Một số bất cập về quy định của hợp đồng giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp

Bài viết phân tích các bất cập trong các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể tham gia hợp đồng giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp mà các bên đã ký kết theo Nghị định số 01-CP ngày 04/01/1995 của Chính phủ ban hành bản quy định về việc hợp đồng giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trong các doanh nghiệp nhà nước. Những bất cập này là nguyên nhân chính dẫn đến phát sinh tranh chấp, khiếu nại giữa bên giao khoán và bên nhận giao khoán trong thời gian qua ngày càng gia tăng phức tạp, đồng thời gây khó khăn trong việc giải quyết xét xử trong thực tiễn.

Từ những năm 1960, chế định giao khoán đất trong sản xuất nông, lâm nghiệp ở nước ta đã triển khai thí điểm ở một số tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Vĩnh Phúc…, mặc dù thời điểm này chủ trương của Đảng và Nhà nước là sản xuất tập thể. Tuy nhiên, sau đó từ những hiệu quả mang lại từ việc thử nghiệm giao khoán của một số tỉnh phía Bắc, tháng 8/1981 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 100-CT/TW như bước đánh dấu quan trọng trong đổi mới sản xuất nông nghiệp. Thi hành Chỉ thị số 100-CT/TW ngày 13/01/1981 của Ban Bí thư, những năm đầu của thập kỷ 80, có khoảng 90% số hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông lâm nghiệp đã thực hiện khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động đối với cây lúa và dần dần mở rộng đối với các cây trồng khác. Ngày 14/12/1983, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị quyết số 154-HĐBT về việc hoàn chỉnh công tác khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai việc khoán sản phẩm theo Chỉ thị số 100-CT/TW cho thấy còn những điểm chưa phù hợp. Vì vậy, ngày 05/4/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (hay còn gọi là “Khoán 10”). Khoán 10 đã khẳng định hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ, làm thay đổi căn bản nền kinh tế nông nghiệp của cả nước.

1. Các quy định pháp lý liên quan đến hợp đồng giao khoán

Đối với chế định hợp đồng giao khoán lần đầu tiên được quy định tại Nghị định số 01-CP ngày 04/01/1995 của Chính phủ ban hành bản quy định về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong các doanh nghiệp Nhà nước (gọi tắt là Nghị định số 01). Đây là những cơ sở pháp lý đầu tiên để các nông, lâm trường ký các hợp đồng giao khoán quyền sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông lâm nghiệp với các hộ nhận khoán. Sau đó, các hợp đồng giao khoán (thường là hợp đồng mẫu) được các bên ký giao khoán trong thời hạn 50 năm. Ngày 08/11/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2005/NĐ- CP về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh. Nghị định này thay thế Nghị định số 01-CP ngày 04/01/1995 của Chính phủ. Ngày 27/12/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 168/2016/NĐ-CP quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty TNHH một thành viên nông lâm nghiệp nhà nước. Nghị định này thay thế Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ.

Như vậy, thời điểm hiện tại hợp đồng giao khoán đất nông lâm nghiệp được điều chỉnh bởi Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính Phủ quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty TNHH một thành viên nông lâm nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế thời hạn của các hợp đồng giao khoán đã ký theo Nghị định số 01 (50 năm) đến nay vẫn còn thời hạn hợp đồng, đồng nghĩa hợp đồng vẫn còn hiệu lực. Chủ thể hợp đồng là bên giao khoán trước là các Nông lâm trường quốc doanh (doanh nghiệp nhà nước) thì nay hầu hết đã được cổ phần hoá thành các công ty cổ phần hoặc Công ty TNHH MTV, ví dụ như Nông trường chè Tháng 10 (Tuyên Quang) nay là Công ty cổ phần chè Sông Lô; Công ty chè Mỹ Lâm (nay thành Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm); Lâm trường Nguyễn Văn Trồi (nay thành Công ty TNHH MTV Nguyễn Văn Trỗi)… không thể ký hợp đồng mới với bên nhận khoán, có chăng chỉ điều chỉnh phụ lục bổ sung về tên, địa chỉ công ty… cho phù hợp, nghĩa là điều chỉnh về hình thức hợp đồng, còn nội dung không thay đổi. Mặt khác bên nhận khoán do nhận thức hoặc do những bất đồng về quyền lợi với doanh nghiệp mà đa số không ký lại các hợp đồng. Như vậy, các bên vẫn tiếp tục thực hiện thời hạn còn lại của hợp đồng đã ký theo Nghị định số 01 năm 1995. Theo Nghị định số 01 thì quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng giao khoán được quy định như sau:

Đối với bên giao khoán được quy định tại Điều 7:

“1/ Nghĩa vụ của Bên giao khoán:

a. Xác định đúng diện tích, vị trí ranh giới đất khoán trên bản đồ và trên thực địa; giá trị cây trồng, vật nuôi, cây lâm nghiệp, hiện trạng rừng và các công trình trên mặt nước;

b. Thực hiện các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ tiền vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước để tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho Bên nhận khoán chủ động sản xuất;

c. Thực hiện các chính sách về đầu tư, hỗ trợ, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội theo pháp luật quy định;

d. Nếu vi phạm hợp đồng gây thiệt hại cho Bên nhận khoán thì phải bồi thường thiệt hại.

2/ Quyền của Bên giao khoán:

a. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện hợp đồng khoán, bảo đảm thực hiện đúng pháp luật về đất đai;

b. Khi Bên nhận khoán vi phạm hợp đồng thì Bên giao khoán căn cứ vào mức độ vi phạm để quyết định việc bồi thường thiệt hại hoặc huỷ bỏ hợp đồng và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó”.

Đối với bên nhận khoán quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 8:

“Điều 8.- Quyền và nghĩa vụ của Bên nhận khoán:

1/ Quyền của Bên nhận khoán:

a. Chủ động sản xuất trên diện tích đất nhận khoán, được hưởng thành quả lao động và kết quả đầu tư trên đất nhận khoán theo hợp đồng. Được nuôi, trồng xen theo hợp đồng và được hưởng toàn bộ sản phẩm nuôi trồng xen;

b. Được làm lán tạm để bảo vệ sản xuất, cất giữ dụng cụ, vật tư sản xuất; được làm sân phơi, đào giếng nước, xây bể chứa nước, kênh dẫn nước, cống cấp thoát nước, hố ủ phân, chuồng nuôi gia súc, gia cầm theo quy định của Bên giao khoán;

c. Được Bên giao khoán hoàn trả hoặc đền bù tài sản đã đầu tư trên đất nhận khoán trong các trường hợp: Khi chuyển đi nơi khác, chuyển sang làm nghề khác hoặc không còn khả năng lao động; Bên giao khoán thu lại một phần hoặc toàn bộ đất giao khoán để sử dụng vào mục đích khác được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép;

d. Khi Bên giao khoán vi phạm hợp đồng thì Bên nhận khoán được bồi thường thiệt hại hoặc huỷ bỏ hợp đồng tuỳ theo mức độ vi phạm của Bên giao khoán;

đ. Trong trường hợp bị thiên tai, rủi ro được xét miễn, giảm các khoản phải nộp cho Bên giao khoán theo quy định của pháp luật;

e. Khi chủ hộ nhận khoán chết thì người đại diện các thành viên trong hộ được tiếp tục thực hiện hợp đồng khoán cho đến hết thời hạn giao khoán.

Trong trường hợp hộ nhận khoán không còn thành viên nào có khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng khoán thì Bên giao khoán thu lại đất để giao khoán cho người khác, giá trị tài sản đã đầu tư trên đất của chủ hộ nhận khoán đã chết được Bên giao khoán đền bù cho người thừa kế, nếu Bên nhận khoán không có người thừa kế thì các khoản đền bù trên được bổ sung vào quỹ phát triển sản xuất của Bên giao khoán.

2/ Nghĩa vụ của Bên nhận khoán:

a. Nộp cho Bên giao khoán các khoản:

Thuế sử dụng đất của diện tích nhận khoán; giá trị cây trồng, cây lâm nghiệp, vật nuôi và các công trình trực tiếp phục vụ sản xuất trên đất và mặt nước giao khoán do vốn Bên giao khoán đã đầu tư theo hợp đồng; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, theo quỹ phúc lợi, theo quy định của Nhà nước;

b. Thanh toán với Bên giao khoán các khoản vay bằng tiền, vật tư hoặc các khoản dịch vụ ứng trước;

c. Bán sản phẩm sản xuất ra trên đất nhận khoán cho Bên giao khoán theo hợp đồng;

d. Sử dụng đất đúng mục đích, đúng quy hoạch của Bên giao khoán, cải tạo và bồi dưỡng đất, không làm thoái hoá đất;

đ. Chấp hành các quy định phòng, chống sâu bệnh, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, cây lâm nghiệp, phòng, chữa cháy rừng. Bảo vệ nguồn lợi của đất, nước, vật kiến trúc và môi trường sinh thái;

e. Nếu vi phạm hợp đồng gây thiệt hại cho Bên giao khoán thì phải bồi thường thiệt hại;

g. Trả lại đất khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi theo quy định của pháp luật”.

Điều đáng nói các quyền và nghĩa vụ đã quy định trong hợp đồng giao khoán thời điểm này được bên giao khoán soạn thảo trên cơ sở lấy nguyên văn các quyền và nghĩa vụ trong bản quy định về hợp đồng giao khoán tại Nghị định số 01, ngoài ra còn bổ sung thêm một số quyền và nghĩa vụ khác theo hướng có lợi cho bên giao khoán. Thời điểm này do nhận thức của người dân (hộ nhận khoán) nên đều chấp nhận các điều khoản hợp đồng này. Vì vậy, đến nay sau khi cổ phần hoá, các công ty cổ phần vì lợi ích doanh nghiệp, với lý luận kế thừa các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần (Điều 10 Luật Doanh nghiệp), đã yêu cầu bên nhận khoán phải thực hiện đúng các điều khoản đã ký trong hợp đồng. Bên nhận khoán nếu thực hiện theo đúng điều khoản đã ký trong hợp đồng thì không thể thực hiện được (không có lợi ích), từ đó dẫn đến tranh chấp phát sinh liên tục theo chiều hướng ngày càng gia tăng của phía bên giao khoán (công ty tư nhân) với yêu cầu chấm dứt hợp đồng, đòi lại đất giao khoán; và số đơn khiếu nại càng ngày càng nhiều của bên nhận khoán (người dân) với yêu cầu sửa đổi hợp đồng theo hướng thương lượng lại. Từ đó, dẫn đến tranh chấp khiếu nại ngày càng phức tạp mà thời gian qua Toà án nhân dân Tối cao cũng như chính quyền địa phương một số tỉnh phải vào cuộc yêu cầu thống kê phân tích làm rõ số lượng, nguyên nhân phát sinh các loại tranh chấp này.

2. Những bất cập trong hợp đồng giao khoán đã ký theo Nghị định số 01

Thứ nhất, về nghĩa vụ bao tiêu sản phẩm của bên nhận khoán: tại điểm b, khoản 1 Điều 7 bản quy định kèm theo của Nghị định số 01 quy định: “b. Thực hiện các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ tiền vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước để tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho Bên nhận khoán chủ động sản xuất”; và tại điểm c, khoản 2, điều 8 bản quy định kèm theo Nghị định số 01 quy định: “c. Bán sản phẩm sản xuất ra trên đất nhận khoán cho Bên giao khoán theo hợp đồng”. Với nghĩa vụ này bên nhận khoán được quyền tuỳ nghi trong việc thực hiện nghĩa vụ, họ có nghĩa vụ tiêu thụ sản phẩm nhưng tiêu thụ vào thời gian thời điểm nào do không quy định cụ thể nên quyền quyết định sẽ thuộc về bên nhận khoán. Ví dụ tại hợp đồng số 29/HĐK- TP-19 ngày 01/01/2002 giữa Công ty Chè ML với ông Hoàng Quốc T, phần nghĩa vụ của bên A (bên giao khoán) quy định về nội dung này như sau: “1- Nghĩa vụ:….c- Mua toàn bộ sản phẩm chè búp tươi làm ra trên đất giao khoán”1. Với quy định trên nếu thời điểm còn là các nông lâm trường quốc doanh (doanh nghiệp nhà nước) cha chung không ai khóc thì việc mua bán sản phẩm đến thời điểm thu hoạch vẫn có thể thực hiện đúng thời điểm thời kỳ thu hoạch. Nhưng khi cổ phần hoá, để đảm bảo lợi ích doanh nghiệp, khi sản phẩm quá nhiều chưa tiêu thụ được ngay cùng một thời điểm thì doanh nghiệp chưa thu mua ngay (không phải là không thu mua), mà sẽ ấn định thời điểm thu mua vào một thời gian sau- thời gian hợp lý để sản phẩm được tiêu thụ không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Điều đáng chú ý ở đây là khi thu mua không đúng thời điểm thì sản phẩm là chè búp tươi sẽ bị già do quá lứa, và khi đó doanh nghiệp sẽ trừ % sản lượng cẫng già, giảm chất lượng sản phẩm tuỳ theo đánh giá chủ quan của phía doanh nghiệp. Điều đó, đã mặc nhiên ảnh hưởng rất lớn để quyền lợi của hộ nhận khoán mà doanh nghiệp không bị trái nghĩa vụ quy định trong hợp đồng.

Thứ hai, về giá sản phẩm mà bên nhận khoán có nghĩa vụ thu mua: với các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng giao khoán như đã phân tích ở trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy không có quy định giằng buộc nào về giá sản phẩm mà bên nhận khoán có nghĩa vụ mua bán, bao tiêu. Ví dụ tại Hợp đồng số 29/HĐK- TP-19 ngày 01/01/2002 giữa Công ty Chè ML với ông Hoàng Quốc T, phần nghĩa vụ của bên B (bên nhận khoán) quy định về nội dung này như sau: “2. Nghĩa vụ; …d- Bán toàn bộ sản phẩm chè búp tươi làm ra trên đất giao khoán cho bên A”2, nghĩa vụ phải bán toàn bộ sản phẩm làm ra cho bên giao khoán nhưng lại không quy định giá cả mua bán dựa trên căn cứ, tiêu chí nào. Vì vậy, bên giao khoán tuỳ nghi tính toán giá cả mặc dù vẫn có lãi cho bên nhận khoán nhưng ở mức thấp tối thiểu không đảm bảo công sức lao động. Trong khi đó nếu bên nhận khoán không bán sản phẩm cho bên giao khoán mà bán ra ngoài thị trường với giá mua cao hơn thì sẽ vi phạm nghĩa vụ, vi phạm hợp đồng, có thể bị chấm dứt hợp đồng. Vì thế trên thực tế cùng một sản phẩm nhưng giá doanh nghiệp thu mua chênh lệch thấp hơn so với giá thị trường từ  5 đến 10 giá.

Thứ ba, về quy định hướng dẫn kỹ thuật cây trồng trên đất nhận khoán: Đây vừa là nghĩa vụ của bên giao khoán, cũng là quyền của bên nhận khoán. Tại điểm b khoản 1 Điều 7 bản quy định kèm theo của Nghị định số 01 quy định nghĩa vụ của bên giao khoán: “b. Thực hiện các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chế biến…; và tại điểm d, khoản 2, điều 8 bản quy định kèm theo Nghị định số 01 quy định nghĩa vụ của bên nhận khoán: “đ. Chấp hành các quy định phòng, chống sâu bệnh, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, cây lâm nghiệp…”. Để thực hiện các quy định này, nhiều doanh nghiệp đưa vào hợp đồng với các điều khoản về nghĩa vụ của bên nhận khoán như sau: “chịu sự quản lý toàn bộ đất đai, tài sản nhận khoán, quy hoạch sản xuất, quy trình chăm sóc, thu hái sản phẩm…” và quy định về nghĩa vụ của bên giao khoán: “có nghĩa vụ hướng dẫn kỹ thuật, quy hoạch sản xuất”3. Quy định về nghĩa vụ nhưng từ đây bên giao khoán dễ dàng biến thành quyền của doanh nghiệp, bởi lẽ để thực hiện việc quy trình chăm sóc, hướng dẫn kỹ thuật để có sản phẩm an toàn đạt chất lượng, bên giao khoán toàn quyền đưa ra các yêu cầu mang tính chỉ định như sử dụng loại giống nào, loại phân bón, thuốc trừ sâu, vật tư…. theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, thậm chí là vật tư chỉ do doanh nghiệp đó bán với giá cả không có sản phẩm tương tự để so sánh. Khi đó, hộ nhận khoán không thực hiện đúng quy trình, không sử dụng đúng vật tư thì đương nhiên sản phẩm sẽ không đảm bảo chất lượng dẫn đến vi phạm hợp đồng. 

Thứ tư, bất cập quy định của Bộ luật dân sự khi giải quyết các tranh chấp về hợp đồng giao khoán: khoản 2, điều 492 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê khoán: “2. Trường hợp bên thuê khoán vi phạm nghĩa vụ mà việc khai thác đối tượng thuê khoán là nguồn sống duy nhất của bên thuê khoán và việc tiếp tục thuê khoán không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của bên cho thuê khoán thì bên cho thuê khoán không được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng; bên thuê khoán phải cam kết với bên cho thuê khoán không được tiếp tục vi phạm hợp đồng”. Với quy định này thì bên nhận khoán rất có lợi ngay cả khi vi phạm hợp đồng, bởi lẽ nếu đối tượng thuê khoán (theo Nghị định số 01 là quyền sử dụng đất) là nguồn sống duy nhất của bên nhận khoán thì bên giao khoán không được đơn phương chấm dứt hợp đồng ngay cả khi họ vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết cho thấy đại đa số các vụ án tranh chấp hợp đồng giao khoán đã được giải quyết xét xử thì quyết định bác đơn khởi kiện của bên giao khoán (doanh nghiệp) vì lý do đối tượng thuê khoán là nguồn sống duy nhất của bên nhận khoán gần như không thể thực hiện được, tại Toà án nhân dân huyện Y, tỉnh T giai đoạn 2020 – 2025 trong số 105 vụ tranh chấp hợp đồng giao khoán mà người khởi kiện là bên giao khoán (doanh nghiệp) không có vụ việc nào bên nhận khoán được bác đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 2, điều 492 nêu trên4; tương tự tại Toà án nhân dân thành phố T, tỉnh T là 81/81 vụ5; Toà án nhân dân huyện H, tỉnh T là 97/97 vụ6.  Lý do khoản 2 điều 492 Bộ luật dân sự khó áp dụng là: Hợp đồng giao khoán quyền sử dụng đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản theo Nghị định số 01 vốn dĩ là loại hợp đồng rất đặc thù, bên nhận khoán đất dù mục đích để trồng cây ngắn ngày hay dài ngày, nuôi trồng thuỷ sản thì cũng không thể chỉ hàng ngày trông chờ vào thành quả của sản phẩm làm ra từ hợp đồng này để làm nguồn sống duy nhất, nền nông nghiệp Việt Nam bản chất là nông nghiệp kết hợp V- A (vườn – ao) hoặc V-A-C (vườn ao chuồng). Bên nhận khoán luôn phải tận dụng thời gian rảnh dỗi (sau khi trồng cây, thả cá…) để kết hợp các công việc khác như làm thuê thời vụ, chăn nuôi… thu nhập từ những việc làm thêm này đều được coi là nguồn sống của họ nên khi họ vi phạm hợp đồng việc vận dụng khoản 2, điều 492 nêu trên không thể thực hiện được.

3. Kiến nghị hoàn thiện một số quy định liên quan đến hợp đồng giao khoán quyền sử dụng đất theo Nghị định số 01 nhằm hạn chế phát sinh tranh chấp, khiếu nại

Mặc dù, Nghị định số 01 hiện tại không còn hiệu lực thi hành, nhưng khi giải quyết tranh chấp hợp đồng giao khoán quyền sử dụng đất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản mà các bên đã ký theo hợp đồng này thì vẫn phải vận dụng Nghị định số 01 và các quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết. Vì vậy, những phân tích, đánh giá về nội dung pháp lý, hạn chế bất cập và kiến nghị giải pháp trong bài viết này, tác giả tập trung vào các nội dung của chế định thuê khoán quyền sử dụng đất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản theo quy định tại Nghị định số 01 năm 1995 để giảm thiểu các tranh chấp, khiếu nại phát sinh từ các hợp đồng giao khoán thời hạn còn rất dài, ít nhất là 20 năm (Nghị định số 01 năm 1995, hiện tại là năm 2025). Từ những phân tích nêu trên, tác giả kiến nghị một số nội dung sau:

Một là, các cơ quan quản lý nhà nước cần có văn bản hướng dẫn áp dụng đối với các hợp đồng giao khoán đã ký theo Nghị định số 01 hiện đang còn thời hạn thực hiện. Trong đó cần giải thích hướng dẫn về quyền và nghĩa vụ của bên nhận khoán, bên giao khoán đã quy định tại Nghị định số 01. Trong đó các vấn đề nổi cộm dẫn đến tranh chấp đó là quyền/nghĩa vụ việc bán sản phẩm và bao tiêu sản phẩm của các bên theo hướng thời gian bán/thu mua là thời điểm sản phẩm đến thời kỳ thu hoạch theo đánh giá của bên giao khoán, nếu bên giao khoán không kịp thời thu mua thì lỗi thuộc về bên giao khoán; về giá mua bán sản phẩm để tránh việc ép giá bên nhận khoán, cần hướng dẫn theo hướng giá mua bán sản phẩm phải theo giá từng thời điểm (mùa vụ, hoặc năm), trên cơ sở tính toán báo cáo của bên giao khoán, cơ quan quản lý giá của Nhà nước đưa ra mức giá phù hợp theo giá thị trường, với mức giá đó bên nhận khoán có nghĩa vụ bán, bên giao khoán có nghĩa vụ mua, trường hợp bên giao khoán không mua thì bên nhận khoán được quyền tự bán sản phẩm; về các quy định đến hướng dẫn kỹ thuật quy trình chăm sóc cây trồng vật nuôi cần có văn bản hướng dẫn cụ thể theo hướng bên giao khoán có nghĩa vụ/ quyền hướng dẫn bắt buộc bên nhận khoán phải thực hiện theo kỹ thuật, chu kỳ chăm sóc khai thác của bên giao khoán nhưng không bắt buộc bên nhận khoán phải mua vật tư, thiết bị… từ bên giao khoán, thực tế đã có nhiều vụ án tranh chấp phát sinh từ lý do bên giao khoán phải mua vật tư của bên giao khoán với giá quá cao7.      

Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 492 BLDS 2015 về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê khoán theo hướng quy định hiện nay tại khoản 2 Điều 492 chỉ áp dụng đối với trường hợp thuê khoán tài sản không phải là quyền sử dụng đất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản. Cần sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 492 BLDS 2015 như sau: “2. Trường hợp bên thuê khoán vi phạm nghĩa vụ mà việc khai thác đối tượng thuê khoán là tài sản là nguồn sống duy nhất hoặc đối tượng thuê khoán là bất động sản là nguồn sống chủ yếu của bên thuê khoán, và việc tiếp tục thuê khoán không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của bên cho thuê khoán thì bên cho thuê khoán không được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng; bên thuê khoán phải cam kết với bên cho thuê khoán không được tiếp tục vi phạm hợp đồng”. Thực tế thời gian qua đã có nhiều bản án, Toà án không chấp nhận yêu cầu của bên nhận khoán khi đưa ra lý do tài sản thuê khoán là quyền sử dụng đất nông lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản là nguồn sống duy nhất để không chấm dứt hợp đồng khi họ vi phạm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, việc làm của các hộ nhận khoán8.

ThS. NGUYỄN VĂN TOÀN (Phó chánh án TAND huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang)

Tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Dân sự 2015.

2. Nghị định số 01-CP ngày 04/01/1995 của Chính phủ ban hành bản quy định về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trong các doanh nghiệp Nhà nước.

3. Nghị định số 135/2005/NĐ- CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh.

4. Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính Phủ quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước.

5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 01-CP ngày 04/4/1995 và Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005, Hà Nội, 2015.

6. Báo cáo thống kê các vụ án tranh chấp liên quan đến đất nông, lâm nghiệp giai đoạn 2020 - 2025, Toà án nhân dân huyện Y, tỉnh T, 2025.


1 Hợp đồng số 29/HĐK- TP-19 ngày 01/01/2002 giữa Công ty Chè ML với ông Hoàng Quốc T.

2 Hợp đồng số 29/HĐK- TP-19 ngày 01/01/2002 giữa Công ty Chè ML với ông Hoàng Quốc T.

3 Hợp đồng số 20/HĐK- 14 ngày 01/01/1999 giữa Công ty chè SL với ông Bùi Văn H.

4 Báo cáo thống kê các vụ án tranh chấp liên quan đến đất nông, lâm nghiệp giai đoạn 2020- 2025, Toà án nhân dân huyện Y, tỉnh T, 2025.

5 Báo cáo thống kê các vụ án tranh chấp liên quan đến đất nông, lâm nghiệp giai đoạn 2020- 2025, Toà án nhân dân huyện H, tỉnh T, 2025.

6 Báo cáo thống kê các vụ án tranh chấp liên quan đến đất nông, lâm nghiệp giai đoạn 2020- 2025, Toà án nhân dân thành phố T, tỉnh T, 2025.

7 Bản án Dân sự sơ thẩm số 124/2025/DS-ST ngày 24/9/2024 của TAND huyện Y, tỉnh T.

8 Bản án Dân sự sơ thẩm số 127/2025/DS-ST ngày 29/9/2024 của TAND huyện Y, tỉnh T.

Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet.