Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền nhân thân của người lao động chưa thành niên tại Việt Nam
Pháp luật dù đã có những quy định về bảo vệ quyền lợi cho nhóm đối tượng lực lượng lao động trẻ, nhưng thực tế cho thấy nhiều vấn đề còn tồn tại. Bài viết chỉ ra một số hạn chế về sự thiếu đồng bộ của các quy định pháp luật trong thực tiễn, từ đó, đề xuất các kiến nghị nhằm nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của quyền nhân thân đối với người lao động chưa thành niên, đồng thời tạo ra môi trường làm việc an toàn và công bằng cho người lao động chưa thành niên.
Đặt vấn đề
Lực lượng lao động trẻ đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, nâng cao năng suất lao động và đổi mới sáng tạo, phù hợp với định hướng của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, những vấn đề như khai thác sức lao động, thiếu sự bảo vệ quyền lợi hợp pháp, và môi trường làm việc không an toàn cùng nhiều yếu tố khác đang diễn ra phổ biến ảnh hưởng rất lớn đến quyền nhân thân của người lao động chưa thành niên (NLĐCTN).
Để giải quyết những bất cập này, cần có sự hoàn thiện và đồng bộ hơn trong hệ thống pháp luật, cũng như nâng cao ý thức của người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ). Bài viết này sẽ đi sâu vào phân tích những hạn chế hiện tại trong pháp luật bảo đảm quyền nhân thân của NLĐCTN, đồng thời đưa ra những kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho nhóm lao động đặc biệt này trong xã hội hiện đại.
1. Định nghĩa về bảo đảm quyền nhân thân của người lao động chưa thành niên
Tại Điều 143 Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019, thì NLĐCTN là “người dưới 18 tuổi tham gia vào quan hệ lao động với công việc phù hợp được quy định, làm việc theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động”[1].
Tại Điều 25 BLDS 2015, quyền nhân thân là một loại quyền dân sự. Theo cách hiểu chung nhất, quyền nhân thân là một bộ phận của quyền con người, “quyền dân sự gắn liền với người lao động, không thể chuyển giao cho người khác trong quá trình tham gia vào quan hệ lao động trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”[2].
Do vậy, quyền nhân thân của NLĐ được hiểu là quyền thuộc về cá nhân, những quyền lợi liên quan mật thiết đến những nhu cầu cần có của mỗi cá nhân tồn tại trong xã hội. Quyền nhân thân không thể chuyển giao cho người khác, chỉ do chính cá nhân đó có quyền thực hiện hoặc do người đại diện của họ thực hiện trong một số trường hợp do pháp luật quy định.
Từ đó, nhóm tác giả rút ra định nghĩa “Bảo đảm quyền nhân thân của người lao động chưa thành niên là việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền lao động của người lao động chưa thành niên khi tham gia vào quan hệ lao động”.
Việc nghiên cứu các quy định về bảo vệ quyền nhân thân của NLĐCTN để nâng cao hiệu quả việc thực thi pháp luật trên thực tế cũng vô cùng cấp thiết.
2. Quy định của pháp luật Việt Nam về bảo đảm quyền nhân thân của người lao động chưa thành niên
Thứ nhất, quy định về thời gian làm việc để bảo vệ NLĐCTN
Tại khoản 1 Điều 146 BLLĐ 2019: “Thời gian làm việc của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm”. Ta có thể thấy việc quy định giới hạn thời làm việc cho NLĐCTN là quan trọng cho sự phát triển cả về thể chất và tinh thần cho họ. Bởi vậy, để bảo vệ NLĐCTN pháp luật quy định về thời gian làm việc của họ. Cụ thể, NSDLĐ phải bố trí thời gian làm việc hợp lý dành cho NLĐCTN và không được vượt quá mức trần do BLLĐ quy định. Ngoài ra, NSDLĐ không được bố trí họ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. Nhằm mục đích dành những khoản thời gian còn lại cho họ được nghỉ ngơi, dành thời gian để được học tập và tham gia các hoạt động xã hội khác.
Đối với NLĐ từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì NSDLĐ phải sắp xếp thời gian làm việc cho họ không được vượt quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần. Vì NLĐ từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi đã có sự phát triển tương đối về thể chất và tinh thần nên để đáp ứng nhu cầu thu nhập của họ và nhu cầu sử dụng lao động của NSDLĐ và họ có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số ngành nghề, công việc theo Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2000 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên quy định.
Trên thực tế, mặc dù pháp luật hạn chế hoặc cấm NLĐCTN làm thêm, làm việc vào ban đêm nhưng các em vẫn muốn làm và được sự đồng ý của NSDLĐ thì trong trường hợp này, thỏa thuận của các bên vẫn là hợp pháp và nếu sử dụng đối tượng này thì NSDLĐ vẫn sẽ vi phạm pháp luật lao động.
Thứ hai, quy định bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh đối với lao động chưa thành niên
Trong quan hệ lao động, NLĐCTN thường ở vị trí yếu thế hơn so với NSDLĐ do chưa phát triển hoàn toàn về thể lực, trí lực như người đã thành niên. Đồng thời, đang trong giai đoạn phát triển chưa đầy đủ về thể chất, trí tuệ và định hình nhân cách, nếu đảm nhiệm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm độc hại hoặc lao động trong môi trường thiếu sự lành mạnh sẽ ảnh hưởng đến khả năng lao động, định hướng cuộc đời của họ sau này. Vì thế để bảo vệ NLĐCTN, pháp luật quy định danh mục các công việc ảnh hưởng tới sức khỏe, sự phát triển của NLĐCTN.
Bên cạnh đó, Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH còn liệt kê thêm nơi làm việc và các công việc cấm sử dụng NLĐCTN. Những điều kiện lao động dành cho NLĐCTN và những việc cấm trong Thông tư này đều là những nơi làm việc và những công việc ảnh hưởng tới đến sự phát triển thể lực và trí lực của người chưa thành niên. Còn đối NLĐ dưới 15 tuổi, NSDLĐ phải đảm bảo rằng họ chỉ làm các công việc nhẹ theo Danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành. Đối với NLĐ chưa đủ 13 tuổi được làm các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh. Ngoài ra, còn phải lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Thứ ba, giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) giữa NSDLĐ và NLĐCTN
Lao động chưa thành niên là đối tượng lao động đặc thù, do đó HĐLĐ của đối tượng này có nhiều điểm khác biệt so với những NLĐ trưởng thành.
Trong quan hệ lao động giữa người chưa thành niên và NSDLĐ luôn luôn tồn tại thêm vai trò của người giám hộ của NLĐ chưa thành niên. Xuất phát từ nguyên tắc tự do thỏa thuận, thương lượng, ký kết và thực hiện HĐLĐ, NLĐ phải chủ động, tự nguyện quyết định các nội dung của quan hệ lao động. Vì thế cũng chính vì những đặc điểm của mình mà NLĐCTN thường ở vị thế bất lợi hơn trong việc ký kết HĐLĐ.
Đối với NLĐ từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi khi tiến hành giao kết HĐLĐ với NSDLĐ phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của NLĐ. Đối với NLĐ dưới 15 tuổi thì khi giao kết hợp đồng cũng phải có được sự đồng ý người đại diện theo pháp luật của NLĐ và trong trường hợp này phải được sự đồng ý của người dưới 15 tuổi tham gia quan hệ lao động.
Khi giao kết HĐLĐ đối với NLĐCTN, NLĐ cần tuân thủ các quy định pháp luật về việc làm đối với nhóm người này. Trong trường hợp NLĐ và NSDLĐ ký kết hợp đồng nhưng không thể đáp ứng các yêu cầu về hình thức, chủ thể, nội dung … mà pháp luật đòi hỏi họ phải tuân thủ theo, HĐLĐ có thể bị coi là vô hiệu.
Thứ tư, tiền lương và quyền lợi bảo hiểm đối với lao động chưa thành niên
Với đặc thù riêng của mình, NLĐCTN được pháp luật lao động quy định giảm giờ làm việc so với lao động đã thành niên, nhưng không vì thế mà tiền lương dành cho họ thấp hơn so với lao động chưa thành niên, họ vẫn sẽ được trả một khoản lương như NLĐ thành niên căn cứ vào năng suất và chất lượng công việc nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính Phủ quy định. Bên cạnh đó NSDLĐ phải thực hiện nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho NLĐCTN.
3. Thực trạng và bất cập của pháp luật về bảo đảm quyền nhân thân của người lao động chưa thành niên
3.1. Tình hình chung về bảo đảm quyền nhân thân của lao động chưa thành niên ở Việt Nam hiện nay
Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em. Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, gia đình và xã hội. Sự quan tâm này được thể chế hóa trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật quốc gia và các chương trình quốc gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Theo số liệu khảo sát quốc gia về lao động trẻ em Việt Nam năm 2018, trẻ em lao động chiếm 9,1% dân số trẻ em từ 5 đến 17 tuổi. Tiếp đến theo ước tính toàn cầu mới nhất, số lượng trẻ em tham gia lao động trẻ em đã tăng lên 160 triệu trẻ em trên toàn thế giới - tăng 8,4 triệu trẻ em trong bốn năm qua. Việc tham gia vào thị trường lao động từ khi còn rất sớm của người chưa thành niên luôn mang theo nhiều chiều hướng quan điểm khác nhau như gây ảnh hưởng về đời sống, sức khỏe và sự phát triển của trẻ hay tham gia vào thị trường lao động sẽ khai thác và phát huy hết khả năng và năng lực của NLĐCTN.
Tuy nhiên trên thực tiễn có hơn 50% lao động trẻ em phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc, độc hại. Trong khi đó, thời gian làm việc của lao động trẻ em phải làm những công việc này lại khá dài (40,6% trẻ em nhóm này phải làm việc >40 tiếng/tuần). Đồng thời trong các lĩnh vực lao động chưa có những chế định thắt chặt giám sát và theo dõi kịp thời, có những lĩnh vực hoạt động hợp pháp theo pháp luật quy định nhưng nhiều trường hợp làm việc không tuân theo các thủ tục và “tình trạng vi phạm pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng lao động chưa thành niên vẫn còn tồn tại”. Trong quá trình lao động không bảo đảm được đồ bảo hộ, đảm bảo sức khỏe, thời gian làm việc, vi phạm điều kiện lao động…
3.2. Một số hạn chế còn tại trong việc bảo đảm quyền nhân thân của người lao động chưa thành niên
Thực trạng về bảo đảm quyền nhân thân của NLĐCTN đã và đang còn tồn tại nhiều hạn chế và bất cập sau:
Một là, những quy định đảm bảo bảo quyền nhân thân của NLĐ chưa triệt để và toàn diện. Trước hết NLĐCTN chưa ổn định về thể chất, tinh thần và vẫn trong độ tuổi đi học do đó làm sao cân bằng được khi tham gia lao động và “bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến thời gian học tập” chưa được toàn diện cho tất cả NLĐCTN vì nhu cầu lao động trong điều kiện cho phép khác nhau, mỗi học sinh có lịch học và khối lượng bài tập khác nhau nên việc đánh giá, cụ thể hóa các tiêu chí vẫn chưa được rõ ràng cho các nhóm NLĐCTN.
Về kiểm tra sức khỏe định kỳ có quy định yêu cầu kiểm tra sức khỏe định kỳ nhưng không chi tiết về tiêu chuẩn khám sức khỏe, phạm vi khám, và không có biện pháp để đảm bảo rằng kết quả khám sẽ được sử dụng đúng cách để bảo vệ NLĐCTN khỏi các công việc không phù hợp với thể trạng. Các danh mục công việc, nơi làm việc gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên chỉ đang liệt kê mà chưa có sự quy chuẩn về khái niệm, tiêu chí đánh giá, mức độ cho lĩnh vực ngành nghề nơi làm việc cụ thể dẫn đến thực thi áp dụng mang tính chủ quan.
Hai là, thiếu nhân lực chuyên môn về quản lý giám sát, kiểm tra bảo đảm quyền nhân thân của NLĐCTN. Việc thanh tra và xử lý các vi phạm liên quan đến lao động trẻ em chưa được chú trọng, dẫn đến tình trạng lạm dụng lao động trẻ em thường xuyên xảy ra. Theo báo cáo của UNICEF, nhiều trẻ em ở Việt Nam vẫn phải làm việc trong điều kiện không an toàn, đặc biệt là trong các ngành nghề nặng nhọc, độc hại.
Tiếp đến căn cứ tại khoản 1 Điều 146 BLLĐ 2019: “Thời gian làm việc của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm” nhưng trên thực tế ở các lĩnh vực như biểu diễn nghệ thuật, thể thao, các ngành truyền thống thủ công mỹ nghệ cùng các ngành đòi hỏi kinh nghiệm và sự tập luyện thường xuyên và liên tục, vậy trong khoảng thời gian làm việc và tập luyện hoặc thời gian nghỉ ngơi đan xen thời gian làm thêm cho công việc tương ứng đó thì sẽ được ai giám sát kiểm tra quyền lợi cho bên NLĐCTN nếu việc làm quá thời gian thuộc về phía trách nhiệm của người chưa thành niên là tự nguyện, không ép buộc mà chưa đề cập đến sự thỏa thuận hay sự đồng ý của cả hai bên NLĐ hoặc đại diện cho NLĐ và NSDLĐ.
Sự thiếu hụt về số lượng và chất lượng thanh tra lao động đã khiến cho những vi phạm không được phát hiện và xử lý kịp thời, gây nguy cơ cho sức khỏe và sự phát triển của NLĐCTN.
Ba là, sự lỏng lẻo về quy trình tuyển dụng, làm giả giấy tờ. Việc sử dụng bản căn cước giả đăng ký tạm trú hoặc sử dụng bản căn cước thật không đủ tuổi khai báo tạm trú để làm việc trong nhà máy ngày càng nhiều, theo thống kê “những đường dây làm giả thông tin bản căn cước công dân đã diễn ra phổ biến trên địa bàn các khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh; 37 doanh nghiệp cung ứng lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được UBND tỉnh cấp phép”3.
Thực tế bàn về việc đã được cơ quan chức năng đưa ra các cam kết không vi phạm BLLĐ một cách chặt chẽ và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên thì vẫn chưa nhận được sự xác nhận đúng đắn. Một trong những trường hợp có thể xuất hiện tình trạng làm giấy khám sức khỏe giả hoặc mua, trao đổi đó là việc “Phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc và tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất một lần trong 06 tháng”, sở dĩ nói như vậy vì trong điều luật này chỉ đòi hỏi có giấy khám sức khỏe và có sự xác nhận của cơ quan có thẩm quyền mà không có sự thống nhất của một cơ quan, nơi ghi nhận chính thức để xác nhận, chứng minh sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi đủ điều kiện.
Bốn là, tình trạng lao động phi chính thức, lao động tạm thời cũng là một trong những bất cập phát sinh ảnh hưởng. Nhiều lao động trẻ em làm việc trong các ngành nghề phi chính thức như tại các chợ, quán ăn, hoặc khu vực dịch vụ mà không có HĐLĐ. Điều này khiến cho họ không được bảo vệ theo các quy định của pháp luật lao động và không được hưởng các quyền lợi cơ bản như bảo hiểm xã hội, nghỉ phép hay lương tối thiểu. Những công việc phi chính thức này thường mang tính tạm thời, gây ra lỗ hổng trong các quy định khi NSDLĐ có thể khai không đúng sự thật và việc kiểm chứng lại cũng tốn nhiều thời gian, kiểm tra giám sát không thường xuyên nên không thể nắm bắt hết các trường hợp nhỏ lẻ, diễn ra ở nhóm nhỏ, hoặc một phạm vi không rộng.
4. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền nhân thân của người lao động chưa thành niên
Trên cơ sở một số hạn chế còn tồn tại, pháp luật lao động nước ta về quyền nhân thân của NLĐCTN. Vì lẽ đó, nhóm tác giả xin đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện quy định về bảo đảm quyền nhân thân cho NLĐCTN như sau:
Thứ nhất, trong vấn đề quyền đảm bảo sự phát triển toàn diện của lao động chưa thành niên ở Việt Nam
Hiện nay pháp luật chưa có quy định riêng về quyền đảm bảo sự phát triển toàn diện của lao động chưa thành niên nên tình trạng người chưa thành niên bị làm việc quá sức, bị hành hạ, cưỡng ép lao động trong độ tuổi đi học, làm những công việc nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe… vẫn là những vấn đề nan giải, chưa thực sự được giải quyết triệt để qua sự thực thi của pháp luật. Do vậy, BLLĐ cần quy định rõ các điều, khoản về vấn đề kiểm tra sức khỏe định kỳ cho NLĐCTN, có những biện pháp khắc phục tình trạng lao động chưa thành niên phải làm các công việc quá sức gây tổn hại đến thể lực và trí lực. Các biện pháp, giải pháp hoàn thiện pháp luật đó khi đề ra phải phù hợp với thực tiễn, không trái với các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan và phải đảm bảo quyền được phát triển toàn diện của lao động chưa thành niên.
Không chỉ vậy, đối với tình trạng lao động phi chính thức, lao động trẻ em làm việc tại các chợ dân sinh, quán ăn, dịch vụ… mà không có HĐLĐ khiến cho quyền lợi cơ bản về BHXH, nghỉ phép hay lương tối thiểu của họ không được bảo đảm thì pháp luật cũng cần có các quy định cụ thể về vấn đề lao động chưa thành niên phi chính thức, ghi nhận các quyền lợi của họ trong BLLĐ để lao động chưa thành niên đó được bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền lợi liên quan.
Thứ hai, trong vấn đề giao kết HĐLĐ với NLĐCTN
Cần quy định thống nhất về vấn đề này trong một điều luật để tiện cho việc xác định căn cứ giao kết HĐLĐ của NLĐCTN. Đối với người từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần bổ sung quy định về vấn đề người đại diện tham gia ký kết HĐLĐ. Bên cạnh đó, cũng cần quy định cụ thể về tiêu chuẩn sức khỏe của NLĐCTN.
Ngoài ra, cũng cần bổ sung quy định của pháp luật về việc giám sát, kiểm tra quy trình tuyển dụng, quy định cụ thể, chi tiết các giấy tờ pháp lý liên quan đến việc tuyển dụng của NLĐCTN để tránh sự lỏng lẻo về quy trình tuyển dụng, làm giả giấy tờ pháp lý để được đi làm và tránh những hậu quả khôn lường cho bộ phận lao động trẻ của xã hội. Để khắc phục tình trạng làm giả giấy tờ pháp lý, sử dụng căn cước công dân giả để đăng ký tạm trú, khai khống tuổi trên căn cước để được nhận vào các nhà máy, cơ sở làm việc thì nhóm đề ra giải pháp các ban thanh tra, giám sát lao động cần phối hợp với NSDLĐ, chính quyền địa phương (cảnh sát khu vực) để thẩm định các loại giấy tờ pháp lý của NLĐCTN trước khi giao kết hợp đồng nhằm đảm quyền lợi cho các bên trong quan hệ lao động, tránh xảy ra rủi ro, hậu quả nặng nề khi tham gia lao động.
Thứ ba, trong vấn đề thời giờ nghỉ ngơi, thời giờ làm thêm
Đối với thời gian nghỉ ngơi của NLĐCTN, hiện tại pháp luật cũng chưa có quy định riêng để điều chỉnh. Lao động chưa thành niên và lao động thành niên khác nhau về thể trạng, về nhu cầu cũng như các yếu tố thể chất khác nên cần có quy định phù hợp cho từng nhóm đối tượng bởi hiện tại chỉ có quy định áp dụng chung cho cả lao động thành niên và lao động chưa thành niên. Điều này chưa thực sự phù hợp với lao động thành niên trong việc bảo đảm thể chất, sức lực, tinh thần.
Pháp luật lao động hiện nay chưa có các quy định về thời gian làm thêm, làm việc ban đêm, những danh mục công việc được làm thêm, làm vào ban đêm của NLĐCTN trong trường hợp được làm thêm, làm việc ban đêm theo quy định của pháp luật, vẫn áp dụng như đối với lao động thông thường. Do sự hạn chế về thể lực thì pháp luật nên có quy định cụ thể áp dụng riêng cho NLĐCTN để giúp các em vừa có thêm thu nhập và vẫn bảo đảm được sức khỏe, sự phát triển bình thường của NLĐCTN.
Thứ tư, trong vấn đề an toàn lao động, vệ sinh lao động
Việc hoàn thiện pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động cần quy định bổ sung các tiêu chuẩn mới như tiêu chuẩn về thời hạn sử dụng tối đa các thiết bị, máy móc… quy định cụ thể về các quy trình kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; quy định về tiêu chuẩn đánh giá rủi ro liên quan đến môi trường làm việc, công cụ, máy móc, thiết bị, các chất và tác nhân hóa học, vật lý, sinh học, các quy trình làm việc…
Quy định về trách nhiệm của NSDLĐ, cần bổ sung quy định về trách nhiệm trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động cho phù hợp với đặc điểm về thể chất của NLĐCTN .
Cần có quy định về trình tự khám sức khỏe làm cơ sở cho việc đánh giá hoạt động khám sức khỏe cho NLĐCTN, tránh việc khám, cấp giấy chứng nhận sức khỏe mang tính hình thức. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên, xử lý nghiêm ngặt đối với các hành vi vi phạm của NSDLĐ đối với NLĐCTN.
Thứ năm, trong vấn đề kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất đối với NLĐCTN
Trong các biện pháp xử lý kỷ luật đối với NLĐCTN cần bổ sung hình thức nhắc nhở, giáo dục áp dụng với những hành vi vi phạm gây thiệt hại nhỏ. Với những em dưới 15 tuổi khi áp dụng các hình thức kỷ luật cần có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người giám hộ; hoặc miễn kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất; hoặc áp dụng nguyên tắc giảm nhẹ dần mức kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất đối với NLĐCTN ít tuổi.
Hoàn thiện cơ chế hoạt động của Tòa gia đình và người chưa thành niên nhằm bảo đảm xây dựng một hệ thống tư pháp người chưa thành niên toàn diện mà Tòa gia đình và người chưa thành niên là trung tâm. Tăng cường vai trò của các cơ quan trợ giúp pháp lý đối với các vi phạm quyền trẻ em; tăng cường vai trò của các cơ chế ngoài tư pháp như cơ chế thanh tra, trọng tài…
Kết luận
Những quy định trên cho ta thấy được sự quan tâm sâu sắc của pháp luật Việt Nam dành cho NLĐCTN. Qua đó chúng ta cũng thấy được một số bất cập cần khắc phục, thông qua những bài học kinh nghiệm từ quốc tế chúng ta cần hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta và đưa ra các chế định phù hợp nhằm bảo vệ quyền nhân thân cho NLĐCTN trong thời kỳ nước ta bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ luật Lao động năm 2019.
2. Bộ luật Dân sự năm 2015.
3. Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2000 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên.
4. Children and Young Persons Act 2006.
5. Child Development Co-Savings Act.
6. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật lao động Việt Nam tập II, Nxb. Công an nhân dân, 2021.
7. Nguyễn Văn Phi, Thời giờ làm việc của người chưa thành niên như thế nào, LS. Hoàng Phi, TS. Đào Quang Vinh, Nguyễn Bảo Cường, ThS. Nguyễn Thị Thủy và cộng sự (2020). Viet Nam National Child Labour Survey 2018.
8. Nguyễn Thị Thu Hường, Bảo vệ quyền nhân thân cho lao động chưa thành niên theo pháp luật Việt Nam, Tạp chí Khoa học & Công nghệ, Số 172(12/2), 2017, tr.45-49.
9. Nguyễn Khánh, Chấn chỉnh kịp thời vi phạm trong sử dụng lao động chưa thành niên, https://www.baohanam.com.vn/doi-song/chan-chinh-kip-thoi-vi-pham-trong-su-dung-lao-dong-chua-thanh-nien-126457.html.
10. ILO and UNICEF, Child Labour: Global estimates 2020, trends and the road forward (2021).
[1] Điều 143 BLLĐ 2019.
[2] Điều 25 BLDS 2015.
3 Nhóm PV Tạp chí Lao động và Công đoàn, “Kỳ 4: Vì sao vi phạm pháp luật dễ dàng ?”, https://laodongcongdoan.vn/boc-lot-suc-lao-dong-tre-chua-thanh-nien-ky-4-vi-sao-vi-pham-phap-luat-de-dang-100999.html?fbclid=IwY2xjawGyFr9leHRuA2FlbQIxMAABHeRHDoYv5Z1OjDjCEzhEYLP_O0UIyZyAvnfQl_85OUj_5ojP2Qu-5L4DuA_aem_9sL4hE9Udr1Fc29UWxX9kQ&gidzl=Tg0iLHwHWrfmk2HN6us7LNgoA5qCXOfUDR9zNLdHY0PYjNWE2e2D36E_AGS2YemAQRWh1pLO1vOw7vEDM0.
Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận