tác giả “nếu như thừa nhận tài sản khác như giấy tờ có giá, quyền tài sản cũng là tài sản mang ra chuyển giao thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì không nhất thiết phải tách thành tiền hoặc tài sản khác[2].

Từ những phân tích trên, theo tác giả, cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tài sản để đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, là người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.

2.2. Bất cập trong quy định về cấp dưỡng và kiến nghị hoàn thiện

Thứ nhất, về mức cấp dưỡng

Theo quy định tại Điều 116 Luật HNGĐ 2014 thì mức cấp dưỡng được xác định dựa trên thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Mặc dù pháp luật quy định như vậy nhưng việc hiểu và áp dụng trên thực tế vẫn còn tồn đọng nhiều bất cập.

Có nhiều trường hợp Tòa án xác định mức cấp dưỡng chỉ dựa trên thu nhập và khả năng thực tế của người được cấp dưỡng chứ không phải dựa vào nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Hiểu như vậy là chưa đúng với quy định tại Điều 116 Luật HNGĐ 2014.

Ngoài ra, mức cấp dưỡng theo thoả thuận chưa đảm bảo nhu cầu thiết yếu của con. Mặc dù mức cấp dưỡng hiện nay do các bên thỏa thuận, tuy nhiên đại đa số người dân tại các vùng nông thôn, miền núi chưa hiểu rõ bản chất của nghĩa vụ cấp dưỡng nên dẫn đến thỏa thuận của họ chưa thể hiện đúng bản chất của việc cấp dưỡng. Nhiều người khi không trực tiếp nuôi con chỉ cho con một ít tiền để ăn quà chứ dường như họ chưa ý thức được nghĩa vụ cấp dưỡng của bản thân. Trong Quyết định số 154/20117/QĐST-HNGĐ ngày 26 tháng 7 năm 2017 của TAND Tp Thanh Hóa: “Tháng 01/2007 anh Lương Trọng T và chị Hoàng Thị M ly hôn, hai bên thỏa thuận là mỗi tháng anh T cấp dưỡng 200.000 đồng. Đến tháng 8/2017 hai bên thỏa thuận mỗi tháng anh T cấp dưỡng 600.000 đồng mỗi tháng cho đến khi con đủ 18 tuổi”. Nhìn vào thực tiễn vấn đề thì số tiền 200.000 đồng và thậm chí 600.000 đồng thì làm sao đủ để cho nhu cầu sống, học tập, phát triển bình thường của trẻ.

Pháp luật hiện hành chưa có một văn bản nào quy định cụ thể mức cấp dưỡng cho con sau khi bố mẹ ly hôn. Để xác định mức cấp dưỡng cụ thể, Tòa án thường căn cứ vào chứng từ, hóa đơn... liên quan đến chi phí hợp lý để nuôi dưỡng, chăm sóc con. Tuy nhiên, không phải bất cứ một giao dịch dân sự nào cũng có hóa đơn, chứng từ rõ ràng, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của con. Khác với Việt Nam, tại Singapore, mức chi phí, thời hạn phải cung cấp chi phí không do hai bên cha mẹ thỏa thuận, mà do Tòa án quyết định dựa trên việc thu nhập của mỗi người do thu nhập đều công khai rõ ràng. Đó là căn cứ cụ thể nhất giúp Tòa án ra quyết định chính xác về mức cấp dưỡng cho con chung và đảm bảo việc thực hiện trách nhiệm này một cách triệt để, tránh tình trạng trốn tránh trách nhiệm của cha, mẹ như ở Việt Nam (kê khai không trung thực, không đầy đủ thu nhập hoặc thông báo mất khả năng cấp dưỡng…).[3]

Theo tác giả, các nhà làm luật cần quy định mức cấp dưỡng tối thiểu để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được cấp dưỡng. Mặc dù mức sống cũng như điều kiện sống ở từng địa phương là khác nhau, tuy nhiên mỗi con người sinh ra đều có những nhu cầu cơ bản là giống nhau, họ có quyền được học tập, được hưởng một môi trường sống lành mạnh, được ăn no mặc ấm… thì việc quy định về mức cấp dưỡng tối thiểu là cưỡng bách. Vậy việc quy định mức cấp dưỡng tối thiểu vùng dựa vào đâu? Như đã phân tích ở trên thì việc quy định mức cấp dưỡng tối thiểu vùng có thể dựa vào mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.Và theo tác giả, cần quy định mức cấp dưỡng tối thiểu bằng 1/3 mức lương tối thiểu vùng thì sẽ đảm bảo được đáp ứng phần nào nhu cầu về học tập, sinh hoạt, ăn mặc của con.

Thứ hai, về thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

Pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện nay chưa có một văn bản nào quy định về thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi ly hôn. Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Có quan điểm cho rằng nghĩa vụ cấp dưỡng bắt đầu từ ngày bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, có quan điểm cho rằng nghĩa vụ cấp dưỡng tính từ ngày người có nghĩa vụ cấp dưỡng không sống chung với con.

Quan điểm thứ nhất cho rằng thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng bắt đầu từ ngày bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.[4] Thực tiễn xét xử cho thấy nhiều Tòa án đã áp dụng quan điểm này: “Ông S và bà T thuận tình ly hôn và thỏa thuận với nhau, cháu L do bà T trực tiếp nuôi dưỡng. Sau khi xem xét hồ sơ vụ án, Tòa án đã quyết định… buộc ông S có nghĩa vụ đóng góp tiền cấp dưỡng nuôi con chung cùng bà T với số tiền 5.000.000 đồng, tính từ tháng 3 năm 2016, trùng với thời gian tuyên án của Tòa.”[5]. Thêm nữa, với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 482 BLTTDS 2015 thì: 

“2. Những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị:

a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả công lao động, nhận người lao động trở lại làm việc, trả lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất tinh thần của công dân; quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công;”

Quan điểm thứ hai cho rằng, thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng do các bên thỏa thuận với nhau và Tòa án không tuyên trong bản án. Bởi lẽ, pháp luật không có quy định nào về thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung nên Tòa cũng không cần phải ghi thời điểm vào quyết định mà cho các bên đôi ước với nhau. Tại bản án sơ thẩm số 218/2017/QĐST-HNGĐ của TAND huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương: “Tòa án quyết định giao con chung là cháu Lê Minh N cho bà T nuôi dưỡng, ông T1 có nghĩa vụ cấp dưỡng mỗi tháng 1.500.000 đồng cho đến khi Lê Minh N đủ 18 tuổi. Trong bản án này Tòa không tuyên là thời điểm nào thì anh T1 bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.”

Quan điểm thứ ba cho rằng, thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng bắt đầu từ ngày người có nghĩa vụ cấp dưỡng không sống chung với con. Theo quy định tại Điều 110 Luật HNGĐ 2014 thì nghĩa vụ cấp dưỡng được đặt ra khi cha, mẹ không còn sống chung với con. Điều luật hoàn toàn không giới hạn về việc chỉ cấp dưỡng khi cha, mẹ ly hôn và cơ quan xét xử cũng không có quyền đi vào cửa hẹp để cho rằng chỉ cấp dưỡng khi ly hôn. Việc cha, mẹ là người có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi không còn sống chung với con là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, bởi lẽ suy cho cùng việc cấp dưỡng là để tạo điều kiện cho con sống và phát triển một cách đầy đủ, toàn diện. Theo đó, trong trường hợp vợ chồng ly thân trước khi ly hôn thì người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con kể từ ngày ly thân theo quy định tại Điều 110 Luật HNGĐ 2014.

Từ đó, theo tác giả cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Có như vậy mới đảm bảo việc áp dụng pháp luật được thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi để Tòa án ra quyết định, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đương sự. Thêm nữa, thì “Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con bắt đầu từ phát sinh từ khi cha, mẹ không sống chung với con, trừ trường hợp các bên tự thỏa thuận”.

Thứ ba, về nghĩa vụ của cha mẹ khi chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ sau khi ly hôn đối với con có thể nói là một trong những điều kiện sống còn quyết định sự tồn tại và phát triển của con. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải cha mẹ nào cũng thực hiện đúng nghĩa vụ cấp dưỡng của mình đã thỏa thuận. Trong trường hợp cha mẹ chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con thì có phải chịu lãi chậm trả hay không hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau làm ảnh hưởng đến quyền lợi của chính người con.

Nhìn từ quy định Luật HNGĐ 2014 và các văn bản có liên quan đến hôn nhân và gia đình hiện nay thì không có một điều khoản nào quy định về việc chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con. Điều này vô hình trung làm cho việc hiểu và áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước cũng như người trực tiếp cấp dưỡng không thống nhất.

Việc chịu lãi chậm trả theo quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS 2015 hay không còn tùy thuộc vào quan điểm của Tòa án. Theo quy định tại Điều 282 BLDS 2015: “Nghĩa vụ được thực hiện theo định kỳ theo thỏa thuận, theo quy định pháp luật hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Việc chậm thực hiện nghĩa vụ theo từng kỳ cũng được coi là chậm thực hiện nghĩa vụ” đối chiếu với quy định tại Điều 117 Luật HNGĐ 2014 thì: “Việc cấp dưỡng được thực hiện theo định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm hoặc một lần”. Theo đó, bản chất nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ bằng tiền nên khi chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cũng được xem như chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền mà theo quy định tại Điều 357 BLDS 2015 và phải chịu tiền lãi chậm trả theo quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS 2015.

Trong thực tiễn xét xử cho thấy: “Hồ Thanh T cấp dưỡng cho cháu Dương Thị Huỳnh A1, sinh ngày 06/3/2003 mỗi tháng 1.000.000 đồng (một triệu đồng). Thực hiện từ tháng 12/2019 đến khi cháu Huỳnh A1 tròn 18 tuổi, lao động được. Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.” [6]

Bên cạnh đó thì: “Nguyễn Văn M có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu Nguyễn Đức Tuệ N, sinh ngày 01/01/2016 với số tiền là 1.000.000 đồng/tháng (Một triệu đồng/tháng); về thời điểm cấp dưỡng nuôi con: Kể từ ngày xét xử sơ thẩm 30/5/2017 cho đến khi cháu N đủ 18 tuổi.[7]. Trong vụ việc trên, Tòa án hoàn toàn không bắt người chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu lãi suất chậm trả theo quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS 2015.

Theo tác giả, các nhà làm luật cần quy định người chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ như một chế tài, bởi lẽ cấp dưỡng là một quan hệ đặc thù mang tính cấp bách, nếu không thực hiên ngay sẽ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sức khoẻ, tính mạng của người được cấp dưỡng[8]. Điều này sẽ hạn chế việc người có nghĩa vụ cấp dưỡng chậm thực hiện cấp dưỡng và góp phần đảm bảo quyền lợi của người được cấp dưỡng. Mặt khác, khi người thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng chậm thực hiện do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan tác động thì có nên đặt ra ngoại lệ về chịu tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ không? Theo tác giả, thì việc đặt ra ngoại lệ đối với trường hợp người thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng khi chịu sự tác động của sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan là điều có thể chấp nhận được. Tuy nhiên chúng ta sẽ đặt ra nghĩa vụ bồi hoàn lại phần cấp dưỡng mà người thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thực hiện được trong khoản thời gian trên. Bởi lẽ, người được cấp dưỡng là những người gần như không tạo ra được thu nhập, họ phải cần số tiền cấp dưỡng để đáp ứng một số nhu cầu thiết yếu nên việc bồi hoàn lại phần chưa được cấp dưỡng trong thời gian người cấp dưỡng chưa thể thực hiện được việc cấp dưỡng là hợp lý.

Thứ tư, về tạm ngừng cấp dưỡng

Theo Điều 117 Luật HNGĐ 2014 quy định: “Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”. Tạm ngừng cấp dưỡng ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người được cấp dưỡng do người được cấp dưỡng sẽ không nhận phần cấp dưỡng trong một khoảng thời gian và vì vậy người giám hộ hay người trực tiếp nuôi dưỡng sẽ phải chi trả trước. Hơn nữa, việc xác định tiêu chí “khó khăn về kinh tế” là rất khó khăn, về thời điểm tạm ngừng cấp dưỡng chấm dứt thì luật dường như bỏ ngỏ.

Theo tác giả,  để tạm ngừng việc cấp dưỡng, người được cấp dưỡng phải lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế do những yếu tố khách quan như sức khoẻ bị giảm sút, do dịch bệnh ảnh hưởng tới công việc kiếm sống của họ... và dù họ còn tài sản nhưng tài sản đó cũng chỉ đủ để nuôi sống bản thân họ.

Hơn nữa, việc tạm ngừng cấp dưỡng chấm dứt cũng phải được xác định một cách rõ ràng, chẳng hạn việc tạm ngừng cấp dưỡng cho con chưa thành niên thì thời gian chấm dứt việc tạm ngừng phải trước khi đứa trẻ đó 18 tuổi và có khả năng lao động, bởi lẽ nếu việc tạm ngừng cấp dưỡng chấm dứt sau khoảng thời gian này thì sẽ trái với bản chất của quan hệ cấp dưỡng đồng thời sẽ gây thiệt thòi cho quyền lợi của người nuôi dưỡng.

3.Kết luận

Quy định về cấp dưỡng của Luật HNGĐ 2014 đã phần nào khắc phục được những bất cập của những đạo luật trước, góp phần bảo vệ quyền lợi của người được cấp dưỡng và cân bằng được lợi ích của người cấp dưỡng. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong quy định cấp dưỡng hiện hành chưa bảo vệ được toàn diện người được cấp dưỡng và vẫn chưa đặt ra rõ ràng các tiêu chí về tạm ngừng cấp dưỡng hay mức cấp dưỡng. Để quy định cấp dưỡng được áp dụng vào thực tiễn dễ dàng đòi hỏi các nhà làm luật phải quy định rõ ràng nhằm khẳng định rõ bản chất của cấp dưỡng.

 

TAND huyện Krông Pắc, Đắk Lắk xét xử vụ án “Ly hôn, tranh chấp về con chung” - Ảnh: Dương Thanh


[1] Trần Phương Mai (2018), Cấp dưỡng theo quy định của pháp luật Việt Nam và thực tiễn thi hành, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr. 8.

[2] Đào Thị Thuý Hằng (2020), Cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình theo pháp luật Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr. 7.

[3] Chapter 4 – Financial provisions consequent on matrimonial proceedings; Section 115. Power of court to order security for maintenance.

[4] Nguyễn Thu Hương, Nguyễn Hồng Nhung (2022), “Bàn về thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con trong trường hợp Tòa án xác định cha cho con”, Tạp chí Tòa án Nhân dân, https://tapchitoaan.vn/ban-ve-thoi-diem-bat-dau-thuc-hien-nghia-vu-cap-duong-nuoi-con-trong-truong-hop-toa-an-xac-dinh-cha-cho-con6760.html, truy cập 11/09/2022.

[5] Quyết định sơ thẩm số 232/2016/QĐST-HNGĐ ngày 15/03/2016 của Tòa án nhân dân quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.

[6] Bản án 76/2020/HNGĐ-PT ngày 17/11/2020 của Tòa án Nhân dân tỉnh Tiền Giang.

[7] Bản án 07/2017/HNGĐ-PT ngày 23/08/2017 của Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Trị.

[8] Đào Thị Thuý Hằng, Tlđd, tr. 7.

NGUYỄN VĂN PHÚC & NGUYỄN HOÀNG BÁ HUY (Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh)