Bàn về mức nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn quy định tại khoản 2 điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình
Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn là nghĩa vụ pháp lý, đồng thời cũng là “nghĩa vụ đạo lý” của người làm cha, làm mẹ đối với con cái khi vợ chồng ly hôn; nghĩa vụ này được điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật.
1. Quy định của pháp luật về nghĩa vụ cấp dưỡng.
Khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”
Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.
Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.
2. Thực tiễn áp dụng khi giải quyết việc cấp dưỡng nuôi con.
Từ thực tiễn khi giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình, các Toà án còn có một số vưỡng mắc nhất định về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con và mức cấp dưỡng nuôi con, cho nên ngày 16/5/2024 Hội đồng Thảm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP, hướng dẫn một số quy định của của pháp luật trong việc giải quyết vụ việc về Hôn nhân và gia đình, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con được quy định tại Điều 7 của Nghị quyết.
“Điều 7. Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật Hôn nhân và gia đình.
1. Trường hợp người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng thì Tòa án giải thích cho họ việc yêu cầu cấp dưỡng cho con là nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con. Nếu xét thấy người trực tiếp nuôi con có khả năng, điều kiện nuôi dưỡng và việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện thì Tòa án không buộc bên kia phải cấp dưỡng cho con.
2. Tiền cấp dưỡng cho con là toàn bộ chi phí cho việc nuôi dưỡng, học tập của con và do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không thoả thuận được thì Tòa án quyết định mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Mức cấp dưỡng do Tòa án quyết định nhưng không thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng đối với mỗi người con.
3. Trường hợp các bên không thỏa thuận được phương thức cấp dưỡng thì Tòa án quyết định phương thức cấp dưỡng hàng tháng hoặc phương thức khác phù hợp với nhu cầu, lợi ích của con và điều kiện kinh tế của người cấp dưỡng.
4. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình phát sinh kể từ thời điểm cha, mẹ không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.
Như vậy tại khoản 2 Điều 7 của Nghị quyết đã quy định về tiền cấp dưỡng và mức cấp dưỡng nuôi con; tiền cấp dưỡng nuôi con là toàn bộ chi phí cho việc nuôi dưỡng, học tập của con; mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận, trường hợp các bên không thoả thuận được thì Tòa án quyết định; mức cấp dưỡng do Toà án nhưng không thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng đối với mỗi người con.
Ngày 30/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2024/NĐ-CP, theo quy định của Nghị định này thì mức lương tối thiểu vùng IV sẽ là 3.450.000 đồng/tháng; như vậy mức cấp dưỡng cho con do Toà án quyết định sẽ không thấp hơn 1.725.000 đồng. Số tiền này là số tiền tối thiểu cần thiết cho toàn bộ chi phí cho việc nuôi dưỡng, học tập của con.
Song vấn đề đặt ra ở đây, là Toà án sẽ quyết định buộc người cha, hoặc người mẹ không trực tiếp nuôi con phải cấp dưỡng 1.725.000 đồng hay là tối thiểu phải bằng ½ của số tiền 1.725.000 đồng.
3. Kiến nghị và đề xuất.
Hiện nay đang có hai cách hiểu khác nhau về khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP như sau:
Cách hiểu thứ nhất: Theo cách hiểu này thì Toà án cần buộc người cha hoặc người mẹ không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con tối thiểu là 1.725.000 đồng/tháng, bởi trong “ý cuối” của khoản 2 Điều 7 Nghị quyết đã ghi “… Mức cấp dưỡng do Tòa án quyết định nhưng không thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng đối với mỗi người con”.
Cách hiểu thứ hai: Mức cấp dưỡng do Toà án quyết định là không thấp hơn 862.500 đồng/tháng; diễn giải của cách hiểu này đó là tại “ý đầu” của khoản 2 Điều 7 Nghị quyết ghi “Tiền cấp dưỡng cho con là toàn bộ chi phí cho việc nuôi dưỡng, học tập của con”. Như vậy 1.725.000 đồng là toàn bộ số tiền tối thiểu cho việc nuôi dưỡng, học tập của mỗi người con; mức tối thiểu này là trách nhiệm của cả người cha và người mẹ phải “bỏ ra”cấp dưỡng cho mỗi người con; cho nên người cha hoặc người mẹ không trực tiếp nuôi con chỉ phải chịu 862.500 đồng/tháng.
Mong TANDTC sẽ có giải đáp, hướng dẫn kịp thời để thống nhất trong đường lối xét xử của các Tòa án nhân dân.
Tài liệu tham khảo:
- Luật hôn nhân và gia đình.
- Nghị quyết số 01/2024/HĐTPTANDTC, ngày 16/5/2024 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nguyễn Văn B có phạm tội “tàng trữ trái phép súng săn không”?
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Những điểm mới về chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất tại Luật BHXH năm 2024
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Thừa Thiên – Huế: Buôn lậu gỗ, cựu cán bộ kiểm lâm lĩnh án tù
Bình luận